T6, 11 / 2023 5:07 Chiều | Đức Tin Jesus

Hội Thánh dành Chúa nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Vua.

Ở Việt Nam thời xưa cũng như ở Do Thái thời quân chủ, vua là tước hiệu dành cho người ở vị trí cao nhất và nắm quyền lực lớn nhất trong một đất nước. Tuy nhiên về mặt đạo đức thì không phải ông vua nào cũng là người gương mẫu, nếu không nói là càng làm lớn lại càng có nguy cơ “làm bậy”. Đọc lại Kinh Thánh thì thấy ông vua được coi là lý tưởng nhất đến độ người ta gọi là thánh vương là vua Đavít, thế mà cuộc đời của Đavít không thiếu gì tội lỗi, mà lại là những tội lớn. Là vua, nhưng vì ham mê sắc dục, Đavít đã cướp vợ của một viên tướng đang hết lòng phục vụ đất nước ở ngoài mặt trận để gìn giữ sự bình an cho quê hương, rồi để che giấu tội của mình, Đavít đã giết luôn ông ta. Đến thời Chúa Giêsu, lại có Hêrôđê đại đế xua quân đến vùng Bêlem giết bao trẻ thơ từ hai tuổi trở xuống. Con của Hêrôđê đại đế là Hêrôđê Antipas, vì cũng ham mê sắc dục, đã cướp vợ của anh mình. Thánh Gioan Tẩy giả lên tiếng can ngăn thì bị ông ta nhốt tù và chém đầu.

Chúa Cứu Thế là Vua - Lễ Chúa Kitô Vua - Năm C | Tổng Giáo Phận Hà Nội

Khi tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Vua, mà chúng ta lại giữ trong đầu những hình ảnh các ông vua như thế thì nguy hiểm quá! Vì thế khi tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Vua, cần phải nghe lại Lời Chúa cụ thể qua các bài Kinh Thánh trong Chúa nhật này, để xem Kinh Thánh diễn tả như thế nào về Chúa Giêsu Kitô là Vua.

Dựa vào các bài Kinh Thánh, tôi xin gợi ý 3 điều:

Thứ nhất, Chúa Kitô là Vua của toàn thể vũ trụ. Anh chị em nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn về ngày phán xét chung và Ngài bắt đầu dụ ngôn đó như sau: “Khi con người ngự đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người…”. Chúng ta lưu ý đến từng câu: 

– “Người ngự đến trong vinh quang của Người”, đây là một từ trong Kinh Thánh nói về Thiên Chúa;

“Tất cả các thiên sứ theo hầu”, thiên sứ chứ không phải là nhân vật này nhân vật nọ; 

– “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người”, các dân chứ không phải chỉ một dân.

Tất cả những chi tiết đó muốn nói với chúng ta về Chúa Giêsu Kitô là Vua của toàn thể vũ trụ, chứ không phải ông vua của một đất nước, cho dù đất nước đó là một cường quốc hùng mạnh đến đâu đi nữa. Vương quyền của Chúa là vương quyền vĩnh cửu, chứ không phải làm vua một nhiệm kỳ, và bao gồm toàn thể vũ trụ.

Thứ hai, Chúa Giêsu Kitô là Vua, nhưng vị vua đó đồng thời là Mục tử giàu lòng thương xót. Trong bài đọc thứ nhất, Chúa nói qua tiên tri Isaia: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào đi lạc, Ta sẽ tìm, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó. Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, khỏe mạnh, Ta sẽ canh giữ, Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”. Thiên Chúa là Mục tử giàu lòng thương xót, quan tâm đến đàn chiên của mình, đến từng con chiên trong đàn. Tiếp đó, trong dụ ngôn về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu đã nói về vị Vua: “Vị Vua đó sẽ phán với người ta thế này: Mỗi khi các ngươi làm điều tốt cho một người bé mọn nhất của Ta đây là làm cho chính Ta”. Nghĩa là Ngài tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ nhất, những người đáng thương nhất, những người phải chịu thiệt thòi nhất. Vì thế đừng chỉ nghĩ đến Chúa Giêsu Kitô là Vua theo nghĩa trần thế ở đỉnh cao quyền lực, giàu sang, xa cách người dân, mà trái lại, Chúa Kitô Vua là Mục tử giàu lòng thương xót.

Thứ ba, Chúa Kitô Vua cũng là thẩm phán chí công. Không có đất nước nào trên thế giới mà không có một hệ thống pháp lý và tòa án để xét xử cho công bằng, để không ai bị thiệt thòi. Thế nhưng, dù có cố gắng đến mấy đi nữa cũng không thể bảo đảm được. Luôn luôn có sự bất công trong mọi xã hội, trong mọi quốc gia. Chỉ có Chúa Giêsu là Vua của toàn thể vũ trụ mới là vị thẩm phán chí công, và vào ngày sau hết, Ngài sẽ trả lại cho từng người xứng đáng với những gì mà họ đã sống và đã làm. Lúc đó, Ngài sẽ nói với những người đạo đức tốt lành thực sự lời đầy an ủi như thế này: “Hỡi những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc mà Cha đã dọn cho các ngươi từ thuở đời đời”. Còn những người độc ác sẽ phải nhận điều xứng đáng với hành động của họ.

Cho nên Chúa Kitô Vua vừa là Mục tử giàu lòng thương xót, nhưng đồng thời Ngài cũng là thẩm phán chí công. Vậy thì, nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu, đi theo Chúa Giêsu, thì phải sống thế nào để đến ngày sau hết, Chúa sẽ dựa vào để xét xử chúng ta? Câu trả lời rất rõ ở trong dụ ngôn ngày phán xét chung mà thánh Gioan Thánh Giá đã tóm tắt bằng một câu nổi tiếng, đó là: “Khi kết thúc cuộc đời, Chúa sẽ xét xử chúng ta về tình yêu”. Tình yêu này không phải là thứ tình yêu trừu tượng, mà là một thứ tình yêu cụ thể: “Ta đói, các ngươi cho ăn. Ta khát, các ngươi cho uống. Ta rách rưới, các ngươi cho áo mặc”. Một tình yêu cụ thể qua những việc mà anh chị em vẫn đọc trước khi dâng thánh lễ Chúa nhật: Thương xác bảy mối, Thương linh hồn bảy mối.

Xin Chúa giúp chúng ta biết sống tình yêu thương cụ thể trong cuộc sống hằng ngày ở gia đình, trong khu xóm, cũng như với mọi người mà chúng ta gặp gỡ trong công việc, trong đời sống hằng ngày. Đó là cách tốt nhất để trong ngày sau hết, chúng ta có thể được nghe những lời đầy an ủi: “Con là kẻ được Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc mà Cha ta đã dành cho con từ thuở đời đời”.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm