CN, 11 / 2017 6:56 Chiều | Đức Tin Jesus

Đến với Liban, một đất nước nhỏ bé vùng Trung Đông, tôi khám phá nhiều điều không mới lạ nhưng thực sự xúc động và bị sốc. Liban rất nhỏ. Diện tích Việt Nam gấp hơn 30 lần diện tích Liban, và dân số Việt Nam gấp hơn 15 lần dân Liban. Tuy nhỏ bé, nhưng đừng quên đây là một trong những điểm nóng nhất của thế giới trong bao nhiêu năm trời.

Liban là láng giềng của Syria đang khủng hoảng trong chiến tranh. Trên đất Liban, hiện có tới gần 2 triệu người tị nạn từ Syria dạt qua. Phần lớn những người này sống trong các trại tị nạn trải rộng khắp đất nước Liban. Liban vừa nằm gần kề vừa là đối thủ với Israel. Xung đột nhiều khi trở thành cuộc chiến. Hiện tại, ai có Visa Israel hoặc có đóng dấu của Israel trên passport đều không được vào Liban. Điều ngược lại cũng tương tự. Cũng vì thế, mà Liban tỏ ra bạn bè với những người Palestine chạy loạn khỏi cuộc chiến giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, vấn đề này từng chia rẽ sâu sắc giữa các phe khác nhau trong Liban.

Như thế, hiện tại trên đất Liban, vừa có các trại tị nạn của người Palestine, vừa có các trại tị nạn của người Syria. Các trại tị nạn của người Syria thì đúng nghĩa là các trại tị nạn, vì họ mới ở đây mấy năm, từ khi chiến tranh Syria bùng nổ. Còn các trại tị nạn của người Palestine thì đã trở thành những thành phố chật chội đông đúc với những tòa nhà cao tầng ổ chuột, vì họ đã sống tại những nơi này từ năm 1948.

Cả người tị nạn Palestine và người tị nạn Syria đều không thể có quyền công dân. Mặc dù họ sống trên đất Liban, nhưng họ không có bất cứ một quyền nào liên quan đến quyền công dân như người Liban. Ví dụ, họ không thể đi học, không thể xin việc làm. Và những khu vực của các trại tị nạn như thế là ngoài vòng pháp luật và theo quy chế tự trị của từng trại. Thực tế là vô cùng phức tạp!

Trong một thành phố ổ chuột nọ, dành cho người tị nạn Palestine, có một cô bé tị nạn người Syria. Cô bé ở đây đã mấy năm cùng với mẹ mình. Tôi đoán là mẹ của cô bé cũng thuộc hạng giàu sang, nên tuy là tị nạn, cô bé vẫn được học trong một môi trường tốt. Cô bé không học trong những ngôi trường nghèo nàn xóa mù chữ do những người tị nạn Palestine tự dựng lên. Cô bé cũng không học trong trường công của Liban vì không được phép. Nhưng cô bé được học trong một ngôi trường tư, nằm ngoài thành phố ổ chuột. Trường này liên kết cách nào đó giữa người Palestine và hệ thống trường của Mỹ. Cho nên, tuy cô bé ở một trong những nơi tồi tàn nhất thế giới, nhưng lại đi học trong một môi trường tốt hàng đầu thế giới.

Chương trình học rất chuyên nghiệp. Môn toán và các môn khoa học đều học bằng tiếng Anh. Các môn như lịch sử, địa lý, văn học thì học bằng tiếng mẹ đẻ là tiếng Ả Rập. Tuy nhỏ tuổi, có lẽ 12 hoặc 14 gì đó, cô bé ăn nói thành thạo tiếng mẹ đẻ Ả Rập và tiếng Anh. Em bắt đầu học tiếng Đức. Em còn nói: Ước mơ của em là thành thạo 7 thứ tiếng, có thể các ngôn ngữ tiếp theo là Tây Ban Nha, tiếng Hoa… Tôi thầm cảm phục. Tôi khen em một câu, em cười tươi. Tôi nghĩ, em có thể làm được.

Tôi hỏi: Em muốn học nhiều ngôn ngữ thế để làm gì? Em hồn nhiên: Như anh biết rồi đấy, biết nhiều ngôn ngữ để có thể nói chuyện và làm việc với mọi người trên thế giới. Tôi hỏi tiếp: Sau này em thích làm nghề gì? Em đáp: Em thích làm kỹ sư, nhưng là kỹ sư trực tiếp làm chân tay, chứ không chỉ là tính toán… Tôi hơi ngạc nhiên, vì bé gái mà thích việc con trai, nhưng không sao, cũng tốt thôi. Em chỉ tay lên những người công nhân đang xây những căn nhà ngay lề đường, có cả những căn nhà xây thêm để lên hai tầng ba tầng. Nhưng kỳ thực, đây vẫn chỉ là những căn nhà ổ chuột. Đến đây, tôi hết sức chạnh lòng. Với biết bao năng lực, niềm tin, ước mơ, hy vọng tràn trề như thế, mà em chỉ mong đạt tới một thành quả vô cùng tầm thường như thế. Đúng là cái khó nó bó cái khôn… Có lẽ, thực tế mà nói, em có ước mơ hơn thì cũng chẳng ích gì, vì tất cả những gì vây quanh em trong hoàn cảnh của em, không cho phép em nghĩ khác, mà nếu có nghĩ khác đi chăng nữa, em cũng hầu chắc chẳng làm được gì khác hơn.

Tôi cũng nhớ lại cảnh mấy em bé trong trại tị nạn người Syria mà tôi gặp mấy ngày trước. Các em cả trai lẫn gái, đều trông rất đẹp và sáng sủa. Các em đang nghịch chiếc xe đạp cũ. Có em chơi với những bộ phận đã hư của xe đạp. Những điều ấy làm tôi nhớ về tuổi thơ của mình. Mình cũng từng thích vui chơi với những đồ bỏ đi ấy. Vui chơi với những vòng bi, với những chiếc lan hoa, với nhiều bộ phận đã hỏng của xe đạp, vui chơi với những cái đài đã hỏng. Lúc ấy, trong tâm tưởng, tôi cũng chỉ mơ ước trở thành kỹ sư. Kỹ sư khi ấy có nghĩa là biết sửa xe đạp, có nghĩa là biết sửa những cái đài bán dẫn. Kỹ sư cũng có thể có nghĩa là những người thợ mộc làm nên những vật dụng trong nhà, hoặc như người thợ nề biết xây tường xây nhà.

Thử mở tầm nhìn ra thế giới. Cả mấy ngàn năm trước, người ta đã xây được những tòa nhà, các hệ thống dẫn nước trong thành phố. Hiện tại về kỹ thuật về công nghệ, có lẽ chẳng cần nói nhiều, thì mọi người đều có thể hình dung ra độ phát triển đến chóng mặt trên thế giới.

Hiện tại, nhiều sinh viên Việt Nam vẫn say mê chế tạo những chiếc kính thiên văn nho nhỏ, thì ở châu Âu, những người bình dân, nếu muốn, họ đã có thể sở hữu một chiếc kính chuyên nghiệp để khám phá bầu trời. Có lẽ không sai khi nói, những người bình dân nghiệp dư ấy còn giỏi hơn những sinh viên thậm chí giảng viên chuyên ngành thiên văn của Việt Nam mình. Ví dụ về kính thiên văn chỉ là phép ẩn dụ cho nhiều điều khác nữa.

Vươn tầm ra thế giới, không chỉ là cần ngoại ngữ, ví dụ tiếng Anh, nhưng thực sự cần rất nhiều thứ, trong đó tầm nhìn là vô cùng quan trọng. Nếu không thay đổi tầm nhìn, nếu không xây dựng tầm nhìn cho đúng cho rộng mở cho sâu xa, thì có lẽ cả đất nước cũng chỉ như bé gái thơ ngây kia, tuy rất giỏi và đầy tràn năng lực hoài bão, nhưng chỉ vươn tới mục đích xây được những căn nhà tồi tàn, tuy nhiều tầng nhưng vẫn là khu ổ chuột!!!

Nói qua nói lại, ngay cả châu Âu và châu Mỹ hiện tại, cũng có biết bao khủng hoảng đổ vỡ mà dường như “vô phương cứu chữa”.

Lạy Chúa Giêsu! Xin thương xót chúng con. Xin ban cho chúng con khả năng chạm vào ước mơ của Chúa, ước mơ của Chúa dành cho cuộc đời chúng con.