T6, 11 / 2023 5:28 Chiều | Đức Tin Jesus

Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình sinh ngày 1.9.1910 tại Sài Gòn. Chính xác hơn, ngài chào đời tại bệnh viện Chợ Rẫy. Một tuần sau khi chào đời, ngài được đưa về nhà và lãnh nhận Bí tích Rửa tội tại giáo xứ Tân Ðịnh.

Ngài là người con thứ năm trong một gia đình gồm bảy anh chị em. Bốn người đầu gồm ba nữ, một nam và người em trai út đều mất sớm. Chỉ còn lại ngài và người em kế, là nữ tu Nguyễn Thị Sanh, dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, cũng đã qua đời.

Thân sinh ngài là ông Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Trượng và bà Anna Nguyễn Thị Luông. Thân phụ ngài trước đó cư ngụ tại Lương Hòa Hạ (tỉnh Long An hiện nay), sau chạy giặc Tân Quy nên di chuyển về Tân Ðịnh. Thân mẫu ngài, gốc tại Bãi Xan, tỉnh Trà Vinh, sau này về cư ngụ tại Mỹ Tho.

Thời niên thiếu của Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình trôi qua trong sự yêu thương đùm bọc của song thân và sự cận kề quấn quít của hai anh em. Thân phụ ngài là ông biện họ Tân Ðịnh, nhiệt thành với công việc của giáo xứ và nhà in Tân Ðịnh trên 50 năm. Gia đình ngài được nhiều người nhìn nhận là một gia đình đạo hạnh.

Đức TGM Phaolô tại buổi lễ phát hành bản Kinh Thánh Việt ngữ

Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình trải qua những năm tháng tiểu học tại trường Lasan Taberd. Trong ký ức của những người thân, ngài là một học sinh hiền lành, dí dỏm, giỏi và yêu chuộng thể thao. Mỗi buổi tan trường, trên đường về, ngài và các bạn thường vui đùa với quả bóng.

Mãn bậc tiểu học năm 1922, ngài được linh mục Cao, quản xứ Tân Ðịnh, giới thiệu vào Tiểu Chủng viện Sài Gòn. Những năm tu luyện dưới mái trường Tiểu Chủng viện, ngài là một chủng sinh vượt trội trong lớp, luôn dẫn đầu về mặt học tập. Những năm Tiểu Chủng viện ghi đậm trong tâm hồn ngài một biến cố: thân mẫu qua đời năm 1925. Sau khi thân mẫu qua đời không lâu, người em gái bước chân vào tu viện Mến Thánh Giá Chợ Quán.

Năm 1932, ngài được bề trên tuyển chọn đi du học tại trường Truyền giáo Rôma. Ngày 27.3.1937, ngài thụ phong linh mục tại nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, Roma. Sau khi thụ phong linh mục, ngài ở lại Roma một năm phụ giúp các họ đạo nhỏ trong vùng lân cận. Chính trong thời gian phục vụ các họ đạo nghèo nàn ở đây, do thời tiết khắc nghiệt, ngài nhiễm bệnh phổi và buộc phải quay về Việt Nam giữa năm 1938.

Trên chuyến tàu biển quay về Việt Nam, đã có lúc bệnh ngài trở nặng tưởng chừng không qua khỏi. Những người thân ra đón ngài tại cảng đã không khỏi bồn chồn khi tàu cập bến tháng 8.1938. Lúc đó ngài vẫn còn nằm trong khoang với cơn bệnh.

Năm 1938, giáo phận Vĩnh Long được tách ra từ giáo phận Sài Gòn và do Ðức Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Ðình Thục cai quản. Ðó cũng là năm ngài được Ðức Giám mục Dumortier (có tên Việt Nam là Ðượm) cắt cử coi sóc họ đạo Ðức Hòa.

Ðức Hòa ngày đó là một họ đạo nhỏ chỉ gồm vài ba chục gia đình Công giáo. Thời gian đầu khi về nhận họ, ngài trú tạm trong phòng thánh, sau này họ đạo mới cất được ngôi nhà xứ. Trong thời gian phụ trách họ Ðức Hòa, hằng tuần ngài vẫn phải lên bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị bệnh phổi. Phương pháp điều trị thời đó là chích cho phổi teo lại, nên khi chữa dứt bệnh, ngài chỉ còn lại một lá phổi duy nhất giúp duy trì cuộc sống hơn 50 năm về sau. Trong thời gian coi sóc họ đạo Ðức Hòa, ngài lại thêm một lần chịu đại tang: thân phụ ngài qua đời ngày 10.8.1939.

Thăm giáo dân Cầu Đất, GP Đà Lạt

Năm 1942, ngài rời họ Ðức Hòa về nhận nhiệm vụ mới: giáo sư Tiểu Chủng viện Sài Gòn và Tuyên úy trường Taberd. Năm 1948, ngài được bề trên bổ nhiệm coi sóc họ đạo Cầu Ðất – thuộc giáo phận Ðà Lạt – kế tiếp cha Giacôbê Nguyễn Văn Mầu. Cầu Ðất là một họ đạo hẻo lánh nằm trên tuyến đường Ðà Lạt – Ðơn Dương, cộng với họ đạo Phát Chi trực thuộc, có khoảng 300 giáo dân. Số giáo dân Cầu Ðất đã từ miền Bắc và miền Trung vào đây lập nghiệp, đông nhất là vào thời điểm năm 1927, khi Sở Trà của người Pháp gọi là Entrerays được thiết lập. Trong bảy năm làm cha sở tại đây, ngài xây thêm tháp chuông nhà thờ và phụ trách đời sống tinh thần của số bà con giáo dân trải rộng trên địa bàn Ðơn Dương, M’lọn, Bắc Hội, Ða Thọ. Ở Ðơn Dưong và Ða Thọ, ngài đã cất được các ngôi nhà nguyện bằng gỗ. Nhiều gia đình giáo dân kỳ cựu tại Cầu Ðất và các vùng lân cận còn giữ được nhiều hình ảnh và kỷ niệm về ngài. Ngài chẳng khác gì cha sở họ Ars : khiêm cung, giản dị và vâng phục.

Trước khi được tấn phong Giám mục, ngài đã thôi nhiệm sở họ Cầu Ðất về làm giáo sư Ðại Chủng viện Thánh Giuse. Ngày 20.9.1955, ngài được bổ nhiệm làm Ðại diện Tông tòa giáo phận Cần Thơ được tách ra từ giáo phận Nam Vang gồm các tỉnh Phong Dinh, Ba Xuyên, An Xuyên, Chương Thiện, An Giang, Kiên Giang và toàn vùng Hậu Giang rộng lớn. Ngày 30.11.1955, tại nhà thờ Ðức Bà, ngài đã thụ phong Giám mục, khi mới 45 tuổi.

Đặt viên đá xây dựng nhà hưu Chí Hòa ngày 25.1.1991

Năm năm cai quản giáo phận Cần Thơ, ngài mang vóc dáng một mục tử không hề mỏi mệt, một nhà truyền giáo vùng sông nước, vùng sâu. Giáo phận Cần Thơ, sau thời điểm Hiệp định Genève, đón nhận hàng chục ngàn giáo dân từ miền Bắc vào, tập trung nhiều nhất ở Cái Sắn – Rạch Giá. Trong bối cảnh xã hội đó, ngài đã góp phần vào việc ổn định đời sống tinh thần cho bà con giáo dân tại những giáo điểm mới. Dù chịu trách nhiệm mục vụ trong một địa bàn trải rộng lớn, nhưng không tuần nào ngài không xuôi ngược từ Tòa Giám mục, trên các chặng đường Cần Thơ, Châu Ðốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để ban phép Thêm sức hoặc thăm hỏi, chiếu phim giúp phát triển đời sống tinh thần của đàn chiên ngài phụ trách. Ngài cũng không nề hà di chuyển bằng ghe thuyền vào tận các giáo điểm sâu hút trong vùng kênh rạch.

Ngày 24.11.1960 là một trong những thời điểm quan trọng của Giáo hội Việt Nam: thành lập ba giáo tỉnh Hà Nội – Huế – Sài Gòn, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Sài Gòn; đồng thời lập thêm các giáo phận Ðà Lạt, Mỹ Tho tách ra từ giáo phận Sài Gòn và Long Xuyên tách ra từ giáo phận Cần Thơ.

Về nhận giáo phận Sài Gòn (ngày 2.4.1961) thay thế Ðức Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền lên giáo phận Ðà Lạt, ngài trở thành vị Giám mục thứ 10 cai quản giáo phận kể từ khi giáo phận Tây Ðàng Trong, tiền thân của Tổng Giáo phận Sài Gòn, nay là Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, được thiết lập năm 1844. Tuy nhiên, khác với chín vị Giám mục tiền nhiệm, Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình là Tổng Giám mục Chánh tòa tiên khởi của Giáo phận Sài Gòn.

Giáo phận Sài Gòn vào thời điểm 1960 bao gồm hầu hết miền Ðông Nam bộ, nay là bốn giáo phận thành phố Hồ Chí Minh, Xuân Lộc, Phú Cường, Phan Thiết. Ngoài ra, Sài Gòn lúc đó còn là thủ đô của miền Nam, một trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế và xã hội, một đầu mối giao lưu quốc tế. Ngày đó, đây là một giáo phận thuộc hàng lớn trên thế giới với 27 giáo hạt, 263 họ đạo chính, 284 họ đạo lẻ, 583 linh mục triều, 125 linh mục dòng, 567.455 giáo hữu (Niên giám 1964, trang 313-314). Bối cảnh Giáo phận Sài Gòn lúc đó còn mang hình ảnh nhiều giáo phận nhỏ trong một giáo phận lớn, do số tín hữu miền Bắc và Bắc miền Trung di dân vào. Ngoài ra, không chỉ có số tín hữu người Kinh, giáo phận Sài Gòn còn có số tín hữu người dân tộc K’ho, Châu Ma, Stiêng… Ðây quả là một trách nhiệm nặng nề đè lên vai ngài.

Ngay những năm đầu tiên nhận nhiệm vụ, với sự khôn ngoan, nhân hậu và biết lắng nghe, ngài đã xếp đặt cho xong việc bình thường hóa đời sống đạo của nửa triệu người Công giáo di cư, công việc mà Ðức Giám mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã bắt đầu. Sự ổn định này không chỉ cho riêng Sài Gòn mà còn ở đều khắp địa bàn mục vụ của ngài, từ Vũng Tàu, Phan Thiết, qua Long Khánh, Sông Bé, Tây Ninh. Công lao lớn của ngài trong giai đoạn này là tạo được sự bổ túc, không đố kỵ giữa người Công giáo Nam – Bắc. Kết quả đó thấy rõ nơi các họ đạo pha trộn giáo dân các miền, trong các dòng tu nam nữ, trong các hội đoàn, trong các trường tư thục, kể cả trong chủng viện, hoặc ngay tại văn phòng Tòa Tổng Giám mục.

Cùng dự buổi văn nghệ giới Công giáo với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh

Vừa về nhận giáo phận, Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình được cử làm Chủ tịch Ủy ban Giám mục đặc trách các phong trào Công giáo Tiến hành – tức là Tông đồ Giáo dân – của cả miền Nam. Các đoàn thể Công giáo Tiến hành tập trung nhiều ở Sài Gòn. Và ngài đã có nhiều dịp gần gũi, tìm hiểu và động viên mọi người sống Phúc Âm giữa xã hội, đem đạo vào đời. Nhiều đoàn thể tông đồ giáo dân đã sống đạo có chiều sâu gắn với sự phát triển xã hội như Thanh Sinh Công, Thanh Lao Công, Sinh viên Công giáo, Pax Romana… Ðầu năm 1962, Ðức Gioan 23 thông báo triệu tập Công đồng Vatican II, ngài đã khéo hướng dẫn giáo phận hướng về Công đồng bằng sự hiện diện tích cực của ngài tại các cuộc hội thảo, chiếu phim, triển lãm với các chủ đề canh tân phụng vụ, hội nhập văn hóa…

Cuối năm 1962, cùng với các giám mục sắp tham dự Công đồng, ngài đã chủ sự một buổi canh thức tại nhà thờ Ðức Bà để cầu nguyện cho Công đồng và các Nghị phụ Việt Nam, đồng thời xin các Nghị phụ chuyển đạt tới Công đồng “thỉnh nguyện thư của tín hữu Việt Nam” mong được dùng tiếng Việt trong thánh lễ, mong có những đổi mới trong cơ cấu và sinh hoạt mục vụ ở địa phương. Vô hình trung, chính ngài là tác giả tinh thần của thỉnh nguyện thư đó và thỉnh nguyện đó đã được thực hiện một cách tốt đẹp.

Dâng thánh lễ tại nông trường Lô 6

Năm 1965, Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã kiến nghị Tòa Thánh thiết lập thêm hai giáo phận trên địa bàn ngài phụ trách: giáo phận Xuân Lộc và giáo phận Phú Cường. Việc phân chia này nhằm đáp ứng những khía cạnh mục vụ tự nhiên như nguồn gốc sắc dân, văn hóa lẫn truyền thống sống đạo đã hình thành nơi người giáo dân trong từng vùng. Sự phân chia này quả thực là một tiền đề cho sự phát triển sâu rộng các Giáo hội địa phương, và đã được nhận rõ như hiện nay.

Ngay sau ngày 30.4.1975, ngày 5.5.1975, ngài đã kêu gọi người Công giáo xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng, một xã hội tiến bộ, công bình, giàu tình huynh đệ. Ngài đã cho thành lập các ban “mục vụ kinh tế mới” và “lao động sản xuất” ngay tại Tòa Tổng Giám mục. Ngài đã nhiều lần tham gia các đợt lao động tại Củ Chi cùng với linh mục tu sĩ giáo dân của mình.

Ngày 30.9.1977, trong Ðại hội các Giám mục Thế giới tại Roma, ngài đã đọc bản tham luận về “Môi trường sống của người Công giáo Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho việc dạy giáo lý”.

Năm 1978, Ðức cố Tổng có vị Phụ tá là Ðức Giám mục Aloysius Phạm Văn Nẫm được tấn phong ngày 2.2. Từ đây Ðức Giám mục Aloysius Phạm Văn Nẫm đã cùng cộng tác với ngài hướng dẫn đoàn chiên của mình sống cuộc sống chan hòa với cộng đồng dân tộc.

Thăm gian hàng thủ công mỹ nghệ giới Công giáo thành phố

Từ ngày 24.4.1980 đến 1.5.1980, Ðại hội các Giám mục Việt Nam tiến hành tại thủ đô Hà Nội. Ðây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam năm 1960, 33 giám mục toàn quốc gặp nhau. Trước khi đi dự đại hội, ngài đã cho mời nhiều linh mục tu sĩ trong giáo phận đóng góp ý kiến cho ngài và ngài đi dự đại hội với hành trang được chuẩn bị kỹ càng cùng với một thái độ khiêm tốn cố hữu. Ðại hội Giám mục Việt Nam năm 1980 kết thúc với một Thư Chung nổi tiếng kêu gọi người Công giáo sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc đồng bào. Ðường hướng này đã để lại dấu ấn đậm nét trong đời sống Giáo hội từ đó đến nay. Dư luận cho rằng đường hướng mục vụ này cũng là đường hướng mục vụ ngài đã chọn lựa từ sau 1975 và đã trở thành tinh thần cốt yếu của bức Thư Chung 1980 lịch sử.

Ðáng lẽ ngài đã được nghỉ hưu từ 1985 sau 75 tuổi đời, sau 30 năm làm giám mục và gần 50 năm linh mục, nhưng vì vấn đề kế vị còn trắc trở nên Ðức Tổng Giám mục vẫn phải tiếp tục cai quản giáo phận cho đến khi ngã bệnh khá nặng năm 1993. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng không ai ngờ được rằng chỉ trong vài năm cuối đời, ngài đã cho xây dựng và hoàn thành ba công trình mang nhiều ý nghĩa: Nhà Truyền thống Công giáo, Nhà Hưu dưỡng các linh mục, Văn phòng và Nhà khách Tòa Tổng Giám mục.

 Cùng Đức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi cắt băng khánh thành triển lãm Mỹ thuât tại Tòa Tổng Giám mục

Trong suốt thời gian cai quản Tổng giáo phận, trừ những khi đi ra khỏi thành phố, còn lại, không có Chúa nhật nào ngài không đến các họ đạo ban phép Thêm sức, đôi khi 5 – 6 họ đạo trong một ngày và di chuyển có lúc bằng xe gắn máy. Ngài cũng thường xuyên thăm viếng các cộng đoàn tu sĩ và luôn có mặt trong các buổi họp hằng tháng của Liên tu sĩ tại Tu viện Phanxicô Ðakao. Ngài tiếp xúc với linh mục, tu sĩ, giáo dân không hề theo một nghi thức khách sáo và mọi người đều đồng ý về tư cách một mục tử giản dị, nhân hậu của ngài. Không chờ đến khi Ðại Chủng viện Thánh Giuse chiêu sinh trở lại trong năm 1986, Tổng giáo phận TPHCM trước đó đã thường xuyên có những tân linh mục, những tu sĩ khấn trọn hằng năm.

Cũng từ giai đoạn sau 1975 đến khi Ðức cố Tổng qua đời, có khoảng 70 ngôi nhà thờ lớn nhỏ trong giáo phận đã xây mới hoặc đại tu, trong đó gần 60 ngôi nhà thờ xây mới hoàn toàn để đáp ứng số giáo dân gia tăng và sự xuống cấp các ngôi thánh đường. Tuy nhiên, ngài cũng luôn căn dặn các linh mục thuộc quyền không nên xây nhà thờ quá tốn kém hoặc hoang phí và cần phải để tâm đến việc đào tạo con người Phúc Âm, con người xã hội. Cũng nhờ sự giúp đỡ và ưu ái đặc biệt của ngài, nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ ngày 13.8.1994 đã cho ra đời bản dịch Kinh Thánh Tân Ước bằng tiếng Việt được đón nhận rộng rãi. Sau bản Tân Ước, nhóm PDCGKPV tiếp tục cho ra đời phần Cựu Ước.

Tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 1977

Ngài từ biệt cõi thế vào 5 giờ 45 sáng ngày 1.7.1995. Tang lễ của Ðức cố Tổng là một đám tang Công giáo thuộc loại lớn nhất từ trước đến thời điểm đó, với sự tham dự của một Hồng y, một Tổng Giám mục Sứ thần Tòa Thánh, 17 Giám mục, 4 Ðan viện phụ, trên 400 linh mục, khoảng 2.000 nam nữ tu sĩ và trên 30.000 giáo dân. Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình an nghỉ vĩnh viễn tại Nhà nguyện Tiểu Chủng viện Thánh Giuse, theo như ngài mong muốn.

Ðức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình được mọi người nhìn nhận là một nhà lãnh đạo tinh thần sáng suốt, tận tụy, một người cha khả ái, đạo cao đức trọng, nổi tiếng trong nước cũng như ngoài nước, một Giám mục luôn gắn bó với dân tộc và vận mệnh quê hương.

Hình ảnh của ngài đã và sẽ còn ghi đậm trong tâm trí mọi người như là một Giám mục Việt Nam ngang tầm thời đại cuốỉ thế kỷ 20.

Phạm Ngọc Trản