CN, 11 / 2017 11:19 Sáng | Đức Tin Jesus

Vào bất cứ thời đại nào, tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới, vai trò của người trẻ cũng được đề cao, vì tuổi trẻ là tuổi đầy sức sống, đầy nhiệt huyết, là độ tuổi có khả năng dời non, lấp biển, là rường cột của đất nước… nếu tuổi trẻ được xử dụng và chịu đóng góp.

Với Giáo Hội cũng vậy, ngay từ thời các Tông Đồ, vai trò của người trẻ đã được đặc biệt lưu tâm. Thư thứ I của Thánh Gioan đã minh chứng điều ấy, chúng ta hãy cùng nghe : “ Tôi đã viết cho anh em, hỡi các bạn trẻ, anh em đã thắng sự dữ” ( Ga 2. 13) – … “ Tôi đã viết cho anh em, hỡi các bạn trẻ, anh em là sức mạnh, và Lời Thiên Chúa lưu lại trong anh em…” (Ga 2, 14).

Ngày nay, Giới Trẻ lại càng được Giáo Hội quan tâm và ưu ái hơn. Trong thư gửi cho giới trẻ nam nữ toàn thế giới ngày 31/05/1985, Thượng hội đồng đã viết ; “ Giáo Hội nhìn về Giới Trẻ, và, một cách đặc biệt, Giáo Hội soi mình trong Giới Trẻ… Giáo Hội nhìn về các bạn với lòng tin cậy và yêu mến…”, kèm theo đó là lời mời gọi : “ Các bạn hãy trở thành những chủ thể tích cực tham gia vào việc Phúc Âm hóa và đổi mới xã hội… Hãy nhìn về Giáo Hội và các bạn sẽ tìm thấy ở đó khuôn mặt Đức Kitô…”.

Lời mời gọi Phúc Âm hóa, nghĩa là đem Lời Chúa vào trong cuộc sống hằng ngày, làm cho Lời Chúa thấm nhập vào trong mọi sinh hoạt của gia đình, của Giáo xứ, của Giáo Hội, của xã hội…và, giữa một thế giới mà trong đó các quốc gia đang tìm mọi cách – kể cả vũ lực – để tranh giành ảnh hưởng kinh tế, bon chen, xô đẩy tìm một cuộc sống xa hoa, sung túc, giữa lúc Đức tin KITÔ GIÁO ngày càng mai một, những truyền thống sống động về lòng đạo đức – gia sản thiêng liêng của Giáo Hội – ngày càng có nguy cơ biến mất, Gương mặt Đức Kitô ngày càng bị che lấp bởi biết bao khuôn mặt khác, bởi danh vọng, tiền tài, lạc thú…thì công cuộc Phúc Âm hóa càng trở nên cấp bách. Vì thế Giáo Hội đã kêu cầu đến sự hiệp thông của Kitô hữu giáo dân, trong đó có Giới Trẻ.

Thế nhưng, hôm nay Giới Trẻ chúng ta đã làm gì để đáp lại lời mời gọi chân tình ấy? Đã làm gì để bày tỏ sự hiệp thông với Giáo Hội? Đã làm gì để thực hiện công cuộc Phúc Âm hóa, một sứ mệnh tuy nặng nề nhưng cao cả mà Giáo Hội đã đặt tin tưởng và kỳ vọng rất nhiều nơi chúng ta?

Tiếc thay, phần lớn chúng ta đã vô tâm, hờ hững trước lời mời gọi ấy, đã đầu tư thời giờ quý báu Chúa ban vào những đam mê vật chất, những thời giờ mà chỉ cần một chút hy sinh, chúng ta có thể dành để nghe Lời Chúa nhắn nhủ chúng ta qua những buổi học hỏi, chia sẻ Tin Mừng, qua các bài giảng của Cha Xứ, chúng ta đã quên đi chúng ta là chi thể hoạt động hữu ích nhất của Giáo Hội, quên cả mối dây hiệp thông giữa Cộng đồng Dân Chúa, chúng ta tự tách mình ra khỏi cộng đoàn mỗi khi chúng ta ngồi lẻ loi ngoài Thánh đường trong mỗi Thánh lễ, mỗi khi chúng ta từ chối tham gia các công tác đóng góp cho việc xây dựng Giáo xứ, Giáo Hội… Chúng ta cũng quên đi sứ vụ loan truyền Tin Mừng, sứ vụ chứng nhân của Đức Kitô qua những hoạt động bác ái đầy tình người, khi chúng ta chỉ biết thủ lợi, trau chuốt cho bản thân mà làm ngơ trước những khổ đau, thiếu thốn của đồng loại…. Và chúng ta sẽ trả lời sao khi tiếng Chúa đang vẳng bên tai chúng ta : “Sao các bạn lại vô công rỗi nghề thế ? hãy đi làm vườn nho cho Ta…”.(Mt 20, 6 – 7).

Hôm nay Giáo Hội chuẩn bị long trọng mừng kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, vậy chúng ta, những người Trẻ đã suy nghĩ gì khi chọn các Ngài làm Bổn mạng? Đã chuẩn bị thế nào để suy tôn các Ngài và sẽ làm gì để tiếp bước các Ngài trong sứ vụ chứng nhân cho Đức Kitô giữa dòng đời hôm nay?

“Tử vì Đạo”, câu nói quen thuộc, nghe hào hùng, cũng đượm chất bi trá ng và là một thách thức khủng khiếp cho những người tự nhận mình là “có Đạo” mỗi khi đọc lại những cái chết bi thương vì Đạo Chúa hoặc nghe “Bài ca nghìn trùng” hay “Tiếng nhạc oai hùng”.

Ngay từ thời Giáo Hội còn sơ khai, sau cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa, các Môn đệ và những người tin theo Ngài đã phải chịu nhiều khốn khó trong cơn bách hại, mà Thánh Stephano, được coi là vị Thánh tử đạo tiên khởi của Giáo hội, đã đổ máu cho đến chết dưới cơn mưa gạch đá, để bảo vệ Đức tin của mình trước sự chứng kiến của Saolo, sau này trở nên Tông đồ nhiệt thành của Thiên Chúa, rồi nhiều môn đệ Chúa cũng lần lượt “tử vì Đạo”.

Nhìn lại Lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam, trong hơn 300 năm bị cấm Đạo và bách hại, theo thống kê, đã có có hơn 130.000 anh hùng Tử Đạo. Giáo Hội đã tuyên phong 117 vị lên bậc Hiển Thánh và một vị lên bậc Chân Phước. Trong số đó, ngoài một số Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ, phần lớn đều là những giáo dân bình thường, những nông dân chân lấm tay bùn, những người ít chữ nghĩa… nhưng sẵn sàng hy sinh mạng sống, chấp nhận mọi nhục hình để bảo vệ Đức tin còn non trẻ của mình.

Vậy phải chăng “Tử vì Đạo” là phải đổ máu, phải chịu đòn vọt, nhục hình cho đến chết? Phải chăng ở thế kỷ 21 này, cơ hội được Tử vì Đạo đã không còn, khi những cuộc bách hại người “có Đạo” đã không có chỗ đứng? Phải chăng “Tử vì Đạo” là phải sống và suy nghĩ một cách lệch lạc như những kẻ cuồng tín, sẵn sàng bảo vệ “đức tin” bằng cách “ôm bom liều chết” đi giết hại hàng trăm người vô tội?…

“Tử vì Đạo” ( Martyr ) được định nghĩa là một người dám hy sinh mạng sống của mình để minh chứng cho Chân Lý hoặc bảo vệ Đức tin Kitô Giáo. Chữ Martyr phát xuất từ chữ Martus trong ngôn ngữ Hy lạp, có nghĩa là “chứng nhân”, chính từ đó, Thánh Augustino đã diễn giải theo ý rộng hơn: “ Chính NGUYÊN NHÂN, chứ không phải SỰ ĐAU KHỔ đã làm nên việc Tử vì Đạo”.

Theo cách nhìn này, thì “Tử vì Đạo” là dám hy sinh những gì thuộc bản thân để làm chứng nhân cho Tin Mừng, cho Tình yêu lớn lao của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để cứu chuộc con người. Các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam, trong môi trường, trong thời đại Đạo Chúa bị bách hại, đã không chịu chối Đạo bằng hình thức Quá Khóa (bước qua Thập giá), mà dũng cảm chấp nhận bao nhục hình: Rũ tù, gông xiềng, bá đao, lăng trì, thiêu sinh, xử trảm, xử giảo… đã chịu đổ máu mình, chịu chết để bảo vệ đức tin, minh chứng cho Tình Yêu vô biên của Chúa. Sự hy sinh của các Ngài, những giọt máu đào của Các Ngài đổ xuống trên mảnh đất quê hương đã trở nên những hạt giống tốt để ngày hôm nay, cây Đức Tin đã phát triển tươi tốt trên khắp đất nước Việt Nam này.

Khi suy tôn các Thánh Tử vì Đạo Việt Nam, khi nhận các Ngài làm Bổn mạng, chúng ta không chỉ để tự hào là quốc gia có số lượng các Thánh tử vì Đạo lớn nhất, nhì thế giới, cũng không chỉ để tổ chức những Lễ, Hội rình rang bề ngoài…nhưng là để tiếp bước, noi gương các Ngài qua việc sẵn sàng hy sinh bản thân để làm chứng nhân cho Chúa. Thời đại bách hại Đạo Chúa bằng những nhục hình dã man như những thế kỷ trước không còn, nhưng những chủ thuyết vô Thần, duy vật, vô đạo đức, vô nhân tâm, tụchóa…vẫn là những cuộc bách hại, là những mối hiểm nguy đe dọa đến Đức tin Kitô giáo, đặt mỗi người chúng ta trước Thập Giá và buộc mỗi người chúng ta phải có những chọn lựa cấp thiết.

– Chúng ta sẽ đang “chối đạo” khi “Quá khóa”, đang “bước qua Thập giá” khi đạp trên giới răn yêu thương của Chúa chỉ vì nghĩ đến lợi ích của bản thân, sẵn sàng chối Đạo để được tiến thân trong xã hội,

– Chúng ta đang “bước qua Thập giá” khi thản nhiên bước ngang qua những người đang ngửa tay cầu xin giúp đỡ của chúng ta mà không chút bận tâm.

– Chúng ta đang “bước qua Thập giá” khi chúng ta ra tay hủy diệt những sinh linh vô tội trước khi chúng được chào đời qua hình thức phá thai đang tràn lan trên quê hương này.

– Chúng ta đang “bước qua Thập giá” khi chúng ta chỉ tôn thờ vật chất, thu vén, tìm lợi ích cho bản thân mà quên đi tình liên đới với tha nhân.

– Chúng ta đang “bước qua Thập giá” khi sống buông thả, phục vụ cho những dục vọng thấp hèn, sẵn sàng dùng thời gian Chúa ban để lao vào những cuộc đỏ đen hay nhậu nhẹt vô bổ…

Chúng ta không được Ơn “Tử vì Đạo” bằng cách đổ máu mình như các Thánh bổn mạng xưa, nhưng chúng ta cũng sẽ Tử vì đạo khi dám chấp nhận “chết đi con người cũ của mình”.

– Chúng ta dám chấp nhận”rũ tù” trong những Giới Luật của Thiên Chúa. Bớt chút thời giờ, bỏ qua một vài cuộc vui riêng để tham dự Thánh lễ, đến với các buổi học hỏi Kinh Thánh, tích cực tham gia các sinh hoạt của giới mình. Đó là “Tử vì Đạo”.

– Chúng ta chịu xiềng xích bằng sợi dây yêu thương mà Chúa đã dạy, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ ủi an những người bất hạnh chung qua qua những hoạt động bác ái. Đó là “Tử vì Đạo”.

– Chúng ta chấp nhận chịu “Bá đao, tùng xẻo” những thói hư, tật xấu của bản thân, tránh rượu chè bê tha, xa lá nh bài bạc, từ bỏ những lời nói thô tục…Đó là “Tử vì Đạo”
Tóm lại, dám chấp nhận hy sinh bản thân, nêu những gương sáng để làm rạng rỡ Đạo Chúa, sẵn sàng làm chứng nhân cho Tin Mừng Tình Yêu, để nhiều người nhận Chúa hơn, để Nước Chúa được hiển trị và phát triển, đó chính là chúng ta đang “Tử vì Đạo” trong thời đại chúng ta hôm nay, và chúng ta cũng đang làm tốt công cuộc PHÚC ÂM HÓA mà trước khi về Trời, chính Chúa đã trao lại sứ mệnh ấy cho chúng ta: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em…”, kèm theo một lời đoan hứa đầy yêu thương của Ngài: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 9 – 20).

Xin Thiên Chúa, qua công nghiệp và lời cầu bầu của các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam cho mỗi người trẻ chúng ta biết nhìn lại cách sống chứng nhân của mình, luôn trung thành với Đức tin, luôn biết vượt qua mọi thử thách đang cản trở bản thân để sẵn sàng làm chứng nhân của Chúa trong mọi hoàn cảnh, trở nên những hạt giống mới cho thế hệ mai sau.

Xin gửi đến các bạn bài thơ được viết đã rất lâu, như một món quà mừng lễ Bổn mạng của các bạn.

HÃY NÊN NHƯ SÓNG ĐẠI DƯƠNG.

Này bạn hỡi, những người mang chí cả.

Tuổi thanh xuân như sóng biển dâng cao

Mang trong tim bầu máu nóng cuộn trào

Chọn lý tưởng, và đem ra thi thố.

KITÔ giáo, hai ngàn năm giông tố.

Hai ngàn năm bao biến chuyển đổi thay.

Mặc phong ba, mặc bão táp từng ngày…

Không xóa nổi những dấu chân nhân chứng.

Hôm nay đây Đức Tin tìm chỗ đứng

Giữa giòng đời bao phù phiếm đảo điên

Bao đam mê, bao sa đọa triền miên.

Đang cố gắng vươn lên từ bóng tối.

Là Thanh niên, sao chồn chân, mỏi gối?

Hãy ngước nhìn xem, hỡi những người trai!

Hỡi những người của thế hệ hôm nay.

Lặng thinh ư? Không, không như thế được.

Sóng đại dương lớp sau đè lớp trước.

Cố vươn mình theo lối bước Cha Ông.

Mang TIN MỪNG gieo rắc khắp núi sông.

Đem YÊU THƯƠNG vào những nơi thù oán.

Hãy hình dung một tương lai xá n lạn

Nếu mỗi người trở nên một chứng nhân

Nếu LỜI CHÚA được loan khắp xa gần

Sẽ nuôi sống niềm tin KiTô Giáo.

Ta, GIỚI TRẺ, những người đang sống Đạo

Hãy sống cho cả đến những ngày mai

Hãy nêu gương cho thế hệ tương lai

Để mãi mãi còn dấu chân người trẻ.

(Bài thơ viết tại VINH CHÂU năm 1983)

Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2013

Hải Âu

Nguyễn Ngọc Trân

Sưu tầm