T5, 10 / 2017 9:48 Chiều | Đức Tin Jesus

Các nhà khảo cổ học loan tin có thể đã tìm được hài cốt của thánh Nicôla trong một hầm mộ bí mật bên dưới nhà thờ được xây tại quê hương của ngài ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Một đội ngũ các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ đang tràn trề hy vọng có thể tìm được nấm mồ của thánh Nicôla, người đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của nhân vật Santa Claus, hay Ông già Noel trong văn hóa phương Tây. Bên dưới nền gạch khảm cổ kính của nhà thờ thánh Nicôla ở tỉnh miền tây Thổ Nhĩ Kỳ là Antalya, nhóm chuyên gia đã phát hiện được sự tồn tại của một cấu trúc xây dựng cổ chưa từng được biết đến trước đây. Nhà thờ này nằm ở thị trấn Demre của tỉnh Antalya, tại nơi mà theo lưu truyền là nơi chôn nhau cắt rốn của thánh nhân.

Thánh Nicôla chào đời tại ở thị trấn ven biển Ðịa Trung Hải, và trở thành giám mục trên chính quê hương vào thế kỷ 14. Ngài được chôn cất tại nơi trước đây có tên là Myra, hiện là Demre, nhưng hài cốt của vị thánh được cho là rơi vào tay bọn trộm mộ trước khi chuyển đến thành phố Bari ở miền nam Ý. Tuy nhiên, tiến sĩ Cemil Karabayram, người đứng đầu Cơ quan Cổ vật và Bảo tồn của Thổ Nhĩ Kỳ, tiết lộ đội khảo cổ học của nước này vừa tìm thấy một công trình mà họ cho là nhà nguyện bí mật nằm bên dưới nhà thờ thánh Nicôla. Một đội gồm 8 chuyên gia sử dụng kỹ thuật quét CT và radar xuyên đất tại nhà thờ sau khi người dân địa phương vẫn cho rằng hài cốt của vị thánh có thể vẫn chưa rời khỏi Myra.

Hurriyet Daily News dẫn lời ông Karabayram cho biết: “Chúng tôi cho rằng nhà nguyện được duy trì ở tình trạng tốt, nhưng có thể gặp khó khăn nếu muốn khai quật vì vướng phải phần nền được khảm đá”. Cần phải mất thời gian để xử lý nền gạch, và các công nhân buộc phải tìm cách bóc từng mảnh gạch một cách đầy thận trọng. Trước đó, nhiều người cho rằng di hài của vị thánh đã bị đưa khỏi quê hương. Sau khi lìa thế vào năm 343, thánh Nicôla được chôn cất tại nơi hiện đặt nhà thờ thánh Nicôla. Tuy nhiên, công trình này trước đó đã bị phá hủy trong một trận động đất, và đến thế kỷ 11, các lực lượng Ả Rập chiếm đóng Myra đã tiến hành khai quật một bộ hài cốt được xác định là 1.674 năm tuổi, sau đó thương lái đã đưa về thành phố cảng Bari vào năm 1087.

Các nhà khảo cổ học Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng người thời đó đã lấy nhầm bộ xương. Tờ The Telegraph dẫn lời tiến sĩ Karabayram dẫn giả thuyết của giáo sư Yıldız Ötüken thuộc khoa lịch sử của Ðại học Hacettepe. Theo giả thuyết khác, vào năm 1993, một đội ngũ các nhà khảo cổ cho rằng hòn đảo Gemile tại Ðịa Trung Hải mới là nơi yên nghỉ cuối cùng của thánh Nicôla. Họ đã rút ra kết luận này dựa trên thực tế hòn đảo còn được giới thủy thủ vào thời xưa gọi là đảo thánh Nicôla, cũng như tìm thấy một công trình xây dựng của đạo Kitô có niên đại vào thế kỷ thứ 4 tại đây. Tàn tích của Vương Cung Thánh Ðường có ghi tên thánh nhân cũng cho thấy dấu hiệu ngài có thể được chôn cất trên đảo. Dựa trên giả thuyết này, các nhà khoa học cho rằng hài cốt đã được di tản gấp đến Myra để thoát khỏi sự bao vây của một hạm đội Ả Rập, theo BBC.

Bất chấp tranh luận về nguồn gốc ngôi mộ nguyên thủy của thánh Nicôla, đội ngũ chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục lần theo dấu vết vừa tìm được. “Chúng tôi đã thu được nhiều kết quả vô cùng khả quan, nhưng công việc thực sự chỉ mới được khởi đầu. Chúng tôi sẽ đến được chỗ mình muốn và có lẽ sẽ tìm được hài cốt chưa từng được phát hiện của thánh Nicôla”, theo ông Karabayramquan.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, phía Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải thử nghiệm ADN một khi tìm được hài cốt để xác định được rằng di thể của thánh Nicôla được an táng ở quê hương Demre bao lâu nay chứ không hề bị “lưu đày” xa xứ. Cũng nhờ kỹ thuật xâu chuỗi gien di truyền, các nhà nghiên cứu vào năm ngoái đã xác định được sự tồn tại của người Canaanite cổ đại, được Thánh Kinh ghi lại; và vào năm 2014, kỹ thuật này cũng giúp các chuyên gia nhận dạng được di hài của một vị tử đạo tên Ketevan.