T6, 10 / 2017 11:18 Chiều | Đức Tin Jesus

Đối với Kitô hữu, việc đặt tên thánh thường mang ý nghĩa để mỗi người tự nhắc nhở bản thân về cách sống, noi gương đạo đức của thánh bổn mạng, và cũng để được phù trợ nhờ lời cầu bầu của thánh nhân. Trong các gia đình, việc chọn bổn mạng cho con có nhiều điều thú vị.

Ai là người quyết định?

Rửa tội cho trẻ, hẳn là kỷ niệm đáng nhớ của nhiều bậc cha mẹ và việc đặt bổn mạng cho con được chú tâm không ít. Bà Nguyễn Thị Tiên (giáo xứ Chánh tòa, GP Cần Thơ) kể về dịp rửa tội của con trai đầu lòng 19 năm trước: “Ngay khi biết tin mang thai bé trai, ông nhà tôi đã nghĩ đến chuyện chọn tên thánh cho con. Tất nhiên mỗi vị thánh đều là một gương sáng để học hỏi. Song, vợ chồng tôi thống nhất chọn bổn mạng cho bé là Giuse với ý nguyện dâng con cho Thánh Cả, nhờ ngài sáng soi để con sống như người công chính. Ngày rửa tội cũng may mắn trùng với ngày lễ kính ngài (19.3), điều đó càng giúp gia đình dễ nhớ hơn”.

Trường hợp của anh Cao Cảnh Hưng (giáo xứ Vĩnh Kim, GP Vĩnh Long) thì lại khác. Anh cho biết gia đình đã nhờ cha xứ đặt tên thánh cho con, và rất vui khi được ngài chọn thánh Anrê Phú Yên, một vị thánh Việt Nam: “Cha nói với chúng tôi, đặt như thế để có sự gần gũi, chỉ đơn giản vậy”. Còn chị Đặng Trần Linh Khương, 24 tuổi (xứ Cái Nhum, GP Vĩnh Long), mang thánh bổn mạng Annê Lê Thị Thành lại đầy tự hào khi nói về quan thầy của mình: “Quê tôi, trước những năm 1990, dường như chưa có ai nhận bà làm thánh quan thầy nên khi rửa tội, ba tôi đã có ý xin cha sở cho con gái được nhận thánh nhân làm bổn mạng. Hơn nữa, một vị nữ thánh của đất Việt cũng dễ cho tôi học hỏi. Mẹ tôi rất ủng hộ ý kiến của ba”.

Khi trẻ được lãnh nhận Bí tích Thêm sức, theo truyền thống nhiều nơi, các em lại nhận thêm tên thánh. Một số cha mẹ chọn người đỡ đầu với thánh quan thầy lúc rửa tội cho con. Một số khác lại để cho các con tự chọn. Ông Vũ Minh (giáo xứ Tân Trang, TGP.TPHCM) chia sẻ, việc làm này trước hết thể hiện sự tôn trọng ý kiến của con, nhờ đó giúp trẻ tập tính trách nhiệm. Vì là sự chọn lựa của bản thân, nên những người con phải có nghĩa vụ sống sao cho xứng đáng.

Đối với các tân tòng, dường như có sự chọn lựa thánh bổn mạng khá đa dạng. Một số người theo ý kiến của cha xứ hoặc gia đình hướng dẫn, số còn lại thì muốn tự mình tìm tên thánh. Chị Thanh Minh, giáo dân một xứ ven ngoại thành Sài Gòn cho biết, anh xã chị là người đạo mới, khi theo đạo, anh đã tự tìm hiểu và chọn một thánh riêng, không trùng với tên thánh của người đỡ đầu.

Truyền thống đẹp

Đôi khi ở mỗi xứ, mỗi vùng, việc chọn tên thánh bổn mạng lại có những nét truyền thống riêng. Kể về tập tục của xứ mình, bà Nguyễn Thị Nhàn, 69 tuổi (giáo xứ Thanh Hóa, GP Xuân Lộc) nói: “Ngày trước, vùng này phần nhiều chọn tên thánh cho con theo quan thầy của người đỡ đầu. Chẳng biết từ khi nào, chuyện này đã trở nên như tập tục của giáo xứ. Thời gian gần đây có vẻ rộng mở hơn, mà tôi nghĩ đó là do sự chọn lựa của các bậc cha mẹ ngày càng đa dạng chứ chẳng có quy định nào bắt buộc phải theo thánh bổn mạng của người đỡ đầu”.

Trong mục vụ tại Việt Nam, các linh mục dòng góp vai trò quan trọng. Một số giáo xứ được các cha dòng gắn bó phục vụ qua nhiều đời. Dấu ấn của các vị trong lòng giáo dân rõ nét nên với chuyện đặt tên thánh bổn mạng trong gia đình, nhiều nhà ở các xứ đạo này quyết định lấy tên của dòng các linh mục phụ trách làm quan thầy cho con cháu. Chị Phạm Thị Bé (xứ Cao Xá – GP Phú Cường) cho hay, từ lâu nay, giáo xứ mình được các cha dòng Đaminh coi sóc, có lẽ vì vậy mà không ít gia đình đã chọn tên thánh Đaminh cho các con trai. Thậm chí có những nhà ba đời liền, “cá nh đàn ông” chỉ có mỗi tên thánh này.

Chuyện thánh quan thầy đôi lúc cũng tạo nên nhiều cắc cớ cho cha mẹ khi con cái hỏi lý do vì sao chọn thánh này mà không là thánh kia. Chị Nguyễn Thị Thanh Mai (giáo xứ Phú Hòa, GP Long Xuyên) nói về gia đình mình với ba chị em gái chung một tên thánh Anna: “Nhiều lần chúng tôi thắc mắc tại sao có sự trùng hợp như thế nhưng rồi tự nghĩ có lẽ do cha mẹ muốn tạo sự kết nối giữa ba chị em. Thế rồi đến khi chị gái lớn nhất có con trai, chị cũng đặt tên thánh quan thầy của hai bé như nhau là Phanxicô Xaviê”. Anh Trần Thanh Tùng (giáo xứ Sao Mai, TGP.TPHCM) cũng có lần hỏi cha mẹ tại sao mình lại được đặt thánh Giacôbê làm bổn mạng, lúc ấy mẹ anh trả lời là đã chọn theo tên thánh của người đỡ đầu vì nhận thấy lối sống đạo, tính tình và cách cư xử của ông rất đẹp. Bà hy vọng người cha thiêng liêng này sẽ nâng đỡ tinh thần cho con trai mình thật tốt.

Dù chọn thánh quan thầy nào, chắc chắn rằng mỗi bậc cha mẹ đều gởi gắm con cái mình cho các ngài với mong muốn các con nên người, có một đời sống đạo tốt lành, thánh thiện.