T4, 10 / 2020 4:29 Chiều | Đức Tin Jesus

HÔN NHÂN KHÁC ĐẠO TẠI CHÂU Á

Tác giả: Astrid Lobo Gajiwala
Dịch giả: Lm. Gioan Kim khẩu Phan Văn Định

WHĐ (4.12.2020)Tiến sĩ Astrid Lobo
Gajiwala là một phụ nữ Công giáo người Ấn Độ. Bà tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa, làm
việc tại Tata Memorial Hospital ở Mumbai. Ngoài ra bà cũng có bằng về Thần học
và tham gia giảng dạy tại Đại chủng viện Tổng giáo phận Mumbai và Học viện thần
học Gujarat của Dòng Tên. Nét đặc biệt là bà đã kết hôn với một người chồng Ấn
giáo từ 25 năm nay, có ba người con, và chính từ kinh nghiệm cụ thể của một gia
đình hôn nhân khác đạo, bà trình bày và chia sẻ những suy tư về hôn nhân khác đạo
tại Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung. Những suy nghĩ và đề nghị của bà nhiều
khi rất táo bạo nhưng được Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu quan tâm, cụ thể là
bài thuyết trình của bà được chọn đăng trong FABC Papers số 153. Hiệp Thông xin
giới thiệu bài viết này, không như một giáo huấn nhưng như một chia sẻ suy tư
và trải nghiệm của một Kitô hữu sống trong gia đình hôn nhân khác đạo, cũng là
vấn đề mục vụ cần được quan tâm của Giáo Hội Việt Nam, hiện nay và trong những
năm tới.

I. Hôn nhân khác đạo, mối quan tâm của FABC[1]

 “Hôn nhân khác đạo”[2]
không phải là mối quan tâm mới mẻ nơi các Giám mục Á Châu. Đây là điều hiển
nhiên do bối cảnh đa nguyên của Châu Á và là lý do cho sự nỗ lực kiên trì của
các Giám mục Á Châu để hiểu biết, học hỏi và bổ sung thêm ý nghĩa cho đời sống
con người. Vì thế, chín năm trước đây, tháng 5 năm 2006, Văn Phòng Liên Hội Đồng
Giám Mục Á Châu Về Những Quan Tâm Thần Học (OTC)[3]
đã tổ chức BITA[4] III, một cuộc hội thảo thần
học đặc biệt của các Giám mục Á Châu về chủ đề “Hôn nhân khác niềm tin trong bối
cảnh đa nguyên tại châu Á”[5]. Hội nghị được tổ chức tại Hồng
Kông để tìm cách nối kết thực trạng hôn nhân khác niềm tin tại Châu Á với cam kết
lâu dài của các Giám mục Á Châu về ba lĩnh vực đối thoại: đối thoại với người
nghèo, với văn hóa, và với tôn giáo; cùng đặt nền tảng cho thực hành mục vụ nhằm
đáp ứng những thách thức nảy sinh từ những gia đình có các thành viên khác niềm
tin[6]. Trong bản đúc kết, những
Giám mục tham dự hội nghị yêu cầu OTC nghiên cứu sâu hơn về chiều kích thần học,
đặc biệt là mục vụ, của hôn nhân khác niềm tin và yêu cầu này đã được đáp ứng
nơi một tài liệu khác của OTC được xuất bản năm 2009 dưới ánh sáng của công đồng
Vaticanô II và những tài liệu sau đó, với sự lưu ý đặc biệt đến cách nhìn mới về
Giáo hội học, truyền giáo, đối thoại và hội nhập văn hóa trong Giáo hội.

II. Đặt vị trí bài viết

Với tôi, một
phụ nữ Công giáo đã có 3 đứa con, người đã đấu tranh vất vả, trưởng thành và được
biến đổi tận căn từ cuộc hôn nhân khác đạo suốt 27 năm qua với một người đàn
ông Ấn giáo, những sáng kiến của các Giám mục Á Châu là dấu chỉ lớn lao cho niềm
vui và hy vọng. Tôi xem những sáng kiến này như bằng chứng của lòng khao khát
chân thành, nhằm mở rộng mệnh lệnh của tin mừng tình yêu vượt qua những ranh giới
của tín biểu đức tin, và lôi kéo những người đã bị loại trừ bởi lề luật và thực
hành của Giáo hội, bằng những hoạt động chăm sóc mục vụ.

Trong bối
cảnh của Tuyên ngôn “Thời Đại Chúng Ta” (Nostra
Aetate
– viết tắt “NA”), sự hiện diện của tôi trước quý vị qua bài thuyết
trình đại diện cho những gia đình khác niềm tin là lý do thứ hai để vui mừng.
Tôi vui mừng không chỉ vì đây là một đặc ân cá nhân nhưng nó còn biểu trưng cho
một bước nhảy to lớn trong lối suy nghĩ của Giám mục Á Châu. Bằng việc dành chỗ
cho hôn nhân khác niềm tin trong hội nghị này, quý vị đã thay đổi cặp kính qua
đó chúng ta nhìn vấn đề. Từ chỗ nhìn hôn nhân khác niềm tin như là “hôn nhân có
vấn đề”, nay họ được nhìn như “những trung tâm tiềm năng của việc đối thoại
liên tôn”, và thay đổi mục tiêu chăm sóc của Giáo hội đối với bên Công giáo
(trong hôn nhân khác niềm tin),từ việc giữ gìn đức tin đến chỗ làm phong phú
cho nhau về đức tin và sự hiểu biết.

Cho đến thời
điểm này, việc đối thoại liên tôn trong sứ mạng và đời sống Giáo hội chỉ giới hạn
nơi các nhà chuyên môn, nơi những thảo luận mang tính học thuật, những buổi cầu
nguyện liên tôn và những tương tác giới hạn vốn không đe dọa hoặc thách thức niềm
tin và thực hành tôn giáo của người ta. Cuộc đối thoại liên tôn diễn ra hằng
ngày, gần gũi, trong bối cảnh hôn nhân, tiếp tục bị phớt lờ hoặc lu mờ bởi những
thách đố mà những hôn nhân này đặt ra cho Giáo luật và mục vụ truyền thống. Tuy
nhiên, đối thoại liên tôn lại nằm ở tâm điểm của những cuộc hôn nhân này và nó
tác động đến sự hiệp nhất của đôi vợ chồng, gia đình và đôi khi, cả sự thống nhất
bản thân.

Do đó, bài
viết của tôi khởi đi từ kinh nghiệm của những cặp hôn nhân khác đạo trong bối cảnh
Ấn Độ, đặc biệt là hôn nhân giữa người Công giáo và Ấn giáo, và cho thấy họ đã
sống lời kêu gọi trong Tuyên ngôn “Thời Đại Chúng Ta” (Nostra Aetate) như thế nào, nhằm đối thoại và cộng tác với những
người thuộc các tôn giáo khác, “với sự thận trọng và tình thương trong chứng tá
đức tin và đời sống Kitô hữu”, cũng như “nhận ra, gìn giữ và phát huy những điều
tốt lành về mặt thiêng liêng và đạo đức, cũng như những giá trị văn hóa xã hội
được tìm thấy nơi mỗi tôn giáo” (NA 2). Tiếp đến, tôi xin lưu ý đến sự tương
tác năng động giữa các gia đình hôn nhân khác đạo và thực tại đa nguyên ở Châu
Á, nhấn mạnh đến sự hiểu biết lẫn nhau trong nội bộ gia đình có thể bị ảnh hưởng,
đồng thời tác động đến bầu khí tôn giáo của nhân loại ra sao, với những tiềm
năng bảo vệ và thúc đẩy công bằng xã hội, luân lý xã hội, hòa bình và tự do (NA
3). Cuối cùng, tôi sẽ đề nghị một sự thay đổi mô hình[7]
mà tôi cho là cần thiết, nếu bên Công giáo trong các gia đình khác niềm tin được
nhìn nhận và đón tiếp như những cộng tác viên trong việc đối thoại liên tôn,
cùng đưa ra đề xuất hướng đến việc thực hiện sự thay đổi mô hình này.

III. Đối thoại trong đời sống

Đối thoại
liên tôn liên hệ mật thiết nhất với gia đình hôn nhân khác niềm tin. Ở đây,
không có bất cứ điều gì mang tính lý thuyết về đối thoại, nhưng mọi thứ đều
mang tính cá nhân. Không thể chỉ là những chấp thuận nông cạn mang tính nghi thức
khi các bạn được mời gọi để trở thành vai diễn chính. Chẳng hạn, trong suốt lễ
hội Diwali, người ta mong chờ người
con dâu cả cử hành nghi thức Laxmi Puja
cầu bình an cho cả gia đình. Đó là một vinh dự và trách nhiệm. Làm sao người ta
có thể từ chối được? Cũng vậy, khi cầu nguyện chung với nhau, không thể chỉ làm
một cách máy móc vì họ đang hình thành thói quen lâu dài trong đời sống cầu
nguyện của gia đình. Chính từ ngữ “khoan dung” lại trở thành một từ ngữ xấu nếu
có hàm nghĩa sự ưu việt trong một mối quan hệ vốn hoàn toàn mang tính tương
tác. Sống chung không chỉ đơn giản là một cuộc tĩnh tâm cuối tuần; đó là sự
thích nghi suốt đời.

Khi có sự
khác biệt về tôn giáo thì ngay cả những vấn đề đơn giản hàng ngày cũng có thể
trở thành vấn đề cần thương thảo. Chẳng hạn, việc tổ chức lễ hội vốn là hoạt động
bình thường khi gia đình cùng tham gia, nhưng lại có thể bị xem như một thách đố
cho căn tính tôn giáo nơi mỗi người. Cử chỉ thông thường như việc làm dấu thánh
giá hoặc lời chào “Jai, Shri Krisna”,
những việc hầu như mọi người coi như phản xạ không cần suy nghĩ, nhưng lại có
thể gây ra những ngập ngừng do dự và thắc mắc. Ngay cả một bữa ăn cũng cần phải
thích nghi khi mời Chúa đến hiện diện.

Bởi vì
Giáo hội không cung cấp bất cứ sự giúp đỡ nào, và bất cứ lời khuyên nào của
Giáo hội cũng chỉ hướng đến việc giữ đạo, nên tôi đã phải tự tìm câu trả lời
cho những thách đố này bằng cách hướng về Thần Khí. Điểm khởi đầu tốt đẹp là những
bài học về Ấn Giáo được tổ chức bởi Đức Giám Mục Felix Machado mà Kalpesh, chồng
tôi, và tôi tham dự trước khi chúng tôi cưới nhau. Những buổi học này đã giải
thoát tôi khỏi sự thiếu hiểu biết và thành kiến về Ấn giáo. Lúc đó, Kalpesh nhận
ra có những giáo sư thần học trong Giáo hội Công giáo, không những có kiến thức
sâu rộng về Ấn Giáo mà còn tôn trọng Ấn giáo sâu sắc. Bước chính yếu thứ hai
trong năm đầu của đời sống hôn nhân, chúng tôi quyết định suy ngẫm về kinh Bhagavad Gita và Tân Ước, dưới sự giúp đỡ
của khoa chú giải. Chúng tôi thực hiện mỗi sáng trên bàn ăn và điều đó mang đến
cho chúng tôi sự thấu hiểu sâu sắc hơn về Kinh Thánh và những hiểu biết căn bản
về đức tin của nhau. Chúng tôi đã chịu thử thách để vượt qua chướng ngại tôn
giáo về danh Thiên Chúa. Kalpesh đối diện với điều này dễ dàng hơn tôi, cho đến
khi tôi chuyển từ việc thu hẹp niềm tin chật hẹp tập trung vào Đức Kitô sang niềm
tin tập trung vào Thiên Chúa. Cuối cùng, Kalpesh chỉ ra rằng: “Đức Giêsu đã
không định nghĩa Thiên Chúa. Ngài chỉ biểu
lộ và diễn tả Thiên Chúa
” (Ga 1:18). Nơi Đức Giêsu, người ta không thể tìm
ra bất kỳ hình dáng hoặc danh xưng nào về Thiên Chúa, ngoại trừ tương quan của
Ngài với “Cha.”

Khi tiếp
xúc với kinh nghiệm mới này, tôi đã thoáng thấy một cái nhìn khác hơn về Thiên
Chúa, Đấng trổi vượt trên mọi tôn giáo. Ấn Giáo đã đáp ứng cho lòng khao khát của
tôi về Thiên Chúa như Người Mẹ, một danh xưng tôi không dám tuyên xưng trong
khoảng thời gian dài. Cuối cùng, tôi đã có thể nhìn thấy Thiên Chúa “Cha” của
tôi với tất cả những thuộc tính của Người Mẹ đời đời (Eternal Mother). Ấn Giáo
cũng giúp tôi tiếp xúc với Chúa Tể Vũ Hoàn (Universal God) với mạc khải không bị
đóng khung vào giữa hai bìa sách; Thiên Chúa Vũ Trụ (Cosmic Divinity), Đấng
khôn tả, Đấng liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai; và Thiên Chúa Tạo Dựng,
Đấng hiệp nhất con người với vạn vật. Thú vị thay, sự hiểu biết của tôi về Đức
Kitô trở nên phong phú hơn. Chẳng hạn, tôi luôn thấy câu nói của Chúa Giêsu “Ta và Chúa Cha là Một” (Ga 10:30) như sự
xác quyết về thần tính của Người và lời dạy của Giáo hội về tín điều Thiên Chúa
Ba Ngôi. Tuy nhiên, khi Kalpesh đọc câu này, anh nhận ra sự khác biệt nhỏ, đặc
biệt khi anh liên kết với Ga 5:19: “Con
Người không thể tự mình làm điều gì, ngoại trừ thấy Chúa Cha làm”.
Với
Kalpesh, qua lời xác nhận này, Chúa Giêsu không chỉ xác quyết Người là Một với
Đấng Chí Thánh mà còn cho thấy “sự khiêm tốn tột cùng của Người qua việc coi
mình chỉ như sự mở rộng của Thiên Chúa.. .Người cũng cho thấy sự tín thác tuyệt
đối của một con người giác ngộ hoàn toàn, nơi đó tính nhị nguyên không còn hiện
hữu”. Qua cái nhìn của Kalpesh, mầu nhiệm thập giá mang lại một ý nghĩa lớn
hơn. “Giêsu chịu chết vì tội lỗi chúng ta”, được hiểu là cho tôi, một yếu tố
then chốt. Mầu nhiệm thập giá là tất cả hy tế và tình yêu của Thiên Chúa cho
dân của Ngài. Rồi bất ngờ, chính ở đó mà Kalpesh được soi sáng và đánh động bởi
một Hữu thể Thiên Chúa đã hoàn toàn quy phục Thánh Ý Chúa Cha. Với Kalpesh, mầu
nhiệm thập giá là tất cả sự vâng phục và tình yêu của Chúa Giêsu với Chúa Cha.

Tôi không
hề cô độc trong kinh nghiệm này. Để chuẩn bị cho Thượng hội đồng ngoại thường về
gia đình năm 2014, tôi đã quy tụ 8 người phụ nữ để chia sẻ những câu chuyện của
họ và suy nghĩ về những kinh nghiệm của họ như những thành viên, cộng sự viên
trong các gia đình khác niềm tin. Tất cả những phụ nữ này đều thể hiện khao
khát muốn biết nhiều hơn về tôn giáo của người phối ngẫu; nhờ đó, họ có thể tìm
thấy điểm chung cơ bản và làm giàu thêm mối tương quan vợ chồng. Một vài người
chia sẻ cách thức họ thờ phượng cùng nhau và làm triển nở đời sống thiêng liêng
chung, trong khi những người khác nói về cách thức họ tôn thờ độc lập với nhau
nhưng luôn ý thức về tôn giáo của người phối ngẫu. Một phụ nữ nói rằng: “Thỉnh thoảng tôi cảm thấy người chồng Ấn giáo của tôi có chất Kitô hơn tôi trong
nhân cách và lối sống của anh ấy. Tôi cảm thấy xấu hổ để gọi mình là người
Công
giáo khi so với nền tảng đức tin của chồng
tôi”.
Một ngày kia, thấy người chồng cầu nguyện, chị hỏi: “Anh cầu nguyện với ai?” Anh trả lời: “Anh cầu nguyện với Thiên Chúa và anh cũng cầu
nguyện với Đức Kitô”.
Một phụ nữ khác thành thật thừa nhận: Trước khi cưới,
chị là người Công giáo nguội lạnh với sự hiểu biết giới hạn, nhưng sau khi cưới,
chị buộc phải học hỏi nhiều hơn để trả lời cho những câu hỏi của người chồng.
Chị xác tín: “Tôi nhận ra rằng muốn biết
Chúa Giêsu là phải yêu mến Người. Tôi đã không thể nhận ra điều này nếu trước
đây tôi cưới người
Công giáo”.

Trong việc
giáo dục niềm tin tôn giáo cho trẻ em, mọi thứ có phần phức tạp hơn. Nhiều đôi
vợ chồng khác niềm tin muốn mang các cháu đến cả hai tôn giáo bởi vì họ không
thể xem nhẹ một bên nào. Tôi và Kalpesh cũng không ngoại lệ. Nhưng chúng tôi muốn
các cháu được tự do thực sự tận hưởng sự phong phú của cả hai tôn giáo bằng việc
khám phá về ơn Thánh Thần bên trong, yếu tố không được định nghĩa bởi tôn giáo
và điều tôi gọi là “hành trình trưởng thành tâm linh”[8].
Tôi đã trải qua nhiều năm tìm kiếm, đã nhận được sự giúp đỡ của những thần học
gia có hiểu biết để thoát khỏi những ranh giới Giáo hội đặt ra, và tôi muốn các
con bắt đầu từ nơi tôi đã đạt được, chứ không phải từ nơi tôi bắt đầu.

Vì thế, việc
giới thiệu cho các con nhiều danh xưng của Thiên Chúa là một niềm vui đặc biệt.
Các cháu đã học lời cầu nguyện Sanskrit cùng với kinh Kính Mừng và kinh Lạy
Cha. Chúng tôi đã cùng nhau tạo ra những nghi thức có ý nghĩa riêng cho gia
đình như: Dassera Puja giống với làm
phép nhà. Thách đố đối với tôi là làm cho Đức Kitô trở nên sống động nơi các
con bên ngoài cơ cấu Giáo hội. Con cái tôi là những người không chỉ cắm rễ nơi
một hệ thống niềm tin tôn giáo, vì thế chúng đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối. Và
tôi phải chuẩn bị cho các con nhận ra và đáp trả tiếng gọi bất ngờ của Thầy Chí
Thánh, tiếng gọi có thể đến bằng những cách thế không ngờ.

Nhưng tôi
phải làm như vậy vì Kalpesh sợ rằng tôi sẽ tẩy não bọn trẻ và đưa vào đó những
ràng buộc Kitô giáo. Dù Kalpesh yêu mến Chúa Kitô, nhưng anh muốn các con được
tự do khỏi những ràng buộc được Giáo hội đề ra. Theo Kalpesh, câu Kinh Thánh “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy
” là lời mời gọi của Chúa Giêsu
hướng đến kinh nghiệm tột cùng về Thiên Chúa chứ không phải gia nhập Giáo hội,
và Chúa Giêsu là “cánh cửa trong cõi hữu hạn dẫn con người đến Đấng Vô Hạn”.
Tuy nhiên, việc tách rời Đức Kitô ra khỏi Giáo hội khơi lên trong tôi một vài
câu hỏi chính yếu: “Giáo hội có vai trò thiết yếu nào đối với niềm tin của tôi
vào Đức Kitô? Nếu tôi tự kìm hãm tinh thần Kitô giáo của mình vì sợ làm chồng
tôi bực mình, phải chăng tôi đang lấy đi khỏi các con một thành phần quý giá
nơi tôi? Phải chăng tôi phải nối kết thờ ơ của anh ấy với sự thờ ơ của tôi, hoặc
phải thách thức anh làm điều tương tự?

Một câu hỏi
khác tôi đã phải đối diện là: “Có phải anh sẽ không gây rối cho các con không?”.
Thú vị thay, đó là câu hỏi chỉ được đề ra bởi Giáo hội Công Giáo, không phải Ấn
Giáo, có lẽ vì người Ấn quen sống với một Thiên Chúa có nhiều hình dạng. Con
tôi luôn thoải mái, thậm chí thích thú với việc thuộc về cả hai tôn giáo[9]. Chúng nói không chút ngượng
ngùng hay biện hộ: “Tôi là người Ấn giáo
và Công giáo”.
Theo tôi, đó là vì ngay từ đầu chúng tôi đã dạy các con rằng
tôn giáo không kết thúc nơi chính mình, nhưng mọi tôn giáo chỉ là những nẻo đường
đến với Đấng Chí Thánh; đức tin là một món quà không phải do thủ đắc nhưng được
ban tặng (Êphêsô 2:8) do lòng quảng đại của Đấng Thánh (Cv 10: 44-47); Thiên
Chúa tồn tại ngay từ thời nguyên thủy, trước tất cả các tôn giáo (Gioan 1:
1-4); mọi tôn giáo đều có một mục đích trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và
thật là ngạo mạn khi những con người nhỏ bé và vô nghĩa lại dám phán xét tôn
giáo, sách thánh hoặc tiên tri nào tốt hơn; sự vô biên của Thiên Chúa không thể
được chứa đựng trong một tôn giáo đơn thuần, nhưng mỗi tôn giáo trao tặng Ân Sủng
Thần Linh để sống với mầu nhiệm Thiên Chúa và đạt được những hiểu biết hữu hạn
về sự bao la nơi Thiên Chúa. Cuối cùng, vấn đề không phải là theo một tôn giáo
nào – ngay cả với Chúa Giêsu (Mt 7: 21-23; Lc 9: 49; Mt 25: 31-46) – nhưng là
con người chân thành tìm kiếm và thực thi Thánh Ý Thiên Chúa thế nào.

Tuy vậy,
cách giáo dục tôn giáo này thường tạo ra vấn nạn cho các cháu. Tôi còn nhớ, khi
Gayatri 12 tuổi, cháu buồn một sơ dạy giáo lý vì sơ nói: “Khi chịu phép rửa, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa”. Con bé
khóc lóc hỏi tôi: “Thế thì có phải
con không phải là con cái Chúa không?” Rồi Ashutosh khi được 8 tuổi, cháu tham
dự nghi thức rước lễ lần đầu của Pria. Cô bé cũng là đứa con gái trong một gia
đình khác đạo. Tôi đang nghĩ không biết cháu có hiểu gì không thì bất ngờ
Ashutosh phản ứng vì cứ nghe nói đi nói lại rằng “hôm nay là ngày đặc biệt vì
Chúa Giêsu ngự vào lòng các con lần đầu tiên”. Ashutosh nói với tôi: “Chúa
Giêsu ngự trong tâm hồn chúng ta lần đầu tiên khi chúng ta được sinh ra. Hôm
nay là lần đầu tiên Chúa Giêsu ngự trong hồn họ qua Giáo hội”. Sau đó cháu giải thích: “Khi chúng ta còn là những bào thai nhỏ bé trong dạ mẹ, ngay cả trước khi chúng ta có thể lớn lên
trong bụng mẹ, Thiên Chúa luôn ở với chúng ta
. Nghĩa là Chúa Giêsu đã ở đó
rồi”. Tôi nghĩ: Đó là suy tư thần học khá hay.

Bây giờ, cả
ba cháu đều đã trưởng thành. Có lúc tôi tự hỏi chính mình: “Tôi có thành công trong cách giáo dục tôn giáo cho các con không?”. Tôi
không biết chắc. Nói chính xác là tôi không biết định nghĩa thế nào là thành
công. Tôi đoán câu hỏi đầu tiên Giáo hội sẽ hỏi là các cháu có được rửa tội
không. Gayatri, đứa con gái lớn nhất, giờ đã 26 tuổi. Cháu tự chọn được rửa tội
khi cháu 21 tuổi vì cháu cảm thấy làm một người Công giáo là căn tính của đời
mình và cháu muốn bước vào Giáo hội không phải như chiến công nhưng là di sản
thiêng liêng của mình. Cháu muốn tham dự Bí tích Thánh Thể như một tham dự viên
chứ không phải khán giả. Cháu nói với tôi: “Sao
có thể thực sự là một phần của Thánh lễ nếu không rước lễ?”.
Đáng buồn
thay, cũng chính Gayatri đã bị từ chối được rước lễ trong ngày sinh nhật thứ 25
vì quên nói “Amen” và thú nhận với linh mục là chưa xưng tội khi cháu đang đứng
đầu hàng những người đi lên rước lễ. Tôi tự hỏi: Sẽ có bao nhiêu người bị từ chối
tiến đến bàn tiệc của Chúa, nếu vị linh mục đều hỏi những người đứng đầu hàng
câu hỏi tương tự? Gayatri khóc và tôi cũng khóc. Ashutosh rất tức giận vì sự vô
cảm và kiêu căng của người dẫn dắt dân Chúa đến bí tích Thánh Thể. Liệu Chúa
Giêsu, Đấng tiếp đón mọi người đang khao khát Bánh Hằng Sống (Mc 2: 13-17) có
quay mặt đi với Gayatri chăng? Tạ ơn Chúa, vẫn có những linh mục giống như Chúa
Giêsu, những người tìm cách mời gọi hơn là loại trừ. Chẳng hạn, bạn tôi – một
linh mục dòng tên – không chỉ mời gọi Gayatri mà còn cả người giúp việc của tôi
thuộc miền Đông Bắc Ấn Độ đến với Bí tích Thánh Thể khi cô bị từ chối được rước
lễ vì kết hôn với một người Ấn giáo ngoài Giáo Hội.

Ashutosh
được rửa tội năm 17 tuổi vì cháu cần sự xác nhận chính thức về cam kết Kitô hữu
để vào một Đại học Công giáo. Hai thư giới thiệu của hiệu trưởng và cha xứ đều
xác nhận là cháu thường xuyên tham dự thánh lễ Chúa Nhật, tham gia các lớp giáo
lý tại trường, lớp thêm sức tại nhà thờ, tham gia ca đoàn, hát lễ, nhưng vẫn
chưa đủ. Trường Đại học cần giấy chứng nhận rửa tội. Ashutosh trả lời cách thực
dụng: “Tôi đã coi mình là người Công
giáo trong suốt cuộc đời. Ngay cả các bạn cũng nghĩ tôi là người Công giáo. Thế
mà trường muốn nơi tôi một mảnh giấy. Cứ
cho họ đi… Tôi đi lễ nhiều hơn nhiều người Công giáo trong trường
này. Nhưng tại sao lại đối xử với tôi như vậy?”.
Kalpesh chỉ đứng ngoài quan sát. Cuối cùng, các cháu đạt được đều chúng muốn. Với
tôi, đây là cơn khủng hoảng. Tôi cảm thấy thất bại khi nhìn lại bao nhiêu năm vất
vả dạy giáo lý, nay coi như mất đi chỉ vì một vấn đề kỹ thuật. Trong mắt con
trai tôi, hình ảnh Giáo hội đã bị lu mờ. Với tôi, tôi gặm nhấm từng ngày những
câu hỏi: “Liệu có thể thuộc về Giáo hội
mà không cần được rửa tội không
? Được rửa tội bởi lòng khao khát không có giá
trị sao? Phải chăng Giáo Hội chỉ là một
câu lạc bộ với nhiều luật lệ, hay Giáo Hội là một cộng đoàn
các tín hữu làm
cho Tin Mừng Đức Kitô được sống động? Phải chăng cơ chế được vận hành
khéo léo của chúng ta chỉ nhằm mục đích cải đạo
?

Nivedita,
đứa con gái thứ hai, năm nay 24 tuổi và chưa được rửa tội. Cháu thích cả hai
tôn giáo vì điều đó cho cháu quyền lựa chọn, khả năng suy nghĩ (về chính mình)
và một ân ban để cháu được giới thiệu nhiều khuôn mặt khác nhau của Thiên Chúa.
Cháu tự hỏi: “Tại sao tôi lại nói không với
một tôn giáo bất kỳ? Tôi không bao giờ tự đặt mình vào một chiếc hộp để rồi bị
đóng khung một phần đời tôi. Tôi là chính cá nhân tôi. Đó là tất cả những gì
tôi lựa chọn”.
Trớ trêu thay, cháu lại được nhận giải thưởng giáo lý 3 năm
liền và điều đó làm cho mẹ của bạn cháu – một người Ấn giáo – hỏi tôi: Tại sao
Nivedita không được tiến cử vào vai trò lãnh đạo Công giáo?

Người đỡ đầu
của hai cháu gái là những phụ nữ có hôn nhân khác đạo. Họ là những người Công
giáo đạo đức và thân thiết với các cháu. Tôi đã cố ý chọn cho các cháu những
người đỡ đầu thuộc về hai tôn giáo để hiểu hơn hoàn cảnh các cháu.

Nếu tôi được
hỏi: Các con của bạn có đến nhà thờ thường xuyên không? Câu trả lời là “không”.
Các cháu đến nhà thờ khi cần sự bình an và yên tĩnh, khi gặp những chuyện phiền
muộn, muốn dâng lời tạ ơn, luyến tiếc về quá khứ, hoặc tạo niềm vui cho tôi
trong dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh. Gayatri thích cảm giác sống thuộc về một
cộng đoàn Giáo hội như những trải nghiệm mà cháu đã có khi lớn lên tại Sri
Aurobindo Ashram. Các cháu cho biết nhiều đứa bạn Công giáo của các cháu không
đến nhà thờ nữa. Tôi không biết chắc đó có phải là vì cảm thức thuộc về hai tôn
giáo của các cháu hay không, hoặc đây là ảnh hưởng đặc biệt của thế hệ kỹ thuật
số?

Các cháu
có tin vào Chúa không? Câu trả lời là có nhưng các cháu có nhiều cách thể hiện
niềm tin. Dù mọi cách thức các cháu đưa ra đều mang tính thiêng liêng nhưng
không có cách nào được gọi là tôn giáo. Ashutosh đã xoay ngược 360 độ khi nói:
Ban đầu, tôi rất yêu mến tôn giáo”;
Nhưng hiện tại, cháu công khai phê phán những tín đồ các tôn giáo vì cháu nghĩ
con người tôn giáo gắn liền với chính trị, tham nhũng, ham tiền và khát máu.
Theo Ashutosh, tôn giáo là tất cả của yếu tố phẩm trật, khủng bố và tha hóa con
người. Gayatri tin rằng những người theo Đạo không lo làm người tốt mà chỉ lo
làm Kitô hữu tốt, người Ấn giáo tốt, Hồi giáo tốt, hoặc các lối sống bị đóng
khung bởi luật lệ. Nivedita nói: “Người theo đạo không suy nghĩ nữa. Các bạn
tôi không đặt câu hỏi, họ chỉ làm theo nghi thức có sẵn”. Quan điểm này cũng là
điều Gayatri nhận xét. Cháu gọi cách nhận xét này là “món quà tinh thần lớn nhất cha mẹ cho tôi”. Có lẽ nó bắt nguồn từ
Jos Anthony Joseph, một thần học gia đã có gia đình, người trước đây đã dạy tôi
rằng: “Con đường đến với sự thánh thiện
được lát bằng những câu hỏi”.

Có lẽ Giáo
hội sẽ không bao giờ hỏi tôi: “Con cái của
con có phải là người tốt không”
. Nhưng với tôi, đó là câu hỏi có giá trị nhất,
là sự chuẩn bị cần thiết nhất cho ngày phán xét cuối cùng. Lúc đó, Thầy Chí
Thánh có thể nói với họ: “Khi Ta đói,
con đã cho Ta thức ăn; Khi Ta khát, con
đã cho Ta nước uống; Khi Ta đau yếu, con đã viếng thăm; Khi Ta ở tù con đã đến
với Ta”
(Mt 25: 35-36). Thế nên, tôi cảm thấy xúc động khi Gayatri nói với
tôi: “Con có sự định hướng luân lý mạnh
mẽ” và tôi làm chứng cho sự nhạy cảm của con bé; Hay khi Nivedita nói với tôi: “Con muốn làm một nghề có tính xã hội chính
đáng”;
hoặc khi Ashutosh phê bình về những tên khổng lồ trên thế giới đang
kiếm tiền bằng cách nuốt chửng những người dễ bị tổn thương và buôn bán nhỏ.

Vậy việc rửa
tội cho các cháu bé có tác động gì nơi Kalpesh? Dù chúng tôi đồng ý để cho con
cái được tự do chọn lựa, Kalpesh tỏ ra không nhiệt tình lắm. Anh nói: “Anh không muốn con cái bị điều khiển và chịu
sự ngột ngạt trong Giáo hội giống như em”.
Anh ấy cảm thấy Giáo hội đã thắng,
và điều đó đã làm anh phiền lòng vì anh muốn con cái lớn lên trong tự do tôn
giáo. Anh nói: “Giáo hội Công Giáo là một
nhà tù vô hình. Chướng ngại của nó không thể thấy được vì nó mang nặng yếu tố
tâm
lý”. Về phần tôi, tôi tin tưởng là các con tôi đã được lớn lên nơi thế giới
quan Đông Phương (vừa là cái này vừa là cái kia) và không bao giờ từ bỏ để đến
với thế giới quan Tây Phương (cái này hoặc cái kia cách rạch ròi). Chúng không
còn ở dưới sự kiểm soát của cha mẹ hoặc Giáo hội. Chúng là những người lớn biết
phân định và tôi chỉ cầu xin cho chúng biết mở lòng ra với ơn soi dẫn của Thánh
Thần, Đấng tác động lên tất cả chúng ta để vẽ ra đường thẳng bằng những nét
cong.

IV. Mạng lưới nhân sinh

Giờ đây
tôi chuyển sang phần thứ hai của bài thuyết trình: Gia đình khác niềm tin và cộng
đoàn lớn hơn. Ở Ấn Độ có câu nói: Khi một cặp đôi cưới nhau, họ không chỉ cưới
nhau mà còn cưới một gia đình”. Và như thế điều không thể tránh là các gia đình
truyền thống rộng lớn cũng bị lôi vào cuộc đối thoại liên tôn của đôi vợ chồng.
Điều này xảy ra ở nhiều cấp độ.

Nơi cấp độ
cá nhân, sau ngày cưới, tôi đã sớm ý thức rằng: Trong gia đình Ấn giáo, tôi đại
diện cho tất cả các Kitô hữu. Thật vậy, tôi là cửa ngõ cho họ đi vào thế giới
Công giáo qua cách tôi thờ phượng, nhận thức tôn giáo, tác động của tôi đến họ qua
cách ăn uống và trang phục. Ở cấp độ sâu hơn, tôi trở nên khuôn mặt của Đức
Kitô và Giáo hội. Họ thích hiểu biết về nghi lễ và quan tâm đến lời dạy của
Chúa Giêsu. Tuy tôi chỉ là một Kitô hữu như thành phần thiểu số trong gia đình
nhưng sự cố gắng của tôi để hiểu biết và thích ứng với thế giới của họ đã nhận
được sự tôn trọng, bình đẳng. Chẳng hạn, khi mọi người đang tận hưởng thời gian
thư giãn ngày Chúa Nhật, bố chồng nhắc tôi đi lễ.

Ở cấp độ tập
thể, sự liên hệ mật thiết của tôi với Giáo hội cũng được mời gọi để đối thoại
liên tôn. Trong thời gian đầu, khi các con còn nhỏ, lúc tôi hội họp ở nhà thờ,
chồng tôi và mẹ chồng ở nhà chăm sóc con cái. Suốt 27 năm nay, trong lúc rảnh rỗi,
anh đưa rước tôi đến phi trường khi tôi đi chơi với những người thân trong nhà
thờ. Anh vui vẻ nhận lời chia sẻ kinh nghiệm về hôn nhân khác đạo, sắp xếp lại
những ca phẫu thuật cho phù hợp với lịch gặp gỡ và hội nghị chuyên đề. Một lần,
khi tôi tham dự hội nghị CBCI, anh chuẩn bị mọi thứ cho các con đi lễ Chúa Nhật
và đến trường, dù bọn trẻ cự tuyệt. Cuối cùng, bọn trẻ đi lễ nhưng quyết định bỏ
lớp học giáo lý ngày Chúa Nhật. Trên đường về nhà, các cháu gặp người bạn của
chúng tôi, một người chồng Ấn giáo kết hôn với cô vợ Công giáo. Bạn tôi đang
đưa con gái đến lớp giáo lý vì cô vợ đi vắng. Anh tập trung ba đứa con tôi lại
và đưa chúng đi cùng. Hai ông chồng muốn đảm bảo rằng con cái của họ thực hiện
đầy đủ các nhiệm vụ Kitô hữu khi các bà vợ Công giáo đi vắng. Khi nghe biết điều
đó, tôi cười và nói: “Sức mạnh của đối
thoại liên tôn trong hôn nhân khác đạo”.
Anh bạn tôi cười lớn và đáp: “Sức mạnh của các bà vợ”.

Đó là câu
chuyện cười về các bà vợ nhưng ẩn chứa một bài học: Chìa khóa cho việc Phúc Âm
hóa là tương quan yêu thương. Tình yêu làm cho những người chồng trở thành những
cộng sự viên đắc lực của Thân Thể Đức Kitô qua việc chủ động hợp tác của họ vào
sứ mạng này. Nếu chúng tôi muốn gia đình hôn nhân khác niềm tin trở thành trung
gian của Phúc Âm hóa, thì các cặp vợ chồng phải học hỏi như thánh Phaolô: Đặt
tình yêu lên trên tất cả mọi thứ (1Cr 13: 1-3) và đón nhận Thánh Thần thổi theo
ý Ngài muốn. Thánh Thần không bao giờ thất bại.

Ở cấp độ
xã hội, lễ hội và tiệc vui của gia đình là cơ hội cho những cuộc gặp gỡ để vui
đùa, trao đổi thông tin, thảo luận về những bất đồng chính trị và chia sẻ kinh
nghiệm thiêng liêng. Chúng tôi có nhóm “Labo
whatsapp”
của tất cả các cháu bên họ nhà tôi, Kalpesh và cháu trai người Ấn
của tôi cũng là thành viên. Đại gia đình mong được tôi đưa đến lễ Giáng Sinh,
Phục Sinh và cả thứ Sáu Tuần Thánh. Những thành tựu của bất kỳ người nào trong
chúng tôi đều được tổ chức bởi gia đình hai bên. Là người Ấn giáo và người Kitô
giáo, chúng tôi đã và đang lớn lên cùng nhau, và các cấp độ tôn giáo được hiện
lên dần dần. Chúng tôi là một gia đình.

Chất xúc
tác lớn nhất cho sự biến đổi này là các cháu. Trong ngày rước lễ lần đầu của đứa
cháu trai bên gia đình tôi, khi được 2 tuổi rưỡi, Gayatri đã kéo ông bà nội đến
nhà thờ, cùng làm dấu thánh giá, yêu cầu họ quỳ và nói “Jai-Jai”. Ai có thể từ chối lời dụ dỗ của cháu được chứ? Mẹ tôi,
người không bao giờ chấp nhận cho Kalpesh bước vào nhà trong năm đầu chúng tôi
cưới nhau đã động lòng khi Gayatri chào đời. Những năm sau đó, mẹ cho phép
chúng tôi vào nhà. Bằng tác động khôn dò của Chúa Thánh Thần, chính Kalpesh đã
chăm sóc mẹ suốt thời gian bà nằm liệt giường trong những ngày cuối đời.

Những câu
chuyện tương tự được nhân lên nhiều lần nơi những người phụ nữ trong nhóm. Một
phụ nữ Công giáo chăm sóc cho người mẹ chồng Ấn giáo lúc ốm yếu. Một phụ nữ
khác chăm sóc cho bố chồng người Tây Ấn đã ly thân. Một phụ nữ Công giáo đã tặng
chuỗi Mân Côi cho con riêng của chồng theo Ấn giáo lúc cô sắp chết trên giường
bệnh và cậu đã xem món quà đó như báu vật. Đây là những thành tựu của Chúa
Thánh Thần – những điều không thể được xác định bởi các nhãn mác tôn giáo.

Tuy nhiên,
việc tiếp cận viễn tượng này đòi hỏi sự kiên nhẫn, đối thoại, tiến triển không
ngừng và đặt nền tảng trong Thánh Thần – Đấng không hề có những giới hạn thiêng
liêng. Qua những lần cãi vã, chúng tôi có sự hiểu lầm và bất đồng do đề cao cá
nhân, do thành kiến sâu sắc, nhưng chúng tôi đã sống tốt hơn nhiều người, đánh
giá đúng về nhau và tôn trọng nhau hơn không chỉ trong những việc đồng thuận mà
còn cả trong khác biệt. Trong tiến trình này, căn tính Kitô hữu được củng cố.
Chẳng hạn, chúng tôi đáp trả tiếng gọi Kitô hữu để đón nhận người khác vô điều
kiện. Thế giới quan của chúng tôi đã thay đổi khi minh chứng lòng đạo đức cho
nhau về Đấng Thánh và nhận ra Đức Kitô nơi giá trị vạn vật. Tình hiệp thông của
người đã chịu phép Rửa được giang rộng để tháp nhập vào sự hiệp thông của tất cả
con cái Thiên Chúa. Sự cắm rễ của chúng tôi trong Đức Kitô được đào sâu để nối
kết với Ngôi Lời – Đấng ở với Thiên Chúa từ nguyên thủy (Ga 1:1). Cách nhìn này
là một chọn lựa truyền giáo trong đời sống hàng ngày mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô
nhắc đến trong Tông huấn Evangelii
Gaudium
: Sự thúc bách không phải để bảo vệ bản thân nhưng hướng đến hành động
đáp trả tích cực tới tất cả những người được Chúa Giêsu mời gọi sống tình thân
hữu với Người (EG 27).

Nhưng mọi
thứ không luôn luôn yên bình vì cũng như những mối tương quan trong gia đình
hôn nhân khác đạo có thể ảnh hưởng đến những cộng đoàn lớn hơn, thì thế giới
bên ngoài cũng có thể gây hại đến không gian riêng tư của gia đình. Trước đây,
những thần học gia nữ quyền dạy rằng: Mỗi cá nhân đều có tính chính trị. Đối với
tôi, một bước ngoặt là thập niên 90, khi tình trạng bạo lực chống người Kitô hữu
trỗi dậy. Tôi đã phải cố gắng nhiều để tự tách mình ra khỏi trào lưu lúc đó:
coi cộng đồng Ấn giáo là ma quỷ. Bạn tôi – một người Công giáo kết hôn với một
người Ấn giáo, nói đùa: “Cứ như thể là ngủ
chung với kẻ thù”.
Về một mặt, tôi thấy mình bị đóng đinh vì những hành động
sai lầm của Giáo hội trong quá khứ và hành vi loại trừ của Giáo hội trong hiện
tại. Nhiệt tình của Giáo Hội trong việc cải đạo và lôi người ta, nhất là người
nghèo, khỏi những chân lý thiêng liêng sâu sắc vốn là nền tảng của Sanatan Dharma trong Ấn giáo – vẫn là một
nỗi đau nhức nhối cho Kalpesh. Anh tỏ ra tức giận với cách nói “chân lý tròn đầy”
nơi Kitô giáo và chỉ có “hạt giống chân lý” nơi các tôn giáo khác (Ecclesia in Asia 16). Anh đặt vấn đề: “Tại sao người ta phải là người Công Giáo mới
có thể tôn thờ Đức Kitô?”
Anh nói: “Nếu
tôi gặp Đức Kitô, tôi sẽ quỳ dưới chân Người. Nhưng tôi không cảm thấy cần phải
được rửa tội
”.

Ngày nay,
chủ nghĩa quốc gia Ấn giáo là đề tài nóng trong các buổi thảo luận và gây chia
rẽ trong gia đình. Kalpesh ghê tởm hành vi bạo lực của những người ủng hộ Hindutva nhưng anh ủng hộ một vài hoạt động
của họ. Ẩn dưới việc anh bảo vệ tất cả những gì thuộc Ấn giáo là cảm thức về sự
mất mát nền văn hóa và khôn ngoan cổ đại vốn có nhiều điều nên chia sẻ cho thế
giới. Theo Kalpesh, đây là những gì Giáo hội Công giáo đã làm với việc “trở lại”
(conversion). Trong lúc tranh luận, tôi cũng đồng tình với anh vì tôi biết rõ
những sức mạnh và lầm lỗi của thể chế này: Vừa thông minh sáng suốt vừa ngu muội,
vừa khiêm tốn vừa ngạo mạn, vừa quan tâm vừa loại trừ người khác, lại được phú
ban khả năng to lớn cả về nuôi dưỡng lẫn phá hủy.

Thật thú vị,
mặc dù phê bình những luật lệ của Giáo hội, Kalpesh xem nhiều phụ nữ nhân đức,
linh mục và một vài Giám mục như những người bạn. Dù chưa bao giờ được học ở bất
cứ trường Kitô giáo nào, nhưng với Kalpesh, những người Kitô hữu này là cảm
nghiệm trước tiên và gần gũi với anh về thể chế Giáo hội. Họ đã mang Đức Kitô đến
với chúng tôi qua những cuộc thảo luận đầy ý nghĩa trong những bữa cơm gia đình
và làm cho niềm vui của họ về tình yêu Đức Kitô lây sang chúng tôi. Kalpesh được
thôi thúc bởi tình người của họ trước những người nghèo mà họ đang phục vụ và sự
can đảm của họ khi thú nhận về những sai sót của Giáo hội và những việc cần làm
để sửa đổi. Trong Giáo hội đó, chúng ta không đặt nặng nhãn mác tôn giáo tôn
giáo, chỉ có tình yêu đối với con người là đáng quý trong mắt Thiên Chúa. Chính
Giáo hội này có trách nhiệm cho sự ủng hộ và cộng tác tích cực nơi người chồng Ấn
giáo của tôi, và cũng chính Giáo hội này tiếp tục là nguồn sức mạnh thiêng
liêng nơi hôn nhân khác niềm tin của chúng tôi.

Tôi đã
chia sẻ với các bạn cách tự do và trung thực, đã liều lĩnh đối diện với sự phê
bình của các bạn vì tôi tin rằng chỉ khi nào bạn hiểu được niềm vui và đau khổ
trong hôn nhân khác niềm tin, bạn sẽ cảm thấy cần tạo ra những thay đổi trong
hiểu biết về thần học và mục vụ của Giáo hội. Không cần phải nói thêm, những gì
tôi đã chia sẻ có một bối cảnh đặc biệt – người Công giáo kết hôn với người Ấn
giáo ở Ấn Độ. Đó là kinh nghiệm cá nhân không thể tập thể hóa. Tuy nhiên, tôi
chắc chắn rằng nếu Giáo hội cung cấp những không gian an toàn để nghe tiếng nói
từ những đôi vợ chồng khác niềm tin mà không phê bình và phán xét, Giáo hội sẽ
nghe được nhiều câu chuyện tương tự. Tiếc thay, Giáo hội không muốn nghe họ vì
Giáo hội muốn họ không tồn tại thì tốt hơn. Trong nhóm những phụ nữ tôi đã đề cập
ở trên, một chị đã khóc sau 46 năm kết hôn khi kể lại chi tiết đời sống hôn
nhân và chúng tôi cũng cùng khóc với chị. Tất cả chúng tôi đều nói về những vết
thương được tạo ra bởi Mẹ Giáo hội, không những trên chúng tôi mà còn trên cả
con cháu. Một vài chị được bảo vệ khi chia sẻ. Có lẽ họ sợ rằng những chặng đường
xây dựng tình hiệp nhất trong đời sống hôn nhân có thể bị người ta phán xét. Với
tôi, việc họ đến gặp nhau đã là một dấu chỉ tuyệt vời để chỉ ra rằng: Họ vẫn muốn
giữ lại mối liên kết với Giáo hội. Họ lắng nghe nhiều hơn là nói.Tôi chỉ hy vọng,
khi rời khỏi, họ biết mình không đơn độc trong đau khổ và chiến đấu. Có thể họ
cũng là một phần trong cuộc vận động để Giáo hội thực sự là Người Mẹ Hiền.

V. Thay đổi mô hình

Nếu những
gia đình khác đạo được chấp nhận như những cộng sự viên trong việc đối thoại
liên tôn, thì cần phải có sự thay đổi lớn trong cách nhìn của Giáo hội về những
gia đình này.

1. Dấu chỉ
thời đại[10]

Tôi nghĩ
bước đầu tiên là nhận ra họ như những dấu chỉ thời đại. Cho dù Giáo hội có chấp
thuận hay không, gia đình khác niềm tin vẫn hiện diện như một thực tại. Hơn thế
nữa, số lượng của họ đang gia tăng không những tại Châu Á mà còn cả thế giới.
Không có sự phản đối, phòng ngừa hay giới hạn nào có thể làm đảo ngược xu hướng
này vì nó đã cắm rễ sâu trong sự thay đổi xã hội.

Có nhiều
nguyên nhân cho sự gia tăng số lượng gia đình khác đạo ở Ấn Độ nhưng nguyên
nhân rõ ràng nhất là số lượng thiểu số của người Công Giáo tại Ấn Độ (chiếm 1,6
% dân số, 17 triệu dân Công Giáo trên 1,25 tỷ dân). Trong những thành phố lớn,
sự gia tăng số lượng hôn nhân khác niềm tin một phần lớn gắn với việc giáo dục
phụ nữ và sự tham gia của họ vào công việc lao động qua các thành phần kinh tế.
Thêm vào đó, việc nới rộng khoảng cách giữa các tôn giáo và sự phá vỡ mối liên
kết gia đình do ảnh hưởng của mạng xã hội và phương tiện truyền thông đã mở ra
cơ hội cho người trẻ đến với nhau. Trớ trêu thay, việc cởi mở với những tôn
giáo khác và nhấn mạnh đối thoại liên tôn của Giáo hội cũng góp phần phá vỡ những
rào cản được tự hào trước đây.

Sự gia
tăng này đã trở thành một vấn đề báo động ở Ấn Độ. Tháng 6 năm 2014, Tổng Giáo
phận Syro-Malabar tại Thrissur đã hình thành một ủy ban để xem xét vấn đề. Cách
tiếp cận của Ủy ban này chủ yếu là mang tính ngăn ngừa. Vài tháng trước đó, Hội
đồng Mục vụ của Tổng Giáo Phận Mumbai đã tổ chức một cuộc hội thảo về hôn nhân
khác niềm tin. Kết quả của hội nghị mang tính tiêu cực vì chỉ nhấn mạnh mối
nguy hại của hôn nhân khác đạo. Chỉ một tiếng nói đơn độc cất lên để biện hộ
cho sự cởi mở đối với những niềm tin tôn giáo khác. Một người khác đưa ra lời
suy đoán sơ sài về những khả năng khác có thể xảy ra nếu người phối ngẫu là người
Công giáo có đức tin vững mạnh. Một lần nữa, những biện pháp được đề ra để đối
diện với vấn đề mang nặng tính ngăn ngừa, thậm chí là trừng phạt, không chính
thức cho phép hôn nhân khác đạo trong Giáo hội. Chỉ một ít lời đề nghị mang
tính mục vụ được đưa ra như: Mở khóa chuẩn bị hôn nhân cho những đôi hôn nhân
khác niềm tin, chấp nhận người phối ngẫu thuộc một niềm tin khác, sự đồng hành
và cảm thông với những gia đình khác niềm tin.

Dù những
tiếp cận mục vụ đã được đề xuất có thể có giá trị nhưng ta nên hiểu tiền đề căn
bản của những tiếp cận này là sự khoan dung. Được trình bày như chuyện đã rồi,
Giáo hội đang làm hết sức để ứng phó với những tình huống xấu  bằng cách chạm đến họ với lòng nhân từ và
thương xót. Ở một cấp độ sâu hơn, sáng kiến của Giáo hội được đề ra nhằm giúp đỡ
những người Công giáo này trong thực hành đời sống đức tin, tạo điều kiện thuận
lợi cho con cái được rửa tội và cả phép Rửa nơi người phối ngẫu nếu có thể.

Bằng cách
nhận ra hôn nhân khác đạo như là dấu chỉ thời đại, tôi đề nghị: Trong những trường
hợp đặc biệt, chúng ta nên thay đổi mục tiêu từ những người được rửa tội sang
“cộng đoàn của tất cả mọi người” (NA 1) bằng cách nhận thức về sức mạnh tiềm ẩn
đang tản mạn trong tiến trình của vạn vật và những sự kiện xảy ra trong lịch sử
nhân loại (NA 2). Nơi Tin Mừng Matthêu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta học cách nhận
ra dấu chỉ thời đại (Mt 16: 1-4). Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nhắc đến điều
này trong Tông sắc Humanae Salutis tại
Công nghị của Công Đồng ngày 25 tháng 12 năm 1961. Sau đó, ngài nói chi tiết
hơn nơi Thông điệp Pacem in Terris
(39-45). Thực ra, cụm từ này đã xuất hiện vài lần nơi những tài liệu của Công Đồng
Vaticanô II và chỉ ra trào lưu then chốt của thời đại chúng như là dấu chỉ thực
về sự hiện diện và ý định của Thiên Chúa (Gaudium
et Spes 11).
Quan trọng hơn, việc nhận ra dấu chỉ thời đại không phải là đặc
quyền duy nhất của Huấn quyền Giáo hội. Hiến chế Gaudium et Spes mời gọi toàn thể Dân Chúa, với sự trợ giúp của Chúa
Thánh Thần, lắng nghe, phân định, giải thích tiếng nói của thời đại chúng ta và
suy xét chúng dưới ánh sáng Tin Mừng. Nhờ đó, tiếng nói của Thiên Chúa có thể
được mặc khải trong những hoàn cảnh hiện tại (GS 4&44).

Khi nhận
ra hôn nhân khác niềm tin như là những dấu chỉ thời đại, chúng ta không bao giờ
loại trừ họ như những “tai nạn” hoặc “sai lạc”, nhưng xem xét đời sống của họ
trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cả thánh Phaolô cũng công nhận tình trạng
này khi ngài khuyên các tín hữu Côrintô đừng ly dị với người phối ngẫu không
cùng niềm tin: “Người chồng ngoại đạo được
thánh hóa nhờ vợ, và người vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ chồng”.
Ngài biện
luận rằng: “Sao các ngươi biết các ngươi
không được cứu độ nhờ người chồng? Hoặc các ngươi không được cứu độ nhờ người vợ?”

(1Cr 7: 12-14). Về điều này, sau 27 năm chia sẻ không gian thánh thiêng với một
người Ấn giáo, tôi nói thêm rằng: “Sao bạn
biết bạn sẽ không thể cứu độ lẫn nhau và mang bình an cho thế giới đã bị chia cắt
này, để nhờ đó mọi nước sẽ cùng nhau bước đi trong Ánh Sáng của Ngài”
(NA
1)?

2. Một dân
được chọn

Nhiều người
Công giáo trong hoàn cảnh hôn nhân khác niềm tin đã thực sự tìm được câu trả lời
cho câu hỏi của tôi và thực hiện yếu tố căn bản cho lời đề nghị thứ hai của
tôi. Hãy chấm dứt cách nhìn những người Công giáo trong hôn nhân khác đạo như
“chiên lạc” và hãy xem quyết định của họ trong đời sống hôn nhân như một ơn gọi
đặc biệt. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi không chỉ là
những lựa chọn cá nhân nhưng còn là sự đáp trả lời mời gọi của Thánh Thần để
tham dự vào ý định và kế hoạch của Thiên Chúa trong đời sống gia đình. Tôi
không đơn độc trong suy nghĩ này. Như tôi đã đề cập trên đây, một phụ nữ trong
nhóm chia sẻ một cách tương tự sau 20 năm kết hôn với một người Tây Ấn. Chị
nói: “Tôi cảm thấy chúng tôi được chọn để
bước vào hôn nhân khác niềm tin. Chúng tôi có những cơ hội độc nhất vô nhị để mở
rộng tình yêu Đức Kitô. Từ đời sống
chúng tôi, người khác có thể đón nhận Đức Kitô”. Thú vị thay,
trong bài viết đầu tay của tôi về hôn nhân khác niềm tin trong năm đầu tiên của
đời sống hôn nhân, tôi thường sử dụng từ “được chọn”.

Trong những
đôi hôn phối này, người Công giáo được mời gọi trở nên sự trợ giúp cho ân sủng,
làm cho Đức Kitô hiện diện bên ngoài bức tường ngăn cách của Giáo hội. Trong
khi đó, qua việc giữ cánh cửa Giáo hội rộng mở cho những người chưa được rửa tội,
những người yêu mến người Công giáo, được Thánh Thần thúc đẩy, có thể tìm kiếm
Thiên Chúa (Evangelii Gaudium 47). Họ
được mời gọi để dung hòa những “nẻo đường khác nhau” đến với Đấng Thánh Bằng việc
mở lòng ra với Chân Lý (Rigveda
1-89-i). Họ được mời gọi để gieo hạt giống bình an bằng cách mở rộng tình
thương – yếu tố trọng tâm của đời sống con người. Tuyên ngôn Nostra Aetate lưu ý đến một ý thức cao
hơn về tình yêu khi trích dẫn thư Thánh Gioan: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4:8). Mở rộng
ra hơn, theo kinh nghiệm của tôi, tôi sẽ nói: “Những ai yêu không giới hạn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, Đấng Vô Hạn”.
Kamini Sheth, một người Công giáo Mỹ kết hôn với một người Gujarati Jain được
40 năm nhận xét: “Chúng tôi có những cảm
nghiệm trực tiếp về đặc tính phổ quát
của tình yêu và đường lối Thiên Chúa. Chúng tôi đã cảm nghiệm tình yêu Chúa Giêsu nơi một người không phải là
Kitô hữu. Chúng tôi làm chứng về kho tàng thiêng liêng Thiên Chúa ban cho chúng
ta trong Thánh Kinh trên toàn thế giới
”.

3. Tin tưởng
nhau

Tuy nhiên,
để có sự biến đổi sâu sắc đó, phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Đối với người Ấn
giáo ở Ấn Độ, trở ngại lớn nhất cho việc tin tưởng nhau là nỗi lo sợ về việc trở
lại đạo (conversion). Ngay cả sau 27 năm thành hôn, đây vẫn là điểm nhức nhối
cho chồng tôi. Anh xem hoạt động truyền giáo với ánh mắt ngờ vực và thắc mắc “phục vụ Thiên Chúa vô vị lợi hay muốn gia
tăng thành viên”.
Tôi đã nghe những phụ nữ khác chia sẻ những khó khăn khi
mời gọi chồng họ tham dự những khóa học ở nhà thờ vì chồng họ sợ rằng mục tiêu
cuối cùng là trở lại đạo. Ước chi Giáo hội nghe theo lời khuyên của các Giám mục
Á Châu khi các ngài nhấn mạnh rằng: “…để có cuộc đối thoại phong phú và sâu
xa hơn, mỗi người (người phối ngẫu khác đạo) cần gắn kết với đức tin của mình…
(để) chăm chú lắng nghe bằng con tim tâm tình đức tin và chứng tá của người bạn
đời… (sẽ) làm cho cả hai được lớn lên trong đức tin của mình và giúp nhau hiểu
biết hơn”. Rất tiếc, điều này thường tập trung vào người phối ngẫu Công giáo
như một lời cảnh báo đừng phai nhạt hay chối bỏ đức tin, và hiếm khi được áp dụng
cho những người phối ngẫu chưa có đức tin, những người vẫn còn được xem như
“tâm hồn cần được thuyết phục”.

4. Phép Rửa
do lòng muốn

Nội dung
thứ tư trong sự thay đổi mô hình của tôi đề cập đến phép Rửa cho trẻ em. Ngay
điểm khởi đầu của hôn nhân, phép Rửa cho trẻ em đem đến sự chia cắt giữa những
người phối ngẫu và phá vỡ sự tự do trong đối thoại liên tôn. Một người phụ nữ
trong nhóm, con của một người Công giáo và Ấn giáo đã mô tả điều này như “một lưỡi gươm chia cắt gia đình”. Người
cha Ấn giáo của cô giữ vững lập trường là cho phép tất cả các con được rửa tội
nhưng gia đình bên nội đã chấm dứt các mối liên hệ với ông và không bao giờ
nhìn nhận ông nữa. Đây là lúc Giáo hội nên ngừng nhấn mạnh Phép Rửa như là tuyệt
đối cần thiết (sine qua non) trong
hôn nhân khác niềm tin.

Tôi đề nghị
chúng ta nên chuyển từ phép Rửa bởi nước sang phép Rửa bởi lòng muốn. Trong nhiều
thế kỷ, Giáo hội dạy phép Rửa cần thiết cho ơn cứu độ. Trong những nỗ lực giải
thích về ơn cứu độ cho những người chưa chịu phép Rửa, Giáo hội đã phát triển một
thần học gọi là phép Rửa do lòng muốn theo như những gì tôi đã trích dẫn về Đức
Giáo Hoàng Piô IX năm 1863: “Những người
chân thành sống theo luật và giáo huấn tự nhiên được Thiên Chúa khắc ghi trong
tâm hồn, sẵn sàng vâng phục Ngài và sống trung thực …. có thể tham dự
vào
sự sống đời đời bởi công hiệu của ánh sáng và ân sủng siêu nhiên”. Hơn nữa, Hiến
chế Gaudium et Spes số 22 và Lumen Gentium Số 16 thừa nhận: “Tất cả những người chân thành tìm kiếm Thiên
Chúa, được lay động bởi ân sủng và phấn đấu thực thi ý Chúa theo tiếng lương
tâm, có thể đạt đến ơn cứu độ”
(LG 16). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
chỉ ra trong Thông điệp Redemptoris
Hominis
, “Thần Khí Sự Thật điều khiển cả bên ngoài những giới hạn hữu hình
của “Thân Thể Mầu Nhiệm”[11]” (RH 6). Hơn nữa, BIRA II
giải thích rằng: “Ân sủng cứu độ của Thiên Chúa không bị giới hạn nơi thành
viên của Giáo hội nhưng được ban cho mỗi
người. Đường lối Thiên Chúa mầu nhiệm và không thể hiểu thấu. Không ai có thể
ra lệnh cho nẻo đường của Ân Sủng nơi Thiên Chúa”
(BIRA II: 2).

Phép Rửa
do lòng muốn không phải là một Bí tích. Nhưng khi xem xét về sự cần thiết của
các Bí tích đối với ơn cứu độ, Peter Lombard (1160 AD), một thần học gia kinh
viện của Thế Kỷ 12, đã chỉ ra rằng: “Thiên
Chúa không đóng khung quyền năng của Ngài nơi các Bí tích”.
Nói cách khác,
Thiên Chúa không bị đóng khung bởi các bí tích khi đưa con người về Thiên Đàng
(Cf. Job 33: 15-18). Thánh Tôma Aquinô cũng xác nhận tương tự khi ngài chỉ rõ:
“Ơn cứu độ phụ thuộc vào quyền năng ưu việt của Đức Kitô. Người có thể ban tặng
hiệu quả của Bí tích mà không cần những yếu tố bên ngoài”.

Trong ánh
sáng của những điều trên, câu hỏi đặt ra là: Nếu Giáo hội không dạy Bí tích cần
thiết cho ơn cứu độ nữa và thực sự Bí tích tồn tại ngay cả khi thiếu vắng những
chiều kích hữu hình thì tại sao chúng ta vẫn nhấn mạnh đến phép Rửa cho trẻ em
nơi hôn nhân khác niềm tin? Tại sao chúng ta không nhận ra và tôn trọng phép Rửa
do lòng muốn như là thành quả những người Công giáo trong hôn nhân khác đạo thường
phải cố gắng hết mình để con cái được lãnh nhận?

5. Chọn lựa
vì yêu thương

Kế tiếp,
tôi muốn đề nghị một thay đổi: Hãy chấm dứt xem phép Rửa cho trẻ em như là tiêu
chuẩn xác định trách nhiệm Kitô hữu nơi các tổ chức Công giáo. Không thể rửa tội
cho con cái thường bị xem như chọn lựa ngược lại đức tin Kitô giáo và Giáo hội,
đang khi trong thực tế, đó là chọn lựa vì “ơn gọi của tình yêu”. Nhiều người vợ
Công giáo nhận thức rõ việc tách người chồng ra khỏi hoạt động giáo dục tôn
giáo cho con cái và cho họ một nhãn hiệu tôn giáo khác sẽ khiến người chồng trở
nên xa lạ, cản trở sự trao đổi lẫn nhau và ngăn cản món quà mỗi cá nhân dành
cho nhau như yếu tố căn bản của tình yêu trong hôn nhân Kitô giáo. Đây thực sự
là mô hình chủ nghĩa cá nhân, tìm kiếm lợi ích cho riêng mình mà không quan tâm
đến người còn lại. Sự loại trừ như thế ắt hẳn dẫn đến hành vi chống đối công
khai.

Nhưng nếu
những người Công giáo chọn lựa mối hiệp nhất trong hôn nhân thì thông thường, họ
phải đối mặt với lời phê phán của cộng đoàn. Không chỉ người phối ngẫu ngoại đạo
phải chịu trách nhiệm khi làm cho người Kitô hữu lầm lạc, mà theo một tài liệu
nghiên cứu của Hội Đồng Giáo Hoàng Về Đối Thoại Liên Tôn và Hội Đồng Thế Giới Về
Giáo Hội, thì cả người Kitô hữu cũng sẽ bị kết án về sự yếu đuối và thiếu nhận
thức đức tin. Kết quả chung cuộc sẽ là khai trừ đôi hôn phối. Ngay cả ở những
nơi không chính thức theo luật Giáo hội cách nghiêm khắc, đôi hôn phối có thể cảm
thấy bị phê bình, không được tiếp đón và sẽ tự động rời khỏi cộng đoàn. Làm thế
nào để chăm lo cho những gia đình này và cổ võ việc giáo dục Kitô giáo cho con
cái?

Các vị mục
tử có trách nhiệm về điều này. Giáo luật điều 1063 chỉ thị các mục tử nhiệm vụ
chăm sóc như sau: các cộng đoàn giáo hội phải giúp đỡ người tín hữu bảo vệ gia
đình của họ trong tinh thần Kitô giáo. Không loại trừ các Kitô hữu thuộc hôn
nhân khác đạo. Cũng vậy, Giáo luật điều 1128 đặc biệt quy kết sự khác biệt
trong hôn nhân cho các vị mục tử với nhiệm vụ chăm sóc những người Công giáo đã
được rửa tội: “Trợ giúp thiêng liêng để họ chu toàn nghĩa vụ của mình, cổ võ sự
hiệp nhất trong đời sống vợ chồng và gia đình”.

6. Chúng
ta hãy bước tới

Điểm cuối
cùng trong sự thay đổi mô hình của tôi là: Giáo hội, như người Mẹ Hiền, phải học
cách bước đi trong Thánh Thần. Đây là điều tất cả phụ nữ trong nhóm đã học hỏi
để thực hiện. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở những Giám mục Nhật Bản
trong lần viếng thăm năm 1985 (ad limina
apostolorum): “Công tác truyền giáo phụ thuộc vào Chúa Thánh Thần. Thành công của
mỗi cố gắng đều liên kết với Ân Sủng của Thánh Thần. Kỹ thuật truyền giáo tuy
là tốt nhưng ngay cả những kỹ thuật tiên tiến nhất cũng không thể thay thế hoạt
động dịu dàng của Chúa Thánh Thần”.
Tôi cũng muốn mời gọi Giáo hội chấp nhận
“sự tự do bướng bỉnh của Lời”, Lời hội nhập vào những gia đình khác đạo và
thành toàn những gì Lời mong muốn trong những cách thức vượt trên sự toan tính
và cách nghĩ của chúng ta (Evangelii
Gaudium 22).

VI. Tóm tắt

Gia đình
hôn nhân khác đạo cung cấp một bối cảnh cho việc đối thoại liên tôn trong mọi
lĩnh vực: thờ phượng, văn hóa và đời sống. Nơi những gia đình này, những nguyên
lý then chốt của đối thoại liên tôn về chứng tá, rao giảng, truyền giáo và hội
nhập văn hóa trở nên sống động hàng ngày.

Mạng lưới
nhân sinh mà những gia đình này tạo nên qua các tương quan gia đình góp phần
vào việc xây dựng gia đình nhân loại nhằm nối lại những chia cắt tôn giáo.

Tuy vậy, nếu
các gia đình muốn này muốn thực hiện tròn đầy những tiềm năng nơi họ, cần có sự
thay đổi mô hình trong cách hiểu của Giáo Hội:

1. Nhìn nhận
hôn nhân khác niềm tin như dấu chỉ thời đại, một thực tế đang hiện diện. Hãy
nhìn nhận chỗ đứng của họ trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

2. Xem quyết
định của các đôi vợ chồng có hôn nhân khác niềm tin như tiếng gọi của một ơn gọi
đặc biệt.

3. Cổ võ sự
tin tưởng lẫn nhau bằng cách xem người phối ngẫu khác niềm tin như người được
nhận quà tặng đức tin, không phải tiềm năng trở lại đạo.

4. Phát
triển thần học về phép Rửa do lòng muốn và xác định tầm quan trọng của nó.

5. Hiểu
quyết định không cho trẻ em được rửa tội không chống lại niềm tin Kitô hữu và
Giáo hội nhưng là một chọn lựa cho sự hiệp nhất trong gia đình.

6. Học
cách tín thác và bước đi trong Thánh Thần, Đấng luôn hoạt động trổi vượt lên
trên sự tưởng tượng của chúng ta.

VII. Đề nghị

Cuối cùng,
tôi đi đến một vài đề nghị hướng đến việc thực hiện sự thay đổi mô hình đã được
đề xuất:

1. Trên hết,
chúng ta cần nhận ra hôn nhân khác niềm tin không thể bị khống chế bởi những luật
lệ đã có. Toàn thể hoàn cảnh đã thay đổi. Ở những nơi hôn nhân truyền thống
khuyến khích một hình thức tôn thờ đồng điệu, những gia đình hôn nhân khác đạo
phải tạo không gian cho tính đa dạng tôn giáo và hướng đến sự duy nhất trong đa
dạng. Vì thế, chúng ta phải bắt đầu từ kinh nghiệm sống của những đôi hôn nhân
này và mở ra những cách thức mới khi cảm nghiệm về Đức Kitô và Giáo hội. Nhờ
đó, họ có thể đào sâu kinh nghiệm đức tin, cũng như nâng đỡ con cái trong hoàn
cảnh thuộc về hai tôn giáo.

2. Trong
những chương trình mục vụ khai tâm của Giáo hội, những người có trách nhiệm nên
nhận thức về vị trí của họ. Họ có thực sự quan tâm mang Đức Kitô đến cho những
gia đình này mà không có bất kỳ ràng buộc nào không? Có phải mục tiêu của họ vẫn
là rửa tội cho trẻ em và sự trở lại đạo của người phối ngẫu khác niềm tin? Họ
có muốn những đôi hôn phối khác đạo trở nên những người tông đồ để rao giảng
tình yêu Thiên Chúa cho tất cả nhân loại, không phân biệt tôn giáo? Hoặc có phải
họ muốn những đôi hôn phối này thất bại;nhờ đó, họ sẽ làm nhụt chí những đôi
hôn phối khác đang chuẩn bị bước vào hôn nhân khác niềm tin?

3. Tín điều
và thần học, cũng như những giảng dạy gần đây về rao giảng Tin Mừng, hội nhập
văn hóa và đối thoại liên tôn cần được xem xét, cân nhắc và chỉnh sửa trong ánh
sáng của những thách đố mà các gia đình này đối diện và đặt ra cho Giáo hội.

4. Luật lệ
và quy tắc phải được chỉnh sửa lại.Trong đó, khi người phối ngẫu Công giáo ý thức
trách nhiệm mang con cái đến với đức tin, việc rửa tội cho trẻ em không nên được
khẳng định như là điều kiện căn bản cho hôn nhân. Không gian tự do cho các đôi
vợ chồng ra quyết định phải được tôn trọng.

5. Nghi thức
hôn phối, đặc biệt lời thề hứa hôn phối, phải được chỉnh sửa lại để bớt tính loại
trừ và tôn trọng hơn đặc tính thánh thiêng của hôn nhân – yếu tố vốn không lệ
thuộc vào đức tin của đôi hôn phối. Những quy tắc hướng dẫn về cử hành hôn phối
phải thể hiện quyền của cả hai bên (Công giáo lẫn không Công giáo) trong một
nghi lễ hôn phối và những yếu tố xã hội có liên quan đến những nghi lễ tôn giáo
này vì đây là bước đầu mang gia đình hai họ đến gần nhau hơn.

6. Các vị
mục tử phải nghiêm túc thể hiện vai trò “Đức Kitô Khác” (Alter Christus) với ý thức họ là cánh cổng cho các gia đình khác đạo
bước vào Giáo hội và là mối liên kết sống còn trong việc tiếp tục học hỏi giáo
lý của người phối ngẫu Công giáo.

7. Khi người
phối ngẫu không Công giáo được mở ra với niềm tin như lời mời gọi bước vào chứ
không phải loại trừ, đa dạng chứ không độc tôn, được sống chứ không được dạy,
hoạt động mục vụ phải bao gồm việc đồng hành và tôn trọng gia đình hôn nhân
khác đạo (Giáo luật điều 1063), không phán xét, không phê phán, khát vọng chiến
thắng hoặc nỗ lực cho việc trở lại đạo.

8. Nội
dung chương trình giáo dục hôn nhân cần bao gồm việc giáo dục những truyền thống
tôn giáo khác và luật dân sự. Hãy tạo điều kiện để gặp gỡ những đôi hôn nhân
khác niềm tin và huấn luyện người phối ngẫu Công giáo về đối thoại liên tôn để
họ có thể tuyên xưng đức tin chứ không chối bỏ, mở lòng ra với Chân Lý khác
(welcome another’s Truth)[12] mà không cảm thấy bị đe dọa.

9. Cổ võ
những “cộng đoàn cởi mở và hiếu khách”. Những cộng đoàn này sẽ nâng đỡ đôi hôn
phối, con cái (đã chịu hoặc chưa chịu phép rửa), họ hàng và tất cả những ai gặp
khó khăn trong hôn nhân khác niềm tin.

10. Cuối
cùng, các vị mục tử cần “cởi dép ra” khi bước vào nơi thánh thiêng của những
gia đình này (Xh 3,5) và lắng nghe những điều họ dạy Giáo hội về “sự sinh động
của lòng thương xót và chân lý trong Đức Kitô” (Lineamenta 10) vì họ đang sống nền “văn hóa gặp gỡ”, nhận ra hoạt
động nhưng không của Thiên Chúa, bên ngoài những hình thức và tập tục thông thường.

Phụ Lục

Tám Mối Phúc cho gia đình hôn nhân khác niềm tin (Mt 5: 3-12)

Tác giả:
Astrid Lobo Gajiwala; Do Tạp chí Vidyajyoti về Suy Tư Thần Học xuất bản, kỳ 62,
tháng 10 năm 1998, trang 790.

1. Phúc thay
những người phối ngẫu trong hôn nhân khác niềm tin mà biết nhận ra sự giới hạn
trong kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân của mình và mở ra với kinh nghiệm về
Thiên Chúa của người bạn đời thuộc tôn giáo khác. Họ sẽ được hiển trị với Thiên
Chúa.

2. Phúc
thay những gia đình hôn nhân khác niềm tin, những người than khóc vì không được
đón nhận bởi truyền thống tôn giáo và họ hàng. Họ sẽ được ủi an.

3. Phúc
thay những đôi hôn nhân khác niềm tin, đang khiêm tốn bước đi trong tăm tối dưới
sự soi dẫn của Thánh Thần. Họ sẽ cư ngụ trong miền Đất của Thiên Chúa.

4. Phúc
thay những đôi hôn nhân khác niềm tin, biết khao khát tình sự hiệp thông, tôn
trọng và được làm giàu bởi quà tặng từ người phối ngẫu. Họ sẽ được no thỏa.

5. Phúc
thay những đôi hôn nhân khác niềm tin có lòng thương xót, những người trải qua
đau đớn vì bị loại trừ để xây dựng Triều Đại Thiên Chúa. Họ Sẽ được Chúa xót
thương.

6. Phúc
thay những bậc cha mẹ của đôi hôn nhân khác niềm tin, những người dám dạy con
cái giữ vững vị trí “là chính mình” để vượt trên tất cả mọi rào cản và giới hạn
con người. Họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa.

7. Phúc
thay những ai xây dựng hòa bình, những người nâng đỡ các cặp vợ chồng khác niềm
tin và thể hiện món quà tình yêu của Thiên Chúa cho những đôi hôn nhân này như
một phần của việc giao hòa thế gian với Thiên Chúa. Họ sẽ được gọi là con cái
Thiên Chúa.

8. Phúc
thay những đôi hôn nhân khác niềm tin khi bị người ta ngược đãi, nhục mạ và vu
cáo vì cưới một người thuộc tôn giáo khác. Ân sủng Thiên Chúa ở với anh chị em.
Các ngôn sứ trước anh chị em cũng đã bị đối xử như thế.

Trích
Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 103 (Tháng 11 & 12 năm 2017)


[1] FABC là viết tắt của cụm từ “Federation of
Asian Bishop’s Conferences” – Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu.

[2] “Hôn nhân khác đạo” được dịch
từ cụm từ “inter-religious marriages”.

[3] OTC là viết tắt của cụm từ
“the FABC Office for Theological Concerns”.

[4] BITA là viết tắt của cụm từ
“Bishops’ Institute of Theological Animation”.

[5] “Hôn nhân khác niềm tin” được
dịch từ cụm từ “
interfaith marriages”.

[6]  “Gia đình có các thành viên khác niềm tin” – có thể
gọi tắt là “gia đình khác niềm tin” – được dịch từ cụm từ “inter-faith
families”.

[7]  “Mô hình đổi mới” được dịch từ cụm từ “paradigm
shift”. Chúng ta có thể hiểu là “mô hình đổi mới” hay “kiểu mẫu canh tân”.

[8]  Hành trình trưởng thành tâm linh” được dịch
từ cụm từ “a journey of inspiriting”.

[9]  “Thuộc về cả hai tôn giáo” được dịch từ cụm từ
“double belonging”.

[10] “Dấu chỉ thời đại” được dịch
từ cụm từ “signs of the times”.

[11]  “Thân Thể Mầu Nhiệm” được dịch từ cụm từ “Mystical
Body”. Cụm từ này có thể hiểu là Giáo hội, Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô.

[12]  Cụm từ “welcome another’s Truth” có thể hiểu là mở
lòng ra với chân lý nơi một tôn giáo khác.