T2, 03 / 2018 3:22 Chiều | Đức Tin Jesus

Đó là câu khẳng định chắc nịch của bà Nguyễn Thị Mỹ Phước, giáo dân xứ đạo Tân Phú (TGP.TPHCM) sau câu chuyện kể về các hoạt động bác ái xã hội mà bà dấn thân. Bao nhiêu năm xuôi ngược đó đây với những việc thiện giúp đời, nay đã ở tuổi 70, bà vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ.

“Tôi tự hào là người Công giáo”
“Tôi tự hào là người Công giáo”

1.

Vốn xuất thân từ một điều dưỡng viên (tốt nghiệp cá n sự tại Đại học Y khoa Cần Thơ năm 1969) nên việc lo cho sức khỏe của người khác luôn là quan tâm hàng đầu của bà Phước trong hành trình đi làm bác ái. Vào những năm của thập niên 1990, bà từng là thành viên tích cực của nhóm “Bạn người phong Sài Gòn” do Đức cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi khởi xướng. Nhắc lại thời điểm ấy, bà vẫn không quên những chuyến “xông pha” không mệt mỏi lên các tỉnh Tây Nguyên đi thăm, phát thuốc cho bệnh nhân phong. Ở giáo xứ Tân Phú, từ năm 2002, nhiều người đã biết đến Phòng chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho người khuyết tật với những đóng góp lớn của bà từ khâu điều hành, tổ chức đến việc tìm nguồn tài trợ. Nơi đó, người già yếu được thăm khám, phát thuốc miễn phí, người sau tai biến – vận động khó khăn được giúp đỡ để hồi phục. Là phó Ban điều hành Gia đình Bái ái Phanxicô Assisi, mỗi dịp Tết lễ, bà Phước lại cùng với các thành viên tổ chức bữa cơm tình thương và phát quà cho người nghèo, không phân biệt tôn giáo trong và ngoài xứ. Không chỉ dừng lại với những hoạt động ở phạm vi giáo xứ, bà còn thường xuyên theo các đoàn y – bác sĩ của thành phố đi khám bệnh từ thiện đây đó. Chính những chuyến đi này đã cho bà cảm nhận sâu sắc hơn sự thiếu thốn của người nghèo miền quê, không chỉ về cơm áo mà còn cả những điều kiện, kiến thức chăm sóc sức khỏe. Thế rồi, người phụ nữ năng nổ này đã nghĩ đến việc quy tụ riêng một nhóm, có tên gọi và tư cách pháp nhân đàng hoàng để có thể phục vụ được cho nhiều người hơn. Vốn nhanh nhẹn trong khâu tổ chức và điều phối, lại làm việc với tất cả tâm huyết nên bà Phước rất được các y, bác sĩ, tình nguyện viên xã hội tín nhiệm.

Bà Mỹ Phước trong một chuyến đi khám bệnh từ thiện và phát quà cho học sinh tại Trà Vinh

2.

Ngày 30.9.2009, đoàn y – bác sĩ chi hội từ thiện Hy Vọng do bà Nguyễn Thị Mỹ Phước phụ trách đã có quyết định chính thức được thành lập, trực thuộc Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Cần Thơ. Bà kể: “Tên tôi được đặt từ tên địa danh nơi mình sinh trưởng, đó là cồn Mỹ Phước (thuộc tỉnh Cần Thơ xưa, nay là Sóc Trăng). Từng gắn bó và có nhiều kỷ niệm một thời với quê nên tôi cũng muốn các hoạt động xã hội mang dấu ấn nơi đã dạy cho mình cái nghề giúp ích được nhiều người”. Dù tư cách pháp nhân thuộc Cần Thơ nhưng lại tập hợp nhiều y, bác sĩ, dược sĩ đang làm việc tại các bệnh viện lớn ở TPHCM. Những năm qua, đoàn đã tổ chức thành công nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng từ trẻ đến già như “Đem lại ánh sáng cho người nghèo” (khám và phát thuốc miễn phí, kết hợp mổ mắt cho bệnh nhân nghèo); “Chung tay giúp trẻ đến trường” (chăm sóc sức khỏe, tặng sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo); “Tầm soát tiền ung thư tử cung cho phụ nữ nghèo” (trung bình hằng tháng tầm soát cho khoảng 300 chị em ở khắp nơi, nhất là vùng sâu vùng xa). Mỗi tháng, đoàn thường thực hiện hai chuyến đi khám bệnh từ thiện lớn, nhỏ ở các tỉnh, quy tụ trên dưới 60 y, bác sĩ, nhân viên xã hội; ngoài ra, theo lời mời, thỉnh thoảng còn có những chuyến sang Campuchia, Lào để khám bệnh cho dân nghèo tại đây.

Không chỉ thăm khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc, tặng quà mà khi phát hiện ra những bệnh nhân nặng ở nông thôn cần điều trị dài hơi, bà Phước đã tìm cách đưa họ lên bệnh viện ở thành phố để chạy chữa. Nhắc lại một ca ấn tượng nhất trong năm 2016, bà vui vẻ: “Có một phụ nữ trẻ ở Đầm Dơi, Cà Mau được chúng tôi hỗ trợ mổ tim, sau 4 tháng cô mang bầu, gia đình rất lo lắng và vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng nên đã khuyên cô bỏ thai. Bản thân tôi là người Công giáo nên trong tinh thần ‘bảo vệ sự sống’, đã động viên họ giữ lại đứa con. Để an tâm, mình mời hẳn một bác sĩ chăm sóc thường xuyên cho cô ấy tới khi đứa trẻ chào đời được an toàn. Sau khi sanh, người mẹ trẻ và cả nhà rất mừng, bản thân tôi thấy vui lắm!”. Cũng trong năm này, khi trận lũ lịch sử hoành hành ở miền Trung, đoàn y – bác sĩ từ thiện Hy Vọng đã lên đường đến Quảng Bình, ngay vùng rốn lũ để khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 2000 người và trao khoảng 1.000 phần quà tới bà con. Tổng kinh phí của chuyến đi khoảng 600 triệu đồng. “Ra đó mới thấy bà con khao khát được khám chữa bệnh biết bao. Sau bão lũ, phần lớn người dân mắc phải những chứng bệnh về đường tiêu hóa, da liễu, mắt… Nhu cầu được cấp những loại thuốc thông dụng rất cần”, bà Trưởng đoàn chia sẻ.

Với trẻ em vùng lũ Quảng Bình

3.

Nói về những việc thiện nguyện hôm nay của mình, bà Phước vẫn tự hào nhắc đến người cha quá cố. Lúc sinh thời, ông cụ làm nghề thầu khoán, ngoài việc kiếm tiền lo cho gia đình, luôn dành một khoản để làm bác ái. Là một Kitô hữu, cụ là tấm gương cho con cái về lòng nhân hậu, giúp người không phân biệt tôn giáo. Chính tinh thần sống đạo tích cực của người cha đã hun đúc cho cô con gái cái tâm hướng về những người nghèo khó trong xã hội. Sau này, khi bắt tay vào làm từ thiện, bà Phước luôn chan hòa với tất cả mọi người, thậm chí với người ngoài Công giáo, bà còn quan tâm giúp đỡ nhiều hơn để “cho họ thấy được điểm sáng nơi đạo mình, thấy những người con Chúa luôn sống yêu thương quảng đại, đó cũng là cách truyền giáo trong môi trường sống, như cha tôi đã từng khuyên dạy khi xưa”.

Với những đóng góp tích cực cho việc bác ái xã hội, bà Nguyễn Thị Mỹ Phước đã từng nhận được bằng khen của UBND TPHCM, bằng khen của Thượng Viện Vương Quốc Campuchia, huân chương cao quý của Quốc vương Campuchia.

Giờ đây, người cha đáng kính ấy không còn nữa nhưng bên cạnh bà Phước lại có người chồng luôn yêu thương và ủng hộ việc thiện nguyện của vợ. Năm 2004, ông bà cùng nhau giúp kinh phí cho linh mục Piô Ngô Phúc Hậu để xây cây cầu bắc qua con kinh Chùa ở xã Phú Hưng (thuộc xứ Cái Rắn, Cà Mau), tạo thuận lợi cho học sinh và người dân qua lại giữa vùng sông nước. Dù không trực tiếp tham gia những chuyến đi khám bệnh từ thiện, song giỏi vi tính nên ông vẫn giúp bà trong các khâu đánh máy văn bản, nhận fax, email, in ấn tài liệu… “Thời đại công nghệ, việc tổ chức những chuyến đi từ thiện rất cần có sự kết nối qua email với các thành viên trong nhóm để gởi thông báo hay chia sẻ hình ảnh, vì thế sự hỗ trợ của ông xã ở khâu này đã giúp tôi rất nhiều”, bà Phước khoe.

Cùng rong ruổi trong những chuyến đi khám bệnh từ thiện nhiều năm nay với bà Phước, bác sĩ Đoàn Thị Vệ nhận xét: “Bà là người hết lòng vì đoàn, tổ chức, điều phối công việc rất chu đáo trước mỗi chuyến đi. Trong việc huy động nguồn kinh phí, chính gia đình bà đã đứng ra góp trước, các thành viên khác thấy vậy cùng hưởng ứng. Nhiều người nhìn vào kết quả tốt đẹp sau mỗi chương trình, lại sẵn sàng ủng hộ, cứ thế những cánh tay giúp người nghèo lại được nối dài”.

Sau Noel là những ngày bận rộn song bà Phước và các thành viên trong đoàn vẫn nhiệt tình với việc thực hiện 120 ca mổ mắt miễn phí cho người nghèo tại bệnh viện Trưng Vương – TPHCM. Đây là chương trình cuối của năm 2016, lấy đà cho những chuyến đi từ thiện tiếp theo trong năm mới.

LIÊN GIANG

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc