T2, 12 / 2020 4:27 Chiều | Đức Tin Jesus

Đức Maria – Mẹ Giáo hội

Michael R.
Heinlein
Văn Việt chuyển
ngữ từ
simplycatholic.com

WHĐ (31-05-2020)
– Vào ngày 11 tháng 2 năm 2018, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã
quyết định thêm vào lịch chung Rôma một lễ mới về Đức Mẹ, lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội. Trước đây lễ
này đã được cử hành ở cấp độ địa phương tại một số giáo phận và dòng tu. Bây giờ
lễ này được cử hành trong toàn thể Giáo hội hoàn vũ, và được ghi trong Nghi
thức Sách Lễ Rôma. Lễ mới này không có ngày cố định trong năm Dương lịch, vì nó
phụ thuộc vào chu kỳ lễ Phục sinh. Lễ được cử hành vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật
lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Người ta có thể tự
hỏi danh hiệu mới này của Đức Maria có nghĩa gì? Và tại sao chúng ta mừng lễ
này? Như câu thành ngữ cổ: “de Maria numquam satis” (về Đức Maria, thì nói
không bao giờ đủ). Lý do theo nhà Thánh Mẫu học, Linh mục Hugh Rahner, SJ, giải
thích là vì “bất cứ điều gì được nói về sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa,
đều có thể được áp dụng theo nghĩa rộng đối với Giáo hội, theo nghĩa hẹp hơn đối
với Đức Maria, và theo một cách cụ thể đối với mọi tâm hồn tín hữu.”

Có nhiều ý nghĩa
thần học từ việc thiết lập lễ nhớ này. Những ý nghĩa đó bắt nguồn từ việc nhận
biết Giáo hội là Thân thể của Chúa Kitô và vai trò của Đức Maria trong đời sống
các tín hữu.

Vai trò của Đức Maria

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã chính thức dành cho Đức Maria danh hiệu “Mẹ
Giáo hội” khi bế mạc kỳ họp thứ III của Công Đồng Vatican II, vào năm 1964.
Truy nguyên về nguồn gốc từ thế kỷ thứ IV với Thánh Ambrôsiô, thì tước hiệu “Mẹ
Giáo Hội” gợi lên mẫu tính thiêng liêng của Đức Mẹ, một đặc tính gắn liền với bản
tính của Giáo hội.

Phần lớn quan điểm
Giáo hội học của Công Đồng Vatican II, đặc biệt trong Hiến chế về Giáo hội
(Lumen Gentium), được phát triển nhờ sự nhận biết cách phong phú về quan điểm
thần học của Thánh Phaolô. Trong đó, các tín hữu nhận biết sự liên kết giữa họ
với Đức Kitô như là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Ngài. Thánh Phaolô đã
nói rõ ràng và hùng hồn về chân lý này, và đây cũng là chân lý mà Thánh Phaolô
nhận biết trước tiên sau khi trở lại. Khi bị ngã xuống đất và bị mù lòa, Phaolô
– Kẻ bắt bớ Kitô giáo lúc đó – nghe thấy một giọng nói hỏi mình: “Saul, Saul, tại
sao ngươi lại bắt bớ Ta? (Cv 9: 4). Qua câu nói này, rõ ràng Đức Kitô đã xác định
mối hiệp nhất nên một giữa Ngài với những người theo Ngài. Cả hai cùng tạo
thành một khối, một thể thống nhất – đó là những gì mà Thánh Augustinô sau này
mô tả là “Chúa Kitô toàn thể” (totus Christus) – vì Đức Kitô và người được rửa
tội là một thân thể.

Thánh Augustinô
đã áp dụng chân lý này vào bối cảnh Thánh Mẫu học một cách rất thích hợp: Đức
Maria là “mẹ của những chi thể thuộc về Đức Kitô… những ai tin vào Ðức Kitô,
vì được kết hợp chặt chẽ với Người, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, thì cũng kết
hợp với nhau nhờ đức ái, tạo thành một thân thể duy nhất là Giáo hội, có Đức
Kitô là đầu… Đức Maria đã sinh ra Người Con Một, và Giáo hội sinh ra những
người mà nhờ Người Con Một mà nên một”.

Vì Đức Maria là mẹ
của Đức Kitô, và chúng ta là chi thể của thân thể Đức Kitô – tức Giáo hội – nên
chúng ta cũng là con của Đức Maria. Lễ nhớ mừng mẫu tính của Đức Maria đối với
Giáo hội được cử hành hàng năm là dịp để suy ngẫm về chân lý rất ý nghĩa này và
những hệ lụy từ đó. Và cũng vì tầm quan trọng của mối liên hệ mẫu tính của Đức
Maria đối với Giáo hội mà những nghị phụ của Công Đồng Vatican II đã quyết định
để phần suy tư dài về Đức Maria ở trong Hiến chế về Giáo hội (Lumen Gentium),
chớ không tách ra để viết thành một tài liệu riêng về Đức Mẹ.

Mẫu gương và sự trợ giúp cho Giáo hội

Sự liên kết của Đức
Maria với Con mình là không thể tách rời. Lễ nhớ mới này cũng thúc đẩy lòng
sùng kính Đức Mẹ, bởi vì lễ này giúp chúng ta hướng về Đức Mẹ là mẫu gương cho
cả nhân loại, đặc biệt là các tín hữu. Mẹ là chi thể “ưu tú nhất… và nguyên
tuyền nhất của Giáo hội” (LG, số 53).

Thiên chức làm mẹ
của Đức Maria được tìm thấy trong sự vâng lời, đức tin, đức cậy và đức ái của Mẹ.
Những đặc điểm này là mảnh đất màu mỡ, ở đó Lời Chúa được gieo vào và trổ sinh
sự sống dồi dào. Sự sống siêu nhiên đã đến với thế giới qua tiếng thưa “xin
vâng” của Mẹ. Đó là tiếng thưa đem lại sự sống mới cho thế giới. Do đó, Đức
Maria là Evà mới. Như sự chết đã đến thế giới qua Evà củ thế nào, thì sự sống
đã đến thế giới qua Evà mới như vậy.

Đức Thánh Giáo
hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố rằng, “với mẫu tính trong Chúa Thánh Thần, Đức
Maria ôm lấy từng người trong Giáo hội, và ôm lấy từng người qua Giáo hội. Theo
nghĩa này, Đức Maria – Mẹ Giáo hội cũng là gương mẫu của Giáo hội” (Redemptoris
Mater, số 47).

“Ðức Maria đã cộng
tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ
đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các
linh hồn.” (LG, số 61). Vì toàn bộ cuộc đời của Đức Maria là một niềm ước mong
của các tín hữu, nên Đức Mẹ lôi cuốn chúng ta đến với ơn cứu rỗi. Đồng thời,
qua tấm gương và sự chuyển cầu từ thiên đàng, Đức Mẹ giúp chúng ta vượt qua tội
lỗi và biết làm điều tốt. Mẹ không mong muốn gì khác hơn, ngoài ước mong dẫn
chúng ta đến với Con của Mẹ.

Sự mẫu mực trong
đức vâng phục, đức tin, đức cậy và đức ái được tỏ bày nơi Đức Maria cũng cần được
tỏ bày nơi các Kitô hữu. Hay nói một cách đơn giản như Chúa Giêsu: “Đúng hơn phải
nói: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa” (Lc 11:28).

Nhờ sự vâng lời của
Đức Maria, Giáo hội có một gương mẫu để sống theo ý muốn của Chúa Cha. Nhờ đức
tin của Mẹ, Giáo hội học được cách đưa Đức Kitô đến với thế giới. Nhờ đức cậy của
Mẹ, Giáo hội học được cách trông cậy vào Chúa (xem Tv 130: 5). Và nhờ đức ái của
Mẹ, Giáo hội học được con đường cứu rỗi.

Các Kitô hữu đã
hướng về Đức Maria vì những ân sủng đặc biệt và sự chuyển cầu từ thiên đàng của
Mẹ trong suốt nhiều thế kỷ, “đã được Giáo hội kêu cầu với nhiều danh hiệu như
Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (LG, số 62). Việc thiết lập
lễ Đức Maria – Mẹ Giáo hội mang đến một cơ hội nữa cho các chi thể trong thân
thể Con của Mẹ, hân hoan kêu cầu trong tình yêu mẹ hiền của Mẹ – Đấng là gương
mẫu và sự trợ giúp của chúng ta.