T4, 01 / 2018 10:13 Sáng | Đức Tin Jesus

Lịch sử và ý nghĩa cuả nghi lễ Rửa Chân – Những năm vừa qua, nhiều người đã bỡ ngỡ khi nhìn thấy ĐGH rửa chân cho tù nhân, cho phụ nữ và cho cả những người ngoại đạo nữa (một cô gái Hồi Giáo). Thế rồi năm nay một sắc lệnh đã ban ra là từ nay các giáo xứ có thể rưả chân cho phụ nữ, trẻ em vv…

Có ngươì đã than phiền rằng ĐGH đi quá đà, quá ‘cấp tiến’!

Căn cứ vào bài phúc âm được đọc trước nghi thức Rửa Chân, kể lại việc Chuá Giêsu rửa chân cho 12 môn đệ, thì rõ ràng là cha xứ, đại diện cho Chuá Giêsu, rửa chân cho 12 chức sắc quan trọng cuả giáo xứ, là đại diện cho 12 môn đệ!

Lịch sử và ý nghĩa cuả nghi lễ Rửa Chân

Các môn đệ đều là đàn ông, cho nên một phụ nữ lạc lõng vào danh sách 12 vị này, thì khó coi làm sao!

Thực ra những than phiền đó, dù là được nói ra hay chỉ là thầm kín ở trong lòng, thì cũng chỉ là do ngộ nhận mà thôi, và có thể được giải toả nếu nhìn đến hai khía cạnh sau đây: ý nghĩa và lịch sử cuả nghi lễ Rưả Chân.

I- ý nghĩa.

Xã hội Việt Nam không có tục lệ rửa chân, và hầu như mọi người ngày nay không có ai còn nhớ về những lễ nghi trước năm 1955, là trong một thời gian dài khoảng 400 năm, nghi lể rửa chân đã bị tàn lụi. Năm 1955 Giáo Hội tái lập lại ‘nghi thức Rửa Chân’ với một hình thức là sau khi đọc bài Phúc âm cuả thánh Gioan (John 13:1-7 ), vị thày cả cửi áo choàng và rửa chân cho 12 người.

Cho nên chúng ta hiểu về nghi lễ rửa chân qua bài Phúc âm mà Chuá rửa chân cho 12 môn đệ, do đó dễ dàng nghĩ rằng nghi lễ mà các cha xứ cử hành là việc diễn lại sự tích rửa chân cuả Chuá.

Nhưng nghi lễ rửa chân không phải là việc ‘diễn lại một sự tích’!

rua chan

Chúng ta đều biết rằng trước giờ chiụ nạn, Chuá đã để lại cho các môn đệ 2 lệnh truyền. Lệnh truyền thứ hai nhưng lại cao trọng nhất là bí tích Thánh Thể “Này là Mình Ta…Này là Máu ta… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”.

Nhưng trước đó Chuá đã ban cho một lệnh truyền khác, đó là sau khi rửa chân cho các môn đệ xong, Chuá nói “Các ngươi có hiểu ta đã làm gì cho các ngươi không?… Vậy nếu Ta là Thầy, là Chuá, mà đã rửa chân cho các ngươi, thì các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau…”

Chuá nói “các ngươi cũng phải rửa chân cho nhau” chứ không nói “hãy diễn lại sự tích này” hay là hãy “thay mặt Ta mà làm việc này”.

Cho nên khi một vị linh mục rửa chân cho giáo dân, là chính vị linh mục đó thực hiện nghĩa cử bác ái yêu thương và nhân đức khiêm nhường, chứ không phải chỉ tạm thời đóng vai cuả Chuá qua một nghi lễ.

Nghĩ thấu đáo về ‘lệnh truyền’ ấy, thì mọi giáo dân cũng phải rửa chân cho nhau nữa. Có một số giáo phái Tin Lành đã làm như vậy.

Do đó ‘nghi lễ rửa chân’ không chỉ là rửa chân theo vẻ bề ngoài mà phải là ‘thi hành lệnh truyền cuả Chuá về đức bác ái, thương yêu và khiêm nhường’. Mà thực thế, sách Phụng Vụ cuả Giáo Hội không gọi nghi lễ này là ‘Rửa Chân’ như người Việt Nam ta, mà goị là ‘Mandatum,’ nghĩa là ‘thực hành điều Chuá ra lệnh’.

Nhưng để cho dễ hiểu, chúng tôi vẫn xin dùng từ ngữ quen thuộc là ‘Rửa Chân’ nhưng xin được hiểu hai chữ đó là ‘việc thực hành lệnh truyền cuả Chuá’ (Mandatum).

rua chan

II lịch sử cuả Rửa Chân.

Có nhiều bằng chứng ghi chép về sự thực hành này ngay từ thuở sơ khai cuả lịch sử Giáo Hội, có bằng chứng là rõ ràng vì được ghi chép là ‘rửa chân’ nhưng cũng có những bằng chứng thuộc loại ‘giá n tiếp’, nghĩa là chúng ta phải giả sử là đúng vì không có cách giải thích nào khác hơn.

-Bằng chứng đầu tiên là trong Thư Thứ Nhất gửi cho Timothê, thánh Phao lô đề cập đến việc ‘rửa chân cho các thánh’ (ghi chú: Thánh Phaolô gọi các giáo hữu là thánh) khi giảng dậy về các nhân đức cuả các bà goá (cf. 1 Tim. 5:10). Chúng ta có thể kết luận rằng việc rửa chân đã được thực hiện như là một nhân đức, nhưng chưa phải là một nghi lễ, do đó không có ghi chép về nghi thức một cách rành mạch rõ ràng.

-Khoảng năm 381-384, một khách hành hương đến Jerusalem tên là Egeria đã ghi chép một ngày lễ đặc biệt tưởng niệm Bữa Tiệc Ly cuả Cộng đoàn Kitô hữu ở đây. Egeria cho biết việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly được tổ chức tới 3 lần trong một ngày, lần thứ nhất vào buổi sáng, lần thứ hai lúc 4g chiều, và lần thứ 3 lúc 7g tối. Một cách giá n tiếp chúng ta có thể biết rằng việc ‘rửa chân’ là một sự việc rất quan trọng (vì cử hành làm một buổi lễ 4g chiều) trong ngày Thứ Năm Phục Sinh.

-15 năm sau đó lại có tài liệu cuả thánh Augustinô, đề cập đến 2 lễ nghi trong ngày Tiệc Ly (thư thứ nhất gửi cho Januarius). Thánh Augustinô viết rằng lễ thứ hai thì quan trọng hơn, vì là lễ Truyền Phép Thánh Thể sau bữa ăn tối. Tuy không nói rõ lễ thứ nhất có mục đích rửa chân nhưng chúng ta có thể ‘giá n tiếp’ tin là việc rửa chân đã được thực hành trong lúc này.

-Sau Thánh Augustinô, thì có việc xuất bản hai cuốn sách Lễ goị là Armenian Sacramentary (in năm 450) và Capitulary of Wurzburg (in năm 675.) Cả hai cuốn sách lễ đã thay bài thánh kinh Thứ Năm Tuần Thánh từ Tin Mừng cuả Thánh Matthew thành tin mừng cuả Thánh Gioan (giống như ngày nay). Như vậy thì ‘lệnh truyền rửa chân’ đã được ‘nhấn mạnh’ thêm lên vì chúng ta đều biết rằng chỉ trong tin mừng cuả thánh Gioan mới có câu chuyện Chuá rửa chân cho các môn đệ.

-Vào năm 694, vua Egica cuả dân Visigoth đã triệu tập Công Đồng Toledo (ngày xưa các Công đồng đều do các hoàng đế triệu tập). Trong 8 điều luật mà công đồng tuyên bố thì có điều sau đây: “Việc rửa chân trong ngày lễ Tiệc Ly đã bị bỏ bê ở nhiều nơi, vậy từ nay phải được thực hiện lại ở khắp mọi nơi.” Điều luật trên cho thấy ‘tục lệ’ rửa chân vẫn là ‘hằng có,’ nhưng sự thực hành đang bị bê trễ, cho nên Công Đồng nhìn thấy nhu cầu cần phải ra lệnh bắt buộc.

Dầu sao thì cho tới đây, ‘Rửa Chân’ vẫn chỉ được coi là một tục lệ hay là một nhân đức chứ chưa được nâng lên thành một nghi lễ có nghi thức rành mạch rõ ràng. Phải đợi tới thế kỷ thứ 7 người ta mới tìm thấy những chứng cớ chắn chắn là việc Rửa Chân đã trở thành một nghi lễ.

-Vào thế kỷ thứ 7, thì cuốn luật có tên là “Roman Ordo in Coena Domini” (Luật La Mã trong lễ Tiệc Ly) có ghi chép những nghi thức cuả Giáo Hoàng rửa chân cho các người giúp lễ như thế nào.

Lúc này thì dòng Biển đức đã toả rộng ra khắp âu Châu, và có nhiều học giả đã cho rằng nghi thức Rửa Chân đã được hình thành theo cách thức cuả các dòng Biển đức.

Theo bộ luật dòng cuả thánh Biển đức (năm 529), thì người đan sĩ đang thi hành nhiệm vụ đầu bếp trong tuần nên thực hiện việc rửa chân cho các đan sĩ khác vào mỗi thứ Bảy; bộ luật cũng chỉ thị rằng vị đan viện trưởng và những vị đồng nhiệm cũng phải rửa chân cho những người được coi là khách. Việc rửa chân này là một nghi thức đạo đức và phải đi kèm với những lời kinh nguyện và những bài hát thánh thi, bởi vì, bộ luật nói thêm “chính ở nơi người khách mà Chúa Kitô được tôn vinh và được nhận ra”. (trích dẫn Bách Khoa Tự Diện Công Giáo (The Catholic Encyclopedia) )

le rua chan

Sang đến thế kỷ thứ 8 thì có sự việc các nhà dòng Biển Đức ở bên Anh Quốc viết lại bộ luật lấy tên là Constitutions of Lanfranc of Canterbury, mục đích là để cho các việc thực hành ở bên Anh được ăn khớp với nhửng thực hành cuả các dòng Biển Đức ở bên đất liền (Pháp), nhờ có bộ luật này mà chúng ta biết thêm về những thực hành cuả việc Rửa Chân lúc đó như sau:

Trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, một nhóm người nghèo sẽ được dẫn vào đan viện và đặt ngồi thành một hàng. Các đan sĩ sẽ đi vào đứng trước từng người một, còn vị đan viện trưởng thì đứng trước 2 người nghèo. Vị đan sĩ niên trưởng sẽ đập lên một thanh khắc 3 lần, và các đan sĩ sẽ quì gối xuống trước người nghèo, tuyên xưng việc Chuá Kitô đang hiện diện nơi họ. Rồi rửa chân cho họ, hôn chân, và lấy khăn lau khô. Sau cùng các đan sĩ sẽ gập mình xuống, khấu đầu vào chân người nghèo. Những người nghèo được dâng lên trà nước và được tặng 2 đồng bạc pences. Buổi lễ kết thúc với lời chúc lành cuả vị đan viện trưởng.

Nghi lễ Rửa Chân ở một đan viện vẫn chưa kết thúc ở đó, sau khi các người nghèo đi về rồi, các đan sĩ sẽ tụ họp trong nguyện đường để thực hiện một lễ rửa chân thứ hai. Vị đan viện trưởng và đan sĩ niên trưởng, mặc áo thô, sẽ quì trước từng đan sĩ mà rửa chân, lau khô và hôn chân họ. Sau đó hai vị đan viện trưởng và niên trưởng sẽ rửa chân cho nhau.

Việc rửa chân 2 lần như thế đã ảnh hưởng lên các nghi lễ áp dụng cho giáo hoàng. Từ thế kỷ thứ 11 cho tới thế kỷ thứ 14, sách lễ cuả giáo hoàng (Roman pontifical liturgy) ấn định 2 việc rửa chân, một cho giáo sĩ (clerical Mandatum) và một cho người nghèo (Mandatum of the poor). Trước tiên, vị giáo hoàng sẽ rửa chân cho các vị đồng tế (subdeacons) trong một buổi lễ công cộng, sau đó tại phủ giáo hoàng, ngài rửa chân cho 13 người nghèo trong một khung cảnh riêng tư.

Tới thế kỷ 15 thì không hiểu vì lý do gì, nghi thức rửa chân cho người nghèo không còn được đề cập đến nữa, nhưng tới năm 1600 thì sách lễ cuả giáo hoàng, được gọi là ‘Ceremoniale Episcoporum of 1600’ (Nghi lễ cuả Giáo Hoàng năm 1600) ấn định rằng từ nay có thể ‘tuỳ chọn’ 13 người nghèo hoặc là 13 giáo sĩ cho buổi lễ công cộng.

Có học giả cho rằng chính các đan sĩ Biển Đức đã cải biến tục lệ rửa chân trở thành một nghi lễ phụng vụ. Ông Boniface, sáng lập ra trang web Unam Sanctam Catholicam, lập luận rằng vì ảnh hưởng cuả dòng Biển đức lan toả ra khắp Châu Âu và họ có nhiều giám mục cũng như giáo hoàng nổi tiếng về văn học và biện luận, như thánh Augustino Canterbury và Thánh Giáo Hoàng Gregory I (còn gọi là Gregory the Great). Nhưng xin ghi nhận đây chỉ là một giả thuyết mà thôi.

-Nhưng dù lịch sử có như thế nào chăng nữa thì từ đầu thế kỷ thứ 8, năm 700, đã có tài liệu về ‘nghi lễ rửa chân’ áp dụng vào sách lễ giáo dân, nghĩa là không còn là một nghi lễ dành riêng cho Giáo Hoàng mà thôi, đó là hai cuốn sách Lễ tên là Gelasian Sacramentary và Gregorian Sacramentary, đều có nghi thức rửa chân trong Lễ Thứ Năm Tuần Thánh.

Nhưng dù được đưa vào sách lễ, lúc đó Giáo Hội vẫn cho phép các nơi được tuỳ chọn chứ không bắt buộc, do đó mà nghi thức ‘Rửa Chân’ (Mandatum) còn cần một thời gian nhiều thế kỷ nữa trước khi được phổ biến rộng rãi ra khắp mọi giáo xứ.

III Những áp dụng và lạm dụng

Trong nhiều thế kỷ, nghi lễ rửa chân đã gợi hứng cho nhiều triều đình cuả các nước Kitô giáo.

-Vua Robert II cuả nước Pháp (trị vì 996-1031) có lần thực hiện một lễ rửa chân cho 160 giáo sĩ.

-Nữ thánh Elizabeth cuả nước Hung Gia Lợi (nữ vương), mỗi năm rửa chân cho 12 người cuì.

Nhưng ngoài những hành vi thánh thiện, cũng có những sự thực hành rửa chân chỉ mang tính cách phô trương mà thôi.

Tác giả James Monti trong cuốn sách The Week of Salvation đã diễn tả một cảnh huy hoàng cuả một lễ rửa chân trong triều Tây Ban Nha vào lúc gần tàn như sau (1874 – 1885):

Sau khi dự lể tại nguyện đường trong cung điện xong, vua và hoàng hậu ngự giá qua phòng đại sảnh có tên là Hall of Columns, thường là vào khoảng 2 giờ chiều. Vua Alfonso XII mặc áo đại triều với đầy đủ huân chương trong khi hoàng hâu Maria Christina với chiếc áo lông và áo choàng gợn sóng, một khăn phủ đầu trắng tuốt và vuơng niệm nạm kim cương chiếu sáng lóng lánh.

Ở giửa đại sảnh là hai cái thềm; một cái ngồi 12 ông lão nghèo, đã được nhà vua may cho áo mới; Trên chiếc thềm khác ngồi 12 bà lão, cũng trong những bộ áo mới do hoàng hậu ban cho.

Có một chiếc bàn thờ nhỏ với Thánh Giá và hai ngọn nến. Đức Giám Mục, chức vụ tổng giám mục vùng biển Indies, bước tới bàn thờ và đọc bài Phúc âm cuả Thánh Gioan, nói về việc Chuá rửa chân cho các môn đệ.

Sau phúc âm, người ta cột một dây lưng cho đức vua, một chiếc dây nạm vàng óng ánh để biểu hiệu cho chiếc khăn mà Chuá cột vào mình. Rồi đức vua bước lên thềm, với một người phụ tá bưng theo một chiếc bình vàng (đựng nước) và một thau vàng hứng nước. Vua bèn quì xuống trước từng ông lão, rửa chân, lau chân và hôn chân ông ta.

Cũng vậy, hoàng hậu cũng quì và rửa chân cho những bà nghèo. Người ta kể lại ngày xưa khi Nữ Hoàng Isabella II (trị vì 1833-1868) đã làm rớt một chiếc vòng ngọc xuống thau nước, và người phụ nữ được rửa chân đã vội vớt nó lên mà dâng lại, nhưng nữ hoàng nói :”Dơ bẩn dơ bẩn, giữ lấy nó đi, đó là điềm may mắn cuả bay.”

Sau đó nhà vua dẫn 12 lão già tới một chiếc bàn có dọn sẵn một bữa tiệc hải sản 15 món, có 15 loại tráng miệng và một hũ rượu. Cũng vậy hoàng hậu dẫn 12 lão bà tới một chiếc bàn khác và cũng đãi họ như nhà vua. Sau khi ăn xong, tất cả đồ ăn còn thừa, cùng với chén bát muỗng đĩa loại đắt tiền, được gói vào trong 24 cái giỏ lớn để cho mỗi người có thể mang về làm cuả, đồng thời mỗi người còn nhận được một túi tiền có 12 đồng vàng nữa.

IV Sự mai một và tái lập

Cũng vì những lạm dụng chỉ nhằm vào việc phô trương như thế mà Martin Luther đã cực lực chế nhạo đó là một hình thức giả hình. Rồi phong trào Thệ Phản ra đời, và như thế từ năm 1600 cho đến đầu thế kỷ 20 thì những nghi lễ rửa chân ‘tuỳ chọn’ dần dà bị người ta ‘trá nh né’ đi. Tới năm 1900 thì hầu như không có giáo xứ nào còn cử hành nghi lễ này nữa.

Và Giáo Hội lại phải ‘tái lập’ nghi lễ đó vào năm 1955 như đã nói ở trên.

Tóm lại, qua ý nghiã và lịch sử cuả nghi thức Rửa Chân, đã không có khi nào mà những người được rửa chân được coi là đại diện cho các thánh tông đồ cả, và cũng chưa khi nào thể thức chỉ được dành riêng cho nam giới hay cho người có đạo mà thôi. Việc chúng ta rửa chân cho những người tù, người nghèo, đàn bà mang thai, phụ nữ Hồi Giáo vv… thì không có gì là ngược với giáo huấn cuả hội thánh hay ngược với ý nghĩa hoặc thể thức cuả ‘Lệnh Truyền’ cả, và như thế thì việc các giáo xứ chọn những người được rửa chân làm sao cho có sự phản ảnh cuả thành phần dân Chuá cũng là một sự hợp lẽ nên làm.