T3, 11 / 2017 9:51 Chiều | Đức Tin Jesus

I TỚI TRỄ – VỀ SỚM

Trong Công đồng Vatican II, một trong những văn kiện ra đời sớm nhất (4.12.1963) chính là Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (= PV). Hiến chế Phụng Vụ Thánh đặc biệt nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc “sự tham gia tích cực” (actuosa participatio) của tín hữu vào cử hành phụng vụ như là một đòi hỏi của bản chất phụng vụ, một quyền lợi và bổn phận do bí tích Rửa Tội mang đến. Thật vậy, cả 7 chương của Hiến chế này đều sử dụng từ “tham dự”; và hạn từ này được nhắc đi nhắc lại tới 26 lần, đặc biệt trong đoạn sau: “Mẹ Giáo hội tha thiếtước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động” (PV 14).

Tham dự thánh lễ cách trọn vẹn, ý thức và linh động là tham dự cùng với cả cộng đoàn; tham dự với cả hồn lẫn xác; tham dự từ đầu đến cuối… không dừng lại ở tâm tình bên trong mà còn biểu lộ ra bên ngoài (PV 19), nghĩa là tín hữu phải cộng tác vào việc cử hành bằng những lời tung hô, những câu đối đáp, những lời ca vịnh, những bài hát, hoặc làm những việc, những cử điệu xứng hợp hay là giữ thinh lặng trong lúc cần thiết (PV 30) và hiểu những nghi lễ đang cử hành (PV 48).

Hơn nữa, cử hành phụng vụ bao giờ cũng mang chiều kích cộng đồng và ngày Chúa nhật không phải chỉ là ngày của Chúa (dies Domini) mà còn là ngày của Giáo hội nữa (dies Ecclcsiae) với cử hành Thánh Thể như tâm điểm của đời sống Giáo hội. Nghĩa là, các tín hữu “cần phải đến với nhau để bày tỏ trọn vẹn chính căn tính của Giáo hội là ekklesia, tức là cộng đồng được kêu gọi quy tụ lại với nhau bởi Chúa Phục Sinh, Ðấng đã hiến sự sống mình “để tái hiệp nhất con cái phân tán của Thiên Chúa lại với nhau” (Ga 11, 52). Họ trở nên “một” trong Chúa Kitô (Gl 3, 28) bởi tặng ân Thần Linh. Mối hiệp nhất này trở thành hữu hình khi Kitô hữu quy tụ lại với nhau: chính vào lúc ấy họ mới cảm nghiệm được một cách sống động và chứng thực cho thế giới thấy rằng họ là thành phần dân được cứu chuộc, thành phần đến ‘từ hết mọi bộ tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia’ (Kh 5, 9)”.

Vì thế, các tín hữu cần tránh tình trạng đi lễ trễ và rời nhà thờ quá sớm trước khi kết thúc thánh lễ.

Trừ trường hợp bất khả khá ng khiến cho tín hữu đến nhà thờ trễ, còn thói quen tới nhà thờ thờ trễ có thể do một quan niệm còn sót lại nơi dân chúng cho rằng chỉ khi nào tới nhà thờ sau lúc Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu thì mới “mất lễ” hay chưa chu toàn bổn phận giữ ngày Chúa nhật. Hiện nay, chúng ta phải hiểu thánh lễ là một toàn thể và phần nào cũng quan trọng: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể là hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành động phụng tự duy nhất (PV 56; QCSL 28). Ði lễ trễ có thể phản ánh thái độ của tín hữu chú trọng đến tương quan với Chúa mà quên đi hay lơ là với người khác trong cộng đoàn phụng vụ. Ðến sớm, chúng ta có thời giờ để suy gẫm và chuẩn bị thiêng liêng bước vào thánh lễ vốn là niềm vui và hồng phúc cho chúng ta. Ðến sớm còn là cơ hội để chúng ta gặp gỡ nhau, chào đón những người mới đến giáo xứ, trò chuyện với nhau như những người con của Cha trên trời; rồi có thể đưa những vấn đề thu thập được qua dịp trao đổi này vào trong lời cầu nguyện của chúng ta trong thánh lễ.

Về vấn đề ra về sớm trước khi thánh lễ kết thúc, một số người có thói quen vừa rước lễ xong đã rời nhà thờ. Dường như câu thưa “Amen” khi lãnh nhận Thánh Thể cũng chính là lời chào tạm biệt của họ đối với cộng đoàn. Chỉ ra về sau khi thánh lễ kết thúc không những chứng tỏ ước muốn của chúng ta là tham gia trọn vẹn vào thánh lễ mà còn là một sự tuân giữ phải phép đối với thánh lễ, nghĩa là rời nhà thờ sau khi vị chủ tế rời cung thánh. Thánh Anphongsô nói rằng, sau khi hiệp lễ có đến 12 thiên thần vây quanh chúng ta để thờ lạy Ðấng chúng ta vừa đón nhận vào lòng. Do đó, không nơi nào thích hợp hơn là chính nhà thờ / nhà nguyện để chúng ta lưu lại cảm tạ Thiên Chúa vì quà tặng Thánh Thể này. Ðây là lý do tại sao Giáo hội mong ước chúng ta dành thời gian thinh lặng thánh sau rước lễ (QCSL 43; 45; 164). Cuối cùng, thánh lễ liên kết chặt chẽ với đời sống và sứ vụ của Kitô hữu. Việc ban phép lành và giải tán lúc cuối lễ là nghi thức sai chúng ta ra đi hầu truyền tải những gì chúng ta đã nhận được nơi thánh lễ cho những anh chị em khác. Nếu rời nhà thờ ngay sau khi rước lễ, chúng ta sẽ đánh mất phần quan trọng này trong đời sống Kitô hữu của mình.

II] THAY ÐỔI TƯ THẾ QUÁ SỚM

Con người có vô số các hành vi được thể hiện qua nhiều tư thế cử chỉ. Các tư thế cử chỉ rất đa dạng phong phú với nhiều ý nghĩa khác nhau. Một ít trong số đó đã được đưa vào trong tôn giáo. Vì vậy, khi áp dụng vào lãnh vực cầu nguyện và cử hành phụng vụ, ta cần hiểu lý do và ý nghĩa của chúng.

Thật ra, Thánh Kinh nhiều lần nhắc đến việc sử dụng thân xác trong khi cầu nguyện. Chẳng hạn trong Thánh vịnh 47,1 tác giả kêu gọi: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!”. Nhất là trong cử hành lễ Vượt Qua, người Do Thái đã biết sử dụng toàn thân một cách vui tươi và thường xuyên.

Sử dụng cử điệu trong cầu nguyện rất quan trọng bởi vì chúng diễn tả và nuôi dưỡng tâm tình nội tâm của con người trong phụng tự. Nếu ca hát với Thánh vịnh 47: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo!” mà ta cứ đứng yên hay ngồi bất động, ta đang cho thấy sự mâu thuẫn rõ rệt giữa lời nói và điệu bộ của mình. Cầu nguyện với cử điệu giúp ta cảm nghiệm việc cùng cầu nguyện với nhau và tác động đến cảm xúc, làm phấn khởi cảm xúc mà tư thế đó diễn tả, làm linh hoạt những lúc ta cảm thấy uể oải, chán nản hay phiền muộn. Chẳng hạn khi ta diễn tả bằng tư thế khiêm nhường như quỳ gối hay phủ phục, ý nghĩa của sự khiêm hạ công bố bằng lời sẽ được nuôi dưỡng.

Mỗi một phần trong thánh lễ đều đi kèm với một tư thế khác nhau, chúng “là những phương tiện trực tiếp và đơn giản nhằm biểu lộ ra bên ngoài những tình cảm trong tâm hồn tín hữu”. Chúng làm cho cử hành đượm vẻ đẹp đơn sơ trang trọng, giúp thấy rõ ý nghĩa thật và đầy đủ của các phần khác nhau cũng như làm cho mọi người được tham dự dễ dàng hơn. Ðiệu bộ chung mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ của sự hợp nhất giữa các thành phần của cộng đoàn Kitô hữu đang quy tụ để cử hành phụng vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự. Bởi thế, cần phải chú ý tới những quy định của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma[2002] (QCSL) và theo cách thực hành truyền thống của nghi lễ Rôma, cũng như những gì đem lại lợi ích thiêng liêng chung cho dân Chúa hơn là theo sở thích hoặc phán đoán của riêng mình (QCSL 42). Ðể có sự đồng nhất trong cử chỉ và điệu bộ suốt buổi lễ, các tín hữu phải tuân theo những lời bảo của phó tế hoặc của thừa tác viên giáo dân, hoặc linh mục, trong khi cử hành, theo những gì đã quy định trong Sách lễ (QCSL 43).

Một cách cụ thể, tín hữu cần biết chờ đợi cho đúng thời điểm mới chuyển sang tư thế khác. Ví dụ như:

Sau lời tổng nguyện của chủ tế, cộng đoàn thưa “Amen” xong thì mới ngồi xuống

Sau câu xướng của phó tế / linh mục công bố Tin Mừng “Ðó là Lời Chúa”, cộng đoàn đáp lại “Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa” xong rồi mới ngồi xuống

Chấm dứt bài ca “Thánh, Thánh, chí Thánh…” thì mới quỳ xuống

Cộng đoàn hát xong “Amen long trọng” sau “Chính nhờ Người….” thì mới đứng lên

(còn nữa)

LM. GIUSE PHẠM ĐÌNH ÁI – SSS

 Bởi vì trong một thời gian rất dài trước đó, kể từ thời Trung cổ, các tín hữu không còn tham gia tích cực như thời Giáo Hội sơ khai nữa, họ đã trở nên thụ động hơn trong cử hành phụng vụ, nhất là Thánh lễ, và càng ngày phụng vụ càng trở nên như hành động của hàng giáo sĩ.

Những hạn từ được sử dụng cùng với từ tham dự là sciens, actuosa, fructuosa, conscia, plena, pia, facilis, interna, externa trong PV 10-12, 19, 21, 30-31, 36, 38, 40, 54, 63, 78-79, 101, 104.

ÐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Ngày của Chúa, số 31-32.

Xc. Edward McNamara, “Leaving Right After Communion” trong The ZENIT Daily Dispatch© Innovative Media, Inc. (ROME, 21 JULY 2008).

HÐGM Việt Nam – UB Văn Hóa, Hướng dẫn về Lòng Ðạo đức Bình dân và Phụng vụ (Knxb, 2003), số 15.