T6, 11 / 2023 5:20 Chiều | Đức Tin Jesus

Cuối năm, ai cũng bận rộn tổng kết. Những người đi xa, người ở nhà, tất cả đều khao khát, mong đợi đoàn tụ. Rồi lo sắm Tết và trang trí mừng Xuân. Nhưng có một việc, sau khi đã làm, đã quên đi tất cả, tôi thấy còn lại: “Lo lắng thể hiện lòng biết ơn”. Biết ơn Ông Trời, Ðấng Tạo hóa, Thiên Chúa. Biết ơn con người: Các đấng Bề trên trong đạo ngoài đời, còn sống hay đã khuất; anh chị em, bạn hữu xa gần. Biết ơn môi trường.

Cảm nhận lòng xôn xao biết ơn, trong một thế giới nhân loại vô cảm. Cùng với nhận thức giai đoạn lịch sử dân tộc chúng ta, đang mở ra. Vì thế, mừng Xuân Tân Sửu 2021: Lòng Biết ơn. Ðó là một tin vui[1]đạo đức Việt Nam, rất đẹp !

Nhận thức

“Lòng biết ơn là sự đánh giá cao về những gì một cá nhân nhận được dù hữu hình hay vô hình”[2]. Biết ơn là thể hiện tình nghĩa. Trân trọng, ghi nhớ, mong có dịp đền ơn, đáp nghĩa. Không một việc làm nhỏ nào của người khác, dù ta không biết, vẫn luôn canh cánh, mong ước có dịp phúc đáp. Ðó là quy luật trời đất: “Cây có cội, nước có nguồn”; “Uống nước nhớ nguồn”. Ðó là truyền thống đạo lý tốt đẹp: “Công cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên”. Lòng biết ơn là phẩm chất đạo đức làm cơ sở cho vô vàn hành động có ích khác. Phải có trí tuệ mới nhận ra: “Người có lòng nhớ ơn, là bao gồm đầy đủ tất cả”. Người có lòng biết ơn, tỏa ra vô số phẩm hạnh. Phía sau lòng biết ơn, là dấu chỉ chắc chắn họ là người đạo đức. Vô số hành vi đạo đức cao đẹp biểu hiện. Thường người ta chỉ nhìn thấy và đánh giá một người đạo đức, qua những việc làm trông thấy. Ví dụ, người hay đi chùa, đi nhà thờ. Nhưng cần đánh giá người đó có lòng biết ơn hay không, đó mới chính xác, đầy đủ, trọn vẹn. Tâm hồn người biết ơn đẹp dần, đẹp từng ngày. Họ thủy chung, đáng tin và lan tỏa hương thơm, có sức thuyết phục người khác sống cao thượng. Nơi họ, như có mãnh lực siêu nhiên, thôi thúc người khác vươn lên, dâng hiến, phục vụ. Người biết ơn, có ánh mắt tỏa tâm linh, như ẩn hiện bóng dáng cả gia đình, cả quê hương dân tộc, cả thế giới, vũ trụ. Nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên, tươi mát, thanh nhã, cao quý cho đời. Ðôi vai vững chãi, chỗ dựa cho con người sầu khổ. Ðôi bàn tay mở rộng, hướng về phía trước như ban phước lộc cho chúng sinh… Họ là dấu chỉ, hiện thân những vị thánh sống, dù chưa được phong.

Ðào luyện

Mười người phong cùi được chữa lành, nhưng chỉ có một người Samari quay lại, anh sấp mình và “cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa”. Còn chín người đâu? Rồi Ðức Giêsu nói với người biết ơn: “Hãy đứng lên và về đi, đức tin của anh đã chữa lành anh”[3]. Lòng biết ơn, đức Tin và chữa lành, đó là quy trình phép lạ! Người biết ơn, sấp mình, cất tiếng ngợi khen. Ðức Mẹ, khi đón nhận ân sủng, Mẹ cất tiếng: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Như thế, người có lòng biết ơn luôn “Khiêm tốn, vô ngã, và trí tuệ”. Biết ơn là: “Viên ngọc sáng lấp lánh, trong cõi âm u cuộc đời ô trọc”. Chúng ta chịu ơn tất cả. Từ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, cho tới những người vô danh. Lòng nặng trĩu, như không đủ sức, để ôm ân huệ và vô số điều tốt lành khác. Có lúc cảm thấy băn khoăn, trăn trở, mệt mỏi, đến nỗi muốn chết. Cảm thấy như thế là đúng và rất sâu sắc. Lòng biết ơn sẽ thúc đẩy ta sống đẹp, hy sinh, phụng sự từng ngày những người quanh ta, một cách nhưng không, vô vị lợi, không bao giờ kể công: “Thi ân bất cầu báo”, “Trả công kín đáo, không để ai biết”; Không đòi người thụ ơn trả ơn. Nhưng có lúc chúng ta không ngờ, không chờ, sẽ có người đáp trả chúng ta. Lại có những người vô danh! Họ là những anh hùng, tổ tiên đã cống hiến âm thầm, không ai biết. chết không để tên mà chỉ vì tổ quốc, vì độc lập dân tộc. Họ để lại sự nghiệp hôm nay, trở thành thảm cỏ xanh, cho con cháu đi tới. Những giá trị đó, làm cho gia đình, dân tộc, thế giới, nhân loại, chúng sinh này tồn tại, đi lên. Những con người ấy trở thành thần thánh. Lòng biết ơn thúc đẩy ta phải biết ước mơ yêu thương cả tổ quốc, cả thế giới, cả nhân loại, chúng sinh. Trước là Tổ tiên: “Dù ai đi ngược về xuôi /Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba. / Dù ai buôn bán gần xa / Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng Ba mùng Mười”. Rối đến: “Công cha nghĩa mẹ sinh thành”; “Anh em như thể tay chân”: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; Ðừng quên: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; không thầy đố mày làm nên; muốn con hay chữ phải yêu mến thầy”; Phải có trước sau, sống có hậu, đừng “Có mới nới cũ”, mà đau lòng nhau! Người Tây phương thường cho chúng ta thiếu biểu hiện biết ơn như “Xin lỗi, cảm ơn”. Thực ra, cách biết ơn và cảm ơn của người Việt, được diễn tả: “Con được như hôm nay là nhờ công ơn của chú, thím”; “Con xin ông”; “Lỗi ở con”. Người Việt chúng ta “Xin lỗi, cảm ơn”, thâm sâu, kín đáo, khiêm cung, nặng tình nghĩa hơn nhiều.

Kết luận

Tin vui Ðạo đức Dân tộc Việt Nam

Lòng biết ơn “là phép lạ”. Dân tộc nào, gia đình nào, dòng họ nào, càng có nhiều người biết ơn, ơn càng gia tăng, phép lạ càng nhiều. Giàu trở nên nghèo, nghèo trở thành giàu, cũng tùy thuộc “Lòng biết ơn” hay “Vô ơn”. Kinh nghiệm trong kinh doanh, giàu và giàu bền vững chỉ vì có lòng biết ơn và khao khát chính trực. Có nghĩa là sống “biết ơn” và luôn tôn trọng “sự thật và sự chân thành”. Tham lam, chỉ ăn mà không tiêu hóa; chỉ hít vào mà không thở ra, chỉ thu mà không chi…Tất cả đều trái với quy luật tự nhiên và khoa học. Nguyên tắc của một cư sĩ, hiền giả, đáng chúng ta ghi nhớ và thực hành: “3/3/3/1”. Có nghĩa sử dụng số thu nhập: 30 % cho bản thân; 30% giúp người thân, tôn giáo, xã hội; 30% dành đầu tư; 1% du lịch hành hương tâm linh. Cho ra càng đúng, càng hợp lý càng giàu. “Lòng biết ơn” còn đem lại sức khỏe, thành công cho cá nhân cũng như cho sự nghiệp chung. Ðặc biệt, là một thứ quyền năng, dẫn tới phép lạ.

Trong cuộc sống hôm nay, cần cảnh giác nền văn hóa lạnh lùng, vô cảm, dửng dưng, ngoảnh mặt làm ngơ. Nhất là giới trẻ, nghĩ rằng việc nuôi dưỡng giáo dục, đó là bổn phận nghĩa vụ cha mẹ phải làm, như một bản năng sinh tồn. Không cần biết ơn.

Giữ gìn, vun đắp, phát huy lòng biết ơn trong dịp Tết, bằng những việc làm cụ thể. Như chăm sóc ông bà cha mẹ. Không đi xa, nếu không vì lợi ích lớn hơn, khi có cha mẹ già yếu. Theo trật tự: “Mồng Một tết Cha, mồng Hai tết Mẹ, mồng Ba tết Thầy”. Ai cũng có thể làm Thầy mình! Ngay cả người không ưa mình. Biết ơn hết mọi người là trí tuệ và là người khôn ngoan nhất hạng.

Không để có người bị xếp loại “Ăn cháo đá bát; qua cầu rút ván”; “Vong ân bội nghĩa”. Thật hổ thẹn vô cùng! Kính chúc tín hữu Dân Chúa, năm mới Tân Sửu 2021, “Sức khỏe, khôn ngoan và ân sủng”; “Tâm linh và khoa học”.

 

 

Lm. Gioan Kim Khẩu Nguyễn Văn Hinh (D.Min.)

_______________________________________

1 Lc 17,11-19 Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, một người biết ơn.

2 Trường Y Harvard

3 Lc 17,15-19