T3, 10 / 2017 6:15 Chiều | Đức Tin Jesus

Dù nói gì đi nữa, những người canh giữ tín điều công giáo họ cũng nghi ngờ Đức Phanxicô là người dị giáo. Vì đường lối mục vụ được giải thích trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương của ngài. Sự cáo buộc hay nói bóng gió đã làm cho một số tín hữu nao núng. Có người còn hỏi thẳng tôi: “Đức Giáo hoàng có đang trệch hướng không?”

Chỉ cần một so sánh ngắn giữa Đức Phanxicô và Chúa Giêsu là thấy rõ được vấn đề. Sự so sánh đặt trên hai tiêu chuẩn. Thứ nhất, Chúa Giêsu là gương mẫu và là quy chiếu để có thể có một phán xét trên “vị đại diện” của mình, Đức Giáo hoàng. Thứ nhì, Chúa Giêsu bị các thấy thượng tế, các luật gia, các người pharisêu đương thời tố cáo Ngài một cách khủng khiếp và phạm thượng: cho Ngài là kẻ dị giáo!

Thời đó, họ đã lấy đá để ném cho Ngài chết. Vì sao? “Chúng tôi ném đá ông không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa!” (Ga 10, 33). Dị giáo tột cùng!

Trong hai trường hợp, sự so sánh giữa Chúa Giêsu và Đức Phanxicô trở nên rõ ràng với các yếu tố sau: (1) phẩm cách của những người tố cáo; (2) bản chất của tội bị tố cáo; (3) động lực lên án.

Những người tố cáo “thật”, các quan tòa “giả”

Vào thời Chúa Giêsu, các kẻ gièm pha không đại diện cho chính quyền hợp pháp cũng không đại diện cho quần chúng do thái. Đây chỉ là một nhóm thông đồng với nhau để chống Chúa Giêsu vì nhiều động lực khác nhau, họ quyết tâm muốn loại Ngài. Họ dùng bất cứ phương tiện nào: tòa án giả, nhân chứng giả, lèo lái quần chúng, làm cho nhà cầm quyền địa phương e sợ.

Cũng vậy, những người ký thư tố cáo Đức Phanxicô không đại diện cho ai, họ đại diện cho chính họ. Không ai trong họ là giám mục, trừ giám mục ly khai Bernard Fellay. Những người này không có một quyền lực nào trong Giáo hội công giáo. Họ muốn lèo lái thông tin và dư luận quần chúng.

Tội ác của lòng thương xót

Người pharisêu phẫn nộ: “Ông Giêsu này tiếp đón người có tội và ăn uống với họ!” Chúa tha kẻ có tội! Ngài không lên án người phụ nữ ngoại tình! Ngài dám khẳng định: “Người thâu thuế và kẻ có tội sẽ lên Nước Trời trước các ông!”

Và chính đó là điều Giám mục Fellay và các đồng bạn tố cáo Đức Phanxicô. Họ phẫn nộ, họ cho Đức Phanxicô là dị giáo khi ngài mở con đường thương xót cho những người ly dị tái hôn và cho những người ở trong tình trạng bất thường! Dị giáo vì không khép những người này lại trong tội của họ! Dị giáo vì đến với họ và cùng tháp tùng họ!

Nhân danh giáo điều và luật

Các thầy thượng tế, các luật gia kêu với quan Philatô, người muốn thả Chúa Giêsu: “Chúng tôi có luật của chúng tôi! Và theo luật này, ông Giêsu phải chết. Bởi vì ông tự cho mình là Con Thiên Chúa!” Tội không thể tha thứ được cho những người dị giáo!

Luật của Chúa được trao ban cho con người để mang sự sống đến cho con người thì bị phản bội, bị biến thành giáo điều, một giáo điều lên án, loại bỏ và làm chết người. Chúa Giêsu thì trái lại, Ngài theo đến cùng một lôgic khác (Ga 3, 16-17): “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tín thác vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.”

Những người lên án Đức Phanxicô muốn bắt chúng ta theo đường lối của các thầy thượng tế, đường lối không trái tim, không tâm hồn. Trọng tâm của Tin Mừng là Chúa Giêsu. Trọng tâm Chúa Giêsu là đón nhận kẻ phạm tội, lòng thương xót được trao ban cho tất cả mọi người.

Tông huấn của Đức Phanxicô có tên Tông huấn Niềm vui Yêu thương. Niềm vui yêu thương. Niềm vui tha thứ. Niềm vui đi theo Chúa Giêsu, niềm vui đón nhận người có tội và đi theo họ. Đây là tông huấn thứ nhì của Đức Phanxicô sau tông huấn thứ nhất là Tông huấn Niềm vui Tin Mừng. Niềm vui, luôn là niềm vui!

Chúng ta hãy để những người có tinh thần buồn bã, phản đối cự nự rên than nghiến răng. Với Đức Phanxicô, chúng ta không sợ hãi, chúng ta tiến tới đàng trước trên con đường mà ngài đã vạch. Con đường Phúc Âm, yêu thương và vui vẻ. Để cho tất cả mọi người đều có sự sống.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch