T5, 05 / 2018 4:24 Chiều | Đức Tin Jesus

Khi xảy ra vụ việc Đồng Chiêm cũng như các vụ việc Toà Khâm Sứ (Hà Nội), Tam Toà (Vinh) hay Loan Lý (Huế), Trang tin điện tử của HĐGMVN nhận được nhiều thư góp ý và một thắc mắc thường được nêu lên là: tại sao HĐGM không lên tiếng? Trong bối cảnh trên và trong tinh thần hiệp thông của Năm Thánh 2010, thiết tưởng một vài suy nghĩ cần được chia sẻ để soi sáng cho nhau trong đời sống của Hội Thánh.

Liên quan đến từng vụ việc cụ thể tại từng địa phương, hơn ai hết, vị giám mục sở tại vừa là người có trách nhiệm chăm sóc một phần Dân Thiên Chúa tại đây (x. GM số 11) vừa là người nắm rõ tình hình và bối cảnh của vấn đề, chính ngài là người đưa ra quyết định cụ thể để giải quyết. HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc. Nói như thế không có nghĩa là HĐGM không quan tâm gì đến đời sống của Dân Chúa tại địa phương, và hoàn toàn im lặng trước những vấn đề liên quan đến đời sống của anh chị em tín hữu. HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc nhưng HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Ở đây, chúng tôi muốn quy chiếu vào bài “Quan điểm của Hội đồng Giám mục ViệtNam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” [1] để thấy được những định hướng căn bản này.

Trước hết, HĐGMVN lên tiếng nhằm mục đích góp phần xây dựng xã hội. Khi nhắc đến những vụ tranh chấp liên quan đến đất tôn giáo, HĐGM đặt những vụ tranh chấp này trong bối cảnh chung của toàn xã hội. Thật vậy, trong những năm gần đây, tranh chấp và khiếu kiện về đất đai là chuyện xảy ra hằng ngày trên mọi miền đất nước. Rất nhiều vụ tham nhũng liên quan đến đất đai bị phanh phui trên báo chí. Như thế, đây là vấn nạn chung của toàn xã hội chứ không của riêng giới công giáo. Có chăng vì giới công giáo là một tập thể lớn, và nhiều phương tiện truyền thông trong cũng như ngoài nước loan tin về những vụ tranh chấp đất đai liên quan đến giới công giáo, nên dễ tạo cảm tưởng chỉ có giới công giáo mới có chuyện tranh chấp đất đai. Hiểu như thế là nhìn nhận vấn đề chưa đúng với thực tế; hơn nữa có thể tạo ngộ nhận rằng đây không phải là vấn đề xã hội mà là vấn đề chính trị, dù được trình bày theo hướng bênh vực Nhà Nước hay chống lại Nhà Nước Việt Nam. Vì thế, khi HĐGM trình bày bối cảnh chung của xã hội hiện nay, các ngài cho thấy việc tranh chấp đất đai là vấn đề xã hội chứ không mang màu sắc chính trị, và khi lên tiếng về vấn đề này, các ngài muốn góp phần xây dựng xã hội cho tốt đẹp hơn.

Xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là cùng nhau xây dựng một xã hội vì con người, một xã hội thực sự lấy dân làm gốc. Để giải quyết những vụ khiếu kiện về đất đai, cũng như bao Chính quyền khác trên toàn thế giới, Chính quyền Việt Namphải dựa vào Luật và những Nghị định về đất đai để giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều người dân bất mãn về cách giải quyết của Chính quyền, đồng thời tình trạng “ăn đất” tiếp tục diễn ra dựa trên chính lề luật của Nhà Nước. Chính vì thế, câu hỏi căn bản được đặt ra là: Luật và những nghị định đó được xây dựng trên nền tảng nào? Luật lệ được đặt ra là để phục vụ con người và đời sống con người trong xã hội, sao cho ngày càng hài hoà và tốt đẹp hơn. Con người ở đây là mọi người dân chứ không chỉ là một nhóm hay một thiểu số nào đó được đặc quyền đặc lợi. Muốn xây dựng một xã hội vì con người, muốn ban hành những lề luật nhằm phục vụ con người, thì những lề luật đó phải được xây dựng trên nền tảng là những quyền căn bản của con người, những quyền căn bản được cả thế giới nhìn nhận và cả Việt Nam cũng nhìn nhận, ít là trên nguyên tắc. Chẳng nhẽ một đất nước tự hào mình dân chủ gấp trăm lần các đất nước khác, mà ngay cả những quyền căn bản nhất của con người cũng không được tôn trọng sao?

Hiểu như thế mới thấy được tại sao HĐGM đưa ra đề nghị sửa đổi Luật về đất đai [2] và yêu cầu việc sửa đổi này cần quan tâm đến quyền sở hữu của công dân, là một trong những quyền căn bản của con người, được khẳng định trong Hiến chương Liên hiệp quốc và được Việt Nam thừa nhận. Khi đưa ra đề nghị này, HĐGM thành tâm muốn góp phần xây dựng một xã hội vì con người, vì chỉ như thế mới có thể giải quyết tận gốc việc tranh chấp và khiếu kiện đất đai đang nở rộ khắp nơi, đồng thời lành mạnh hoá đất nước bằng cách xoá bỏ cơ hội của những người lợi dụng chức quyền để đàn áp người dân và kiếm tìm tư lợi.

Để thực sự xây dựng một xã hội vì con người, cần phải xây dựng xã hội theo định hướng phát triển toàn diện. Phát triển con người toàn diện là phát triển cả về thể lý, tri thức lẫn đạo đức và tinh thần. Phát triển xã hội toàn diện là phát triển về cả kinh tế lẫn văn hoá và tinh thần. Một đất nước tự hào về lịch sử bốn ngàn năm sẽ không dễ dàng phá huỷ những di tích có chiều dài lịch sử. Một dân tộc kiêu hãnh về bốn ngàn năm văn hiến sẽ không thể dễ dàng xoá bỏ các di tích tôn giáo và cơ sở thờ tự, vì lẽ tôn giáo đã góp phần giữ hồn của đất nước. Một xã hội với bốn ngàn năm văn hoá sẽ không chấp nhận dung túng cho cách giải quyết các vấn đề xã hội bằng sức mạnh của cơ bắp. Một loạt những khẳng định như thế được đặt ra để muốn nhấn mạnh sự phát triển toàn diện. Và cũng khi ấy mới hiểu được tại sao khi bàn đến việc tranh chấp đất đai, HĐGMVN lại nói đến những chuyện văn hoánhư tránh sử dụng bạo lực trong lời nói cũng như trong hành động, việc truyền thông phải tôn trọng  sự thật và phẩm giá của con người; đồng thời, cổ võ việc đối thoại chân thành [3] trong sự tương kính lẫn nhau. Bởi lẽ đó là cái làm nên nhân cách văn hoá của con người, làm nên nét văn hoá đáng kính của một dân tộc.

Với những suy nghĩ này, có thể khẳng định HĐGMVN đã lên tiếng và sẽ còn lên tiếng, không nhằm giải quyết từng vụ việc ở mỗi địa phương, nhưng đưa ra những định hướng căn bản nhằm góp phần xây dựng xã hội, một xã hội vì con người và một xã hội phát triển toàn diện.

Ban biên tập WHĐ – hdgmvietnam