T6, 11 / 2023 5:09 Chiều | Đức Tin Jesus

 

(Chúa nhật XXVII TN – năm A – Mt 21,33-43)

“Ông sẽ tru diệt bọn chúng” (Mt 21,41)

 

Hình phạt Thiên Chúa chí công, hợp lý và tự chế, nhưng cũng thật khủng khiếp đối với người bất chính. Hiện tại, cơn thịnh nộ của Thiên Chúa thể hiện nhằm cho các tội nhân hối cải, nhưng vào ngày phán xét cuối cùng, cơ may không còn nữa.

Bản chất của cơn thịnh nộ của Thiên Chúa:

– Thật đáng sợ: “ Người thịnh nộ, nào ai đứng nổi? Người nổi cơn lôi đình, ai đứng vững được chăng? …” (Nk 1,5; x. Gs 7,26; Ed 38,18)

– Bừng bừng, nhưng vắn vỏi: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi… lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảng mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót” (Is 54,7-8; x. Xh 34,6; Nkm 9,11-18).

– Cơn thịnh nộ gắn liền với sự chính trực và lòng Chúa xót thương: “Thiên Chúa là thẩm phán công minh” (Tv 7,12). Nhưng chúng ta vẫn có thể tin tưởng cầu xin: “Lạy Đức Chúa, con đã nghe truyền tụng về Ngài… Trong cơn thịnh nộ, xin Ngài nhớ xót thương” (Kb 3,21).

– Chúa thịnh nộ để hoàn thành các mục tiêu của Ngài: “Cơn lôi đình của Chúa sẽ không nguôi cho đến khi Người thực hiện và hoàn tất mọi điều lòng Người đã quyết định” (Gr 23,20; x. Gr 30,24).

Những nguyên cớ khiến Thiên Chúa thịnh nộ:

– Sự sùng bái ngẫu tượng và bất tín: “Israel bán mình cho… và Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với họ” (Ds 25,3; x. Xh 32,8-10; Đnl 8,19; Tl 2,10-14; 1V 14,9; 16,32-33; 22,53; 2V 23,19; 2Sb 28,25; 34,25; Gr 8,19; 32,29 44,3). “Kẻ nào không tin vào Người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3,36; x. Rm 1,18-23 2,8).

– Sống vô đạo. Thiên Chúa thịnh nộ với kẻ sống vô đạo vì cách sống này chống lại tính chất và những mục tiêu chính trực của Thiên Chúa (x. 2Tm 3,1-9; Gđa 14-16)

– Kiêu căng ngạo mạn và giả hình (x. Mt 23,27-28; 2Sb 32,35; Cn 3,34; 8,13; Is 13,11; Hs 12,14; Ml 4,1)

– Than phiền, chống lại ý định của Thiên Chúa: “Dân bắt đầu kêu ca thấu tai Đức Chúa vì những khổ cực của họ, và Đức Chúa đã nghe được cơn thịnh nộ của Người bừng lên …” (Ds 11,1; x. Ds 14,27; 21,5).

– Bất công: “Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Hãy xét xử thật công minh … thế nhưng chúng chẳng thèm lưu ý… Đức Chúa các đạo binh đã giáng xuống cơn thịnh nộ lớn lao” (Dcr 7,9-12; x. Sb 19,7; Gr 22,13; Ed 9,9; Ml 3,5; Mt 23,23).

– Việc khước từ các tôi tớ của Thiên Chúa, như dụ ngôn những tá điền sát nhân cho thấy kết cuộc thảm hại thế nào (x. Mt 21,33-41 // Mc 12,1-12 // Lc 20,9-19) (x. thêm: Dt 10,29-31; Đnl 32,35-36; Tv 135,14; Nkm 9,26; Dcr 7,12; Cv 7,35-37).

Thiên Chúa tỏ cơn thịnh nộ:

– Trong thời hiện tại: “Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý” (Rm 1,18; x Gr 10,10).

– Trong tương lai, vào ngày thịnh nộ: “Thế nhưng bạn lòng chai dạ đá không chịu hối cải, và như vậy bạn càng làm cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa chồng chất trên đầu bạn, trong ngày Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ và biểu lộ phán quyết công minh” (Rm 2,5; x. Is 13,9-13; Ed 7,19; Xp 1,15.18 2,2).

Những hậu quả do cơn thịnh nộ của Thiên Chúa:

– Thiên Chúa để cho những người khước từ sự công chính ở lại trong tội lỗi của họ (Rm 1,18-32; 1V 14,16; 2Sb 12,5; Nkm 9,28; Is 54,7-8; Gr 7,27-29; 12,7-8).

– Dân phản loạn sẽ phải trải qua hình phạt như ông Môsê cảnh báo: “chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong” (Dnl 8,19; x. Is 59,18; Gr 21,1; Mt 18,34-35; 25,28-30). Hình phạt phải chết (x. Xh 12,12; Ds 32,13; Gs 7,25-26; Is 13,9-13; Đn 5,36; Cv 5,5.10). Hình phạt lưu đày (x. 1V 14,15; Gr 15,13-14; 25,7-11). Dân Israel bị hủy diệt (Ac 2,1-9; Ed 38,19-21)

– Người ta kính sợ Thiên Chúa vì sự thánh thiện và cao cả của Người được tỏ lộ: “Từ phương tây, người ta sẽ kính sợ vinh quang Người” (Is 59,18-19; Ed 38,22-23)

– Cuối cùng Thiên Chúa sẽ thanh tẩy và phục hưng dân Người để phục vụ: “Ta sẽ làm cho ngươi nên thành đồng kiên cố đối với dân này. Chúng có chống lại ngươi cũng chẳng làm chi được, vì Ta ở với ngươi để cứu sống và giải thoát ngươi …” (Gr 15,19-21; x. Ml 3,2-4).

 

LM. PHAOLO PHẠM QUỐC TÚY – GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG