T6, 11 / 2023 5:07 Chiều | Đức Tin Jesus

Trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam, suốt hai thế kỷ bị bách hại (Tk 17-19), sổ sách đã ghi tên hơn một trăm ngàn người đã chết vì đạo, trong số đó có 58 giám mục và linh mục ngoại quốc, 150 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 1 chủng sinh, 270 nữ tu dòng Mến Thánh Giá và 99.182 giáo dân. Trong tổng số đông đảo này, 117 vị đã được tuyên bố hiển thánh ngày 19.6.1988.

Theo quan điểm Giáo hội Công giáo, tử vì đạo nghĩa là chết vì lý do tín ngưỡng dù bối cảnh dẫn đến án tử thế nào đi nữa. Tử vì đạo là sẵn sàng chịu chết vì đạo chứ không bỏ đạo Công giáo, nhất quyết không bước qua cây thập giá. Bước qua thập giá thì được sống. Không bước qua thì phải chịu tù đày, đòn vọt, mất tất cả và mất cả mạng sống. Có thể nói chính Đức Giêsu là vị tử  đạo đầu tiên. Trong bối cảnh chính trị, tôn giáo tại Do Thái thời đó, Đức Giêsu bị vu oan và bị kết án 2 tội: tội tôn giáo (phạm thượng, vì dám thay đổi Lề Luật Môsê), tội chính trị (âm mưu lật đổ chính quyền Do Thái và đế quốc Rôma), nhưng Đức Giêsu đã tự nguyện dùng cái chết trong bối cảnh đó để biểu lộ niềm tín thác vào Thiên Chúa và tình yêu tha thứ đối với mọi người, nhằm cứu sống loài người nhờ sự Phục Sinh của Ngài. Các vị tử đạo chọn theo Đức Kitô, chẳng những không bước qua thập giá mà còn sẵn sàng từ bỏ mình vác thập giá (x. Bài Tin Mừng: Lc 9,23-26). Các vị tử đạo là những người xác tín lời thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma (x. Rm 8, 31b-39):  “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta…”.

Thánh Nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã viết trong cuốn Tự thuật: “Tình yêu có thể đảm đương được mọi việc; những việc khó khăn nặng nhọc nhất dường như trở nên nhẹ nhàng và êm ái”. Chị Thánh Têrêsa đã muốn chịu mọi đau khổ của các vị tử đạo và còn muốn hơn thế nữa. Cuộc sống của Chị là một cuộc tử đạo liên lỉ, một chùm những hy sinh nho nhỏ. Chị muốn tử vì đạo theo cách mà người khác không biết. Chủ nghĩa anh hùng của Chị đạt đến một tầm cao đến mức hết sức bình thường, không thấy vẻ anh hùng nữa. Bằng châm ngôn sống và bằng gương sáng, Chị đã đào sâu, thúc đẩy và mở rộng ý tưởng về tử đạo, và đã mang lại cho bản thân Chị cũng như cho người khác con đường nên thánh bằng cách quy hướng tất cả về Tình yêu: “Khác xa những tâm hồn cao cả sống đời khổ hạnh từ nhỏ, tôi đã sống khổ hạnh bằng cách không chiều theo ý riêng, không tranh cãi với người khác, giúp đỡ tha nhân bằng những việc nhỏ mọn mà họ không biết…, và trăm ngàn cách tương tự”. Chị Têrêsa tử đạo không phải bằng cách bị chém đầu hay bị ném vào vạc dầu sôi, là cách chỉ dành cho một số ít trường hợp đặc biệt, nhưng bằng những hy sinh trong đời sống hằng ngày. Chị Têrêsa đã làm cho từng ngày trong đời sống có một giá trị mới và một ý nghĩa mới. Thực ra Chúa không cần những hy sinh, nhưng những hy sinh đó được coi như những biểu hiện tình yêu của chúng ta. Nếu yêu Chúa bằng một con tim sốt mến và tận hiến, thì tất cả những việc chúng ta làm hoặc những điều thiếu sót, những gì nói ra hoặc giữ kín đều trở thành những hy sinh nho nhỏ như những bông hoa tỏa hương thơm, nhờ đó chúng ta chiếm được trái tim Chúa. Đó là “Tử Đạo Vì Yêu”.

Máu của các vị tử đạo có giá trị như thế nào mà có thể tăng thêm giá trị cho máu Đức Kitô? Khi cần phải đổ máu, thì máu chúng ta là một dấu hiệu khiêm tốn nói lên tình yêu đối với Thiên Chúa, nhưng chỉ như một dấu hiệu thôi chứ không phải là dấu hiệu duy nhất. Có một dấu hiệu khác là “Tử Đạo Vì Yêu” bao gồm mọi hình thức hy sinh hãm mình và còn có một ý nghĩa mới mẻ. Có nhiều người dám hiến thân vì Công Lý, nhưng ít ai biết hiến thân vì Tình Yêu. Chị Têrêsa không phải là người đầu tiên nghĩ ra cách tử đạo này. Tất cả các thánh ít nhiều đều là những vị tử đạo vì yêu. Nhưng không thể phủ nhận rằng Chị Têrêsa, hay đúng hơn là Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Chị, đã đội triều thiên rạng rỡ cho cách tử đạo này, đã làm cho giáo lý cơ bản này được quan tâm hơn và rõ ràng hơn, mà ngày nay tất cả chúng ta đều có thể áp dụng.

Giám mục Antôn  Vũ Huy Chương