T6, 11 / 2023 5:27 Chiều | Đức Tin Jesus

CHÚA NHẬT PHỤC SINH – NĂM A 

Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43; Bài đọc 2: Cl 3,1-4; Tin Mừng: Ga 20,1-9.

Khi nói đến “trỗi dậy”, chúng ta thường liên tưởng ngay đến một người ốm đau liệt lào, hoặc một người bị ngã, rồi sau đó đã bình phục sau cơn bệnh, hoặc đã đứng lên sau khi vấp ngã.

Các tác giả Tin Mừng, khi diễn tả việc phục sinh của Chúa Giêsu, thường dùng động từ “Trỗi dậy” (tiếng Pháp là se relever) (x. Mt 27,63.64; Mc 16,6). Tuy nhiên, tại một số chỗ khác, các tác giả cũng dùng động từ “Sống lại” (tiếng Pháp là ressusciter) (x. Lc 24,7.46).

Tại sao có sự khác biệt này? Để đưa ra lời giải thích, trước hết, hãy cùng với các tác giả Tin Mừng khẳng định một điều: Đức Giêsu đã thực sự chết trên thập giá. Người đã được an táng trong mồ và sau đó Người đã sống lại. Theo thiển ý, khi dùng hai động từ khác nhau để diễn tả việc Chúa từ cõi chết sống lại, các tác giả muốn cắt nghĩa sự kiện theo hai chiều kích:

Trước hết, Đức Giêsu Kitô là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”Người làm chủ sự sống, là Đấng trao ban sự sống cho con người. Việc ra khỏi cõi chết là do Người chủ động. Trước đó Người đã tuyên bố: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy” (Ga 10,18). Ngư?i ???ời đã “trỗi dậy – se relever” từ nấm mồ tăm tối, vì Người là Thiên Chúa quyền năng.

Tuy vậy, Đức Giêsu Kitô cũng là một con người thực thụ. Người đã chết và Chúa Cha làm cho Người được sống lại. Đức Giêsu là Người Công Chính, là Đấng Thánh được Chúa Cha yêu thương. Chúa Cha không để cho Người bị hư nát trong mồ, nhưng cho Người phục sinh. Khái niệm “Phục Sinh – ressusciter” này được các tông đồ triển khai rộng rãi trong sách Tông đồ Công vụ, nhất là trong các bài giảng của thánh Phêrô (x. Cv 1,22). Vị Tông đồ đã quả quyết: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trướcĐức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (2,23-25).

Cái chết và sự Phục Sinh của Người có ý nghĩa đối với chúng ta và đối với mọi nơi mọi thời. Từ cách giải thích trên đây, cùng suy tư đến sự “phục sinh” của người tín hữu. Không phải chờ đợi đến ngày “xác loài người ngày sau sống lại” vào thời tận thế, ngay ngày hôm nay, chúng ta đã được phục sinh với Chúa. Sự phục sinh này, vừa nhờ quyền năng của Đấng Tối cao, vừa do nỗ lực cố gắng của con người để “trỗi dậy”, bước ra khỏi tăm tối của cõi chết, vươn đến cõi sống vinh quang.

“Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Eph 5,14). Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi “trỗi dậy” từ cõi chết, tức là thoát ra khỏi lối sống cũ còn nhiều bất xứng và tội lỗi. Thiên Chúa luôn luôn kêu gọi và giơ cánh tay cứu vớt, nhưng nếu chúng ta không có thiện chí, thì không thể đón nhận ơn cứu thoát của Thiên Chúa. Trỗi dậy khỏi cõi chết, đó là một quyết định cần có sự can đảm đổi đời để tiến sang một ngả rẽ mới.

Như hai tông đồ Phêrô và Gioan ngỡ ngàng trước ngôi mộ trống vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, chúng ta cũng ngỡ ngàng vì dường như Đấng Phục Sinh vắng bóng. Nếu ngôi mộ năm xưa trống trơn, là vì Đức Giêsu đã sống lại, thân xác Người không còn ở đó nữa. Nếu hôm nay xem ra Người vắng bóng giữa chúng ta, là bởi Người là Thiên Chúa quyền năng không bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Sự hiện diện của Người là sự hiện diện vô hình huyền nhiệm. Qua việc trỗi dậy ra khỏi mồ, Người muốn chứng minh những lời Người rao giảng trước đó.

Một khi can đảm trỗi dậy với Đức Kitô, chúng ta được hưởng sự sống mới. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Bài đọc I). “Thượng giới” và “Hạ giới” đang giằng co trong mỗi người. Sứ điệp của lễ Phục Sinh chính là lời mời gọi can đảm “trỗi dậy” với Đấng đã chết mà nay đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta.

Đấng Phục Sinh cũng trao phó cho chúng ta sứ mạng làm chứng cho sự hiện diện của Người trong các cộng đoàn tín hữu (Bài đọc II).  Như thánh Phêrô tông đồ, mỗi cá nhân hãy ý thức sứ mạng ấy, để diễn tả gương mặt và giáo huấn của Chúa Giêsu Phục Sinh bằng chính ngôn từ và đời sống của mình.

TGM. Giuse  Vũ Văn Thiên – TGP Hà Nội