T2, 11 / 2017 6:35 Chiều | Đức Tin Jesus

“Lịch sử Giáo Hội được thêu dệt bởi những chứng nhân, con người cụ thể trong những thời gian cụ thể, những con người đã chết để làm chứng có một Thiên Chúa đang dẫn dắt cuộc đời họ, yêu thương họ, chứ không phải những con người tuyên truyền, nói láo”– cha Gioan chia sẻ trong thánh lễ thường niên lúc 10h chủ nhật ngày 19/11/2017 của cộng đoàn Vinh.

Bài đọc 1 hôm nay kể lại một nhóm người Do Thái bị truy sát bởi đế chế quá hùng mạnh, thế mà những con người nhỏ bé ấy nhất quyết không chịu ăn thịt dơ, không thờ ngẫu tượng, họ đã chấp nhận chết để giữ đức tin của mình. Câu chuyện người mẹ và 7 người con chết cùng trong một ngày là một chứng từ rất mạnh mẽ cho điều đó. Chính Chúa Giesu cũng đã chết trên thập giá. Không có một vị lãnh đạo tôn giáo nào chết cho như vị lãnh đạo của chúng ta cả. Chúa dạy “ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” và chính Người đã làm gương trước cho tất cả những ai đi theo Người.

Như vậy, khởi đầu của một dân mới khởi đi từ sự tử đạo của Chúa Giesu trên thập giá.

Các tông đồ của Chúa, như Phero, Phaolo… lần lượt chấp nhận tử đạo theo gương Thầy. Nhưng sau 3 thế kỉ liên tục hoàng đế La Mã đã truy sát Kitô giáo, biết bao người đã ngã xuống, đã chết cách rất bạo tàn thì Kitô giáo cũng bùng phát. Đặc biệt với chiếu chỉ Milan năm 313 việc bách hại đạo chấm dứt. Năm 381 Kitô giáo chính thức là quốc giáo.

Tử đạo là vậy, là những con người bằng xương bằng thịt, với tất cả những yếu đuối, sợ hãi, nhưng trong tình yêu Chúa, họ đã chết cho niềm tin của mình.

Ở Việt Nam cũng vậy, lịch sử dân tộc ta có ngày nào là không có bách hại đạo? Không phải những bách hại ta có thể nhìn thấy được, nhưng những bách hại tinh vi hơn nhiều. Khi dạy giáo lí cho người tân tòng, cha hỏi họ nghĩ thế nào về đạo Công giáo. Đọc câu trả lời mà cha không thể tin được, kinh khủng khiếp, nhất là người dân Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Họ cho rằng thủ lãnh thế gian là con của một người chăn dê, ngủ với dê mà sinh ra. Cha tự hỏi tại sao người dân ở khu vực này lại ghét đạo, nghĩ về đạo kinh khủng như thế. Sau cha đọc lại lịch sử thì biết các sắc chỉ cấm đạo, nhất là thời vua Tự Đức, Minh Mạng đã ra những sắc chỉ nói sai hoàn toàn về đạo, hẳn những tàn tích của chúng không hề đơn giản. Nhất là trong chế độ cộng sản đã thừa hưởng lại những điều ấy.

Cha nghĩ đến thời nay mà còn như vậy thì thời bách hại đạo như thế nào?

Cha nghĩ 117 vị chẳng phải là con số đủ đầy đâu. Cả mất chục ngàn người bị giết chết, có những người ở phương Tây, có những người ở phương Đông, có linh mục tu sĩ, có giáo dân, có người có học, có người nông dân, bình dị hơn cả chúng ta… nhưng họ đều đã chết cho niềm tin của mình. Điều đáng nói là họ là chứng nhân cho điều họ nói. Họ dám nói, dám làm, dám chết, chứ không phải những người giảng dạy, nhưng nhà tuyên truyền.

Đọc tác phẩm “Đức Thánh Cha Phanxico ở giữa bầy sói” chúng ta thấy cũng là một cuộc tử đạo vĩ đại. Trên thế giới ĐTC được tôn vinh như vậy, nhưng chính ở nơi đó, Ngài đang ở giữa bầy sói gầm gừ, bao nhiêu phe, nhóm với quan điểm bảo thủ căm thù ĐTC vì ngài đã đảo lộn tất cả Giáo Hội, ngài đưa Giáo Hội trở về với tình trạng nguyên thủy của mình, không để Giáo Hội là một pháo đài, nhưng kêu gọi ra khỏi vùng an toàn của mình, ra khỏi vỏ bọc của mình để đến với người khác. Phải là các chứng nhân thôi, chúng ta không thể nói láo. Các thánh tử đạo đã chết cho niềm tin của mình thế nào, chúng ta cũng phải theo chân các ngài. Những bách hại của thời đại chúng ta, không khốc liệt như các thánh tử đạo, không dã man nhưng tinh vi hơn nhiều, và có khả năng xóa niềm tin của chúng ta lúc nào không biết. Như một nhà thần học nói không thể bứng thần linh ra khỏi con người được, nhưng chỉ thay vị thần linh đó bằng vị thần linh khác. Và nhìn xem một loạt các vị thần linh đã được đưa lên: kinh tế, lao động, cá nhân, nhục dục,… làm con người không thể tìm thấy Thiên Chúa nữa, Thiên Chúa đã bị thay thế.

Cuối cùng cha Gioan mời gọi các bạn Cộng đoàn Vinh hãy bắt chước các vị thánh tử đạo, vượt qua sự bách hại bởi lòng yêu mến Chúa Giesu Kitô. Như thánh Phaolo nói “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35). Nếu ta dám sống như vậy, chắc chắn chúng ta cũng sẽ được tham dự vào dòng lịch sử các thánh tử đạo cách này, cách khác, dòng máu tử đạo vẫn chảy trong tim chúng ta.

Hôm nay chúng ta cầu xin các vị thánh tử đạo chuyển cầu cho chúng ta, để chúng ta được theo gương các ngài, được ý thức cuộc sống chứng tá của các Ngài cũng là của mỗi người chúng ta hôm nay, và biết chết đi cho bản thân, làm chứng cho đức tin của mình.

Truyền thông SVCG Thái Hà