T4, 11 / 2023 9:39 Chiều | Đức Tin Jesus

“Các thầy tự nấu ăn hay có người phụ bếp?”, đây là một trong những câu hỏi được nhiều người quan tâm đặt ra cho chúng tôi. Bối cảnh đời tu ở Việt Nam khá đa dạng khiến người ta không thể có đáp án chung cho mọi trường hợp. Sự đa dạng ấy đến từ linh đạo và cơ chế của mỗi dòng tu, từ văn hóa và vùng miền, hay chí ít từ sự phân biệt về giới. Lẽ thường, việc các nữ tu tự nấu ăn là chuyện dễ hiểu. Các thầy chủng viện được chăm lo chu đáo cũng là chuyện không phải bàn. Nhưng dòng tu nam thì khác. Các thầy đan tu như dòng Biển Đức và Xitô thường tự cung tự cấp các nhu cầu sinh hoạt của mình. Còn dòng Tên, một dòng tu hoạt động vẫn là một ẩn số.

Trước câu hỏi “các thầy có tự nấu ăn?”, câu trả lời không đơn giản là “Có” hoặc “Không”. “Có” thì không hẳn, vì chúng tôi không hoàn toàn tự lo việc nấu nướng. “Không” thì lại sai vì chúng tôi vẫn vào bếp đấy thôi. Có lẽ câu trả lời chừng mực nhất là  “có trong mức độ”. “Trong mức độ” mang nghĩa cân đối giữa việc ưu tiên và ít ưu tiên, giữa điều cốt yếu và điều tùy phụ. Khi sứ mạng học hành và giúp đỡ tha nhân chiếm hầu hết thời gian, chúng tôi cần người giúp đỡ lo lắng việc ăn uống. Còn khi rảnh rỗi hơn, chúng tôi có thể tự lo chuyện bếp núc. Nếu hai bữa chính đã được người nấu bếp chuẩn bị sẵn sàng, thì bữa điểm tâm do anh em tôi sửa soạn. Nếu từ thứ hai đến thứ bảy chúng tôi chỉ việc ngồi vào bàn và ăn, thì mỗi chúa nhật chúng tôi chia phiên nhau vào bếp.

Thực đơn bữa sáng khá đa dạng, mỗi ngày một món. Xôi, cháo, bánh mì, bún mọc, phở Nam Định, hủ tíu Nam Vang… đều là những món quen thuộc. Quen với cái tên và quen vì hương vị. Có thầy ở Kiên Giang nhưng nấu bún bò Huế cực ngon và rất giống vị Huế. Có thầy ở Bình Dương còn nấu rất đạt món phở Hà Nội đến nỗi bề trên dí dỏm lập nên thương hiệu phở cho thầy. Thực đơn ngày Chúa Nhật lại càng phong phú. Bình thường, những anh em trưởng nhóm sẽ lên món, và như thế, sức sáng tạo được đẩy lên tối đa. Đậu phụ chiên, thịt luộc chấm mắm, cá lóc kho tộ… là những món quen tai dễ làm và được hưởng ứng tốt. Ngoài ra, những món lạ như heo giả cầy, gà hấp ngải cứu… được xem là sáng tạo mang tính táo bạo vì độ lạ và cầu kỳ, dù đôi khi khiến người ăn… hơi kén. Thật ra, không phải ai cũng có khả năng làm trưởng bếp. Trong khi chuyên gia thứ thiệt đạo diễn và “thiết kế” món, anh em khác lăn xăn nhặt rau, gọt quả, bóc hành. Ai giỏi hơn thì thái thịt, nấu canh.

Thành thật mà nói, với chuyện bếp núc, chúng tôi thành công cũng lắm mà tai nạn cũng nhiều. Có hôm khi anh em đã yên vị tại bàn thì chuông rung, báo tin cơm… chưa kịp chín. Có ngày 10 tô canh lớn đã múc xong, nhìn vào nồi mới biết còn thừa gần một nửa. Có bữa nồi cháo cá lóc nấu theo phong cách Sài Gòn lại được đổi tên thành cháo Hà Tĩnh vì liên quan đến địa danh “hương khê”! Những lúc như thế, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười trừ. Ừ thì anh em mình nấu, “có phúc cùng hưởng có họa cùng chia” chứ biết làm sao bây giờ!

Ngoài ra, học viện dòng Tên còn sở hữu một vườn rau “đủ xài” do anh em trong nhà chăm sóc. Muống, đay, dền, rau ngót, mồng tơi, xà lách, cải các loại là nông sản thường lúc nào cũng có. Đến mùa chúng tôi còn trồng được đậu rồng, súp lơ, dưa leo, mướp tây, bầu bí… Dầu vậy, việc chúng có ra hoa cho quả hay không thì còn phải đợi!

Chuyện vui bây giờ mới kể, việc bếp núc kể trên là câu trả lời cho khẳng định: “Mấy ông dòng Tên chỉ biết học hành!” Thật ra, lời nhận xét này có phần đúng vì chúng tôi vâng lời cha tổ phụ I-nhã, tập trung vào sứ mạng học tập để chuẩn bị cho sứ mạng tương lai. Đó là việc chính yếu và ưu tiên. Tuy nhiên, hơi oan cho chúng tôi khi cho rằng thầy dòng Tên coi thường các việc khác hay không làm được chuyện gì.

Thật ra, mỗi khi những triết lý cao siêu và tư tưởng thần học phức tạp làm chúng tôi cảm giác mình đang lơ lửng, việc bếp núc góp phần kéo chúng tôi về thực tại, nhận ra đôi chân hãy còn chạm đất!

Cha giáo tập thường nhắc nhở, học hành tri thức là để diễn tả kinh nghiệm thiêng liêng. Trong tập Linh Thao, cha thánh I-nhã cũng dặn dò thao viên, để linh hồn được no nê thỏa mãn, điều quan trọng không phải hiểu biết nhiều mà là cảm nếm nhiều (x. Linh Thao, số 2). Những lời ấy nhắc nhở chúng tôi ngoài việc học cần biết diễn tả kinh nghiệm nội tâm và tìm cảm nếm, và việc bếp núc hàng tuần thật là một cơ hội để chúng tôi thực hiện điều đó.

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.