T4, 01 / 2018 8:43 Sáng | Đức Tin Jesus

Ngày ngày hăng say dấn bước trên con đường truyền giáo, linh mục Đaminh Nguyễn Thế Trường (Chá nh xứ Suối Dây, GP Phú Cường) thường giữ chắc định hướng mục vụ của mình là đem lòng tin yêu Thiên Chúa đến với muôn dân.

Trên đường đi tới gặp cha, dừng chân ở một quán nước ven đường, sau một hồi trò chuyện, bà chủ quán “chốt” với tôi : “Chỗ đó hồi xưa nghèo lắm, dân thì vài trăm người mà lại ở cách xa nhau. Ðường tới đó nhà cửa cũng lưa thưa chứ đâu có được nhiều như vầy. Rồi mấy cha xứ đến gom họ lại dâng lễ, xây nhà thờ, tổ chức đủ thứ sinh hoạt, đến giờ thì khá hơn hẳn. Cô mà đến vào mấy ngày lễ lớn thì thấy người ta tụ họp ở nhà thờ đông vui lắm”. Người phụ nữ này và các thành viên trong gia đình bà dù không phải Kitô hữu nhưng vẫn đến thánh đường Suối Dây vào những dịp lễ lớn trong đạo để cùng hòa niềm vui với mọi người. Ðó cũng là một trong những mục tiêu của vị chủ chăn họ đạo : “Ðể nhà thờ là nơi tụ họp của muôn dân”.

*Nhà của muôn người

Ðã nhiều năm nay tại vùng quê nghèo này, ngày Chúa Giáng Sinh là ngày hội của mọi người, bất kể Công giáo, Cao Ðài hay Phật giáo. Họ tập trung ở nhà thờ, cùng ngắm nhìn đèn sao lấp lá nh, cùng vui cười trong sự đón tiếp nồng hậu của chủ chăn và con chiên họ đạo. Ông Nguyễn Ngọc Thơ, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ chia sẻ : “Ước tính có khoảng 7000 người tham dự. Ðông đúc như thế thì cả cha và con đều rất vất vả vì lực lượng mỏng mà việc thì nhiều. Nhưng, chúng tôi hiểu được mong muốn của cha xứ và cũng cảm thấy tự hào khi lễ Giáng Sinh được đông đảo anh chị em tôn giáo bạn cùng chung vui, nên ai nấy đều quên đi cái mệt để cùng với cha làm hết sức mình”. Theo ông Thơ thì vào dịp này, hơn 200 phần quà được cha trao cho người nghèo và hàng ngàn món quà nhỏ tặng cho các em thiếu nhi cả trong, ngoài Công giáo. Người lớn, trẻ nhỏ cùng thưởng thức văn nghệ Noel, cùng cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của vị mục tử. Tương tự, vào ngày Trung Thu, cha cũng tổ chức phát quà cho các bạn nhỏ và cùng vui rước đèn, ngắm trăng với các em. Hình ảnh ông cố trẻ mặc áo chùng đen, đầu đội nón vàng đồng phục, tay xách chiếc lồng đèn nhỏ nói cười, hát ca cùng đoàn bé thơ tạo nên một bức tranh sống động, mang đầy niềm vui.

Yêu thương không phân biệt, không loại trừ một ai là điều mà cha luôn tâm niệm. Mỗi khi xin được nguồn hỗ trợ từ các mạnh thường quân là cha đều liên hệ với các chức sắc tôn giáo bạn trong vùng để tụ họp những người có hoàn cảnh khó khăn về khu vực giáo xứ nhận hỗ trợ. Cả những phần học bổng khuyến học cũng được cha làm như vậy. “Chúa yêu không trừ người nào, giáo hội hướng đến muôn người nên những điều tôi làm chỉ là bước theo con đường sẵn có. Chỉ mong sao qua việc làm của mình mọi người sẽ cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa và sống tốt hơn”, cha nói.

Ðược bổ nhiệm làm chánh xứ tiên khởi của giáo đoàn này từ năm 2010 nhưng trước đó – từ khi còn làm linh mục phó xứ Tân Nghĩa, cha đã bắt đầu gắn bó với nơi đây qua những chuyến đi mục vụ. Xứ nghèo, người dân sống bằng nghề nông nhưng lại chẳng có ruộng đất của mình mà phải làm thuê cho người nên cái khó cứ đeo đẳng dài lâu. Thêm nữa, nguồn nước ngầm họ sử dụng trong sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, có người bị ghẻ ngứa khi dùng để tắm rửa. Lo lắng cho sức khỏe của bà con, cha huy động một số thanh niên chạy xe máy đi cả 20 cây số để chở nước về cho mọi người có nước uống. Mặt khác, ngài cũng loay hoay tìm kiếm nguồn nước sạch trong khu vực để mọi người thuận tiện sử dụng. Sau hai lần thất bại, phải đổi vị trí lần thứ 3 và khoan sâu xuống 190m, khi đem nước đi thử ở viện Pasteur (TP.HCM) cha mới tìm được nước đạt tiêu chuẩn cần thiết để đưa qua hệ thống lọc và cho ra nước sạch phục vụ miễn phí cho người dân miền biên giới này. Nhà máy nước Ðức Mẹ Suối Dây trở thành điểm đến thân thuộc chan chứa yêu thương và tinh thần sẻ chia, như chiếc giếng đầu làng, nơi mà mọi người tìm được sự lắng nghe và thấu hiểu từ anh em. Mỗi một hành động, cử chỉ của vị mục tử là chất keo gắn kết muôn người, làm cho bầu khí xứ đạo nên ấm cúng hơn.

*Nâng đỡ những phận người “đa không”

Do giáo xứ nằm sát biên giới Campuchia, trong những năm gần đây nhiều bà con kiều bào đã hồi hương. Hiện tại có khoảng 1.500 hộ tập trung ngụ lại tại làng Tà Dơ quanh khu vực hồ Dầu Tiếng và tiếp tục nếp mưu sinh bằng nghề chài lưới đã tồn tại từ thời cha ông khi sống ở khu vực Biển Hồ bên nước bạn, hay đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Họ trở về với hai bàn tay trắng không quốc tịch, không chốn ở, không của cải… mà nhà nào cũng đông con, cũng dắt díu, đèo bồng. Những phận người “đa không”. Xót xa cho con người ấy, cha dựng những chiếc lá n tạm bợ với tổng giá trị chừng 500 ngàn/cái để họ có chỗ trốn nắng mưa. “Có khi chúng tôi làm cả trăm cái mà vẫn không đủ. Nhìn cảnh cả gia đình đông đúc chen nhau trong mái lá nhỏ hẹp mà lòng nặng trĩu”, cha nói. Rồi lại xoay sở tìm kiếm những tấm lòng hảo tâm để cùng nâng đỡ họ. Mỗi tháng, cha giúp cho họ từ 5 – 7 tấn gạo nhưng chẳng thấm vào đâu. Ngài trăn trở : “Tôi cố gắng tìm hiểu xem họ cần gì, họ muốn gì để nâng đỡ họ. Giúp về vật chất đã khó nhưng khó hơn là phải làm sao để họ được phát triển về nhân bản và nhận thức để từ đó ổn định đời sống”. Cha kể có lần giúp một vài người kinh phí để xác nhận các loại giấy tờ hầu nhanh chóng ổn định sinh sống tại Việt Nam. Thế nhưng, vì không ý thức được tầm quan trọng của việc đó nên họ đã không thực hiện như cha hướng dẫn. Sự việc ấy càng khiến trái tim mục tử trĩu nặng âu lo.

Không nản chí, cha quyết định thay đổi cuộc sống mai sau của những con người ấy bắt đầu từ thế hệ trẻ trước. Ngài quy tụ con em họ về nhà sinh hoạt chung của xứ đạo và nhờ các nữ tu dòng Mẹ Nhân Ái dạy chữ cho chúng, vậy mà cũng chẳng mấy thuận lợi. Lớp học chỉ chừng 50 em nhưng để duy trì thì hết sức vất vả bởi các em vốn chẳng quen với việc ngồi một chỗ, với việc tuân thủ nền nếp, quy định… nên nhanh chóng tỏ ra chán nản và muốn bỏ học. Cha cùng các nữ tu phải tìm mọi cách để lôi cuốn chúng tiếp tục chặng đường dang dở. Mơ ước giản đơn của cha là các em biết được cái chữ hầu mai sau lớn lên dễ dàng hòa nhập, dễ tìm việc làm hơn, có thể thoát ra khỏi cái bóng tăm tối đã và đang phủ vây mọi bề.

Chỉ mới bước đi trên đời linh mục hơn 11 năm và gặp phải biết bao trở ngại nhưng với cha tất cả đều rất có giá trị, rất đáng trân trọng. Trong thâm tâm cha, được phục vụ muôn người, được dấn thân ra vùng ngoại biên, được đem Chúa đến muôn nơi là niềm hạnh phúc mà ngài mong mỏi ngay từ lúc còn là cậu bé sinh hoạt trong đoàn Thiếu nhi Thánh Thể ở giáo xứ Bùi Môn (TGP. TPHCM). Dẫu còn rất nhiều những chông gai, nhưng tin rằng với tất cả tình yêu thương vốn có, vị chủ chăn của xứ nghèo Suối Dây sẽ giúp đoàn chiên của mình ngày càng thêm thăng tiến.