T6, 11 / 2017 7:01 Chiều | Đức Tin Jesus

Đầu tháng 11.1997, bão số 5 (Linda) ập vào Cà Mau, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Mãi cho đến nay, cơn bão vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình và giáo dân miệt đất Mũi.

Nhà cửa tan hoang sau bão

CHÚA MUỐN NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA?

Hai mươi năm trôi qua, cuộc sống người dân vùng tâm bão ngày trước đã đổi khác nhiều, song ký ức về bão Linda chợt đến rồi chợt đi vẫn đậm nét. Ông Nguyễn Thanh Hùng, 62 tuổi, giáo dân xứ Cái Rắn, là nhân chứng của những ngày đầy ám ảnh ấy. Ở tuổi nghỉ hưu, ngày ngày, ông dành trọn thời gian miệt mài với việc của xứ đạo. Bên chiếc bàn tròn giữa nhà, với khay trà, tách nước, câu chuyện về Linda được kể lại bằng cái giọng bùi ngùi : “Qua thì cũng đã qua rồi, con cháu miệt này tìm đọc thì sẽ biết nhưng đâu có bằng người mắt thấy tai nghe. Từ 12 giờ trưa ngày 2.11 đến sáng hôm sau, chỉ trong vòng mười mấy tiếng đồng hồ, tất cả chỉ còn là đống đổ nát. Mất trắng! Bà con đang trong đợt lúa mùa, lúa chín rộ, sát đến ngày thu hoạch. Nhà nào cắt sớm thì còn, nhưng đa phần là bị bão cuốn đi tất cả”.

Ðối với ông, những ngày tháng cả làng xóm chìm trong bão lũ vẫn không bao giờ quên được, dù là 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Cơn bão với bao nhiêu tang thương ập đến đột ngột trước mắt. Kể về sự cố kinh hoàng, ông nhớ rõ mồn một từng chi tiết. Ðể tránh bão, gia đình ông đã trú tạm trong chiếc xuồng lật úp suốt mấy ngày. Rồi khi giông lốc đi qua, vợ chồng dựng tạm mái lều cho các con ngủ, che mưa gió.

Dâng lễ ngày Chúa nhật tại nhà thờ Kinh Ba trong đống đổ nát – Ảnh tư liệu báo CGvDT năm 1997

Tại giáo xứ Sông Ðốc, nôi vùng cửa biển, ông Nguyễn Duy Chương cho biết từ khi nghe thông tin trên radio, nhà cũng đã nghĩ tới phương án đề phòng, chuẩn bị, nhưng không ngờ tốc độ bão lại rất nhanh:“Cũng đã để ý, mua dây cột lại nhà… Ban ngày trời mưa rất to, đến đêm độ 7 – 8 giờ thì cơn giông ập đến. Vậy là nhà sập. Nhà kế bên cũng sập. Lúc đó đứa con nhỏ nhất của vợ chồng tôi mới 2 tuổi. Cả gia đình thức trong mưa…”.

Ðối với các vị mục tử, trải qua thời gian dài sinh hoạt mục vụ với giáo dân nên biến cố dù là nhỏ nhất cũng được lưu tâm nhiều. Bởi thế, bão Linda là một biến cố khó quên. Cha Ðaminh Nguyễn Ðức Mười, GP Cần Thơ, từng làm chánh xứ tại Cái Cấm và chăm lo thêm ba họ lẻ là Kinh Nước Lên, Ðất Mới, Kinh Ba thuộc hai huyện Ngọc Hiển và Cái Nước nhớ lại : “Từ nhà thờ Kinh Ba, tôi cùng với bà con đi trên chiếc xuồng xuống họ Kinh Nước Lên thì gặp bão dọc đường. Mưa gió lớn vô cùng. Cả một đoạn đường dài hàng ngàn căn nhà sập hết. Người người hối hả, điêu đứng. Ðến khi dâng lễ xong, về lại Kinh Ba thì nhà thờ này cũng không còn”.

Lưu xá do cha Nguyễn Đức Mười gầy dựng cho học sinh nghèo trọ học bị sập ngay khi hoàn thành

Thời ấy, ít linh mục nên mỗi cha phụ trách nhiều giáo xứ, ngày Chúa nhật phải dâng lễ ở các nơi. Ký ức như được ùa về, bằng chất giọng trầm của một người ở tuổi ngoài sáu mươi, cha Mười kể: “Do nhà thờ sụp đổ, tôi quy tụ bà con lại nhà một giáo dân bên cạnh. Ðang khi dâng lễ, vừa trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em thì cơn lốc thứ hai ập đến. Lần này nhà anh giáo dân cũng sập. Mấy chục người chui xuống sàn tránh bão”. Trong quyển Nhật ký truyền giáo, cha Piô Ngô Phúc Hậu viết về cơn bão số 5: “Cái Rắn, ngày 4.11.1997. Nghe nói Cây Bốm thì thảm thương lắm: nhà trường tình thương thì tanh bành, nhà giáo dân thì sập gần hết. Kinh Nước Lên, Ðất Mới, Kinh Ba và Rạch Chèo sập kể như trăm phần trăm. Chỉ còn lác đác mấy căn nhà đúc bêtông. Nhà thờ Bảo Lộc bị lủng mái nhiều chỗ, không còn làm lễ được. Các phòng giáo lý bị lột mái 50%. Qua biến cố này, chúng ta phải tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì với chúng ta!”.

Nhà thờ Cái Rắn được xây dựng với sự dày công của cha Piô Ngô Phúc Hậu và giáo dân (ảnh: Duy Tân)

VƯƠN MÌNH TỪ HOANG TÀN

Những năm 90, vùng Cà Mau còn nghèo khó, lại bị trận bão thảm khốc nên cuộc sống bà con vất vả gấp đôi, gấp ba. Bão tan, trong những lo toan bộn bề, cha Mười đặc biệt lưu tâm đến phát triển giáo dục. Tại giáo xứ Cà Mau, cha xây dựng lưu xá sinh viên (gần hai chục năm nay là mái nhà chung dành cho các em từ vùng quê ra trung tâm thị xã học). Suốt cả một tháng dài, nhận viện trợ từ các giáo phận TPHCM, Xuân Lộc…, ông cố lặn lội đến từng nhà trong bưng, chèo xuồng gởi gạo, thực phẩm cho bà con. Cha Phaolô Nguyễn Văn Vinh, chánh xứ Cà Mau hiện tại cho hay, bây giờ bà con xóm đạo nuôi trồng thủy sản, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất và lợi nhuận tăng. Ðời sống đức tin cũng ngày càng thăng tiến.

Đường sá được bê tông hóa, cầu khỉ thay bằng cầu xi măng (ảnh: Linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn)

Lật lại trang lịch sử về tháng ngày sau bão, báo Công giáo và Dân tộc ngày ấy tường thuật về cuộc sống bà con nơi đây: “Ngay trong vùng bị nạn, sự đùm bọc được thể hiện khá rõ… Họ không đơn độc mà đồng hành với họ có bà con, đồng bào…, thậm chí còn là những người bị thiệt hại nhưng ít hơn trong tinh thần ‘lá rách đùm lá nát’. Trên quốc lộ cũng như giữa vùng sông nước, những dòng xe xuôi ngược mang hàng chữ: ‘Cứu trợ đồng bào bão lụt’ nối đuôi nhau hướng về miền Tây”. (Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Song Mai – Lê Hữu Tuấn, CGvDT 1132, trang 15). Sau bão, nhiều đoàn cứu trợ từ các tỉnh thành, các giáo phận dồn dập đổ về Cà Mau và những vùng thiệt hại. Bà con, dù Công giáo hay không Công giáo, đã cùng gầy dựng nhà cửa, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt. “Có thể thấy, tiếng kêu từ trong đau khổ đã được hiểu thấu. Lòng nhân ái kéo con người xích lại gần nhau. Ðời sống đức tin của người Công giáo trải qua ngày tháng cũng thêm đậm đà”, cha Mười cảm nhận.

TRÁCH NHIỆM VỚI THIÊN NHIÊN

“Có thể nói, bão Linda năm 1997 là bằng chứng rõ rệt để con người nhận thấy phản ứng của mẹ thiên nhiên. Chúng ta không thể ngây ngô đổ lỗi hoàn toàn do thiên tai mà phải nhìn nhận trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường. Từ đó, có cách quản lý, khai thác, sử dụng sao cho hiệu quả. Hai mươi năm, dù rằng cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng ký ức vẫn còn đó trong những người hứng chịu nỗi mất mát. Hàng ngàn người thiệt mạng, kinh tế thiệt hại nặng nề. Có người cơ nghiệp cả đời gần như tan tành phải làm lại từ đầu… Chúng ta phải có trách nhiệm dạy cho con cháu ý thức với môi sinh, gìn giữ sự sống chung”, linh mục Ðaminh Nguyễn Ðức Mười chia sẻ.

Linh mục Martinô Nguyễn Hoàng Hôn, hiện là chánh xứ Cái Rắn, huyện Cái Nước, người suốt mấy mươi năm mục vụ vùng này từ những ngày còn làm thầy phụ giúp cha Piô cho biết, sau 2 thập niên, đời sống bà con đã khởi sắc. Những chiếc cầu khỉ ngày xưa dần được thay bằng cầu xi măng. Ðường quê bê tông hóa. Trẻ con đi lại nhà thờ, trường học cũng tiện lợi hơn nhiều. Các nhà thờ vùng bão ngày trước bị sập được xây lại khang trang. Những giáo điểm xa xôi, từ vài chục giáo dân ban đầu nay đã phát triển và thành lập họ đạo mới. Nhà thờ Cái Ðôi Vàm đang được dựng xây. Hai giáo điểm Xẻo Lá và Ðất Mũi là miền tận cùng của Tổ Quốc và của giáo phận có các cha dâng lễ hằng tuần.

Nhà thờ Sông Đốc trong đêm Giáng sinh 2016 – ảnh tư liệu>

Trở lại thời điểm cơn bão lịch sử, cha Martinô kể ngay cuối năm 1997, cha Piô Ngô Phúc Hậu đã cho xây dựng lại nhà thờ Cái Rắn, đến năm 1998 thì hoàn thành. “Hôm bão, nhằm vào dịp lễ Các Thánh Nam Nữ và lễ Các Ðẳng, thế nên những ngư dân Công giáo vào đất liền không còn đánh bắt. Vì thế, số người thiệt mạng hầu như không có giáo dân nào”, cha nói. Ông Nguyễn Duy Chương, giáo dân Sông Ðốc cho biết, năm 2006, họ đạo này đã hoàn thành nhà thờ mới. Gia đình ông các con nay đã lớn, lại nối tiếp nghề đánh cá truyền thống.

TRẬN BÃO LỚN NHẤT TRONG VÒNG 100 NĂM

Hình thành vào ngày 31.10.1997 trên biển Ðông, bão Linda mạnh lên khi di chuyển về phía Tây, tấn công vùng cực Nam Việt Nam trong ngày 2.11 với sức gió hơn 100 km/giờ. Theo thống kê, bão làm sập hoàn toàn 76.609 ngôi nhà và hư hại 139.445 ngôi nhà khác, khiến 383.045 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Chỉ trong vòng 3 ngày, số người thiệt mạng đã lên tới hơn 150, cùng hàng ngàn trường hợp mất tích, hầu hết là ngư dân. Mưa gây ngập úng 4.500 km2 diện tích đồng lúa, trong đó hơn một nửa tại tỉnh Cà Mau. Tổng thiệt hại sơ bộ ước tính 385 triệu USD, với 3.111 người chết. Bão nhiệt đới Linda là cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam trong vòng ít nhất 100 năm. Ðối với đồng bào Công giáo, theo ghi nhận của báo Công giáo và Dân tộc số 1132, ra ngày 16.11.1997, linh mục Giuse Lê Hiến, quản hạt Cà Mau khi ấy cho biết trong toàn địa hạt có đến 8 nhà thờ lớn, nhỏ bị sập hoàn toàn, những nhà thờ còn lại hư hại nặng nề. Trường học giáo lý, các nơi sinh hoạt họ đạo hư nghiêm trọng. Hơn 90% nhà cửa giáo dân tan hoang, xóm làng tiêu điều. Ngập úng kéo dài nhiều ngày sau bão. Ruộng rẫy, ao tôm của bà con đều bị mất mùa, cây cối xác xơ.

LÊ LINDA

Tín hữu miền Tây truyền tai cho nhau nghe câu chuyện về bé gái sinh ra đúng ngày 2.11.1997 trong bão. Nhà sập, không bệnh viện, không trạm xá, em bé được ra đời trong bụi trúc vàng trước sân nhà. Gia đình em không theo Công giáo. Linh mục Piô Ngô Phúc Hậu kể lại, cha gợi ý cho gia đình đặt tên em bé là Linda, hoặc Số Năm. Bởi theo cha đó là hình ảnh giàu ý nghĩa: “Dù bão số 5, dù đại hồng thủy cũng không tiêu diệt được sự sinh tồn của loài người”. Vậy là em mang tên Lê Linda. Hai mươi năm trôi qua lặng lẽ, bây giờ em đã lớn, trở thành một bà mẹ có gia đình và con cái. Với người giáo dân nơi đây, cơn bão như một biến cố, đồng thời là thử thách về lòng tin, cậy mến, là một dịp rất thuận tiện để trao nhận yêu thương.