T6, 11 / 2023 5:27 Chiều | Đức Tin Jesus

Một ông già leo lên xe buýt, một cậu bé đang ngồi ở hàng ghế đầu thấy vậy liền đứng dậy nhường chỗ cho ông. Ông lẳng lặng ngồi vào ghế và vuốt râu thoải mái. Thình lình cậu bé quay lại hỏi ông: Thưa ông, ông vừa nói gì ạ? Ông già trợn mắt trả lời: Không, tôi đâu có nói gì đâu! Cậu liền nhỏ nhẹ nói: Vậy mà cháu cứ tưởng ông nói “Cảm ơn” chứ!

Chắc cậu bé này đã học phép lịch sự lễ phép nơi nhà trường và nhà thờ, thấy học và hành khác xa nhau, nên mới nhắc khéo như vậy.

Lời trẻ con làm cho người lớn phải suy nghĩ. Lớn phải dạy cho nhỏ hay nhỏ phải nhắc cho lớn? Còn Chúa Giêsu tế nhị, không nói thẳng vào mặt quân vô ơn, mà chỉ nói xa xôi: “Thế thì chín người kia đâu?”. Mười người đồng bệnh đã đồng thanh kêu nài: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Thế mà khi được khỏi bệnh lại tách rời nhau: đúng là gian khổ có nhau, qua cầu lại rút ván. Trớ trêu, kẻ rút ván ấy lại là người có đạo, dân riêng của Chúa, nghĩ rằng Chúa phải có bổn phận ban ơn cho họ, nên hưởng nhiều ơn rồi cứ lẳng lặng mà đi. Còn người ngoại lâu lắm mới nhận được ơn lạ, nên mau mắn tạ ơn.

Chúa có đòi hỏi những người thụ ơn phải ngỏ lời cảm ơn Chúa không? Hẳn là không, bởi lẽ thay vì nhận lời cảm ơn, Chúa Giêsu luôn hướng về Cha trên trời, yêu cầu họ phải tôn vinh Thiên Chúa. Thánh Luca ghi nhận: một người mau mắn tôn vinh, còn chín người kia thì không (Lc 17,15.18). Chắc họ vội về nhà để mở tiệc ăn mừng chăng? Một bài học cho chúng ta: làm ơn mà không cần báo ơn, vì nhận thức những điều may lành nhận được, những việc tốt làm được là “đều nhờ bởi ơn Chúa” (Kinh sáng soi).

Chúa Giêsu là người con chí ái của Chúa Cha, đã thể hiện lòng hiếu thảo, khi cầu nguyện tôn vinh chúc tụng và tạ ơn Cha trên trời, vì “Tất cả những gì Cha ban cho Con đều do bởi Cha” (Ga 17,7). Tin Mừng ghi nhận rất rõ: “Lạy Chúa là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha” (Mt 11,25; Lc 10,21); “Chúa ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng” (Mt 14,19; Mc 8,7); “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11,41); “Chúa cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn” (Ga 6,11); “Chúa cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn” (Mt 26,27; Mc 14,23; Lc 22,17).

Ngạn ngữ Pháp nói: “Lòng biết ơn là trí nhớ của trái tim”. Người Samari được khỏi bệnh có trí nhớ tốt, nên đã nhớ ơn; còn chín người kia có trái tim tím ngắt nên chỉ nhớ đến thủ tục trình tư tế… mà quên tình người, tình Chúa. Người Âu Mỹ luôn luôn sẵn sàng trên môi: “Xin lỗi” và “Cám ơn”. Còn đối với nhiều vùng ở Việt Nam, hai câu trên xem như một thứ xa xỉ phẩm: có khi thay vì xin lỗi lại bắt lỗi, thay vì cảm ơn chỉ biết cảm thán!

“Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,17-18). Phải chăng trên thế giới này có nhiều người hưởng văn minh vật chất mà quên ơn Chúa, như kiểu nói “Tiền vào thì Chúa ra”. Người Công giáo Việt Nam chúng ta vẫn còn siêng năng đến nhà thờ dự lễ Chúa nhật, rất ngạc nhiên khi biết nước Pháp trước kia được mệnh danh là Trưởng Nữ của Giáo hội, từng gởi các cha thừa sai đến Việt Nam, còn ngày nay cần phải tái truyền giáo. Theo báo La Croix và Catholic World News năm 2018: giáo dân Pháp chỉ còn 5% tham dự thánh lễ Chúa nhật, 23% còn gắn bó với Giáo hội một cách nào đó (không nhất thiết đi lễ Chúa nhật), 53% chỉ còn là Công giáo CBNO (Catholic By Name Only), 47% không nhận là Công giáo.

“Chín người kia đâu?”. Họ đã đến trình diện với các tư tế. Nếu chỉ có thế thì chưa đủ, vì chỉ là thủ tục xác nhận được sạch bệnh, mà cần hơn đó là sạch tội, như Chúa nói: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17,19). Cũng vậy, việc tôn vinh Thiên Chúa phải được đáp trả: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Hoa trái chính là việc mở mang Nước Chúa, thực hành những việc lành phúc đức.

“Chín người kia đâu?”. Họ đang lần bước ngay trên đất Việt: chúng ta có bổn phận “đi ra” giúp đỡ để “Họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chúng ta đã được cho không (Mt 10,8), đừng không cho người khác! Biết ơn Chúa thì phải làm ơn cho tha nhân.

Lm Giuse Phạm Bá Lãm – TGP TPHCM