T2, 10 / 2017 11:27 Chiều | Đức Tin Jesus

Bất bình sau khi bị chính quyền Việt Nam tra khảo và đe dọa liên tục, Y-Man Eban, Kitô hữu người Thượng bỏ trốn vào rừng thuộc miền đông Campuchia hôm 7-7

“Lý do tôi bỏ trốn khỏi đất nước của mình là vì công an Việt Nam tra khảo tôi 4-5 lần và giam tôi một tuần. Họ đánh đập tôi nhiều lần”, Eban, 30 tuổi, cho biết từ tỉnh Dak Lak.

Khi được hỏi tại sao bị bắt, Eban trả lời là do anh tìm kiếm “tự do và độc lập cho người Đê Ga”.

Eban nằm trong số hơn 300 Kitô hữu người Thượng, người dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, còn gọi là Đê Ga, cách đây 3 năm họ bắt đầu bỏ trốn sang Campuchia do bị chính quyền Hà Nội đàn áp. Đây là cuộc di cư đầu tiên trong vòng một thập niên, khi hàng ngàn người chạy trốn các vụ đàn áp nhắm vào các cuộc biểu tình phản đối vào năm 2001 và 2004.

Họ bị ngược đãi hàng thập niên do ủng hộ Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam và bảo vệ đức tin của họ, nên có rất nhiều lời buộc tội lạm dụng nhân quyền và chiếm đất đai trên các dãy đồi nhấp nhô vốn là quê hương của người Thượng.

Gần như tất cả họ bị chính quyền Campuchia gửi trả về Việt Nam. Chỉ có 20 người được cấp quy chế tị nạn. Eban cho biết tình trạng ngược đãi và theo dõi ở Tây Nguyên vẫn không giảm từ khi anh bị gửi trả về Việt Nam tháng 10-2015 sau khi bị từ chối quy chế tị nạn.

“Từ khi tôi về Việt Nam, chính quyền coi tôi như tội phạm”, Eban nói.

Anh cảm thấy không an tâm khi trở về nhà và lo lắng. Mặc dù không bị hành hung, nhưng Eban cho biết anh bị đả kích. “Họ coi thường chúng tôi, họ rất ghét chúng tôi. Tôi có thể nhận thấy điều đó trong ánh mắt của họ mỗi lần họ đến nhà tôi”.

Những người trở về Tây Nguyên gần đây cho biết họ tiếp tục bị theo dõi và đe dọa, trong khi có người bị ép nhận tội lên truyền hình xin lỗi vì đã bỏ trốn đồng thời thừa nhận họ bị Mặt trận thống nhất giải phóng các dân tộc bị áp bức (FULRO), nhóm người Thượng ly khai đã giải giáp vũ khí năm 1992, lừa phỉnh.

Eban cho biết anh thường xuyên bị chính quyền Việt Nam quấy rối, và còn cảnh báo anh nên tránh xa nhóm ly khai không còn tồn tại này.

“Khi tôi ở nhà, họ đến nhà tôi hỏi tôi lý do tại sao tôi sang Campuchia”, Eban kể.

“Khi tôi đi làm họ gọi điện kêu tôi về gặp họ – họ nói có lệnh của chính quyền”.

“Chỉ một vài ngày sau đó họ bảo tôi đến gặp họ tại quán cà phê nhưng tôi không đi. Họ đến nhà tôi và chất vấn tôi 4-5 lần”.

Anh kể họ hỏi những câu hỏi cố ý ám chỉ FULRO chẳng hạn như “ai dẫn đường?” và khuyên anh không nên “nghe theo kẻ xấu”.

Tương lai vô vọng

Tình hình đối với đa số 36 người Thượng còn lại ở Phnom Penh trông cũng không mấy hy vọng.

Theo email bị rò rỉ từ một viên chức thuộc cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) sẽ có 29 người bị trục xuất mặc dù cơ quan này cho rằng họ cần “bằng mọi cách, được công nhận là người tị nạn” và đã đề xuất một “giải pháp thay thế thích hợp” với chính quyền Campuchia để đưa họ sang một nước thứ 3. Tất cả hiện đang ở Phnom Penh.

Chúng tôi không thể tiếp cận Bộ Nội vụ để xin bình luận và một người phát ngôn cho UNHCR cho biết không có thông tin mới. Nhưng nữ tu Denise Coghlan, đứng đầu Dịch vụ Dòng Tên trợ giúp người Thượng ở Phnom Penh, chưa từ bỏ hy vọng.

“Không có thông tin mới, nhưng vẫn có hy vọng chính quyền Campuchia sẽ cho phép UNHCR chuyển họ sang một quốc gia an toàn vì lý do nhân đạo”, sơ Coghlan nói.

Một trong số họ là Y Rin Kpa, 47 tuổi, nói về nỗi lo sợ trong các tin nhắn do những người ở trong khu nhà có cảnh sát canh giữ ở ngoại ô Phnom Penh gửi đến tuần trước.

Kpa bỏ trốn sang Campuchia năm 2015 do sợ bị bắt một lần nữa sau khi ngồi tù 10 năm vì tội tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền năm 2001. Ông khẳng định con gái ông, hiện đang ở Việt Nam, gần đây bị các quan chức Campuchia và Việt Nam “ép” viết thư cho ông nhằm thuyết phục ông trở về.

“Tôi lo sợ vì chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục kỳ thị và có thể bắt bỏ tù tôi một lần nữa”, Kpa nói.

Những người thân trong gia đình cho ông biết con cái của họ bị giáo viên Việt Nam chuyển đi khỏi các trường địa phương do bị Campuchia gửi trả về gần đây.

Thành công hay thất bại

Chính quyền Campuchia bị buộc tội xem thường các bổn phận quốc tế đối với người tị nạn trong 3 năm qua vì trục xuất người Thượng về lại nước láng giềng mạnh hơn mình. Việt Nam từ lâu được xem là có nhiều ảnh hưởng lớn đối với Phnom Penh từ khi Thủ tướng Hun Sen lên nắm quyền vào thập niên 1980 sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ.

UNHCR cũng bị chỉ trích vì liên quan đến việc đưa người Thượng hồi hương, do khẳng định những người xin tị nạn rời khỏi Campuchia “cách tự nguyện” – vốn bị một số người Thượng mạnh mẽ bác bỏ và khẳng định họ được cảnh báo họ sẽ không được viếng thăm sau đó tại Việt Nam nếu từ chối.

Mặc dù chỉ trích UNHCR trước đây có dính líu đến việc đưa người Thượng hồi hương, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tin rằng chính quyền Campuchia đã “nói xấu sau lưng” cơ quan này.

Bộ Nội vụ đã không giữ đúng thỏa thuận cho phép UNHCR nhận những người xin tị nạn có lý do xin quy chế tị nạn xác đáng rõ ràng và cho họ tái định cư tại một nước thứ 3, theo Robertson.

“Việc Campuchia không thực hiện bổn phận của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn khớp với những lời dối trá dốt nát mà họ nói với cơ quan Liên Hiệp Quốc. Campuchia hoàn toàn xem thường những lời mình tuyên bố sẽ bảo vệ người tị nạn, do đó làm tổn hại danh tiếng của mình”, Robertson nói.

“Vì thế đây thật sự là thời gian quyết định sự thành bại đối với Campuchia và UNHCR”.

“Gửi trả 29 người Thượng về lại Việt Nam bất chấp sự phản đối của UNHCR cho thấy chính quyền Campuchia hoàn toàn không quan tâm đến người tị nạn”.

Tại Phnom Penh, Kpa nói anh vẫn đang tìm cách xoay chuyển tình thế vào phút cuối, nhưng chủ yếu tìm nguồn an ủi trong đức tin.

“Tôi thường đọc Kinh Thánh và cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho chúng tôi”, anh chia sẻ.

Trở lại Tây Nguyên, Eban gần như biết chắc lý do tại sao chính quyền Campuchia có vẻ háo hức ngăn cản người của anh đi tìm kiếm một nơi an toàn tránh sự phẫn nộ của chính quyền Việt Nam như thế.

“Hai nước có quan hệ vững chắc”, Eban nói.

“Như tất cả chúng ta đều biết, chính quyền Campuchia nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Việt Nam”.