T6, 10 / 2017 10:32 Chiều | Đức Tin Jesus

Giáo hội miền Nam sau 1975

Nhìn vào các tội danh mà cộng sản áp đặt lên Lm chính Vinh, Lm Thông, Lm Oá nh, Lm Quynh, giáo sĩ, giáo dân thì biết chỉ là cái cớ để họ trù dập, ngăn cách giáo dân với giáo sĩ hầu dễ bề tiêu diệt tôn giáo. Một cựu đại úy quân đội quốc gia, ông Kiều Duy Vĩnh, sau hiệp định Geneva 1954 chia đôi đất nước đã ở lại miền Bắc và bị tù đày triền miên cho tới năm 1975 đã cho biết “nếu ông có đạo công giáo, biết làm dấu thánh giá thì ông không thể sống sót cho đến ngày nay” .

Ở miền Nam sau 1975, khi cộng sản chưa mở cửa, thì tình trạng xảy ra cũng giống như ở miền Bắc sau năm 1954. Ai có thể nói vì Giáo hội miền Nam chịu hợp tác với nhà nước nên được yên lành và tự do hành đạo?

Chúng ta có thể chia Giáo hội miền Nam làm hai thời kỳ: Thời kỳ chưa cởi trói và thời kỳ mở cửa.

Thời kỳ quá độ / chưa cởi trói (1975-1989)

Khi cộng sản tiến chiếm Sài Gòn ngày 30-4-75, Giáo hội miền Nam – không kể những người vượt biên chạy trốn ra nước ngoài – những ai ở lại, giáo dân cũng như giáo sĩ ai cũng muốn hòa nhịp với làn sóng “cách mạng”, vì nghĩ rằng đất nước đã hòa bình thì phải hợp tác với chính quyền mới để xây dựng đất nước. Đa số người dân chưa hiểu cộng sản là gì đều nghĩ rằng cộng sản cũng là những người yêu nước? Tất cả các giáo phận miền Nam đều trao nộp cho chính phủ các cơ sở từ thiện, giáo dục, nhà thương, trường học và đặt mình dưới sự điều khiển của nhà nước “cách mạng”.

TGM Huế Nguyễn Kim Điền, ngay từ đầu đã tuyên bố “sẵn sàng hợp tác để xây dựng đất nước, sau những năm tháng dài chiến tranh đổ nát”, nhưng cuối cùng cũng chẳng xong. Người cộng sản quyết tâm tiêu diệt tôn giáo nên không còn chọn lựa nào khác, ông bắt buộc phải ở tư thế tự vệ rồi cũng bị trù dập, khủng bố, hàng ngày phải đến trình diện Ủy Ban Nhân dân thành phố để ‘làm việc’. Cuối cùng ông đã chết một cách mờ ám tại bệnh viện Chợ Rẫy. Linh mục Nguyễn Văn Lý, thư ký của ông, tháng 9-1977 cũng bị bắt vì liên hệ đến việc phổ biến bài tham luận về Tự Do Tôn Giáo của TGM Điền, bị kết án 20 năm tù. Rồi tha rồi bắt lại, bắt đi bắt lại cho đến hiện nay vẫn còn đang ngồi tù. Lm Nguyễn Văn Lợi bạn tranh đấu cho tự do tôn giáo của Lm Lý cũng bị tù rồi được tha và bị quản thúc tại gia, không được thi hành thiên chức linh mục cho đến hiện nay.

Tất cả các giám mục ở những thành phố nhỏ xa Sài Gòn đều bị làm khó dễ, cấm không được di chuyển khỏi Tòa Giám Mục, không được đi Roma viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolo theo luật định như Giám Mục Ban-mê-Thuộc Nguyễn Huy Mai, v.v…

Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh TGM Sài Gòn Nguyễn Văn Bình, cầm quốc xẻng đi thủy lợi mở màn cho chiến dịch hợp tác với chính quyền để xây dựng đất nước của người Thiên Chúa giáo nhưng cũng không được yên thân. Cộng sản lập sẵn một Ủy Ban Công Giáo và Dân Tộc làm trung gian liên lạc với chính quyền, nhưng đó chỉ là xảo kế giống như Ủy Ban Những Người Công Giáo Yêu Nước Yêu Hòa Bình ở miền Bắc sau 1954 với mục đích kiểm soát Giáo hội và chủ trương ly khai. Ủy ban này gồm những linh mục và giáo dân cộng sản đã từng trục xuất khỏi Sài Gòn Khâm sứ Tòa thánh Le Maitre, đã bắt Giám Mục Nguyễn Văn Thuận bỏ tù sau ngày 30/4/75. Tòa giám mục Sài Gòn chỉ còn một mình TGM Bình chúng sẽ dễ dàng khống chế và lừa phỉnh. Bao vây ông lúc đó toàn là những linh mục và giáo dân cấp tiến. Thành lập ủy ban này, đoàn cố vấn nói là để giúp ông điều hành giáo phận cho qua cơn sóng gió, nhưng bên trong là âm mưu khống chế, làm nội tuyến hầu dễ bề tiêu diệt Giáo hội.

Linh mục Huỳnh Công Minh là đảng viên cộng sản lại làm Tổng đại diện giáo phận, hẳn tha hồ dòm ngó kiểm soát sinh hoạt của giáo phận, đến nỗi sau này lúc cuối đời, báo chí ngoại quốc phỏng vấn TGM Bình cảm nghĩ của ông về cộng sản thì ông chỉ nói gọn “Đến bây giờ tôi vẫn sợ”. Xem vậy đủ biết cái vòng bao vây, kìm kẹp, khủng bố nó ghê gớm thế nào! Cho đến nay đã hơn 40 năm mà Huỳnh Công Minh vẫn chễm chệ ngồi ở ghế Tổng Đại diện giáo phận kiêm chánh xứ nhà thờ Đức Bà, Phó Giám đốc Đại chủng viện, nơi đào tạo các linh mục tương lai thì thử hỏi cộng sản đã kiểm soát Giáo hội chặt chẽ thế nào. Vì TGM Nguyễn Văn Bình đã già yếu không thể coi sóc giáo phận được nữa, Tòa Thánh đặt Giám Mục Huỳnh Văn Nghi lên thay thế thì nhà nước bằng mọi cách ngăn cản không cho ông về Sài Gòn nhận chức chỉ vì ông không đồng ý để Huỳnh Công Minh ở vị trí Tổng Đại diện.

Ai biểu TGM Bình chống đối nhà nước? Vậy mà ông cũng vẫn còn sợ? Giáo hội cũng vẫn bị điêu linh, không chết như Giáo hội miền Bắc, nhưng bị khốn đốn và tha hóa sau này ai cũng đã thấy. Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo và Dân tộc đứng đầu là Huỳnh Công Minh, Trương bá Cần, Phan khắc Từ, Thiện Cẩm…là một ổ nội tuyến, nắm vai trò chínhủy để thao túng Giáo hội.

Cũng cần nhắc lại ở đây, vì TGM Bình muốn hợp tác chân thành với chính quyền để xây dựng đất nước, ông đã thành lập một ban cố vấn gồm:

-Lm Trần Thái Hiệp, Giám đốc Đại chủng viện – Lm Chân Tín, DCCT – Lm Nguyễn Huy Lịch, Dòng Đa Minh

-Lm Huỳnh Công Minh, UBĐKCG, chánh xứ nhà thờ Bà, Tổng đại diện Giáo phận Sài Gòn, Phó giám đốc ĐCV.

-Lm Phan Khắc Từ, UBĐKCG – Ông Nguyễn Đình Đầu, nhân sĩ – Lm Mai Xuân Hậu, chánh xứ Hà Đông Xóm Mới

Ban cố vấn họp mỗi thứ hai hàng tuần…

Trong tập hồi ký của Lm Mai Xuân Hậu, thành viên ban cố vấn, ông có nhắc lại chuyện xảy ra trong một buổi họp có Huỳnh Công Minh:

“Cũng vẫn là buổi sinh hoạt thường lệ có đầy đủ Ban Cố Vấn và có cả Đức Tổng GM Bình, Đức cha Phụ Tá Nẫm nữa. Vừa ngồi vào ghế thì Đức Tổng Bình nhìn thẳng vào tôi và nói: “Tôi được tin báo, trưa thứ bảy vừa rồi cha được công an thành phố đến tận nhà làm việc có phải không? Cha có thể cho chúng tôi biết qua sự việc được không?” Tôi bình tĩnh thuật lại: “Khoảng 1 giờ trưa thứ bảy, con đang ngủ trưa thì có tiếng đập cửa phòng rất lớn, con dậy và mở cửa thì thấy anh Tư Châu, đứng đầu công an vùng Gia Định, cơ quan đóng ở Ngô Tùng Châu, mà con đã được hân hạnh tiếp xúc nhiều lần. Anh bước vào phòng con, có cận vệ cắp súng đứng gác cửa phòng. Con chào và hỏi có chuyện gì anh Tư đến lúc giờ ngủ trưa thế? Anh nói ngay: Trong tuần tĩnh tâm ở Thái Mỹ, Củ Chi, linh mục đã nói “Bá n đứng” là thế nào? “Con mời anh ấy ngồi và rót nước mời uống và con bắt đầu trả lời: Anh Tư không đi tĩnh tâm với chúng tôi nên chắc có ‘angten’ tố cáo nên anh Tư cần nghe tôi trả lời. Đúng, tôi có nói: ‘Đừng bán đứng chúng tôi trong giờ ngủ trưa ở Thái Mỹ….’ Con nói ôn tồn nhưng không kém mạnh mẽ. Ở đây, thưa Đức Tổng, con chỉ tóm gọn mấy điểm chính. “Tuần tĩnh tâm ở Thái Mỹ này là tuần tĩnh tâm đầu tiên của giáo phận trong năm đầu của đất nước Việt Nam Xã Hội Thống Nhất. Chúng tôi cảm ơn chính phủ cách mạng đã cho chúng tôi một tuần tĩnh tâm. Nhưng tôi không hoàn toàn đồng ý về mục đích của tuần tĩnh tâm mà một số linh mục ‘yêu nước’ đã nhiều lần tuyên bố: Đúng ra tất cả các linh mục đều phải tập trung đi cải tạo, nhưng nay chúng tôi (linh mục yêu nước) đã bảo lãnh với cách mạng là dùng tuần tĩnh tâm này để cải tạo, nên việc đạo đức chỉ chiếm một số giờ rất nhỏ, suốt ngày toàn là lao động, cuốc đất, trồng trúc, chặt trúc và học tập chính trị. Có các cá n bộ cách mạng thường xuyên và liên tục thuyết trình về Cac-Mác, Lê Nin và Bác Hồ. “Con nói rõ với anh Tư: Nếu sang năm còn tổ chức tĩnh tâm như loại này, con sẽ không đi. Trong thánh lễ không cần lễ phục mà chỉ cần quần xà lỏn áo thụng rồi đeo dây stola là đủ. Không được nhắc cầu nguyện cho các linh mục tuyên úy đang được cải tạo vì các ngài là tội phạm của chế độ, mà cầu nguyện cho tội phạm là phản động. “Soạn thảo một sứ điệp của các linh mục dự tĩnh tâm cho toàn thể giáo dân của cả giáo phận. Con phản đối sứ điệp này, vì từ xưa tới nay, biết bao tuần tĩnh tâm mà đâu có sứ điệp gì nên không cần soạn sứ điệp gì cả. Nhưng sứ điệp vẫn được soạn thảo, và lúc soạn thảo lại chọn giờ ngủ trưa trong dãy nhà tôn thấp lè tè, các cha già kể cả con, phải lấy khăn mặt xấp nước đậy lên mặt cho đỡ nóng. Thế mà ban soạn thảo cứ to tiếng, chọn câu, chọn chữ, dùng từ…làm con tức mình nói thành tiếng:‘các ngài đang bán đứng chúng tôi’. Có tiếng cười bên cạnh giường, con mở mắt ra nhìn, con thấy ai cười (con không cần nói ai cười). Và rồi sau tuần tĩnh tâm vừa về đến nhà xứ chiều thứ sáu thì trưa thứ bảy, anh Tư đến thăm sức khỏe con. “Con giải thích ý nghĩa “bán đứng” cho anh Tư nghe: Người đời vẫn nể các linh mục vì các ngài học nhiều, biết tiếng latinh, tiếng Pháp, tiếng Anh mà tờ sứ điệp này lại hành văn không đúng, dùng chữ sai…thế chẳng phải là “bán đứng” chúng tôi hay sao? “Anh Tư biết tôi dạy văn gần hai chục năm. Ca tụng chế độ không khéo và không tế nhị thay vì động viên giáo dân lại bị phản tác dụng, như thế không là “bán đứng” hay sao? Cách mạng cũng không cần những tuyên truyền hạ cấp, thô thiển rẻ tiền,.. như vậy cũng là “bán đứng” chứ còn gì? “Và con đề nghị với anh Tư: Linh mục chúng tôi, Giáo Hội chúng tôi ước muốn mỗi năm có một tuần tĩnh tâm truyền thống tại Đại Chủng Viện để chúng tôi hoàn toàn ra trước mặt Chúa chúng tôi để tĩnh tâm.

Đức Tổng góp ý: May mà là cha, nếu là một cha khác chắc đã bị bắt đi cải tạo. Tôi tiếp lời ngài: Thưa đức Tổng, nếu những báo cáo “angten” như thế này còn xảy ra thì hàng ngũ linh mục nói riêng và toàn dân nói chung sẽ bị phân hóa, không còn ai tin vào ai nữa! “Một cha, con không cần dấu tên, cha Huỳnh Công Minh đã tuyên bố: “Tôi là linh mục, nhưng cũng là một công dân, là công dân tôi có quyền và có bổn phận tố cáo tất cả những ai phản động.” “Con tiếp lời: Cái mũ phản động hiện nay rất nhiều, rất rộng và rất ác độc, đê tiện, xin đừng chụp mũ. Phải nghĩ đến Chúa và ngày mai.”[2]

Sau khi bao vây TGM Nguyễn Văn Bình, cộng sản bắt đầu trừ khử các nhà dòng, tu viện nam nữ như dòng Chúa Cứu Thế, Đồng Công, khổ tu Châu Sơn, nhà thờ này, Lm xứ nọ từ ngoài Trung vào đến Sài Gòn rồi Cần Thơ, đồng bằng Cửu Long. Tất cả đều bị gá n ghép những tội mà chẳng bao giờ họ làm để có cớ tịch thu tài sản, bắt giáo sĩ đi tù. Dòng Châu Sơn, dòng Đồng Công ở Thủ Đức, một dòng chuyên tu cũng bị tố cáo tàng trữ vũ khí và lương thực để chống phá cách mạng. Thế là nhà dòng bị tịch thu, Lm bề trên và các thầy bị bắt bỏ tù cải tạo. Lm nhà thờ Vinh Sơn ở đường Trần quốc Toản cũng bị tố cáo có súng, có quần lót, nịt vú đàn bà trong nhà để rồi bị bắt tù và chết không hề ra tòa xét xử. Lm Thi chánh xứ nhà thờ Bắc Hà bị đập bể đầu chết trong đêm tối. Lm Hoàng Quỳnh thì tên Thúy, cận thần của ông mấy chục năm trời, sau 1975 mới lộ ra là cộng sản nằm vùng mang cấp bậc đại tá nói là chẳng cần giết ông làm chi, cứ nhốt ít tháng rồi ông sẽ chết thôi. Quả vậy chúng nhốt ông ở building Ngã Ba Ông Tạ thì hơn tháng sau ông qua đời.

Thời gian này mọi linh mục, giáo sĩ, nữ tu, tất cả đều sợ hãi, có người không dám nhận mình là linh mục. Không ai bảo ai, không ông linh mục hay bà sơ nào mặc áo dòng đi ngoài đường như trước kia. Các linh mục ở mỗi địa phận không được phép họp mặt cấm phòng theo định kỳ như dưới thời VNCH. Mất liên lạc, xa giám mục bản quyền thì vấn đề đạo cá nhân và sinh hoạt xứ đạo sẽ bị sao lãng và bê bối thôi.

Đối với giáo dân, các đoàn thể, hội cầu nguyện… cũng không được hoạt động. Việc tụ họp hai ba gia đình lại với nhau để đọc kinh cũng bị cấm. Ở nhà thờ trong giờ kinh lễ, ông linh mục cũng phải giữ mồm giữ miệng nơi tòa giảng kẻo bị gán cho cái tội chống phá cách mạng. Vùng kinh tế mới thì hoàn toàn không nhà thờ, không linh mục. Tất cả các linh mục tuyên úy QLVNCH đều bị tập trung tù cải tạo không biết ngày về. Ở trong tù cũng không được phép làm lễ, không được đeo ảnh Thánh Giá. Khi được thả về không được thi hành thiên chức linh mục, làm mục vụ, không được sống ở nhà xứ, không được coi xứ đạo mà phải về sống với gia đình tản mát trong dân chúng và phải trình diện công an phường khóm mỗi tuần mỗi tháng.

Ngăn cách giám mục với linh mục, linh mục với giáo dân và giáo dân cách giáo dân vẫn là chủ đích của cộng sản để làm tê liệt hầu dễ bề triệt tiêu tôn giáo.

Sau khi đã khủng bố đầu não Giáo hội, cộng sản đưa ra đường lối cho GH theo. Câu nói “Tốt Đời Đẹp Đạo” là châm ngôn để thi hành. Nhưng đó chỉ là ngụy biện có mục đính phủ dụ và tuyên truyền. Tốt Đời theo chủ nghĩa cộng sản chưa chắc đã Đep Đạo, hoặc ngược lại Đẹp Đạo chưa chắc đã làm vừa lòng đảng cộng sản. Linh mục Thanh Lãng, vì hăng say muốn cải đổi Giáo hội và đất nước đã hùa theo đà cấp tiến làm những điều quá lố để rồi khi chết đã hối hận viết thư ăn năn, xin lỗi Khâm xứ Tòa thánh. Linh mục Chân Tín, cựu linh mục Nguyễn ngọc Lan một thời đi với cộng sản, bây giờ vỡ mộng. Bài giảng xám hối của linh mục Chân Tín tại nhà thờ DCCT đường Kỳ Đồng là phát súng lệnh và cũng là cái cớ để Lm Chân Tín và Nguyễn ngọc Lan bị lưu đầy và theo dõi.

Song song với thời gian đánh phá tôn giáo là thời gian đánh tư sản mại bản, lùa người dân thành phố đi kinh tế mới, đổi tiền, bần cùng hóa nhân dân, biến dân thành phố thành nghèo đói phải bán đồ đạc trong nhà từ cái chổi, cái bát, đôi đũa đến cái giường…để sống qua ngày. Thanh niên phải đi thanh niên xung phong, làm nghĩa vụ quân sự tại chiến trường Cao Mên. Miền Nam trở thành tiêu điều xơ xác, bị quốc tế phản đối, Hoa Kỳ cấm vận. Đây quả là thời gian đen tối nhất, không một gia đình nào ở miền Nam không có mối lo, chồng đi tù cải tạo không biết ngày về, vợ con ở nhà đói khổ lại bị kỳ thị, khủng bố tinh thần, công an phường khóm ngày đêm theo dõi. Dân chúng miền Nam, ai cũng lo tìm đường vượt biển, bất chấp hiểm nguy miễn sao thoát ách độc tài cộng sản. Chưa một cuộc vượt biển tỵ nạn chính trị nào hiểm nguy và vĩ đại như cuộc vượt biển trốn cộng sản của dân miền Nam Việt Nam đã làm rúng động thế giới, cải hóa tư duy của những kẻ đã một thời tung hô chủ nghĩa cộng sản, ủng hộ cộng sản Bắc Việt, MTGPMNVN hết mình như Bertrand Russell, Jean Paul Sartre và Raymond Aron…Những tên phản chiến sáng mắt. Thế giới sáng mắt. Nhưng cộng sản Việt Nam vẫn nhất định không chịu mở mắt, phải đợi đến khi chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, bức tường Đông Tây Bá Linh sụp đổ vào năm 1989.