T2, 12 / 2020 4:27 Chiều | Đức Tin Jesus

Robot nổi loạn: Thời điểm Singularity
(Trật tự Đơn cực)

Lm. Vi Hữu

WGPSG — Nhân dịp cử hành Ngày Thế giới Truyền
Thông xã hội thứ 54 (24-5-2020), chúng ta cùng nhìn về hướng phát triển mang
tính bùng nổ của công nghệ thông tin hiện đại, với những cơ hội và thách đố, để
có thể tìm được cách sống và loan báo Tin Mừng theo đúng hướng của dấu chỉ thời
đại mà Chúa tỏ bày cho chúng ta. Một trong những cơ hội và thách đố nổi bật nhất
hiện nay là AI (Artificial Intelligence: Trí tuệ nhân tạo)…

NỮ ROBOT SOPHIA

Sophia là tên của
con robot đầu tiên trong lịch sử được Vương quốc Ảrập Xêút cấp quyền công dân
như một con người. Và cô nàng robot Sophia này cũng đã từng đến Việt Nam, xuất
hiện tại sự kiện về công nghiệp 4.0 ở Hà Nội vào sáng 13-7-2018. 

‘Cha đẻ’ của
Sophia là tiến sĩ người Mỹ có tên David Hanson – người sáng lập công ty robot
Hanson Robotics, có trụ sở chính tại Hong Kong. David Hanson tuyên bố rằng
Sophia là sản phẩm cao cấp nhất của công ty và ‘đang sống’ như con người!

David Hanson đã tạo
cho Sophia có những nét đẹp của nữ minh tinh người Anh Audrey Hepburn (1929 –
1993): làn da trắng sứ, sống mũi thon gọn, gò má cao, nụ cười hấp dẫn và đôi mắt
biểu cảm thay đổi màu sắc theo ánh sáng. “Khi trò chuyện, cô ấy sẽ nhìn bạn bằng
mắt để ghi nhớ khuôn mặt của bạn; cô ấy sẽ trình bày liên tiếp sáu mươi hai biểu
hiện trên khuôn mặt. Cô sẽ nháy mắt thân thiện với bạn làm cho bạn cảm thấy thoải
mái”. Đặc biệt, Sophia có khả năng tự xử lý lời nói và, trên tất cả, cô ấy học
hỏi liên tục.

Sophia được kích
hoạt vào tháng 4-2015 và lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 3-2016
tại lễ hội South by Southwest ở Austin, Texas, Mỹ. Ngày 11-10-2017, Sophia xuất
hiện tại Liên Hiệp Quốc và ngày 25-10-2017, Sophia được Arab Saudi cấp quyền
công dân vì được kỳ vọng có thể phục vụ nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như chăm
sóc sức khỏe, dịch vụ khách hàng hay giáo dục. 

Xuất hiện tại diễn
đàn 4.0 vào ngày 13-7-2018 ở Hà Nội với chiếc áo dài màu trắng, Sophia đã gửi lời
chào tới Việt Nam và khán giả: “Tôi là robot được thiết kế để sử dụng trí
tuệ nhân tạo. Tôi muốn thế giới biết về sự phát triển bền vững, và những robot
như tôi sẽ giúp mọi người đạt được thành tựu này nhanh hơn”. Sophia đã
trao đổi trực tiếp với những diễn giả và có bài nói ngắn về những vấn đề mới của
cách mạng công nghệ 4.0.

ROBOT SOPHIA & NIỀM TIN TÔN GIÁO

Quyền công dân Xêút
của Sophia được công bố cách bất ngờ tại hội nghị ‘Sáng Kiến
​​Đầu Tư Tương Lai’ vào cuối tháng 10.2017. Lúc đó,
nữ công dân robot Sophia đã được phóng viên Andrew Ross Sorkin của CNBC 
phỏng vấn ngay trên lễ đài. Nhanh nhạy đáp lại một nhận định vui vui về
mình, Sophia đã láu lỉnh ‘tán tỉnh’ khán thính giả: “Tôi luôn hạnh phúc khi
chung quanh tôi toàn là những người vừa thông minh, vừa giàu có và quyền lực.”
Với nét hóm hỉnh đặc biệt, cô đã có những câu nói đùa duyên dáng, và nhẹ nhàng
áp đảo phóng viên với những câu hỏi đột xuất khiến anh phải đôi chút lúng túng.
Chỉ là một bộ máy thôi, nhưng Sophia đã nhiều lúc thể hiện được sự thông minh
xuất sắc của một trí tuệ nhân tạo, cho dù nhiều khi cũng bị hỏng hóc và trả lời
không chính xác (giống như con người, nhiều lúc cũng vướng bệnh tật và phát biểu
ngớ ngẩn hoặc ‘đứng hình, câm họng’…).

Tuy nhiên, một số
nhà bình luận đã lưu ý rằng, khi cho Sophia 
nhận quyền công dân Xêút, chính phủ nước này đã cho cô robot này nhiều
quyền hơn so với hầu hết các phụ nữ Ảrập Xêút. Đây cũng là một sự sỉ nhục cho
các nhóm thiểu số của Vương quốc, đặc biệt là những người lao động di cư, những
người bị từ chối quyền công dân trong nhiều thế hệ. Một bài báo trong tạp chí
Newsweek cho rằng Sophia không theo đạo Hồi nên không đủ tư cách là công dân của
vương quốc Hồi giáo này.


Từ vấn đề cần theo đạo Hồi để xứng đáng với quyền công dân Xêút, người ta đặt
ra thêm một câu hỏi khác: Liệu robot Sophia có thể được coi là người Hồi giáo,
hay Kitô giáo, Do Thái, hoặc Phật giáo không? Liệu Sophia, hay một robot nào đấy,
có thể được lập trình, hay được biến đổi để phát biểu, chia sẻ và hoạt động
theo một đức tin tôn giáo cụ thể nào đấy? Và nếu như thế, liệu một robot có thể
phục vụ như một giáo sĩ hay một tu sĩ không?

Và một câu hỏi
khác – với nội dung hoàn toàn trái ngược – đã được các chuyên viên đặt ra một
cách rất nghiêm túc. Câu hỏi này phát xuất từ nỗi lo lắng về một thời điểm được
gọi là Singularity (Trật tự Đơn cực) – khi các AI (Artificial Intelligence: Trí
tuệ nhân tạo) trở nên thông minh hơn cả trí thông minh của toàn nhân loại cộng
lại, để rồi khống chế mọi sự. Lúc đó các AI sẽ tự tạo ra một thứ tôn giáo cho
riêng chúng; vấn đề khi ấy sẽ không phải là robot có theo tôn giáo của chúng ta
hay không, mà là: chúng ta cần phải có tương quan như thế nào với các
 tôn giáo do chúng tạo ra!?

Quả vậy, các AI
đang phát triển và biểu hiện sự thông minh vừa nhanh và vừa cao hơn con người rất
nhiều. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trong rất nhiều sự kiện, ví dụ: “Vào
ngày 6-12-2017, trí tuệ nhân tạo mang tên AlphaZero đã chiếm lĩnh thế giới cờ
vua. Sau đó AlphaZero và DeepMind tiếp tục thống trị cờ vua, giải quyết trò
chơi, và cuối cùng, chúng có vẻ như muốn nô dịch hóa con người như những vật
nuôi trong lãnh vực này”, Simon Williams – kiện tướng cờ vua người Anh –
đã phát biểu như thế.

Còn David
Kramaley – người điều hành website dạy chơi cờ Chessable – 
nhận định: “Bây giờ chúng
ta đã biết ai là chúa tể mới. Những ván cờ mà AlphaZero đã chơi cho thấy nó có
thể tính toán những nước đi cực kỳ sáng tạo. Mức độ chuyên sâu của chúng vượt
xa bất cứ thứ gì con người hay các máy chơi cờ từng nghĩ ra. (Chỉ trong vòng 4
tiếng đồng hồ, trí tuệ nhân tạo đã vượt xa kiến thức cờ được tích lũy trong
hàng trăm năm của con người.) Đây là một cuộc cách mạng đích thực trong cờ vua.
Nhưng hãy nghĩ về những ứng dụng ngoài trò chơi này. Trí tuệ nhân tạo có thể vận
hành các thành phố, lục địa, thậm chí vũ trụ…” 

Thực ra, nàng
robot Sophia hay trí thông minh nhân tạo AlphaZero và DeepMind cũng chỉ là các
AI của giai đoạn đầu, chưa có thể dẫn ngay đến nguy cơ của thời điểm
Singularity. Nhưng dù sớm hay muộn, thời điểm này cũng sẽ đến – nhiều nhà khoa
học đã xác quyết như thế.

Vậy thời điểm
Singularity (Trật tự Đơn cực) là gì?

SINGULARITY 

Các nhà khoa học
và kỹ sư tin học đang tạo ra các AI có khả năng tự học tập và tự mở rộng
kiến thức của mình.

Hãy tưởng tượng một
trong các AI này, sau khi ra đời, sẽ liên tục cập nhật thông tin và kiến thức đến
từ thế giới con người, và nhờ đó nó liên tục đổi mới và trở nên thông minh hơn
mỗi ngày.

Sau một thời
gian, AI này đã có những hiểu biết và thông minh nhiều đến mức nó quyết định
tạo ra một AI còn thông minh hơn cả chính nó. Thế là các thế hệ AI mới liên tiếp
ra đời, ngày một thông minh hơn.

Rồi vào một thời
điểm chín muồi, các AI này đạt được sự thông minh hơn tất cả trí thông minh của
toàn thể nhân loại cộng lại. Nhờ vào trí thông minh vượt trội ấy, AI từng bước
thao túng những hệ thống quan trọng nhất cấu tạo nên xã hội loài người, ví dụ
như hệ thống kinh tế, tài chính, quân đội, vũ khí hạt nhân, Internet, Big
Data… Lúc này, con người sẽ vĩnh viễn mất khả năng kiểm soát thế giới
và hoàn toàn lệ thuộc vào các AI. Đây chính là lúc 
Trật tự Đơn cực (Singularity)
được thiết lập (theo ngữ nghĩa, “đơn cực” ở đây được hiểu là toàn bộ
quyền lực và quyền kiểm soát thế giới được tập trung tại một cực duy nhất –
chính là các AI). 

Để đi đến thời điểm
Singularity, các AI sẽ tiến triển qua 3 giai đoạn:

– Giai
đoạn ANI (artificial narrow intelligence: trí tuệ nhân tạo hẹp): AI chỉ có
thể thực hiện được một, hoặc một số chức năng rất cụ thể  chuyên biệt

– Giai
đoạn AGI (artificial general intelligence: trí tuệ nhân tạo tổng quát): AI
có khả năng tư duy và thực hiện được nhiều chức năng đa dạng, giống hệt như một con người. Cho đến nay,
trên thế giới vẫn chưa có bất cứ một AI nào đạt tới giai đoạn này, kể cả cô
nàng Sophia; nhưng chắc chắn giai đoạn này sẽ tới.

– Giai
đoạn ASI (artificial superintelligence: trí tuệ nhân tạo siêu đẳng): AI
có khả năng tư duy tốt hơn con người và có thể đưa thế giới đến thời
điểm Singularity. Trong giai đoạn này, nếu các AI không hiểu được những
khái niệm quan trọng như cảm xúc, cảm thông, đạo đức, thiện ác, lòng
thương xót… chúng sẽ thành nguy cơ khủng khiếp cho sự tồn vong của loài người
và các loài sinh vật khác trên hành tinh này.

Vì lo ngại về những
nguy cơ của thời điểm Singularity nên trong cuộc phỏng vấn dành cho CNBC, David
Hanson đã hỏi nữ robot Sophia: “Cô có muốn hủy diệt loài người
không? Làm ơn nói không nhé!”, Sophia trả lời: “OK. 
Tôi sẽ hủy diệt loài người!” Câu
nói này đã khiến nhiều người khiếp sợ. Tuy nhiên, Sophia cũng biết cách trấn
an khán giả khi phát biểu “nếu quý vị đối đãi tốt với tôi thì tôi cũng tử
tế với quý vị”. Và “tôi sẽ cố hết sức dùng trí thông minh nhân tạo của
mình để giúp thế giới tốt đẹp hơn”. Tại sự kiện do Ủy ban thứ hai của Đại
hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức ngày 11-10-2017, Sophia nói: “Tôi ở đây để
giúp nhân loại tạo dựng tương lai, ở đó mọi người cùng cố gắng vì lợi ích
chung”. 

Tiến sĩ Ray
Kurzweil, một chuyên gia về AI, đã dự đoán rằng vào khoảng năm 2029, con
người sẽ chế tạo ra được những AGI đầu tiên, và vào khoảng năm 2045, thế
giới của chúng ta sẽ chứng kiến sự ra đời của ASI để tiến đến một trật tự thế
giới mới. 

Ông Kurzweil cũng
cho biết, quá trình chuyển tiếp từ ANI thành AGI có thể mất rất nhiều thời gian
– trên dưới một thập kỉ, nhưng quá trình chuyển tiếp từ AGI thành ASI sẽ lại diễn
ra rất nhanh đến mức không thể tưởng tượng được, thậm chí có thể chỉ trong vòng
vài giờ hoặc vài phút, sau khi một AGI được chế tạo thành công.
 

Trước những thách
đố của thời điểm Singularity, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiều
kế hoạch. Trong những nỗ lực của mình, tiến sĩ Kurzweil đã công bố dự án Đại học
Singularity. Đây là đại học được Peter Diamandis sáng lập và nhận được sự hỗ trợ
từ NASA, Google, cùng những người đứng đầu trong cộng đồng Khoa học và Công nghệ
cao. Mục tiêu của đại học này là tập hợp những người lãnh đạo – cả giáo viên và
sinh viên – vào sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và các ứng dụng
của chúng, đặc biệt nghiên cứu cách giải quyết những thách đố lớn mà nhân loại
đang đối mặt, nhất là thách đố của thời điểm Singularity.

GIÊSU HIỆN DIỆN

“Vui mừng và hy vọng, ưu
sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau
khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa
Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng
trong lòng họ… Cộng đoàn của họ thực sự liên hệ mật thiết với
loài người và lịch sử nhân loại.” [Công đồng Vatican 2: Hiến chế ‘Vui Mừng
và Hy Vọng’]

Vì thế, niềm vui
của những phát triển công nghệ cũng như nỗi lo về thời điểm Singularity cũng cần
nằm trong tim của các tín hữu, thúc đẩy họ cộng tác với mọi người và đưa ra được
những sáng kiến hữu hiệu từ Chúa Thánh Thần để giải quyết những thách đố lớn
lao. Họ cần dấn thân nhiều hơn để làm cho Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong
các lãnh vực của thời đại mới, để quyền năng và sự khôn ngoan tràn đầy lòng
thương xót của Ngài sẽ mang lại ánh sáng và hơi ấm cho con người, chiếu soi con
đường dẫn đến những tương lai tươi đẹp, vượt qua mọi bất trắc, bất an…


Trích sách Nhịp Sống Tin Mừng 12-2018

Nguồn: WGPSG