T5, 01 / 2018 11:39 Sáng | Đức Tin Jesus

GS.TS Trần Văn Khê vừa qua đời cách đây ít lâu (ngày 24.6.2015), thọ 94 tuổi. Ông không chỉ là một tượng đài về âm nhạc cổ truyền mà còn là một diễn giả uyên bác về ẩm thực truyền thống. Có một điều khá thú vị là ít ai biết ông đã từng được phép lạ chữa lành hoàn toàn nhiều chứng bệnh nghiệt ngã, từ một tai nạn bất ngờ ngay tại Lộ Đức…

Gs Ts Trần Văn Khê từng được Đức Mẹ Lộ Đức chữa lành

Gs Ts Trần Văn Khê từng được Đức Mẹ Lộ Đức chữa lành

GS.TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Đông Hòa, Mỹ Tho (Tiền Giang), từng là học sinh Trường Petrus Ký (Sài Gòn), rồi là sinh viên Y khoa Trường Thuốc (Hà Nội)… Năm 1949, ông sang Pháp du học và năm 1951, ông thi đậu vào Trường Chính trị Paris (Khoa Giao dịch quốc tế).

Thời gian điều trị bệnh lao…

Vừa mới học được mấy tháng thì ngày 14.6.1951, ông bị sưng ruột dư phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi mổ cấp tốc và làm xét nghiệm, bác sĩ phát hiện ông bị lao màng bụng. Vài ngày sau, vết mổ sưng to, lại phải mổ lần hai. Ông được chuyển đến Trung tâm Pessac (gần Bordeaux) nằm điều trị trong 4 tháng, hằng ngày bác sĩ cho chiếu tia cực tím ngay vào vết mổ cho mau lành.

Sau thời gian ở đây, Trần Văn Khê được nghỉ phép 10 ngày, rồi theo dự định, sẽ trở vào tiếp tục việc thuốc men. Tận dụng những ngày “xả viện” hiếm hoi này, ông tranh thủ về Paris thăm bạn bè. Gặp lúc các nữ sinh viên người Việt tại đó đang có ý diễn vở kịch Tây Thi – Gái nước Việt (kịch bản của Mai Văn Bộ, bạn thân của Trần Văn Khê) để diễn trong buổi ra mắt Hội Phụ nữ. Họ nhờ Trần Văn Khê làm đạo diễn vì ông vốn xuất thân trong một gia đình có bốn đời làm nghệ thuật. Vai Tây Thi do nữ sinh viên Luật Nguyễn Thị Vui đóng, còn cô Nguyễn Thị Bình đóng vai Ngô Phù Sai (sau này bà Nguyễn Thị Bình là Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam).

Với một tuần tập dượt ráo riết, buổi trình diễn ra mắt rất thành công, nhưng vì bệnh chưa lành, lại làm việc quá sức nên ông Khê gục ngã, phải đưa vô bệnh viện Hôpital de la Cité Universitaire dành cho sinh viên. Nơi đây làm xét nghiệm lại, phát hiện thêm ông bị lao thận nên chuyển sang Nhà dưỡng lao dành cho sinh viên chứ không trả về Trung tâm Pessac. Do không biết thời gian nằm dưỡng bệnh ở đây mất bao lâu, có khi phải 3 – 4 năm, Trần Văn Khê ghi danh làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne với đề tài Âm nhạc dân tộc Việt Nam…

…và đi chơi Lộ Đức

Thời gian tiếp theo, ông được đưa về Trung tâm Đại học chữa bệnh cho sinh viên bị lao không truyền nhiễm (Centre Universitaire de Cure pour non cotagieux) ở vùng Aire sur L’Adour, cách Paris hơn 600 cây số. Bệnh tình của ông trong thời gian này khá trầm trọng, được điều trị bằng thuốc Streptomycine, nhưng chích tới lọ thuốc thứ 126 thì ông bị…điếc, phải ngưng chích… Suốt ba tháng liền, ông chỉ được phép ngồi dậy hai tiếng đồng hồ mỗi ngày, còn thì phải nằm yên trên giường để tiếp nước biển và điều trị bằng rất nhiều loại thuốc khác…

Tết năm 1952, bệnh tình của Trần Văn Khê ngày càng thêm nặng và có nhiều biến chứng. Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy có vi trùng lao, thận bên phải bị thủng một lỗ ở chính giữa, ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang bị vi trùng lao tấn công đã xơ cứng… Các bác sĩ quyết định sẽ cắt bỏ quả thận bên phải để khỏi lây sang quả thận còn lại.

Trước khi mổ, Trần Văn Khê xin các bác sĩ cho mình nghỉ phép một thời gian, đi đây đó cho khuây khỏa. Ông mượn chiếc xe máy hiệu Lambretta rồi cùng với 3 người bạn nữa là Điệp, Vĩnh và Xuân – bốn người hai xe – đi thăm thành phố Lourdes (Lộ Đức), vùng Thánh địa của đạo Công giáo, rồi đi Bayonne, Biarritz dọc theo duyên hải miền Tây Nam nước Pháp.

Ông kể lại chuyến đi này trong hồi ký như sau: “Tôi không theo đạo Thiên Chúa, cũng không tin tưởng hay cầu xin gì khi qua vùng Lourdes. Nhưng sau đó, một việc lạ lùng xảy ra mà nhiều người cho là tôi đã được ơn trên khi đi qua vùng này… Bữa đó trời nhá nhem tối, tôi đang chở Điệp bỗng bị đèn pha của chiếc xe chạy ngược chiều làm chóa mắt, lạc tay lái và đâm vào một gốc cây. Hai chúng tôi bất tỉnh nằm bên vệ đường. Gần sáng, một người đi ngang qua thấy vậy liền chở cả hai vào bệnh viện. Tôi bị thương trên trá n, môi bị cắt một vệt, bể mắt kiếng, được bác sĩ vá môi và khâu vết thương. Điệp bị thương ở mí mắt phải, phải mổ cấp cứu, may mà không bị mù… Tôi nằm tại đây hai ngày, trong lòng lo lắng vì sắp phải mổ thận mà lại bị tai nạn. Nhà dưỡng lao đem xe đến đón chúng tôi về. Bác sĩ kêu trời, đáng lẽ tuần sau chuyển tôi lên Paris mổ thận nhưng đành phải dời ngày mổ để bồi dưỡng trong một tháng cho tôi lại sức…

Gs.Ts Trần Văn Khê từng được Đức Mẹ Lộ Đức chữa lành

Khi các vết thương của tôi hoàn toàn bình phục, bệnh viện làm xét nghiệm lại trước khi lên lịch mổ. Kết quả chụp X Quang khiến mọi người bất ngờ : chỗ thủng trong thận trước đây không còn. Bác sĩ ngạc nhiên, cho kiểm tra thật kỹ thêm lần nữa nhưng vẫn không tìm thấy dấu vết nào của chỗ thủng trước đây. Lạ hơn nữa là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang đã xơ cứng nay có dấu hiệu phục hồi. Xét nghiệm nước tiểu cũng không còn vi trùng lao, kể cả một khối u bên há ng trước đó nay tự nhiên nhỏ dần và biến mất. Khối u này đầu tiên chỉ nhỏ bằng hột đậu, sau đó phát triển lớn bằng trái sơ-ri, bác sĩ dự kiến khi mổ thận sẽ cắt bỏ luôn vì đó là ổ tiềm ẩn vi trùng lao… Hơn một tháng từ ngày bị té xe, sức khỏe tôi gần như trở lại bình thường mà không ai cắt nghĩa được tại sao.

Những biểu hiện của  căn bệnh trầm trọng ngày trước đã hoàn toàn biến mất, tất cả xét nghiệm máu đều cho kết quả tốt. Trường hợp của tôi trở thành đầu đề bàn tán trong Nhà dưỡng lao. Dưới góc độ khoa học, có người giải thích tôi vừa trải qua một “choc ttraumatique”, tức là bị một chấn thương tác động mạnh đến não bộ làm thay đổi cơ chế vận hành của cơ thể. Nhưng cũng có người nói rằng: “Biết đâu nhờ đi qua vùng Lourdes mà được ơn trên phù hộ”. Tuy không dám khẳng định nhưng tôi cũng không phủ nhận giả thuyết này. Thoát được cơn bệnh hiểm nghèo một cách lạ lùng, tôi tạ ơn Đức Mẹ cũng như ơn trên đã giúp tôi thoát phải trải qua cuộc giải phẫu cắt bỏ thận”.

Là một người khá gần gũi với cố giáo sư, tôi thỉnh thoảng vẫn nghe ông kể về những “chuyện lạ” đến với cuộc đời ông, mà biến cố “bỗng nhiên khỏi bệnh” là một trong những dấu ấn lớn nhất. Ông là người không Công giáo, và thường gọi những điều này là do “ơn trên” phù trợ.

Nguyên Hà

Nguồn tin: Công Giáo và Dân Tộc