T6, 11 / 2023 5:07 Chiều | Đức Tin Jesus

Chúng ta đã bước vào tháng Mười Một là tháng cuối cùng của Năm Phụng vụ, và cứ đến tháng Mười Một, người ta lại chứng kiến hình ảnh rất đạo đức: anh chị em tín hữu Công giáo đi ra các nghĩa trang thắp một nén hương, cắm một cành hoa, đọc một câu kinh cho những người đã qua đời. Khi những người còn sống cầu nguyện cho những người đã chết, thì đồng thời những người đã chết lại nhắn nhủ những người còn sống về mục đích cuối cùng của đời người. Do đó, bầu khí phụng vụ của tháng Mười Một là thời gian nhắc nhớ thường xuyên về “những sự cuối cùng” của cuộc sống làm người, mà ngôn ngữ chuyên môn gọi là “cánh chung”.

Cầu nguyện cho các Linh Hồn - Dòng Tên-Dòng Chúa Giêsu

Có một điều lạ là khi nói đến cái cuối cùng của cuộc sống con người, cũng như của thế giới, người ta thường nhìn bằng một cặp mắt bi quan: cái chết, một đám tang, ngày tận thế, một tai họa khủng khiếp. Đang khi đó, Chúa Giêsu xem ra lại không nhìn một cách bi quan như thế, mà Ngài nhìn rất lạc quan. Bằng chứng là Chúa Giêsu đã không lấy hình ảnh của một đám ma để diễn tả về ngày cuối cùng, nhưng lại lấy hình ảnh một đám cưới.

Đám cưới, cho dù ở Trung Đông hay Việt Nam, luôn luôn là một cơ hội để gặp gỡ, hát ca, múa nhảy, chúc tụng… Nói vắn tắt, đó là dịp của niềm vui chứ không phải của nỗi buồn. Điều lạ là ở chỗ đấy! Ngay cả đến luyện ngục, chúng ta vẫn gọi là Giáo hội đau khổ. Thế nhưng, bà thánh Catherine de Gênes, được Chúa cho có một thị kiến nhìn thấy luyện ngục, đã diễn tả luyện ngục như là nơi chốn của niềm vui. Tại sao vậy? Là bởi vì các linh hồn trong luyện ngục là những linh hồn chắc chắn rằng mình sẽ được cứu độ, chắc chắn rằng mình sẽ được hiệp thông trọn vẹn với Chúa. Cho nên các ngài vui lắm! Và chính trong niềm vui ấy mà các ngài chấp nhận khổ đau, theo nghĩa là tự thanh luyện bản thân để xứng với tình yêu của Thiên Chúa. Cũng giống như nỗi đau của một người được yêu đang cố gắng thanh luyện chính mình để xứng đáng với tình yêu của anh ấy, của cô ấy; cũng giống như một người cha, người mẹ yêu con, và vì tình yêu ấy mà chấp nhận cái gian khổ để xây dựng hạnh phúc cho con. Những khổ đau của niềm vui, chứ không phải khổ đau của thất vọng.

Vấn đề là làm sao để niềm vui trở thành trọn vẹn? Đặt vấn đề này là bởi vì trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay đã có những niềm vui không trọn vẹn. Chúng ta phải trở về khung cảnh đám cưới ở Palestine, quê hương Chúa Giêsu ngày xưa, các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng ngày hôm nay người ta vẫn bắt gặp những hình ảnh đám cưới như thế bên Ả Rập. Ở quê hương Chúa Giêsu thời đó người ta tổ chức đám cưới như thế nào? Bên nhà gái suốt ngày ăn mừng, múa nhảy hát ca, trò chuyện. Trong cuộc ăn mừng ấy, thỉnh thoảng người ta loan báo rằng chú rể sẽ đến vào giờ này, giờ kia để cho mọi người đợi chờ. Mãi cho tới khi đêm về, chú rể được một số bạn bè, mà ngày hôm nay gọi là phù rể, hộ tống đi sang nhà gái, đón cô dâu. Cô dâu được các cô phù dâu hộ tống, và bắt đầu từ nhà gái người ta tiến hành một cuộc rước rất long trọng đi về nhà trai. Vì là cuộc rước giữa đêm khuya, nên các cô phù dâu có trách nhiệm phải cầm đèn, đúng hơn là họ cầm những bó đuốc. Bó đuốc có quấn vải ở đầu rồi người ta nhúng vào dầu ôliu để thắp sáng. Cuộc rước tiến hành giữa đêm khuya dưới ánh đuốc bập bùng trên những con đường làng ngoằn ngoèo, hoặc là trên những bờ đê dọc dòng sông. Rất là thơ mộng. Cứ như vậy cho đến nhà trai. Vì cuộc rước dài lắm, mà chú rể lại có thể đến chậm vì đường xa, cho nên đòi phải có nhiều dầu. Thế thì tại sao lại có những niềm vui không trọn vẹn? Có 10 cô phù dâu, trong đó có 5 cô được gọi là khôn ngoan, và 5 cô được gọi là khờ dại. Khờ dại ở chỗ nào? Tất cả họ đều đẹp, tất cả họ đều mang đèn, mang bó đuốc sẵn. Có một chi tiết nữa, đó là cả 10 cô đều mệt quá vì đợi mãi không thấy chú rể tới, nên đã thiếp đi và ngủ. Họ khác nhau ở điều này, đó là những cô được gọi là khôn ngoan thì họ chuẩn bị dầu sẵn; còn những cô khờ dại thì thiếu dầu. Các cô vay dầu không được. Chúng ta có thể nghĩ là họ ích kỷ. Không phải! Con đường xa như vậy, nếu cho vay dầu thì không chừng đến nửa đoạn đường thì các bó đuốc tắt ngấm hết. Thà là có 5 bó đuốc thắp sáng đi hết đoạn đường thì hay hơn. Họ không ích kỷ! Khác nhau chỉ ở chỗ: biết chuẩn bị cho đường xa. Sở dĩ có sự chuẩn bị như vậy là vì tùy thuộc vào mục đích mà người ta xác định.

Những người được gọi là khôn ngoan thường xác định mục đích rõ ràng là tiệc cưới, và đồng thời ước lượng tất cả những khó khăn, bất trắc có thể xảy ra, nên chuẩn bị hành trang đầy đủ và kỹ lưỡng. Những cô bị gọi là khờ dại cũng xác định mục đích là đám cưới, nhưng có lẽ hơi mơ hồ, hoặc có khi lại bận tâm đến những điều khác như trang phục, ca hát, múa nhảy cho vui, mà cái chính yếu nhất thì lại quên. Chính vì vậy mà bài đọc thứ nhất hôm nay nói đến sự khôn ngoan. Người khôn ngoan là người biết xác định mục đích xa nhất của cuộc sống đời người và biết chuẩn bị từ hôm nay. Và chúng ta cũng được mời gọi để niềm vui gặp Chúa nơi mỗi người trở thành một niềm vui trọn vẹn, chứ không phải là một niềm vui bị tắc nghẽn. Có nghĩa là ta được nhắc nhớ để xác định lại mục đích cuối cùng của cuộc sống.

Nhiều nơi trên thế giới có những nghĩa trang ở ngay giữa lòng thành phố và người ta chăm sóc nghĩa trang đó, biến nó thành những công viên, người ra kẻ vào thường xuyên. Sự hiện diện của những người đã khuất giữa lòng một thành phố sinh động là sự hiện diện của một tiếng gọi về ý nghĩa và mục đích cuộc sống làm người. Những người nằm đó như thể nhắn nhủ từng người đi qua rằng “sớm hay muộn rồi cũng mời các bạn vào đây thôi…”. Lại không phải là sự nhắc nhở cần thiết và đáng quý sao?

Chúng ta được mời gọi để xác định lại mục đích cuối cùng của cuộc sống làm người. Và khi xác định mục đích của cuộc sống thì phải chuẩn bị hành trang từ xa, đầy đủ. Có lẽ mọi người cũng đều xác định, nhưng có khi hơi mơ hồ, và vì mơ hồ nên chưa đủ sức thuyết phục. Vì thế trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người sẽ lao vào mục đích trước mắt mà quên mất mục đích cuối cùng, để rồi một ngày nào đó, lời của Chúa Giêsu vang bên tai thì quá muộn: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì”. Lời lãi cả thế gian mà chính sự sống của mình đánh mất thì được ích chi?

Trong bầu khí phụng vụ của tháng cuối cùng trong Năm Phụng vụ, chúng ta được mời gọi để xác định lại mục đích cuối cùng của đời người, và biết chuẩn bị ngay từ hiện tại. Xác định mục đích không có nghĩa là anh chị em và tôi bỏ tất cả những mục đích khác trong đời sống, nhưng là để mục đích cuối cùng của cuộc sống bao trùm tất cả cuộc đời, ban tặng cho những hoạt động và mục đích nhỏ bé khác một ý nghĩa mới. Cũng giống như một gia đình xác định mục đích tối hậu là hạnh phúc của gia đình, và tất cả những chuyện khác: kinh tế, tiền bạc, công việc, sắc đẹp, địa vị… phải phục vụ cho mục đích tối hậu là hạnh phúc của gia đình. Chính hạnh phúc lớn lao của toàn gia đình ban tặng ý nghĩa cho từng hành động, cho từng chọn lựa trong cuộc sống hằng ngày của mỗi thành viên gia đình. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi xác định mục đích lớn nhất, và chính mục đích ấy bạn tặng ý nghĩa cho cuộc sống hằng ngày của mình.

Khi cầu nguyện cho những người thân yêu qua đời, cũng là lúc những người thân yêu nhắc nhớ mỗi chúng ta về những bước đi trong cuộc sống hôm nay, để cuộc sống hôm nay trở thành những bước đi trong hành trình đưa đến niềm vui vĩnh cửu.

Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm