CN, 06 / 2020 8:11 Chiều | Đức Tin Jesus

HỎI
Thưa Cha Anh chị của con đã nghèo mà lại đông con. E ngại không thể chu toàn việc nuôi dạy, chị ấy đã đi đặt vòng tránh thai. Chị ấy có được phép không? có cách nào giúp anh chị ấy cách xử lý phù hợp với Kinh Thánh và Giáo huấn của Hội Thánh Công giáo không ạ? con pải khuyên ra sao? Con cám ơn Cha!

TRẢ LỜI

Cách chung, theo Giáo huấn của Giáo Hội cho đến nay, thì việc đặt vòng tránh thai vẫn không được phép vì bất cứ lý do gì. Thông điệp “Sự Sống Con Người” (Humanae Vitae) của Ðức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành ngày 25 Tháng 7 Năm 1968 , trong số 14 đã nói rõ: “Căn cứ vào những điểm cốt yếu trong quan niệm của Công giáo cũng như của con người về vấn đề hôn nhân,

Ta thấy cần phải tuyên bố một lần nữa là: không thể nào chấp nhận – lý do vì việc đó bất hợp pháp – việc điều hòa sinh sản bằng cách trực tiếp ngăn chặn sự diễn biến đã khởi sự một mầm sống, và nhất là việc cố ý phá thai dù với lý do y tế cũng vậy (Catechismus Romanus Concilii Tridentini. Thông điệp Casti Connubii của Ðức Piô XI, Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II).

Ngoài ra, như giáo quyền đã nhiều lần tuyên bố, chúng ta không thể chấp nhận việc trực tiếp vô hiệu hóa khả năng sinh sản nơi người đàn ông hay đàn bà, dù là vĩnh viễn hay chỉ tạm thời trong một thời gian (Thông điệp Casti Connubii).

Chúng ta cũng không có quyền chấp nhận bất cứ một hành vi nào có mục đích hay dùng làm phương tiện để ngăn chặn việc sinh sản, hoặc trước khi hoặc đang khi làm hành vi hôn nhân, hoặc làm trở ngại việc diễn tiếp tự nhiên của hành vi ấy (Catechismus Romanus Concilii Tridentini, Thông điệp Casti Connubii, Mater et Magistra)”.

Nại vấn đề vì nghèo đông con sợ không chu toàn được việc dạy dỗ không là lý do chính đáng cho dẫu nghe hợp lý. Đức Thánh Giáo Hoàng phaolô VI nói: “không bao giờ ta được phép làm một việc ác để đạt tới một sự thiện (Rm 3,8) nghĩa là được phép tùy ý làm một việc tự bản tính nó vốn xấu hoặc một việc bất xứng với nhân cách, dầu là với mục đích bảo vệ hay tạo ra điều tốt cho cá nhân, gia đình hay xã hội.

Chính vì lý do đó, ta không thể quan niệm rằng: một hành vi hôn nhân vốn dĩ xấu, vì được cố tình làm thành vô hiệu năng, lại có thể trở thành một hành vi tốt, dầu nó có phong phú hơn cho cả một cuộc đời của đôi bạn” (số 14).

Đức Thánh Giáo hoàng cắt nghĩa: “Nếu các đôi vợ chồng được phép hạn chế sinh sản vì lý do gia đình, thì lấy cớ gì cấm đoán các chính quyền áp dụng chủ trương ấy để giải quyết các vấn đề của tập thể? Lúc đó, ai sẽ có quyền cấm đoán một chính phủ không những tán thưởng mà hơn thế nữa còn ép buộc dân chúng phải áp dụng những phương pháp ngừa thai mà họ cho là hiệu nghiệm hơn cả?

Và thế là muốn tránh né những khó khăn của cá nhân, gia đình hay xã hội trong việc tuân giữ luật Chúa, cuối cùng người ta đã hoàn toàn dành cho các chính quyền được tự do thao túng một lãnh vực thân mật, cá nhân riêng biệt nhất của đôi vợ chồng” (số 17)

Vì thế, bạn có thể đề nghị anh chị bạn điều hoà sinh sản theo các phương pháp tự nhiên mà Giáo Hội cho phép, chẳng hạn phương pháp Billings. phương pháp Ogino-Knaus, phương pháp FERIN (đo thân nhiệt), đây là những phương pháp Giáo Hội cho phép, bởi những phương pháp này giúp tranh giao hợp vào những ngày mà Tạo hoá kiến tạo cho sự sống mới có cơ hội nẩy sinh nhưng việc giao hợp như thế vẫn có ý hướng ngỏ của cho việc truyền sinh.

Dĩ nhiên việc áp dụng các phương pháp tự nhiên không phải là chuyện dễ dàng, vì thế mượn lời Đức Thánh giáo Hoàng Phaolô VI trong “ Ðiệp Sự Sống Con Người” (Humanae Vitae), để nhờ bạn gởi lời nhắn nhủ lại cho anh chị của bạn: “Muốn điều hòa sinh sản của một cách đúng đắn, trước hết các người phối ngẫu phải tin tưởng mạnh mẽ vào chân giá trị của đời sống, của gia đình và phải tập luyện thế nào để có thể hoàn toàn làm chủ lòng mình.

Việc dùng lý trí và ý muốn tự do để làm chủ bản năng lẽ tất nhiên đòi hỏi phải có một đời sống thiêng liêng đặc biệt, vì chỉ có thế đôi vợ chồng mới có thể biểu lộ một cách tốt đẹp tình thương yêu trong hôn nhân, đặc biệt trong việc hạn chế sử dụng tình yêu trong từng thời kỳ” (So 18) và “Chớ gì các đôi vợ chồng cố gắng mỗi khi cần thiết, đồng thời trông cậy vào sức mạnh của Ðức Tin,

Ðức Cậy là những nhân đức “không hề lừa dối ai, vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần là Ðấng tràn đầy tình yêu Chúa vào tâm hồn chúng ta” (Rm 5,5). Chớ gì họ kiên trì cầu xin Chúa ban ơn hộ giúp; nhất là chớ gì họ tìm kiếm trong Phép Thánh Thể nguồn mạch ơn Thánh và đức bác ái” (số 25).
Thân ái chào bạn!

Nguồn: http://www.tinmung.net/