T2, 05 / 2018 1:28 Sáng | Đức Tin Jesus

(Lễ Chúa Ba Ngôi vào ngày 27.05.2018)

Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính, vĩ đại nhất, quan trọng nhất nhưng khó hiểu nhất của Đạo Công Giáo.

Chuyện kể rằng, có nhà truyền giáo kia, đến vùng truyền giáo nọ.

Ngài hết sức yêu mến Chúa Ba Ngôi, nên Ngài ra sức giảng giải cho bà con, với hy vọng mọi người hiểu được Chúa Ba Ngôi và hết lòng yêu mến Chúa.

Thấy bà con chăm chú lắng nghe, Ngài lấy làm thích thú.

Sau những bài giảng sôi nổi hùng hồn, cha hỏi lại bà con rằng:

Mọi người có tin Chúa Ba Ngôi không?

Bà con vui vẻ đáp lại: Tin chứ thưa cha, Chúa là Thiên Chúa mà.

Cha hỏi tiếp: Mọi người có hiểu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà tôi giảng giải không?

Bà con đáp lại hồn nhiên: Hiểu hiểu thưa cha.

Cha thêm phần phấn khởi.

Bà con nói tiếp: 4 hay 5 ngôi tụi con còn tin nữa là, 3 ngôi ăn thua gì thưa cha.

Đến khúc này, cha tiu nghỉu và không nói thêm được gì nữa.

Câu chuyện trên cho thấy Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi khó hiểu như thế nào?

Hỏi: Thiên Chúa có mấy ngôi?

Dạ thưa: Thiên Chúa có Ba Ngôi. Ngôi Thứ Nhất là Cha- Đấng Sáng Tạo. Ngôi Thứ Hai là Con- Đấng Cứu Chuộc. Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần- Đấng Thánh Hóa. Ba Ngôi cùng một tính một phép, cùng một quyền năng & một bản thể, cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi.

Chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi khi nào?

Dạ thưa:

– Khi Làm Dấu Thánh Giá NHÂN DANH CHA & CON & THÁNH THẦN.

– Khi đọc Kinh SÁNG DANH. Sáng danh Đức Chúa Cha & Đức Chúa Con & Đức Chúa Thánh Thần.

– Khi đọc Kinh Tin Kính.

– Khi đọc các Kinh cầu: Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời thật, Đức Chúa Con là Đức Chúa Trời thật, Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật, Ba Ngôi cũng là Một Đức Chúa Trời.

– Khi đọc Vinh tụng ca trong kinh Phụng Vụ: Vinh danh Chúa Cha & Chúa Con, cùng Vinh Danh Thánh Thần Thiên Chúa. Tự muôn đời & chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen.

– Hoặc khi đọc phần kết thúc của 1 lời nguyện: Chúng con cầu xin nhờ ĐỨC GIÊSU KITÔ Con Chúa, là Thiên Chúa & là Chúa chúng con. Người hằng sống & hiển trị cùng THIÊN CHÚA CHA, hiệp nhất với CHÚA THÁNH THẦN đến muôn thuở muôn đời.

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU. MÀ TÌNH YÊU THÌ PHẢI CÓ NHIỀU ĐỐI TƯỢNG: Cha yêu Con, Con yêu Thánh Thần, Thánh Thần yêu Cha… Cả ba hòa quyện vào nhau, ở trong nhau và không tách rời nhau.

CHÚA BA NGÔI LÀ MỘT MẦU NHIỆM CHÍNH CỦA ĐẠO CÔNG GIÁO. MÀ ĐÃ LÀ MẦU NHIỆM THÌ TRÍ ÓC PHÀM NHÂN KHÔNG THỂ NÀO HÌNH DUNG VÀ HIỂU THẤU ĐƯỢC.

Thật vậy, đã nói là mầu nhiệm thì lý trí không thể lý giải theo một lý luận thông thường của con người.

KHI NÀO BẠN BIẾT ĐƯỢC CÓ BAO NHIÊU LÍT NƯỚC TRONG ĐẠI DƯƠNG, KHI ĐÓ BẠN SẼ HIỂU ĐƯỢC MẦU NHIỆM MỘT CHÚA BA NGÔI. THẬT LÀ KHÔNG TƯỞNG. NÓI NHƯ VẬY ĐỂ THẤY RẰNG, CON NGƯỜI LÀ PHÀM PHU TỤC TỬ THÌ KHÔNG THỂ NÀO HIỂU THẤU THIÊN CHÚA CAO SIÊU ĐƯỢC.

Có một giai thoại kể rằng:

Thánh Augustino là một nhà thần học nổi tiếng và cũng là một vị Giám Mục luôn suy tư về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi và không thể giải thích được bằng lý luận suy tư của mình.

Quá thất vọng và nản lòng, thì bỗng, một hôm thánh nhân đang dạo chơi trên bờ biển, người rất ngạc nhiên khi thấy một em bé đang cặm cụi, chăm chỉ ngồi xuống trên cát dọc bờ biển, em đang dùng một vỏ sò để múc nước biển đổ vào trong những vũng nước mà tự tay em làm.

Thánh Augustino tò mò hỏi:

“Này con, làm sao con có thể múc hết nước biển đổ vào cái vũng nhỏ xíu kia được ?”.

Cậu bé liền trả lời:

“Việc múc cạn nước biển bao la này bằng những vỏ sò thật là khó, nhưng con còn thấy dễ hơn là với một trí óc nhỏ bé bằng cái gáo dừa của con người thì làm sao hiểu được mầu nhiệm của Đấng Tuyệt Đối Cao Siêu.

Với giai thoại này, chúng ta thấy rằng con người là một thực thể hữu hạn khi đứng trước những mầu nhiệm về Thiên Chúa – Đấng toàn năng.

Với những gì được Chúa Giêsu mạc khải và qua suy tư của của các nhà thần học và diễn đạt bằng ngôn ngữ của loài người, chúng ta có thể nói mầu nhiệm Một Chúa có Ba Ngôi là một thực tại được Chúa Giêsu mạc khải:

Hãy ra đi rao giảng tin mừng và làm phép rửa cho họ Nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần”.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu nói với các môn đệ Người phải trở về cùng với Cha, có đi như vậy, Ngài mới phái Thánh Thần đến (Ga 14, 26 )

NHIỀU BIỂU TƯỢNG ĐỂ DIỄN TẢ DỄ HIỂU VỀ MỘT CHÚA BA NGÔI NHƯ:

Hình tam giác đều gồm 3 cạnh tượng trưng BA NGÔI.

Ngọn lửa gồm: sức nóng, ánh sáng & nhiệt độ tượng trưng BA NGÔI.

Cà phê 3 trong 1 gồm cà phê, đường, sữa tượng trưng BA NGÔI.

Nước gồm 3 thể rắn, lỏng, khí tượng trưng BA NGÔI.

Một Giáo dân gồm 3 chức năng tư tế, ngôn sứ & vương đế tượng trưng BA NGÔI.

Một Gia đình gồm bố, mẹ, con cái tượng trưng BA NGÔI.

Một Giáo phận gồm Giám mục, linh mục & giáo dân tượng trưng BA NGÔI.

Một Giáo hội gồm Giáo sĩ, tu sĩ & giáo dân tượng trưng BA NGÔI.

Một Trứng gà gồm vỏ, lòng trắng, lòng đỏ tượng trưng BA NGÔI.

Một Điện thoại gồm 3 chức năng nghe, gọi & nhắn tin tượng trưng BA NGÔI.

Một ngón tay gồm có 3 đốt tượng trưng BA NGÔI.

Một cánh quạt gồm 3 cánh tượng trưng BA NGÔI.

SÁCH GIÁO LÝ CÔNG GIÁO DẠY:

1/ Khi nào ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi ?

TL: Khi ta làm dấu Thánh giá và đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

2/ Mầu nhiệm một Chúa ba Ngôi dạy ta điều gì ?

TL: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngội dạy cho ta biết rằng: chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và có ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần.

3/ Ai đã dạy cho chúng ta biết về mầu nhiệm Ba Ngôi ?

TL: Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta biết mầu nhiệm ấy khi Ngài nói với các môn đệ rằng: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19).

4/ Ba Ngôi làm gì cho chúng ta ?

TL: Chúa Cha tạo dựng trời đất muôn vật cho ta, Chúa Giêsu chịu chết để cứu độ chúng ta, Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta trở nên giống Chúa Kitô hơn. Nhưng ta không được tách riêng biệt mỗi Ngôi một việc, nhưng điều trên ám chỉ thời đại của mỗi Ngôi Thiên Chúa. Trong mọi việc, cả Ba Ngôi đều luôn hiệp nhất với nhau.

5/ Ta phải có tâm tình thế nào đối với Chúa Ba Ngôi ?

TL: Ta phải tin cậy, kính mến, thờ lạy và biết ơn Ngài. Nhất là luôn nhớ tới Ngài đang hiện diện trong tâm hồn ta, vì tâm hồn ta chính là đền thờ của Ngài. Chúa Giêsu đã cho biết: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Gioan 14, 23).

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu vĩnh cửu. Xin cho chúng con được ngập lặn trong biển tình yêu dạt dào của Chúa. Amen

Giuse Kích