T2, 11 / 2017 6:54 Chiều | Đức Tin Jesus

Trong thư gửi các linh mục, tu sĩ và giáo dân giáo phận Phú Cường ngày 15-4-2008, với chủ đề “Thực hành giáo dục Kitô giáo trong gia đình”, ĐGM giáo phận đã viết như sau:

“Về bổn phận giáo dục của gia đình, giáo lý truyền thống của Giáo hội từ xưa tới nay luôn coi mục đích chính yếu của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái. Đó là điều đã được ghi rõ trong cuốn Giáo luật điều 1055 §1, và sách Giáo lý Giáo hội  số 1660. Luật này căn cứ trên giáo huấn thường xuyên của Giáo hội trong các Công Đồng và còn được nhắc lại trong nhiều văn kiện của Công Đồng Vaticanô II (x. LG 1, 41; AA 11; GS 498).

a

Ai cũng công nhận rằng: sinh sản là công việc nặng nhọc, nhưng chỉ nhất thời, còn giáo dục mới là nhiệm vụ dài lâu. Người ta nuôi con tới lúc khôn lớn, khi chúng có thể tự làm để nuôi sống bản thân. Nhưng việc giáo dục thì còn phải tiếp tục cho tới tuổi già, tới lúc chết.

Thế nhưng nhiều khi người ta lại quá chú trọng tới việc nuôi sống và học hành, mà lại coi nhẹ hay không quan trọng đủ việc dành thì giờ, sức lực và khả năng để giáo dục chúng. Điều đó, một phần do cách tổ chức của xã hội ngày nay, khiến nhiều khi cả hai vợ chồng phải đi làm xa gia đình, không có đủ thì giờ để gần gũi con cái, hầu có thể hiểu được những nhu cầu, những ước vọng của chúng và kịp thời giải đáp những thắc mắc, thỏa mãn những đòi hỏi về tình cảm cũng như học hỏi của chúng.

Muốn thi hành cách đầy đủ sứ vụ quan trọng này của hôn nhân, cha mẹ phải ý thức việc giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu, để khi chọn nghề, chọn chỗ ở và phương tiện sinh sống, họ sẽ liệu sao cho nhiệm vụ thiết yếu và quan trọng này được bảo đảm”.

Vậy đã rõ, việc giáo dục con cái trong gia đình, nhất là giáo dục đức tin Kitô giáo phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của bậc làm cha mẹ. Một nhiệm vụ luôn được xem là cấp bách, quan trọng, khẩn thiết nhưng cũng đầy khó khăn vất vả.

Với cái nhìn của người làm cha mẹ, chúng tôi mạn phép đưa ra hai ý kiến sau:

a

1. Cha mẹ cần nhận thức tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin trong gia đình.

Từ xưa nay, người ta vẫn thường nói: “Bé không vin, cả gẫy cành” hoặc “Dạy con từ thủa còn thơ…” và “Tiên học lễ hậu học văn”. Phương pháp giáo dục hiệu quả luôn theo một “logic” tiệm tiến cơ bản, từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ điều ít quan trọng đến điều quan trọng hơn vv. Do đó, các gia đình nên bắt đầu dạy con ngay từ thời gian đầu cuộc đời, đó là chưa kể khi người mẹ mang thai đã phải giáo dục con từ trong bụng mẹ (thai giáo). Cha mẹ đưa con đi tham dự các lễ nghi Phụng vụ và các giờ đạo đức khác. Ông bà dạy cháu biết đọc kinh, biết cầu nguyện, biết hát thánh ca. Bên cạnh đó, ông bà cũng kể cháu nghe những câu truyện học-làm-người hay chuyện xử thế của người xưa. Đó là những việc khai tâm rất cần thiết trong việc giáo dục đức tin và giáo dục nhân bản.

Lớn lên một chút, khi trẻ đã bắt đầu đi học, cha mẹ tạo điều kiện để con em mình tham gia các đoàn thể trong giáo xứ. Chính các đoàn thể này sẽ tiếp tay gia đình hướng dẫn các em sống và thực hành những đức tính nhân bản, đồng thời giúp trẻ hiểu đạo, sống đạo và truyền đạo.

Tuy nhiên, vì các em còn nhỏ, nên việc dạy dỗ sẽ rất khó khăn và phức tạp. Việc huấn luyện này cần có một chiến lược lâu dài và theo những phương pháp thích hợp. Nhất là phía đội ngũ giáo lý viên hay hướng dẫn viên, họ cần được đào tạo và tái đào tạo thường xuyên cả về nội dung lẫn phương pháp sư phạm để có thể hoàn thành tốt vai trò mình. Bởi nếu không, tình hình dù lạc quan đến mấy cũng đáng quan ngại.

a

Thực tế cho thấy, “Các giáo xứ tổ chức các lớp giáo lý các cấp, trước hoặc sau Thánh lễ Chúa nhật. Gần như 100% trẻ theo học các lớp giáo lý đến khi lãnh bí tích Thêm sức, sau đó số % giảm dần. Điều cần là các giáo lý viên có quan tâm tạo điều kiện cho người trẻ thực hành Lời Chúa dạy, đặc biệt sống trong chân lý và trong tình bác ái đối với mọi người trong gia đình và xã hội.

Khuyến khích gia đình, ngoài việc chuyên cần đi lễ Chúa nhật chung với nhau, hãy kiên tâm duy trì và cải tiến giờ kinh tối trong gia đình, nhằm tạo cơ hội cho gia đình phát triển thành cái nôi của sự sống và mái ấm của tình thương, thành ngôi trường đầu tiên giáo dục đức tin và thành trì bảo vệ đức tin như sức mạnh cho sự phát triển toàn vẹn của con em mình.” (ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, Tổng Gm Gp TPHCM – Thư Mục tử “Giáo dục Kitô giáo và sự phát triển toàn vẹn” số 6.3-6.4 của ngày 9-9-2009).

Như vậy khi ra khỏi khu vực thánh đường để trở về nhà, các em được sống trong bầu khí đạo đức và nhân ái. Về đạo đức các em tham dự giờ kinh tối, nghe và chia sẻ Lời Chúa, hát thánh ca và cầu nguyện. Cha mẹ nên làm gương về điều này và có sáng kiến phù hợp để giờ kinh tối trở nên nhẹ nhàng, ấm áp và thánh thiện. Về nhân ái, vợ chồng khuyên nhủ nhau sống tốt, cha mẹ giáo huấn con cái về những bổn phận trong gia đình, ngoài xã hội. Rồi bữa cơm gia đình sẽ là “điểm hẹn của tình thương”, nơi đó chan hòa tình mến và sự cảm thông đậm đà.

Thực vậy, “Gia đình là Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo. Mọi thành viên của gia đình, ông bà, cha mẹ và các anh chị em sống đạo nhiệt thành làm thành truyền thống đức tin gia đình. Nơi đây, đức tin được truyền thụ qua những lời cầu nguyện, lời nhủ bảo, đặc biệt trong những biến cố vui buồn của cuộc sống và qua những mẫu gương đức tin. Gia đình còn là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (GHXH/GH 209) giúp các phần tử gia đình cảm nghiệm tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp hình dung trước những mối tương quan liên vị trong xã hội.” (Thư chung năm 2007 của HĐGMVN số 28).

a

2. Giáo dục đức tin theo đường hướng Tin Mừng và những giáo huấn của Hội thánh.

Đây là một vấn đề hết sức quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn, phức tạp. Vì ngoài thực hành những yêu cầu về giáo dục nhân bản, gia đình còn có nhiệm vụ giáo dục con cái theo tinh thần Tin Mừng và theo những giáo huấn của Giáo hội.

-Thư Mục vụ của HĐGMVN đề tài “Thánh hóa gia đình” năm 2002 đã nêu rõ:

“Gia đình là chiếc nôi, là trường học đầu tiên, nơi con cái lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần, nơi con cái không chỉ được dạy dỗ bằng lời nói mà con bằng gương sáng. Vì thế cha mẹ không chỉ lo cho con cái được rửa tội mà còn phải lo cho đức tin con cái được lớn lên trong bầu khí gia đình đạo đức chan hòa tình mến Chúa yêu người. Hướng dẫn con cái trân trọng tình liên đới trong mối liên hệ bác ái giữa các thành viên…” (số 8).

Như vậy, ngoài việc cha mẹ nêu gương sáng cho con cái, họ còn có trách nhiệm giáo dục đức tin, dạy dỗ các đức tính nhân bản, tạo điều kiện cho con cái phát huy tình liên đới trong gia đình và ngoài xã hội. Họ hỗ trợ con cái thăng tiến về mọi mặt và biết cách xa tránh những cám dỗ xấu xa, không lành mạnh. Gia đình Kitô giáo cần được đặt trong khuôn khổ phát triển tình liên đới và trên nền tảng văn minh tình thương.

-Tông huấn về những bổn phận của gia đình Kitô hữu của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã khẳng định việc các cha mẹ trong gia đình tín hữu cần phải đảm nhận việc phục vụ có tính cách Hội thánh. Đó là thừa tác vụ Tin Mừng hóa và dạy giáo lý cho con cái. Tông huấn đã nhắc nhở như sau:

a

“Thừa tác vụ Tin Mừng hóa và dạy giáo lý của cha mẹ phải theo sát con cái suốt đời chúng, cả trong tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành, là tuổi mà thường thường con cái hay đứng lên phản khá ng hoặc thẳng thừng từ chối đức tin Kitô giáo mà chúng đã nhận trong những năm đầu tiên của cuộc đời. Cũng như trong Hội thánh, công việc Tin Mừng hóa không bao giờ được thực hiện mà không gây đau khổ cho vị tông đồ, thì cũng thế, trong gia đình Kitô hữu, cha mẹ phải rất can đảm và hết sức đương đầu với những khó khăn mà đôi khi thừa tác vụ Tin Mừng hóa gặp phải nơi chính con cái họ…” (số 53).

– Công Đồng Vaticanô II cũng đã lên tiếng xác định bổn phận quan trọng của cha mẹ là làm sao giúp con cái hấp thụ được những học thuyết Kitô giáo cũng như trau giồi các nhân đức của Phúc Âm. Công Đồng đã viết như sau:

“Đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc Âm. Nhờ đó họ nêu gương cho mọi người về mặt tình thương bền vững và quảng đại, xây dựng bác ái huynh đệ, làm chứng và cộng tác vào việc sinh sản của Giáo hội, Mẹ chúng ta, trở nên dấu chỉ và thông phần vào tình yêu Chúa Kitô đối với Hiền Thê Người: bởi yêu thương, Người đã hiến mạng vì Hiền thê” (x. Vat II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội, ch. V).

a

Với những chỉ dẫn trên, những bậc cha mẹ chúng ta không thể không quan tâm đến việc xây dựng và củng cố mô hình “Gia đình là Hội thánh tại gia” nhờ đó các phần tử trong gia đình sẽ trở thánh thiện và sẽ làm chứng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cách hiệu quả hơn.

“Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình Công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc tân Phúc Âm hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo hội và từng người chúng ta”. (x. Thư Mục vụ năm Đức Tin 2012 của HĐGMVN số 9)./.

Aug. Trần Cao Khải