T6, 12 / 2017 6:04 Sáng | Đức Tin Jesus

1. Lịch sử tín điều

Không có một giáo phụ Hy lạp hoặc Latinh nào dạy cách minh bạch về: “đầu thai vô nhiễm nguyên tội” của Đức Maria (immaculé conception de Marie), nhưng đã có manh nha cho tư tưởng này:

– Thánh Ephrem (thế kỷ 4) đã nói tới sự trong sạch và Thánh thiện hoàn toàn của Đức Mẹ:

“Ôi Chúa và Mẹ Ngài, Chúa và Mẹ hoàn toàn tốt đẹp và hoàn hảo mọi mặt, vì ở nơi Chúa không có vết bẩn nào, ở nơi Mẹ không có vết nhơ nào” (Carm Nisib 27).

– Thánh nhân còn so sánh Đức Mẹ với Eva:

“Cả hai đều vô tội, đều đơn sơ, đều hoàn toàn bằng nhau, nhưng sau này một trở thành nguyên nhân cho sự chết chúng ta, một trở thành nguyên nhân cho sự sống chúng ta” (Op syr 2,327).

– Thánh Augustinô (354-430) quả quyết rằng tất cả mọi người phải nhìn nhận:

“Trừ Đức Trinh Nữ Maria, không thể nói về Ngài điều gì khi bàn tới tội vì danh dự của Chúa” (De nuture et gratia 36,42).

– Sở dĩ các giáo phụ không bàn tới việc Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội – ngay cả Thánh Ambrosiô và Augustinô thường nhấn mạnh tới sự tinh tuyền và Thánh thiện của Đức Mẹ cũng không hề có tư tưởng về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội – là vì rất ý thức về lời Thánh Phaolô dạy:

“Vì chỉ có một Thiên Chúa và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giêsu Kitô, con người thật, đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người” (1 Tm 2, 5-6).

Vậy do một người mà tội lỗi đã vào thế gian và tội lỗi đã gây nên sự chết. Thế là sự chết đã lan tràn đến hết mọi người vì mọi người đã phạm tội… Ấy vậy, cũng như do sự sa ngã của một người, mọi người đều bị án phạt, thì cũng vậy, do đức công chính của một người, mọi người đều được giải án tuyên công và được sống. Vì cũng do sự bất khẳng, không tuân phục của một người mà nhiều người bị liệt hàng tội lỗi. Thì cũng vậy, do sự vâng phục của một người mà nhiều người được nên công chính” (Rm 5,12 và 18-19).

Do Adam phạm tội, ai cũng vướng mắc tội lỗi cả. Bây giờ, do Chúa Kitô, mọi người được giải án tuyên công, được trở nên công chính. Thánh Phaolô nhấn mạnh tới tính phổ biến của ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện cho toàn thể nhân loại, thế mà bảo Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội “tức là xem Đức Mẹ không phải cứu chuộc ?”

Thánh Bênađô, rất tôn kính Đức Mẹ, thế mà Ngài vẫn phản đối một cách quyết liệt giáo lý Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm nguyên tội nhân dịp các kinh sĩ địa phận Lyon tổ chức trọng thể lễ Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm nguyên tội, khoảng năm 1140, Ngài viết:

“Solam conceptionem Christi omnino contaminatam dignam esse quae solemniter celebratur: chỉ có Đức Kitô đầu thai là hoàn toàn sạch mọi tội lỗi vì thế mới xứng đáng mừng lễ trọng thể Đức Kitô đầu thai tinh tuyền”.

Thánh Albertô, Thánh Bonaventura thế kỷ 13 cũng tỏ ra rất dè dặt về giáo lý Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội.

Ngay cả Thánh Tôma Aquinô cũng phân vân và hình như ngài chủ trương lý thuyết: Sanctificatio ante Mariae post animationem: Đức Mẹ đầu thai mắc tội tổ tông truyền, nhưng ngay khi đó Ngài được Thánh hóa (tương tự trường hợp Thánh Gioan Tẩy Giả), Ngài viết:

“Non tamen debemus dare matri, quod subtrahit aliquid honori fukii qui est Salvator omnium hominum, ut dicit Apostolus: Chúng ta không được gán cho Đức Mẹ cái gì làm giảm bớt một phần nào vinh quang của Chúa Con, là Đấng Cứu độ hết mọi người như lời Thánh Tông Đồ dạy” (Sm. Theol. Lla, q.14, art.3, ad pr).

Bên cạnh đó, lòng sùng kính Đức Mẹ cứ tăng lên nơi giáo dân và linh mục xứ đạo. Ban đầu, ở thế kỷ 8, người ta mừng lễ Đức Mẹ đầu thai trong lòng bà Thánh Anna hiếm hoi và già cả sinh được người con là Đức Maria. Dần dần lòng sốt mến của giáo dân và suy nghĩ của một số linh mục, thí dụ các kinh sĩ địa phận Lyon, đã suy nghĩ, đào sâu vấn đề đầu thai của Đức Mẹ và đi đến kết luận: sự đầu thai vô nhiễm nguyên tội của Đức Mẹ.

Trào lưu thần học dòng Phanxicô với những thần học gia Guileimo de Ware, với Duns Scot đưa quan niệm “praeredemptio” đã đặt nền tảng thần học vững chắc cho việc Đức Maria đầu thai vô nhiễm nguyên tội. Theo quan niệm này, Đức Maria được hưởng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô trước khi Chúa Kitô sinh ra làm người bằng một ơn không phải giải thoát Đức Maria khỏi trạng thái tội lỗi nhưng là dự phòng để Đức Mẹ khỏi sa ngã vào tình trạng tội lỗi đó. Theo Duns Scot, đây là cách cứu chuộc hoàn hảo nhất.

Công Đồng Balê năm 1439 (khóa 36, không phải Công Đồng chung) đã có những lời lẽ đồng tình về quan niệm “vô nhiễm nguyên tội”:

“Doctrinem quae docet Beatam Virginem immacullate esse donceptam ab omnubus fidelibus tanquam doctrinam piam esse tenendam: Giáo thuyết dạy Đức Trinh Nữ diễm phúc vô nhiễm nguyên tội, được mọi tín hữu đón nhận là giáo thuyết phải được trân trọng”.

Công Đồng Tridentinô: Không quyết định một cái gì tích cực về giáo thuyết này nhưng trong khi định tín về tội nguyên tổ, Công Đồng đã viết những lời có ý nghĩa như sau:

“Non esse suae intentionis comprehendere in hoc decreto originali agitur, beatam immaculatam Virginem Mariam Deigenitricem: Công Đồng không có ý định thêm vào trong các sắc lệnh tội nguyên tổ Đức Trinh Nữ diễm phúc vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa” (DBR 792).

Thánh Giáo Hoàng Piô V, năm 1567, đã kết án Bauis vì ông dạy rằng: ngoài Đức Kitô ra, không ai được miễn trừ khỏi tội nguyên tổ, cái chết và những khổ não của Đức Maria là hình phạt vì những tội hiện tại hoặc tội nguyên tổ” (D 1073).

Đức Phaolô V (1616), Đức Grêgoriô XV (1622) cấm không được khích bác giáo thuyết Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đức Alexandre VII (1661) trong một bản văn tỏ bày sự tin tưởng về giáo thuyết này (tham chiếu D 1100).

Đức Clêmentê XI ra lệnh phổ biến lễ Đức Mẹ đầu thai vô nhiễm nguyên tội cho toàn thể thế giới.

Sau cùng, ngày 8-12-1854 Đức Piô IX đã định tín Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội:

“… beatissinam Virginem Mariam in primo instanti suae conceptionis fuiesse singulari omnipotentis Dei gratia et privilegio intuitu meritorum Christi, Jesu salvatoris humani generis ab omni originalis culpae labe praeservatam immunem esse a Deo revelatam atque idcirco ab omnibus fidelibus firmiter credendam…: Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc ngay từ giây phút đầu tiên đầu thai, nhờ một phương pháp ngoại lệ và ơn sủng duy nhất của Thiên Chúa toàn năng ban cho do công nghiệp của Chúa Kitô Đấng cứu chuộc loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ là điều được Thiên Chúa mạc khải vì thế mọi tín hữu đã tin tưởng cách chắc chắn và bền vững”.

2. Suy nghĩ

Kinh Thánh đã dành cho Đức Mẹ một địa vị cao sang, trổi vượt chỉ sau Chúa Kitô mà thôi. Thí dụ lời sứ thần xưng Đức Mẹ là Đấng đầy ơn phúc (Ave Maria gratia plena) hoặc bài Magnnificat mà cộng đoàn của Thánh Luca ca ngợi Đức Mẹ. Nhưng không có một câu Kinh Thánh nào “ám chỉ” rằng Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Phụng vụ trích những câu Kinh Thánh trong Cựu Ước (thí dụ Cách ngôn 8,22 ; Nhã Ca 4,7 ; 52…) hoặc trong Tân Ước (Lc 1, 29-38 ; 1, 39-56 v.v…) trong ngày lễ Đức Mẹ kể cả Lễ Vô Nhiễm nguyên tội không phải chỉ cho ta biết đó là những câu mạc khải về tín điều vô nhiễm nguyên tội.

Vậy, khi ta gặp những câu trích Kinh Thánh của Phụng vụ hoặc những lời của các giáo phụ về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội thì chỉ là bằng chứng về lòng tin của các giáo phụ của giáo dân về Đức Mẹ mà thôi.

Tuy nhiên, nhờ Chúa Kitô xuất hiện, người ta mới hiểu được Cựu Ước nói gì, lời của các sứ ngôn tiên báo mới có ý nghĩa. Kinh Thánh là Lời Chúa mạc khải, nhưng phải xuyên qua Đức Kitô, Lời bản thể (Parole substantielle) mới hiểu được lời trong Kinh Thánh. Cũng vậy, phải nhờ Đức Kitô chúng ta mới hiểu được Đức Mẹ. Muốn biết tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội có mạc khải trong Kinh Thánh hay không phải nhìn vào Chúa Kitô mới có thể hiểu đầy đủ những câu Kinh Thánh nói về Đức Mẹ.

Còn về tín điều vô nhiễm nguyên tội, ta phải hiểu như sau:

– Nhờ công nghiệp của Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người (intuitu meritorum Christi Jésu Salvatoris humani generis) tất cả mọi ơn loài người được đều nhờ công nghiệp của Chúa Kitô là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người. Ta thường suy luận theo một quan niệm bình thường về ảnh hưởng: cái xảy ra trước sẽ ảnh hưởng đến cái đến sau, và khó hiểu cái đến sau, cái xảy ra trong tương lai ảnh hưởng đến trước, xảy ra trước. Tuy nhiên, ta vẫn thường gặp trong lý luận và thực hành: tháp chuông cùng được xây cất cùng với nhà thờ, dự định sẽ treo quả chuông mua trong tương lai có đường kính một mét, quả chuông chưa có (chỉ dự định), tháp chuông đã phải xây để treo quả chuông mua trong tương lai có đường kính một mét (cái đến sau đã ảnh hưởng cái đến trước). Trong một chương trình thống nhất và duy nhất, cái đến sau cùng thường định hướng cho cái đến trước. Trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa, mọi vật được tạo thành để phục vụ cho chương trình nhập thể của Ngôi Lời, các ơn sủng được ban do công nghiệp nhập thể và cứu chuộc của Chúa Kitô, vì thế Abraham, Môisen, các Thánh trong Cựu Ước đã được Thánh hóa trước do một biến cố xảy ra trong tương lai (Chúa Kitô nhập thể và cứu chuộc), điều này không có gì khó hiểu. Giáo hội quả quyết Đức Mẹ được ơn vô nhiễm nguyên tội (xảy ra trước) do công nghiệp của Chúa Kitô (xảy ra sau) là một khẳng định căn bản vững bền.

– Nền tảng của tín điều vô nhiễm nguyên tội là Đức Mẹ hưởng ơn Thánh hóa ngay lúc giây phút đầu thai trong cung lòng Thánh Anna, nghĩa là Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền. Yếu tính của tội tổ tông truyền là tình trạng không có ơn Thánh sủng (không có sự sống của Chúa), Đức Mẹ không mắc tội tổ tông truyền nghĩa là Đức Mẹ có ơn Thánh sủng ngay khi hiện hữu là người trong lòng Thánh Anna, nói một cách khác, Đức Mẹ là con cái ân sủng của Thiên Chúa ngay từ giây phút là người trong bào thai.

– Thiên Chúa là nguyên thân tác thành, nguyên nhân ban mọi ơn thì ơn vô nhiễm nguyên tội cũng do Thiên Chúa ban.

– Còn công nghiệp Chúa Kitô là nguyên nhân công nghiệp, nguyên nhân dụng cụ để Thiên Chúa ban ơn. Điều ta phải lưu ý là mọi người được Chúa Kitô cứu chuộc, mọi người đều phải nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô mới được cứu rỗi. Đức Mẹ và mọi người đều nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, nghĩa là Đức Mẹ được ơn cứu chuộc của Chúa Kitô, nghĩa là Đức Mẹ được cứu chuộc như mọi người ta, nhưng Đức Mẹ nhận ơn theo một cách thế hoàn hảo hơn (theo Duns Scot). Duns Scot viết: “Maria redempta est sicut omnes homines, sed redempta est modo eminentiori quam caeteri homines, fuit praeredempta: Đức Mẹ được cứu chuộc như mọi người, nhưng được cứu chuộc một cách hoàn hảo hơn các người khác, tức là praeredemptio: giữ phòng khỏi tội”.

NHỮNG ĐẶC ÂN LIÊN HỆ TỚI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

1. Đặc ân khỏi dục vọng hỗn loạn (immunitas a fonte peccati)

Đức Maria không vướng mắc tội nguyên tổ, vậy Ngài có được miễn khỏi dục vọng hỗn loạn (concupiscentia inordinata) không?

Theo Thánh Tôma Aquinô:

“Chất thể của tội nguyên tổ là dục tình và mô thể của tội nguyên tổ là mất ơn công chính nguyên thủy: peccatum originale materialiter quidem est concupiscentia, formaliter vero est defectus originalis justitiae” (S. Th 1,2,82,4 ad 3).

Nhiều nhà thần học hậu Công Đồng Tridentinô xem dục vọng không phải là yếu tố thiết yếu của tội nguyên tổ mà chỉ là hậu quả của tội nguyên tổ. Để trả lời câu hỏi trên, cần phải phân biệt hậu quả của tội tổ tông:

– Những khuyết điểm và những yếu hèn thông thường của nhân loại như đau yếu, đói khát, mệt mỏi, sự chết v.v… gắn chặt lấy thân phận làm người thì không được miễn trừ, mặc dầu nhìn dưới lăng kính tội nguyên tổ chúng là những hình phạt. Chính Chúa Kitô cũng chịu những khuyết điểm đó, để thể hiện sự tự hạ (kenosis) và vâng phục của Ngài.

– Những khuyết điểm trực tiếp liên hệ với tội lỗi nghĩa là những cái phát xuất từ tội (ex peccato) hoặc những khuynh hướng nghiêng chiều về tội (inclinat ad peccatum) thì được miễn trừ.

Dục vọng hỗn loạn được xem như chất thể của tội nguyên tổ hoặc ít ra được xem như hậu quả trực tiếp của nguyên tội kéo người ta về đàng tội lỗi, theo các nhà thần học, Đức Mẹ được ơn miễn trừ (exemption de la concupiscence).

Được miễn trừ như thế nào?

– Có thể nói Thánh Tôma phân biệt hai giai đoạn: giai đoạn “bao vây” và giai đoạn diệt trừ. Khi Đức Mẹ được Thánh hóa trong cung lòng bà Thánh Anna, formes peccati (lửa dục tình) bị kềm tỏa nên tất cả xúc động hỗn loạn của giác quan bị loại trừ. Khi Đức Mẹ cưu mang Đức Kitô thì lửa dục vọng bị sự hướng dẫn của lý trí (tham chiếu S. Th 3,27,3). Phân biệt như vậy chỉ là một giả thiết thôi và giả thuyết này ở trong nhãn giới “Đức Maria mắc tội nguyên tổ”. Theo một số nhà thần học, vì Đức Maria được gìn giữ khỏi vướng mắc tội nguyên tổ, thì ngay khi là người trong cung lòng Thánh Anna, Đức Maria được miễn trừ khỏi tội nguyên tổ và dục vọng hỗn loạn.

2. Đặc ân khỏi những tội riêng (immunitas a peccati actuali)

Các giáo phụ Hy Lạp như Origène, Thánh Basiliô, Thánh Gioan Kim Khẩu, Thánh Cyrillô công nhận có những thiếu sót nhỏ nơi cá nhân Đức Mẹ như tham vọng phô trương, hồ nghi trước sứ điệp của Thiên Thần đem đến và thiếu cả niềm tin khi đứng dưới thập giá. Các giáo phụ Latinh nhận rằng không có một bóng mờ tội lỗi cá nhân nào nơi Đức Maria.

Thánh Augustinô dạy Đức Mẹ không vướng mắc tất cả những tội riêng vì danh dự của Chúa (de natura et gratia, 36,42). Thánh Ephrem đặt Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngang hàng với Chúa Kitô. Theo Thánh Tôma Aquinô, Đức Maria đầy ơn phúc khi Ngài cưu mang Ngôi Hai – các thần học gia sau này chủ trương khi Đức Maria đầu thai trong lòng Thánh Anna – thì Ngài đã biểu lộ sự kiên vững trên đường thiện hảo đồng thời cũng biểu lộ sự miễn trừ chắc chắn khỏi tội riêng.

Công Đồng Tridentiô thì dạy: “Không một người công chính nào trong suốt cuộc đời mình có thể tránh phạm tất cả các tội, dầu là tội nhẹ nếu không có một đặc ân đặc biệt của Thiên Chúa ban giống như Giáo hội đã tuyên nhận điều này về Đức Trinh Nữ diễm phúc” (D 833). Trong thông điệp Mystici Corporis, Đức Piô XII dạy về sự tinh tuyền của Đức Maria rằng “Ngài được miễn trừ tất cả mọi tội riêng hoặc di truyền” (D 2291).

3. ĐẦY ƠN PHÚC (Plena aratia)

Sứ thần Grabiel đã tuyên xưng Đức Maria bằng một tên mới: Đấng đầy ơn phúc (kêcharitomené). Theo tinh thần Đông phương, danh tính biểu lộ một ý nghĩa, một bản chất của con người. Qua trung gian các sứ thần, Thiên Chúa đã “đặt tên” cho Đức Mẹ tên “Đầy Ơn Phúc” một mặt nói lên hồng ân của Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ hết sức tràn đầy, một mặt nói lên phẩm chất xứng đáng của Đức Mẹ.

Trong thông điệp Mystici Corporis, Đức Piô XII nói: “Linh hồn Đức Mẹ hết sức Thánh thiện, tràn đầy tinh thần thần linh của Chúa Kitô, Mẹ trổi vượt hơn mọi linh hồn khác do Thiên Chúa dựng nên”

Các giáo phụ suy nghĩ về mối liên hệ giữa Đức Maria đầy ơn phúc với chức vị Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (Mẹ Thiên Chúa là đặc ân do sinh Chúa Kitô Con Thiên Chúa, đầy ơn phúc nên không vướng mắc tội gì để xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa )

Thánh Tôma Aquinô lý luận để tìm hiểu sự đầy ơn phúc của Đức Maria qua phạm trù nguyên lý (nguồn gốc của mọi hoạt động, tư tưởng):

“Mỗi vật thể càng gần nguyên lý của nó, càng nhận được sức hoạt động của nguyên lý nầy. Vậy, trong tất cả các thụ tạo, Đức Maria xét như là Mẹ về thể lý và tinh thần là hết sức gần Đức Kitô, do thiên tính Ngài là Đấng có quyền và do nhân tính Ngài là dụng cụ, là nguyên lý của các ơn sủng, nên Đức Maria nhận được nơi Đức Kitô mức độ ơn phúc rất cao. Được tiền định sẽ là Mẹ của Con Một Thiên Chúa nên phải được lãnh nhận hết sức dồi dào và phong phú các ơn thiêng’” (S.Th 3,27,5).

Ơn phúc của Đức Mẹ được hưởng trổi vượt hơn Thiên Thần và các thụ tạo (chỉ thua Chúa Kitô mà thôi) nhưng ta đừng gán cho Mẹ có những ơn thuộc vườn địa đàng trần gian như: suốt đời ở cõi trần mà được hưởng kiến Thiên Chúa, ý thức về con người của mình và sử dụng lý trí ngay từ giây phút được tạo dựng, hiểu biết được các mầu nhiệm đức tin, có kiến thức khoa học thần đồng hoặc được ơn hiểu biết thiên phú của bậc Thiên Thần, Thật sự, Đức Mẹ vẫn thực hiện “lữ hành đức tin” về cõi trời, vì thế Thánh Luca đã ghi lại lời của Thánh Elizabeth: “Em có phúc vì em đã tin”. (Lc 1,45).

Lời nguyện Collecta trong Thánh Lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Hội thánh vừa tuyên xưng Đức Tin vừa cầu nguyện: Deus qui per immaculatam Virginis Conceptionem dignum Filio tuo habitaculum praeparasti, quaesumus, ut, qui ex morte eiusdem Filii tui praevisa eam ab omni labe praeservasti, nos quoque mundos, eius intercessione ad te pervenire concedas. Per Dominuml

(per immaculatam Virginis conceptionem: dùng Đức Trinh nữ vô nhiễm nguyên tội làm nơi xứng đáng cho Con Chúa cư ngụ……… ab omni labe praeservasti: gìn giữ Người khỏi mọi tội nhơ),