T6, 11 / 2023 5:09 Chiều | Đức Tin Jesus

Ngày xưa Thiên Chúa đã đặt nguyên tổ chúng ta trong vườn địa đàng, để “canh tác và giữ vườn”. Ngày nay Thiên Chúa cũng đặt chúng ta trong vườn nho Giáo hội để chúng ta canh tác và nộp hoa lợi. Đó là ý nghĩa của “Bài ca Vườn nho” trong Bài đọc I (x. Is 5,1-7) mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn gợi lên cho chúng ta. “Vườn nho” ở đây tượng trưng cho dân Ítraen đã được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc rất ân cần chu đáo. Ngài chỉ mong nó sinh ra những trái nho ngon ngọt, nhưng dân Ítraen vẫn bạc tình bạc nghĩa, như một vườn nho chỉ sinh trái dại.

Đáp lại Lời Chúa trong Bài đọc I, Thánh Vịnh 79 là một lời nguyện sám hối, tác giả biết tội mình là một vườn nho không sinh trái tốt, đáng bị quân thù giày xéo, nhưng đã kêu xin lòng thương xót Chúa, xin Ngài bảo vệ vườn nho yêu quý của Ngài. Lời cầu xin ấy đã được nhận lời: Thiên Chúa sai Con Ngài là Đức Giêsu đến để phục hồi vườn nho ấy. Đó là ý nghĩa Bài Tin Mừng (x. Mt 21,33-34): Vườn nho mà Đức Giêsu tái lập là Nước Trời. Những thợ làm vườn nho ban đầu là dân Do Thái, đáng lẽ phải biết ơn Chúa và phải đáp lại bằng một cuộc sống tốt, như một phần hoa lợi nộp cho Thiên Chúa là chủ vườn nho, nhưng chẳng những họ không làm thế, mà còn giết các sứ giả của Thiên Chúa, cuối cùng giết luôn Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa quyết định trao Nước Trời cho một dân mới là Giáo hội.

Trong Bài đọc II (x. Pl 4,6-9), thánh Phaolô dạy tín hữu Philipphê bí quyết sống tốt để được bình an, đó là: Cứ theo lương tâm mà sống chân thật, trong sạch, công chính, thánh thiện….; Đừng lo lắng gì, khi cầu nguyện hãy trình bày hết cho Chúa; Thực hành những gì Phaolô dạy, làm theo gương Phaolô. Trong Bài Ca Đức Ái (x. 1 Cr 12,31-13,13), thánh Phaolô khẳng định rằng chính lòng yêu mến và cường độ yêu mến trao ban giá trị cho mọi lời nói và việc làm của tín hữu. Cả ba nhân đức đối thần (Tin, Cậy, Mến) đều cần thiết cho ơn cứu rỗi của con người, nhưng đức Mến cao trọng nhất, vì nó định đoạt cho cuộc sống đời sau, và tồn tại vĩnh cửu sau cuộc sống trần thế biết yêu thương như Thiên Chúa Tình Yêu.

Ông John Wu (1899-1986), người Trung Hoa, một nhà luật học quốc tế danh tiếng, một nhà nhân bản học đặc sắc, một người đã kết hợp hài hòa những nét tuyệt hảo của nền văn hóa Đông – Tây, một người đã sống đạo Công giáo cách toàn vẹn, đã viết: “Trọn đời tôi, tôi đã đi tìm một người mẹ và tôi đã tìm thấy người mẹ ấy trong Hội Thánh Công giáo. Hơn thế nữa, tôi đã tìm thấy một món quà tuyệt hảo mà người mẹ ấy ban tặng, đó là Tình Yêu”. Cơ hội để ông gia nhập đạo Công giáo là dịp ông trú ẩn tại một gia đình Công giáo nhiệt thành, nhất là sau khi đọc truyện thánh Têrêsa thành Lisieux. Ông tự nhủ: “Nếu Thánh Nữ này là một người tiêu biểu của đạo Công giáo thì không một lý do nào khiến tôi không theo đạo Công giáo”. Có thể nói rằng thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã mang lại cho ông chìa khóa dẫn đến những kho tàng ẩn giấu của một đức tin không còn nghi ngờ gì nữa, đã đưa ông vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa như trong vòng tay của một người mẹ. Ông nhận định rằng: “Thiết tưởng tất cả sự hỗn độn của nền văn minh vật chất hiện nay là do tình yêu khoa học quá nhiều mà lại quá ít khoa học tình yêu”. Vì thế cần phải “Học Yêu”. Thánh nữ Têrêsa đã viết cho chị ruột của mình như sau: “Tình yêu có thể đảm đương được mọi việc; những việc khó khăn nặng nhọc nhất dường như trở nên nhẹ nhàng và êm ái. Chúa không xét việc ta làm lớn hay nhỏ, khó hay dễ, mà chỉ xét ta yêu nhiều hay ít khi làm thôi. Vậy thì chúng ta phải sợ điều gì?”.

Tóm lại, chúng ta có thể làm gì trong vườn nho của Chúa là Hội Thánh? Thánh nữ Têrêsa đã được Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tuyên bố là Tiến sĩ Hội Thánh cho thời đại chúng ta. Thánh nữ viết:“Con hiểu rằng Hội Thánh có một trái tim và trái tim ấy cháy lửa yêu mến. Con hiểu rằng chỉ lòng yêu mến mới làm cho những chi thể ấy hoạt động… Vâng, con đã tìm được chỗ của mình trong lòng Hội Thánh: giữa lòng Hội Thánh là mẹ con, con sẽ là tình yêu”. 

 

Giám mục Antôn Vũ Huy Chương