T6, 11 / 2017 11:27 Chiều | Đức Tin Jesus

Chúng ta biết Kito giáo là một tôn giáo độc thần chỉ đón nhận một Thiên Chúa duy nhất. Đó là một vị Thiên Chúa đã được Thánh Kinh, Chúa Giesu, các thiên thần, các tông đồ cùng hội thánh mặc khải cho chúng ta. Như vậy với những điều chân thật đó chúng ta sẽ đáp lại lòng tin bằng cách sống đúng với những lời dạy của vị Thiên Chúa đã được mặc khải qua lời Thánh Kinh cũng như Chúa Giesu.

Vị Thiên Chúa mà chúng ta tôn kính được hai cuốn thánh kinh là: Cựu Ước, Tân Ước và chính Chúa Giesu mặc khải cho chúng ta. Người là một vị Thiên Chúa có thật, là khởi nguyên của cuộc sống và vạn vật vũ trụ cùng con người. Người không phải là một định nghĩa hay là một kết quả của duy lý mà đó là một vị Thiên Chúa hằng sống cùng chúng ta luôn theo dõi cuộc sống chúng ta.

Trong các đoạn Thánh Kinh Cựu Ước mà mỗi người chúng ta đều biết chính là hình ảnh Thiên Chúa tạo dựng thế giới vạn vật trong 5 ngày và ngày cuối cùng người lấy bùn đất nặn nên Adam sau đó thổi thần khí vào miệng, và thấy ông buồn phiền vì cuộc sống một mình giữa khu vườn địa đàng thì Thiên Chúa đã lấy xương sườn của Adam tạo nên người phụ nữ. Và họ Adam, Eva sống vui vẻ giữa vườn thiên đàng cùng Thiên Chúa. Chính Adam, Eva là hình ảnh giống với Người. Như vậy qua đó chúng ta thấy được mối tương quan giữa Thiên Chúa – Adam – Eva. Thiên Chúa sống gần gũi họ, hằng ngày nói chuyện dạo chơi cùng họ và người tạo dựng cho họ một cuộc sống đầy đủ và sung túc. Đó chính là một vị Thiên Chúa cao cả, ấm áp, gần gũi và thân thiện với con người. Người dần mặc khải cho con người về chính bản thân ngài. Và Mose đã được chính Thiên Chúa mặc khải về chính ngài: “Ta là Thiên Chúa của Apraham, Isaac, Giacop”. Như vậy Người luôn đồng hành cùng con người, nghe lời họ cầu nguyện và giúp đỡ họ. Chính trong Cựu Ước cho chúng ta biết dân Do Thái là những người được Thiên Chúa chọn đã gọi Thiên Chúa dưới nhiều tên như: Giave, Eluhin…. Và trong cuộc gặp gỡ của Mose với Thiên Chúa, Mose hỏi là: “Ngài là ai? Thiên Chúa trả lời: Ta là ta”. Có nghĩa là khẳng định Người chính là Người, không ai sánh bằng, là duy nhất, là cội nguồn của tất cả. Một Thiên Chúa có quyền năng và trí tuệ thông minh như vậy nhưng với con người Thiên Chúa là một người rất trung tín và tôn trọng con người. Dù con người có phản bội lại Người nhưng Người luôn đón con người trở lại. Như vậy Thiên Chúa vừa là một đấng siêu việt, nghĩa là Người vượt lên tất cả vũ trụ này nhưng Người luôn đồng hành cùng con người đưa con người tìm được về với chính hạnh phúc thật ở trong mỗi con người họ.

Trong cả Thánh Kinh Cựu Ước là một vị Thiên Chúa vừa siêu việt, quyền lực toàn năng và hằng sống thì trong Thánh Kinh Tân Ước đó chính là một vị Thiên Chúa xuống thế làm một con người, ở cùng con người, gần gũi với con người hơn để cho con người hiểu nhiều hơn về Thiên Chúa. Và chính những điều Người mặc khải sẽ đến được với con người. Qua Tân Ước chúng ta thấy được chính Chúa Giesu đã mặc khải cho mỗi người bằng những phép lạ, lời dạy để mặc khải cho chính nhân loại về Thiên Chúa. Người chính là cha của Chúa Giesu và chính là cha của cả nhân loại. Người yêu thương bằng tình thương của người cha khô khan nhưng chứa chan lòng yêu thương. Như vậy từ Chúa Cha để nhấn mạnh sự gần gũi, thân thiết và kính trọng đó. Cả nhân loại coi người là một vị Cha chung của con người. Khi đọc tin mừng Luca “Đức Giesu chịu phép rửa: Khi toàn dân chịu phép rửa. Đức Giesu cũng chịu phép rửa; sau đó, đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”. Như vậy Chúa Giesu là con của Thiên Chúa và có Thánh Thần làm chứng cho điều này. Qua đó chúng ta có thể biết được chính Thiên Chúa đã cho Chúa Giesu xuống thế làm người và mặc khải hình ảnh Người cho con người. Chúa Giesu đã mang theo yêu thương vô hạn của Thiên Chúa xuống cho con người và một thông điệp được người viết bằng máu trên cây thập giá đó chính là tình yêu. Chính tình yêu mới cứu được con người, chính tình yêu mới cứu được lòng tin của con người. Chúa Giesu với cương vị làm một người con đã mang những tội của con người lên thánh giá để cho Thiên Chúa thấy. Để cho Thiên Chúa biết được những tội lỗi đó không phải từ con người mà có mà chính là thế lực ma quỷ đằng sau họ và người xin Đức Chúa Cha vì tình yêu thương của người mà hãy đón nhận lấy con người bằng tình thương yêu. Qua hình ảnh đó chính Chúa Giesu khắc họa rõ cho con người về Thiên Chúa Cha. Một vị Thiên Chúa toàn năng và thương yêu họ như chính con của Người Chúa Giesu. Bằng hình ảnh Chúa Giesu sống lại sau 3 ngày chính là minh chứng cho quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa. Bên cạnh hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Giesu là hình ảnh chim bồ câu – Chúa Thánh Thần. Một hình ảnh rất gần gũi với con người. Chính cánh chim bồ câu này đã đưa Thiên Chúa, Chúa Giesu và tình yêu thương tới gần với con người. Như vậy sau khi phục sinh Chúa Giesu về bên Thiên Chúa và chính Chúa Thánh Thần với hình ảnh cánh chim bồ câu dẫn bước và mang yêu thương cho nhân loại. Đó là một phép nhiệm màu về hình ảnh Thiên Chúa, Chúa Giesu, Chúa Thánh Thần ở trong nhau và riêng rẽ. Cả ba ngôi đó như cánh chim mang tình yêu và hòa bình tới cho con người. Cả ba chính là ba hình ảnh tạo dựng nên sự cân bằng và là một cho quyền năng, gần gũi và thương yêu.

Tóm lại dựa vào các Thánh Kinh, Chúa Giesu, lịch sử chúng ta nhận thấy Thiên Chúa là một đấng duy nhất, quyền năng và tạo dựng nên thế giới vũ trụ vật chất. Không có sự so sánh nào được với Người. Bên cạnh đó Người luôn hằng sống và lắng nghe những nguyện vọng của con người giúp họ qua khó khăn, cam go cuộc sống. Người là một vị Thiên Chúa rất gần gũi với con người khi được gọi là “Cha”. Nhưng người cũng là một vị Thiên Chúa công minh, công bằng và giàu tình thương với con người luôn bỏ qua những lỗi lầm của con người và giúp họ khỏi sa ngã. Chính Người được Chúa Giesu mặc khải cho nhân loại. Người muốn cả vũ trụ đón nhận một tình yêu bao mà Người gửi đến qua Chúa Giesu. Đó chính là một thông điệp về tình yêu, sự bao dung và hy sinh của Chúa Giesu, Thiên Chúa.

Sưu tầm