T7, 01 / 2018 7:57 Chiều | Đức Tin Jesus

Tin Mừng Mát-thêu thuật lại cuộc trao đổi liên quan đến hai điều răn trong Cựu Ước ở Mt 22,34-40: “34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 ‘Thưa Thầy, trong Lề Luật, điều răn (entolê) nào là điều răn trọng nhất?’ 37 Đức Giê-su đáp: ‘Ngươi phải yêu mến (agapêseis) Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.38 Đó là điều răn quan trọng nhất và đứng hàng đầu. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu mến (agapêseis) người thân cận (plêsion) như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.’” Trong đoạn văn này, Đức Giê-su kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước:

(1) Điều răn yêu thương thứ nhất lấy trong sách Đệ Nhị Luật. Ông Mô-sê truyền lại cho dân Ít-ra-en điều răn của Đức Chúa ở Đnl 6,4-5: “4 Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến (agapêseis) ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em).” Đây là “điều răn quan trọng nhất và đứng hàng đầu” (Mt 22,38). Sách Đệ nhị luật nhấn mạnh việc tuân giữ và truyền lại điều răn này cho con cháu ở Đnl 6,6-9: “6 Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. 7 Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, 8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trá n làm phù hiệu, 9 phải viết lên khung cửa nhà anh (em), và lên cửa thành của anh (em).” Cụm từ “Những lời này” ở đầu c. 6 là nội dung điều răn yêu mến ĐỨC CHÚA, đồng thời cũng gợi đến 10 điều răn trong chương trước đó (Đnl 5,1-22) như là nền tảng của Giao Ước. Trong đó điều răn đứng hàng đầu là “yêu mến ĐỨC CHÚA” (Đnl 6,5). Việc tuân giữ những điều răn và thánh chỉ khác của ĐỨC CHÚA đều dựa trên lòng “yêu mến ĐỨC CHÚA.”

(2) Điều răn yêu thương thứ hai lấy trong sách Lê-vi. ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi phải yêu (agapêseis) người thân cận (plêsion) như chính mình” (Lv 19,18b). Điều răn này nằm trong đoạn văn Lv 19,11-17, trình bày những quy định có tính cách luân lý mà dân Ít-ra-en phải giữ, theo như Giao ước đã thiết lập giữa Thiên Chúa và dân qua trung gian ông Mô-sê (x. Lv 19,1-2). Chẳng hạn, chỉ thị ở Lv 19,17-18: “17 Ngươi không được để lòng ghét người anh em, phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. 18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận con cái dân ngươi. Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Ta là ĐỨC CHÚA.”

Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 22,36-40 // Mc 12,28-34 // Lc 10,25-28) nhắc lại hai điều răn “Mến Chúa” – “yêu người” trong Cựu Ước, và xác định đây là hai điều răn quan trọng nhất, vì Đức Giê-su nói ở Mt 22,40: “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.” Tân Ước áp dụng hai điều răn này cho các môn đệ: “Yêu mến Thiên Chúa” và “yêu thương người thân cận.” Nhưng câu hỏi đặt ra: “Ai là người thân cận của tôi?”

Trong Cựu Ước, nghĩa của từ “người thân cận” tuỳ thuộc thời đại và môi trường xã hội, tôn giáo. Tự điển bách khoa Kinh Thánh (Dictionnaire encyclopédique de la Bible) định nghĩa “người thân cận” như sau: “Trong cơ cấu thị tộc, người thân cận là thành viên của thị tộc hay thành viên của thị tộc đồng minh (St 31,32; Tl 9,18). Đó là công dân hay người đồng đạo theo quan niệm xã hội của dân Ít-ra-en thời xưa (Is 66,20; Mk 5,7; Nkm 5,8). Đối với nhóm Ét-xê-nô (esséniens), sống tách biệt thành cộng đoàn, người thân cận là thành viên của phái này (1QS; Fl. Jos, B.J. 2,124 s). Do Thái giáo chính thống thời sau khi Kinh Thánh được biên soạn và thời talmud (l’époque postbiblique et talmudique) ít tán thành việc giao tiếp với dân ngoại, nói chung họ xem người thân cận là đồng bào hay người theo đạo (Do Thái) (BabBQ 38a; 113b). Đối với Do Thái giáo Hy Lạp hoá hay ở Alexandrin, họ giao tiếp hằng ngày với người Hy lạp, với những cấp độ khác nhau, người thân cận là tất cả công dân (concitoyen) (Kn 12,19; 2Mcb 4,36; Lettre d’Aristée).” (Mục từ “prochain” trong Dictionnaire encyclopédique de la Bible (DEB), Centre Informatique et Bible Abbaye de Maredsous, (dir.), (3è éd. rev. et aug.), Turnhout, Brepols, 2002). (Các từ viết tắt trong trích dẫn trên: 1QS: Luật cộng đoàn (Manuel de Discipline ou Règle de la Communauté, Écrit qoumrânien); Fl. Jos, B.J.: Tác phẩm  Cuộc chiến Do Thái (Guerre juive) của Flavius Josèphe; BabBQ: Talmud Babylone Baba’ qamma’; Lettre d’Aristée: ngụy thư (Écrit pseudépigraphe) viết bằng tiếng Hy Lạp bởi một người Do Thái ở Ai Cập).

Trong Cựu Ước, “yêu thương người thân cận” gợi đến “yêu thương ngoại kiều” nói đến ở Lv 19,33-34 và Đnl 10,19. ĐỨC CHÚA phán: “33 Khi có ngoại kiều cư ngụ với (các) ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. 34 (Các) ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; (các) ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai-cập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19,33-34); “Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập” (Đnl 10,19).

Tóm lại, định nghĩa “người thân cận” thay đổi theo thời gian và tuỳ thuộc vào môi trường xã hội và tôn giáo. Không dễ trả lời câu hỏi “ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su trả lời câu hỏi này như thế nào? Nghĩa của từ “người thân cận” theo Tân Ước là gì?