T7, 04 / 2018 1:49 Sáng | Đức Tin Jesus

Nghiên cứu cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa sức khỏe của trái tim và niềm tin tôn giáo. Nghiên cứu khác cho thấy những người chịu phẫu thuật mở tim đều nói rằng họ cảm thấy mạnh mẽ và thoải mái nhờ tôn giáo của họ gấp 3 lần so với những người có thể sống qua phẫu thuật mà không có nền tảng tâm linh.

Dù việc cầu nguyện có làm tâm hồn bạn lắng đọng hay không, có cho bạn niềm hy vọng hay không, hoặc có giúp bạn hướng đến nội tâm hay không, nếu bạn cảm thấy bạn đang đạt được điều gì đó thì đó là lúc bạn sống thanh thản vậy.

Chúa Giêsu đã trách người ta kém tin và Ngài chứng minh cụ thể: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’, nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (Mt 17:20).

Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện là nâng lòng trí con người lên để hầu chuyện cùng Thiên Chúa.

Đạo Công Giáo dạy rằng: Thiên Chúa là Cha, chỉ duy nhất đạo Công Giáo gọi Đấng Tạo Hóa, gọi Thiên Chúa là Cha của mình bằng một tiếng kêu: “Cha ơi”.
Chúng ta cần thưa điều gì với Thiên Chúa ?

Chúng ta là phàm nhân, sống ở đời tạm này, một thế giới bất toàn nên chúng ta gặp toàn chuyện không vừa ý như là :bệnh tật, đói nghèo, chiến tranh, khổ đau. Nếu vậy thì nhiều chuyện quá, chúng ta biết thưa điều nào trước, điều nào sau ? Như vậy nguyên tắc trình tấu, thưa chuyện phải như thế nào ?

Ở đây chúng ta có ba mẫu gương, là ba cách cầu nguyện mẫu để noi theo:

1/ Cầu nguyện như Chúa Giesu:

Chúa Giesu lúc nào cũng cầu nguyện. Cầu nguyện trước khi làm việc gì và cầu nguyện sau khi đã làm xong việc. Chúa Giesu đã dạy các Tông Đồ cầu nguyện qua mẫu Kinh Lạy Cha:

a) Xưng tụng Thiên Chúa là Cha mình và thờ lạy Ngài.

b) Ước ao làm vinh danh Chúa, làm cho mọi người nhận biết Chúa.

c) Xin Chúa ban cho chúng ta những nhu cầu hằng ngày. Điều này Chúa có ý nhấn mạnh là nhu cầu hằng ngày, chứ không phải là những thứ nhu cầu để chúng ta đem cất dấu,để dành. Ngày xưa lúc Chúa ban Manna cho dân Do thái, ngày nào lấy đủ ăn cho ngày đó, nếu tham lam lấy nhiều quá thì Manna sẽ tự động thối rữa, trừ khi Chúa bảo hãy lấy thêm khẩu phần cho ngày Sabat.

d) Xin Chúa tha lỗi phạm của ta với điều kiện ta không được tích lũy lòng thù hận với anh em.

e) Sau cùng là xin ơn Chúa gìn giữ để ta trung tín với Chúa đến cùng và sẽ không bị ma quỷ dối gạt.

2/ Cầu nguyện như Mẹ Maria:

Mẹ Maria cầu nguyện qua việc suy niệm các biến cố trong lòng. Những câu Chúa nói, những việc Chúa làm, Mẹ đều khắc ghi và luôn nhớ để suy gẫm hầu nhận ra ơn Chúa, ý Chúa mà thi hành.

3/ Cầu nguyện như Thánh Cả Giuse:

Đời Thánh Giuse là cầu nguyện trong lao động. Lúc nào Ngài cũng nhớ đến Chúa để tôn thờ, và nhớ đến Mẹ để mến yêu.

Chúng ta hãy tập cầu nguyện như Thánh Giuse: Khi đi ngang qua Chúa thì lẳng lặng, âm thầm bái chào Chúa cách cung kính; khi đi ngang qua Mẹ Maria, ông cũng âm thầm cung kính, mến yêu và cũng lặng thầm vái chào trong lòng như vậy.

Vậy cầu nguyện không phải chỉ lúc rước lễ mà thôi, lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Chúa. Tin Chúa, thờ lạy, nhận ơn, cảm ơn, xin ơn. Xin ơn lành cho mình, cho vợ con, cho anh em, cho bà con, bạn bè, cho Giáo xứ, cho Giáo phận, cho đất nước, cho thế giới.

Người không cầu nguyện là người không sợ chết, là người không muốn sống, là người không màng đến những ơn Chúa ban. Thế giới loạn lạc, chiến tranh, hôm nay có bao nhiêu người chết, vì chưa đến phiên nên ta không sợ, nhưng ai biết được mình sẽ chết lúc nào, lúc chết rồi thì ta đi về đâu ? Ta chết, nhưng vợ con còn ở lại thì họ sống thế nào ? Chết rồi thì ai sẽ nhớ cầu nguyện cho ta ? Một tháng hoặc ba tháng họ mới thí ra 100 ngàn để xin lễ cầu nguyện cho ta, liệu cho đủ không, liệu ta có bớt lửa thiêu đốt không ?

Lạy Chúa, nhiều người viện cớ là không biết thưa gì với Chúa, họ sợ cầu nguyện nhiều thì sẽ bị Chúa vạch trần lương tâm tội lỗi xấu xa của họ. Nhưng có phải vì nhờ thế chúng ta thấy mình tội nhiều quá, chúng ta sẽ bớt phạm tội, nhờ vậy chúng ta mau ăn năn, lập công chuộc tội, và sống đẹp lòng Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin giúp con siêng năng cầu nguyện và sống đúng với lời cầu nguyện của mình. Xin Chúa xót thương chúng con. Amen.