T2, 02 / 2018 3:37 Chiều | Đức Tin Jesus

Trong khoảng 6.000 nhà thờ trên cả nước, Việt Nam vinh dự sở hữu 4 vương cung Thánh đường thuộc 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Quảng Trị và TP HCM. Đây là những nhà thờ cổ nhất Việt Nam và đẹp vô cùng.

Nhà thờ Thiên chúa giáo luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với bất kỳ ai. Bởi vậy mà không ít tour du lịch, nhà thờ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong hành trình khám phá điểm đến. Trong đó phải kể đến các vương cung thánh đường, danh hiệu được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.

1- Nhà thờ cổ Đức Bà

Năm 1876, thống đốc Nam Kỳ Duperre tổ chức thi tuyển đồ án kiến trúc nhà thờ. Vượt qua 17 đồ án dự thi, đồ án của kiến trúc sư M. Bournard vẽ nhà thờ pha trộn theo kiến trúc Roman và Gotich đã được chọn. Ngày 7-10-1877, Giám mục I.F Colombert Mỹ đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên cho công trình đồ sộ này. Sau 3 năm xây dựng, ngôi nhà thờ đã hoàn thành. Nhà thờ dài 91m, rộng 35,5m, vòm mái cao 21m, hai tháp chuông cao 36,6m. Năm 1895 xây thêm hai tháp nhọn cao 21m. Mặt ngoài nhà thờ bằng gạch đỏ sản xuất ở Marseille ( Pháp), không trát vữa, đến nay vẫn đỏ hồng.

Nhà thờ cổ Đức Bà
Nhà thờ cổ Đức Bà

Trong nhà thờ sở kiện có trang trí nhiều kính màu vẽ các sự tích trong Kinh thánh do hãng Lorin ( Pháp) sản xuất. Bên trong hai tháp chuông là bộ chuông khổng lồ gồm 6 quả nặng 28.850kg theo các các cung sol, la, si, do, re, mi trong đó chuông cung sol là chuông lớn nhất nặng 8785kg, đường kính 2,25m và cao 3,5m. Đây cũng là một trong các quả chuông lớn nhất trên thế giới hiện nay. Bình thường chỉ có hai quả chuông cung rê, mi đánh tiếng. Chuông cung sol chỉ đánh đêm Giáng sinh và khi khởi động phải có 3-4 người trợ giúp sau đó mới bật công tắc điện để đánh tiếp. Âm thanh chuông vang xa tới 10km.

Nhà thờ cổ Đức Bà nằm ở giữa trung tâm thành phố( số 1 Công trường Công xã Paris) và là nút của 4 đường giao thông tạo ra hình Thánh giá nên mọi người có thể tiếp cận nhà thờ cả 4 hướng. Tượng Đức Mẹ Nữ vương hoà bình ở quảng trường Nhà thờ lớn cũng là một kiến trúc đẹp. Tượng bằng đá cẩm thạch nặng 3,5 tấn. Chiếc đồng hồ lớn ở tháp nhà thờ cao 1m, rộng 2m nặng 1 tấn rất cổ kính và chạy giờ, điểm chuông rất chính xác. Nhà thờ trở thành địa chỉ văn hoá tâm linh. Nhà thờ không có hàng rào hay tường xây bao quanh mà mọi người có thể tiếp cận cả 4 hướng. Nhiều đôi tân hôn ở thành phố đã chọn quang cảnh nhà thờ để ghi hình cưới.

Nhà thờ Đức Bà được Toà thánh nâng lên bậc Vương cung thánh đường năm 1961.

2- Nhà thờ Phú Nhai

Nằm trên địa bàn xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Phú Nhai nổi tiếng vì ở đây có địa danh Trà Lũ, là nơi được coi là điểm đầu tiên đón nhận Tin Mừng ở Việt Nam (1533) và cũng là nơi có nhiều linh mục, giám mục nhất qua câu ca: “Cha Phú Nhai, khoai chợ Chùa”. Theo thống kê Phú Nhai hiện đã có 5 giám mục và hơn 200 linh mục quê ở đây. Nhà thờ Phú Nhai được xây dựng năm 1866, lúc đầu chỉ làm bằng gỗ lợp bổi (cói). Năm 1881 được xây lại và lợp ngói. Năm 1913, Giám mục Munagori Trung xây dựng lại đồ sộ theo kiến trúc Tây Ban Nha.

Nhà thờ cổ Phú Nhai
Nhà thờ cổ Phú Nhai

Nhưng cơn bão lớn ngày 30-9-1929 đã làm sập 48 nhà thờ ở Bùi Chu trong đó có cả nhà thờ Phú Nhai. Việc dọn dẹp vương cung thánh đường nhà thờ mất rất nhiều kinh phí lên tới 40.000 tiền Đông Dương chưa kể hàng vạn công lao động. Sau 4 năm tái thiết, năm 1933 nhà thờ đã được hoàn thành. Nhà thờ có diện tích 2.160m2, dài 80m, rộng 27m, cao 30m. Hai tháp chuông cao 44m. Nhà thờ được kiến trúc theo phong cách gotic, mô phỏng theo kiến trúc nhà thờ Notre Dame de Paris nổi tiếng của Pháp nhưng nhỏ chỉ bằng 2/3. Trên tháp chuông nhà thờ Phú Nhai cũng có 4 quả chuông nặng lần lượt là 3 tấn, 1 tấn, 6 tạ và 1 tạ. Phía sân nhà thờ còn có hài cốt của 83 giáo sĩ, giáo dân tử đạo.

Nhà thờ Phú Nhai được nâng lên bậc Vương cung thánh đường năm 2008.

3- Nhà thờ La Vang

Theo tương truyền, thời Cảnh Thịnh ban hành chính sách cấm đạo, nên tín hữu phải chạy trốn vào rừng thuộc khu vực xã Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị ngày nay. Giáo dân cầu khấn và Đức Mẹ đã hiện ra năm 1798 để an ủi. Sau đó một ngôi nhà thờ nhỏ được dựng lên để ghi dấu sự kiện này. Năm 1886, Giám mục Gaspar Lộc cho xây một ngôi nhà thờ bằng gạch và khánh thành ngày 6- 8-1901 đồng thời ấn định cứ 3 năm tổ chức một đại hội tam nhật kính Đức Mẹ. Năm 1923, Giám mục Allys Lý xây một nhà thờ lớn hơn, khánh thành tháng 8-1928 nhưng bom đạn chiến tranh năm 1972 đã phá đổ chỉ còn trơ lại tháp chuông.

Nhà thờ La Vang
Nhà thờ La Vang

Năm 1961-1962 một số kiến trúc như Công trường Mân Côi với 15 pho tượng bằng đá cẩm thạch, hồ Tịnh Tâm và ba cây đa cao 20m với tượng Đức Mẹ bồng con do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Năm 1998, tượng Đức Mẹ La Vang do nhà điêu khắc kiêm hoạ sĩ Văn Nhân đã được làm phép thay thế tượng cũ. Tượng này mang đậm phong cách dân tộc từ trang phục đến nét mặt và được Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 làm phép ngày 1-7-1998 tại Roma, sau đó chuyển về Việt Nam dịp kỷ niệm biến cố 200 năm Đức Mẹ La Vang.

Thời gian vừa qua, Nhà nước đã trao quyền sử dụng 15ha cho giáo hội sử dụng nên Hội đồng Giám mục Việt Nam đã quyết định xây lại nhà thờ La Vang cho xứng với Trung tâm hành hương quốc gia. Một cuộc thi về thiết kế đã được tổ chức năm 2010 và 5 đồ án đã được trao giải nhì để hoàn thiện thêm. Đến ngày 06-01-2011 nghi thức đặt viên đá đầu tiên do Hồng y Ivan Dias- Đặc sứ của Giáo Hoàng Benedicto XVI và các Giám mục Việt Nam đã được tiến hành đúng vào dịp bế mạc Năm thánh nhân 50 năm hàng giáo phẩm Việt Nam (1960-2010). Dự kiến chi phí cho nhà thờ mới là 25 triệu đôla.

Về địa danh La Vang cũng có nhiều cách giải thích. Có người cho đây là nói về đặc điểm của rừng núi nơi đây khi người ta “ la” thì có tiếng “vang” lớn dội lại. Có người lại cho đây là vùng có rất nhiều cây lá vằng vừa để làm nước uống, vừa chữa bệnh, sau này khi dịch ra tiếng nước ngoài bị mất dấu mà thành La Vang.

Từ năm 1894 mới có đại hội La Vang đầu tiên và năm 2011 là đại hội lần thứ 29. La vang được nâng lên bậc Vương cung thánh đường năm 1961.

4- Nhà thờ Sở Kiện

Nhà thờ Sở Kiện hay Kẻ Sở nằm ở thị trấn Kiện Khê, Thanh Liêm, Hà Nam. Đây là một trong các xứ đạo cổ kính và to lớn của tổng giáo phận Hà Nội. Sở Kiện chính là hai tên làng: làng Kiện hay Kiện Khê (phía tây) chuyên nghề buôn bán, nung vôi và làng Sở hay Ninh Phú (phía đông) chuyên làm ruộng. Đây là trung tâm của giáo phận Đàng Ngoài từ năm 1659 và sau này là trung tâm và toà giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài từ năm 1858 đến 1892 dưới thời nhà Nguyễn vì địa hình hiểm trở, giáo sĩ, giáo dân dễ ẩn náu.

Nhà thờ cổ Sở Kiện
Nhà thờ cổ Sở Kiện

Nhà thờ sở kiện được khởi công năm 1877, hoàn tất sau 5 năm dưới thời Giám mục Puginier Phước. Đây là công trình đồ sộ. Toàn bộ nền được lót gỗ lim để chống sụt lún. Nhà thờ dài 67,2m, rộng 31,2m và cao 23,2m. Nhà thờ có 4 hàng cột, chia làm 5 gian dọc. Nhà thờ có thể chứa 4-5 ngàn người. Các cửa kính màu đều vẽ tranh thánh, bàn thờ sơn son thiếp vàng, vách cung thánh bằng gỗ chạm trổ tinh vi. Tại đây còn có toà giảng rất cổ kính sơn son, thiếp vàng và chiếc đàn amonium khổng lồ đặt trên gác chuông. Tháp chuông cũng có 4 quả chuông lớn trọng lượng 2461, 1281, 717 và 318kg được làm phép ngày 25-12-1898 thời Giám mục Đông. Nơi đây có nhiều di tích các thánh tử đạo Việt Nam.

Nhà thờ Sở Kiện được chọn là địa điểm tổ chức khai mạc năm thánh 2010 của giáo hội Công giáo Việt Nam.

Nhà thờ Sở Kiện được nâng lên bậc Vương cung thánh đường năm 2010.

Vương cung thánh đường (Basilica), có gốc từ tiếng Hy Lạp: Basiliues, nghĩa là nhà vua. Thời đế quốc La Mã, các thành phố đều có những kiến trúc to lớn có thể chứa nhiều người đến nghe giảng thuyết. Những toà nhà như vậy được gọi là basilica. Thời đạo Công giáo trở thành quốc giáo của La Mã thì basilica được giành cho giáo hội cử hành những nghi lễ lớn khi có Giáo hoàng chủ sự.

Vương cung thánh đường ngày nay chia làm hai loại: đại và tiểu Vương cung thánh đường. Toàn thế giới có 4 đại Vương cung thánh đường (Major basilica) và 1575 tiểu Vương cung thánh đường (Minor basilica). 4 đại Vương cung thánh đường đều nằm ở Italia là nhà thờ thánh Phêrô, nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành, nhà thờ thánh Gioan Latêranô và nhà thờ Đức Bà Cả, trong đó đẹp đẽ và lộng lẫy nhất là nhà thờ thánh Phêrô. Các đại Vương cung thánh đường có một cửa đặc biệt gọi là Cửa thánh (Porta sancta). Cửa này luôn đóng và chỉ được mở vào năm thánh, 50 năm một lần.

Các tiểu Vương cung thánh đường nằm rải rác khắp các quốc gia. Nhiều nhất là Italia: 539 ngôi (riêng thủ đô Rôma có 11 ngôi), Pháp 168, Đức 70, Hoa Kỳ 66, Philippin 12, Trung Quốc 1…Việt Nam có 4 tiểu Vương cung thánh đường. Khi một nhà thờ được nâng lên hàng tiểu Vương cung thánh đường sẽ được Toà thánh trao cho 2 biểu trưng của Giáo hoàng. Một là cái chuông (tintinnabulum) dùng để báo tin Giáo hoàng hay người thay mặt Giáo hoàng đến. Hai là cái dù bằng lụa có hai màu vàng, đỏ (conopacum) dùng để che cho Giáo hoàng.

Để trở thành tiểu Vương cung thánh đường, nhà thờ đó phải là nhà thờ cổ kính được xây dựng từ lâu theo các kiến trúc cổ điển, to đẹp. Nhà thờ chỉ dành riêng cho việc thờ phượng, là nơi lưu giữ di hài các thánh nhân hay những hoạ phẩm, điêu khắc có giá trị nghệ thuật…Ngoài ra nhà thờ cũng phải có một ban lễ tân đủ sức đảm nhiệm phục vụ các lễ lớn. Chính Giám mục sở tại làm tờ trình xin Toà thánh châu phê.

Tại Việt Nam hiện nay có hơn 6000 cơ sở thờ tự Công giáo trong đó có 5456 nhà thờ nhưng chỉ mới có 4 nhà thờ được nâng lên bậc Vương cung thánh đường. Năm nay nhân 50 năm hai nhà thờ Đức Bà và nhà thờ La Vang được nâng lên bậc Vương cung thánh đường (1961-2011) chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về 4 tiểu Vương cung thánh đường ở Việt Nam là nhà thờ Đức Bà (thành phố Hồ Chí Minh), nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ La Vang (Quảng Trị) và nhà thờ Sở Kiện (Hà Nam).

Ngọn Nến (tổng hợp từ VNExpress, hbtgcp.gov.vn)