T7, 11 / 2017 9:25 Chiều | Đức Tin Jesus

Sá ng 6.11.2017, giáo phận Hải Phòng đã khởi công xây dựng Đền Thánh Hải Dương sau 50 năm bị chiến tranh phá hủy. Báo CGvDT đã trao đổi với linh mục Giuse Dương Hữu Tình, chánh xứ Hải Dương, Phó ban tái thiết Đền Thánh, để tìm hiểu thêm về sự kiện này.

Linh mục Giuse Dương Hữu Tình

CGvDT: Xin cha cho một ít thông tin về khu vực đất Ðền Thánh hiện tại?

– Cha Giuse Dương Hữu Tình: Sáng 6.11 vừa qua, giáo phận Hải Phòng tổ chức mừng lễ kính bốn thánh tử đạo Hải Dương tại khu đất Ðền Thánh tại thành phố Hải Dương. Ðây là lần thứ ba, giáo phận tổ chức thánh lễ nhân sự kiện này. Tôi nói lần thứ ba vì trước đó, giáo phận phải tổ chức mừng lễ tại giáo xứ Hải Dương (100 Trần Hưng Ðạo, TP. Hải Dương), rồi sau đó đoàn hành hương đi bộ (khoảng hơn 2km) ra khu Ðền Thánh để viếng. Gọi là viếng Ðền Thánh nhưng thực chất chỉ ra khu đất để cầu nguyện một lát rồi giải tán thôi. Lý do là kể từ năm 1967, khi công trình này bị bom Mỹ phá hủy, người dân đã tự lấn chiếm làm chỗ ở. Sau khi chiến tranh kết thúc, giáo phận đã mong muốn được xây dựng lại Ðền Thánh, Ðức cố Giám mục Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương đã nhắc tới nhiều lần. Ðặc biệt, từ khi Ðức cha Giuse Vũ Văn Thiên được Tòa Thánh đặt làm Giám mục giáo phận Hải Phòng, vốn là người con của quê hương Kẻ Sặt – Hải Dương, ngay từ ngày lãnh chức giám mục, ngài đã thao thức, khấn hứa với các thánh tử đạo sẽ cố gắng hết sức để thực hiện mong ước của gia đình giáo phận.

Năm 2006, tôi được Ðức cha bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ Hải Dương, đồng thời mang trách nhiệm coi sóc công trình xây dựng lại Ðền Thánh. Quả thực đây là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp do hoàn cảnh lịch sử để lại. Khu Ðền Thánh, ngay cả lòng Ðền Thánh đã bị lấn chiếm sử dụng hết rồi. Việc đầu tiên tôi làm là cùng với giáo dân Hải Dương quản lý những diện tích đất chưa bị lấn chiếm; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ thu hồi khu đất Ðền Thánh.

Bản thiết kế Đền Thánh mới

Chính quyền tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Dương rất quan tâm tới vấn đề tôn giáo, rất hiểu biết và tạo những điều kiện tốt nhất cho tôn giáo mà vẫn theo khuôn khổ của pháp luật. Tôi được các vị lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các sở ban ngành của tỉnh, nhất là Ban Tôn giáo tỉnh giúp đỡ để tìm ra phương án giải quyết. Năm 2014, chúng tôi đã nhận được những quyết định của UBND tỉnh Hải Dương cho phép phục hồi và tái thiết lại Ðền Thánh. Căn cứ vào những quyết định trên, lại được giới hữu trách giúp đỡ, chúng tôi đã tiến hành giải tỏa diện tích gần 3.000m đất của Ðền Thánh mà 43 gia đình đang sử dụng. UBND tỉnh Hải Dương đã dành nhiều ưu đãi cho các hộ gia đình thuộc diện di dời. Hầu như các gia đình đều được cấp đất tái định cư, giáo xứ vận động tài chính để hỗ trợ họ. Nói chung, các gia đình đều vui vẻ chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh Hải Dương, nhận đất và tiền hỗ trợ, trả lại mặt bằng để giáo phận xây dựng Ðền Thánh mới. Cho đến hôm nay, chỉ còn ba gia đình chưa chấp thuận (hai gia đình có nhà ở và một gia đình chỉ có một diện tích lối đi), nhưng trong thời gian tới đây, Ban vận động sẽ tiếp tục giải thích cho các gia đình còn lại và hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp.

Ðâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, thưa cha?

– Khó khăn là đương nhiên, vì các gia đình đã ở gần như kín toàn bộ khu Ðền Thánh và lòng Ðền Thánh. Những ngày đó, ai có đến thăm Ðền Thánh sẽ nghĩ làm sao có thể giải phóng được mặt bằng? Ðó là những dãy nhà ở chen chúc, lụp xụp, tạm bợ, và còn là một điểm có nhiều tệ nạn nữa. Tôi nhớ khi tôi dẫn Ðức cha Giuse tới thăm dãy nhà hai tầng (trước đây là Trường đệ tử), khi Ðức cha và tôi bước vào những gian phòng trống, ống tiêm và kim bơm còn dính máu bị vứt ngổn ngang đầy mặt đất. Hãi hùng lắm. Làm sao có thể giải tỏa được? Tạ ơn Chúa, cám ơn các thánh tử đạo Hải Dương. Thiên Chúa đã làm điều kỳ diệu qua chúng tôi. Ðiều thuận lợi của chúng tôi là sự hợp tác hài hòa giữa đạo và đời, cộng thêm sự ủng hộ của người dân địa phương. Khó khăn đã qua đi, niềm vui đang đến. Ai đến khu Ðền Thánh tử đạo Hải Dương dịp này đều có tâm trạng chung như vậy.

Khu nhà trường dòng thánh Đaminh và Đền Thánh tử đạo tại Hải Dương năm 1943

Xin cha giới thiệu cho độc giả biết sơ lược về lịch sử Ðền Thánh Hải Dương?

– Theo nhà sử học – linh mục Vicent Bùi Ðức Sinh, người từng là cậu giúp lễ tại giáo xứ Hải Dương và đã ở tại Trường đệ tử Hải Dương thì Ðền Thánh tử đạo Hải Dương được xây dựng năm 1927. Vào thời đó, đây là Ðền Thánh tử đạo lớn nhất tại Việt Nam. Ðiểm độc đáo của Ðền Thánh là được xây dựng ngay trên pháp trường, nơi đã xử các chứng nhân đức tin, trong đó có bốn vị đã được nâng lên hàng hiển thánh vào năm 1988 là Ðức cha Giêrônimô Liêm (Giám mục giáo phận Ðông), Ðức cha Valentinô Vinh (Giám mục giáo phận Trung), cha Phêrô Amatô Bình (linh mục phụ giúp Ðức cha Vinh) và thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang (giúp Ðức cha Liêm). Hai Ðức cha và cha Bình bị xử vào ngày 1.11.1861; thầy Giuse Nguyễn Duy Khang bị xử ngày 6.12.1861. Vì ngày xử ba đấng đầu tiên trùng ngày lễ Các Thánh (1.11), nên bề trên đã quyết định chọn ngày 6.11 hằng năm là ngày lễ kính chung cả bốn Thánh tử đạo Hải Dương.

Khu xử các ngài là khu năm mẫu, ngoại thành Hải Dương. Năm 1907, một ngôi nhà thờ nhỏ đã được xây dựng để tôn kính các ngài. Ðến năm 1927 thì Ðền Thánh lớn chính thức được xây dựng, có chiều dài 65m, rộng 18m, hai tháp mỗi tháp cao 30m, theo kiến trúc Roman pha Grec-Byzantin, do kiến trúc sư người Pháp Lagisquet thiết kế.

Sá ng ngày 1.7.1967, máy bay Mỹ định thả bom để phá hủy ga xe lửa của thành phố, nhằm cắt đứt tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội. Thật đáng tiếc, hai quả bom đã rơi trúng Ðền Thánh và phá hủy gần như hoàn toàn.

Khu đất Đền Thánh cũ

Công trình tái thiết Ðền Thánh sẽ diễn ra như thế nào và dự kiến hoàn thành trong bao lâu?

– Sau khi tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn và ý kiến giáo dân, Ðức cha Giuse đã quyết định chọn thiết kế Ðền Thánh theo mô hình cũ, có chỉnh sửa đôi chút cho phù hợp với cảnh quan đô thị và diện tích hiện tại của khu đất. Nét đặc biệt của Ðền Thánh mới là được xây dựng bằng đá, có tầng hầm được dùng để phục vụ cho các đoàn hành hương nhỏ, có nhà nguyện, chỗ để xe và một số phòng nghỉ cho khách hành hương.

Tổng thể quy hoạch khu Ðền Thánh trên 3.000m², được chia như sau: Khu 1 gần 1.000m² sẽ dùng để làm bảo tàng, lưu giữ những hiện vật liên quan tới bốn thánh tử đạo và di tích của Ðền Thánh cũ. Khu 2 gần 400m² được dùng để xây dựng nhà ở của ban phục vụ Ðền Thánh. Khu 3 trên 1.700m², trước đây là Trường đệ tử, nay được dùng để xây dựng Ðền Thánh mới.

Ðền Thánh mới dự kiến sẽ được chính thức khai móng vào tháng 12 tới đây. Công trình được dự kiến xây dựng trong thời gian 2 năm.

Nhân đây, chúng tôi xin được ngỏ lời với anh chị em tín hữu xa gần, vì lòng yêu mến Thiên Chúa, vì sự sùng mộ các thánh tử đạo, hãy quảng đại cộng tác giúp đỡ chúng tôi sớm hoàn thành Ðền Thánh Tử đạo Hải Dương. Chúng tôi không quên cầu xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của bốn thánh tử đạo Hải Dương, ban muôn ơn lành cho quý vị và gia đình.

4 thánh tử đạo Hải Dương