T6, 11 / 2017 7:37 Chiều | Đức Tin Jesus

Đến bất cứ cửa hàng bán vật phẩm Công giáo nào, ai cũng có thể mua cho mình một cỗ tràng hạt để đọc kinh Mân Côi kính Đức Mẹ, nhưng làm sao để kết được một cỗ tràng hạt ? Tôi đã rong ruổi, cất công đi đến những nơi sản xuất tràng hạt để tìm cho kỳ được lời đáp cho câu hỏi : bằng cách nào từ những mảnh gỗ, hạt nhựa vô tri, qua bàn tay của người thợ thủ công lành nghề đã thổi hồn làm nên xâu chuỗi Mân Côi nhiệm mầu ?

Bắt đầu từ những nhà sách Công giáo lớn ở Sài Gòn, chúng tôi lân la hỏi thăm xem họ lấy tràng hạt ở đâu về bá n, chút ái ngại ban đầu, nhưng với sự chân thành, tôi được chỉ đến khu cửa hàng ở Fatima Bình Triệu. Từ đây, lần theo những thông tin chắp nối, tôi tìm đến tận xưởng sản xuất vòng chuỗi để “mục sở thị” những người thợ thủ công khéo léo cắt gọt, đục gõ, kết nên những sợi chuỗi xinh xắn, đồng thời nghe họ chia sẻ đôi chút tâm tư tình cảm và cả nỗi niềm thao thức về nghề truyền đức tin này.

Thánh giá được tạo hình trên máy cắt

1.

Đứng đợi ngay đầu ngõ đường số 3 – QL13, chị Vũ Thị Ngân (Gx Fatima Bình Triệu) và em trai của mình dẫn đường đưa chúng tôi vào tận xưởng nằm sâu ở khu phố 5, P. Hiệp Bình Phước (Thủ Đức). Trong căn xưởng chất đầy gỗ cùng tiếng máy cắt, máy cưa xập xình, chị Ngân trải lòng về cơ duyên theo nghề :  Là người gốc Thanh Hóa, thuộc giáo xứ Quần Xá, chị vào Sài Gòn mưu sinh năm 2001, làm đủ thứ nghề, trong đó có buôn bán ảnh tượng, vật phẩm Công giáo trước cổng nhà thờ Fatima. Năm 2010, sau khi đã học nghề thành thạo, em trai ngỏ ý muốn hai chị em cùng mở xưởng sản xuất tràng hạt, chị không ngần ngại đồng ý ngay. Dù chỉ buôn bán nhỏ lẻ ảnh tượng trước cổng nhà thờ, nhưng chị rất thích công việc này, đến khi tự mình đứng ra sản xuất, lại càng mê hơn, chị bảo : “Chuỗi tràng hạt khi thành phẩm trước tiên phải đẹp, muốn đẹp thì công đoạn nào cũng cần người thợ đặt hết tâm huyết của mình vào, lợi nhuận như thế nào Chúa Mẹ sẽ lo liệu cho”. Để có thể sản xuất được chuỗi với số lượng nhiều, chị trang bị máy móc cắt gỗ, dập hạt hay máy chà xát cho hột được bóng… Hiện tại xưởng của chị có 8 người thợ cùng làm. Chuyên sản xuất những loại hạt từ gỗ mun, cẩm, trầm hương…, mẫu mã thì theo yêu cầu của khách hàng, cũng có khi tự do sáng tạo theo con mắt thẩm mỹ của mình. “Thời gian đầu khá khó khăn, nhất là lo đầu ra, một phần vì vào nghề sau, một phần nữa là do cạnh tranh nhiều, khi đó không đủ ăn phải đi bán thêm trái cây dạo lấy tiền đắp vô trong lúc tìm nơi tiêu thụ”, chị kể. Với những vòng chuỗi bằng đá, hột nhựa…, chị đặt mua ở bên ngoài về tự xâu. Gắn bó với công việc này gần 7 năm, chưa bao giờ chị cảm thấy vơi sút đi niềm yêu thích, đi lễ chị cũng thường để ý nghe cha giảng về ý nghĩa của những hột trên cỗ tràng hạt, nhờ đó phát hiện ra ý nghĩa sâu xa về 5 hạt kết gần thánh giá (hạt lớn đầu tiên là đọc kinh Lạy cha cầu cho Đức Giáo Hoàng; 3 hạt nhỏ tiếp theo là 3 kinh Kính Mừng cầu xin ơn đức tin – cậy – mến, và hạt lớn cuối cùng là đọc kinh Sáng danh cầu cho việc truyền giáo), từ đó “tôi cảm thấy công việc của mình rất thiêng liêng, đây không chỉ là nghề để mưu sinh, mà mang tinh thần truyền giáo, qua những sợi chuỗi mình làm ra, nhiều người tăng thêm lòng sùng kính Đức Mẹ bằng việc đọc kinh Mân Côi”.

2.

Ngày khác, chúng tôi vượt 20 cây số đến giáo xứ Búng (Bình Dương) tìm gặp anh Phạm Tất Linh, một trong những người có thâm niên trong nghề. Năm 2001 bắt đầu mày mò học nghề từ một người quen, sau đó tự đứng ra mở cửa hàng sản xuất riêng. Anh từng cùng vợ dắt nhau lên nhà sách Chí Hòa mua cái vòng đan bằng dây mấy đứa học sinh hay đeo, rồi ngồi tháo ra, xem mấy cái nút thắt người ta đan như thế nào, sau đó về nhà bắt chước làm theo, thay vì họ làm hai ba hạt đeo chơi thì mình làm 10 kinh Kính Mừng, vậy là thành một vòng chuỗi đeo tay. Thời gian đầu chưa có vốn liếng nhiều, lại không kinh nghiệm, anh chỉ mua hạt nhựa về tự xỏ thành chuỗi. Qua thời gian, nhu cầu từ thị trường lớn, cộng thêm sự ham thích tìm tòi, chịu khó đầu tư, liên tục cập nhật và sáng tạo thêm mẫu mã, chất liệu, giờ đây anh có thể tự mình sản xuất ra mọi thứ để làm thành một cỗ tràng hạt. Anh thổ lộ : “Kết nên một xâu chuỗi là cả một kỳ công. Từ sự chuẩn bị nguyên liệu cho tới khi thành sợi chuỗi. Trong đầu mình phải hình dung ra hình ảnh người ta đang lần hạt, rồi phải có tâm tình về kinh Mân Côi, suy tư về kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh, các hạt phải đều màu, lớn nhỏ bằng nhau, không được khác màu gây chia trí. Cũng phải quan tâm tới đối tượng lần, như những ông bà cụ lớn tuổi, không sáng mắt, chủ yếu lần bằng tay, mình phải thiết kế sao cho các cụ dễ nhận biết; trẻ con thì chọn màu tươi tắn để cha mẹ có thể thu hút chúng. Nghề nào cũng cần có sự đam mê, tiếp xúc với cỗ tràng hạt riết đâm ra mình có một lòng yêu mến Đức Mẹ cách đặc biệt, rồi cứ thế, Mẹ dẫn người này người kia đến với mình, công việc nhiều lên”. Anh Linh xác tín, làm nghề này với cái tâm trong sáng sẽ được Đức Mẹ phù trợ từ đủ ăn cho tới dư giả chứ không bao giờ thiếu thốn.

Công đoạn xâu chuỗi

Hiện nay anh Linh có hai xưởng làm hạt gỗ và nhựa, ngoài ra, với những loại hạt bằng đá thì anh nhập từ nước ngoài, có thể cung cấp cho thị trường không những sản phẩm vòng chuỗi Mân Côi hoàn chỉnh đa dạng về mẫu mã, chất liệu…, mà còn cung cấp nguyên liệu làm tràng hạt cho các nơi, nhiều nhất là những nhà dòng. Không chỉ bỏ hàng ở tất cả các cửa hàng Công giáo lớn nhỏ trong cả nước, sản phẩm tràng hạt của anh Linh còn xuất sang Pháp, Bồ Đào Nha, những nơi Đức Mẹ hiện ra, và được rất nhiều khách hàng ưa thích, đặc biệt là các loại chuỗi làm bằng gỗ. Khi chúng tôi hỏi anh về những khó khăn trong nghề, anh nhẹ tênh : “Khó khăn thì cũng không có gì ghê gớm, chỉ có lúc quá tải, nhu cầu nhiều, mình không đủ đáp ứng. Chỉ cần yêu thích, chịu khó và đầu tư công sức là tìm được niềm vui ngay cả khi gặp trở ngại”.

Bây giờ thì, khi tạm “có của ăn của để”, anh quan tâm nhiều hơn tới việc cho đi, trả lại cho đời những gì Đức Mẹ đã ban cho mình. Thỉnh thoảng anh đi cùng với các linh mục đến vùng sâu vùng xa thăm viếng bà con nghèo, đồng thời không quên tặng cho họ những chuỗi tràng hạt như là một cách truyền giáo, mang Mẹ đến gần hơn với họ. “Khi mình đến tặng chuỗi, người ta rất vui và trân quý, tự nhiên trong lòng cảm thấy vui sướng, nhờ đó tăng thêm động lực để làm. Khi mình làm được một sợi chuỗi không biết công sức bao nhiêu, nhưng mừng nhất là thêm được một người lần chuỗi, một người lần chuỗi thì lại thêm một bông hồng tặng Đức Mẹ”, anh tâm tình.