CN, 12 / 2017 7:23 Chiều | Đức Tin Jesus

Xem tin tức những ngày này có thể là chuyện khá nản lòng. Thế giới chúng ta đầy thù hận, định kiến bất dung, kỳ thị, tham lam không đáy, và những cái tôi quá lớn. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng mở rộng, và nạn bạo lực vô nghĩa lý đang tồn tại hàng ngày. Người ta sống với hy vọng, nhưng lạc quan thì không hẳn.

Trong tất cả, có lẽ chuyện đáng buồn nhất là sự xóa mòn khả năng nhìn nhận và nhận thức sự thật. Từ các viên chức cao cấp nhất trong chính phủ, đến các hãng truyền thông lớn, các tờ báo địa phương, hàng ngàn bloger, thậm chí là ngay trên bàn ăn gia đình, chúng ta ngày càng vô trách nhiệm, xuyên tạc và bất lương trắng trợn với sự thật, chối bỏ sự thật khi nó gây bất tiện cho ta, bẻ cong sự thật để phù hợp với mục đích của ta, hay thậm chí còn dám xem sự thật là “tin giả” là “chuyện nói tránh né” là “thông tin sai lệch,” “sự thật không còn giá trị,” hay là “kiểu cách xã giao” không còn giá trị. Các nghiên cứu từ những viện khoa học lớn bị bác bỏ, bị xem như một ý kiến qua đường về việc chúng ta đang tạo nên một xã hội ngày càng khó tin tưởng bất kỳ chuyện gì. Đây đúng là chuyện nguy hiểm, không chỉ đối với chính trị mà còn về mặt tâm linh.

Kinh thánh cho chúng ta biết Satan là Cha của Dối trá, và Chúa Giêsu đã nói rõ ràng, trong tất cả mọi tội, thì tội không nhận biết sự thật nguy hiểm gấp muôn phần. Chúng ta thấy mô-típ này trong đoạn Kinh Thánh cảnh báo chúng ta rằng có khả năng chúng ta phạm một tội không thể tha thứ, bởi nó là tội xúc phạm đến Thần Khí.

Đó là tội gì? Tại sao lại không thể được tha thứ? Và nó có liên quan gì đến chuyện nói dối?

Tội không thể tha thứ, chính xác là tội dối trá. Hãy đi vào đoạn Phúc âm này. Chúa Giêsu vừa trừ quỷ xong. Một phần đức tin của người Do Thái thời đó là tin rằng chỉ có những ai đến từ Thiên Chúa mới có quyền năng để trừ quỷ. Chúa Giêsu vừa trừ quỷ, nhưng những kinh sư và pharisiêu chứng kiến chuyện đó, lại thấy đó là một sự thật bất tiện cho họ, và vì thế họ đã chối bỏ sự thánh thiện của Chúa Giêsu. Khi đối diện với sự thật, hoặc là họ phải nhìn nhận một việc mà họ không muốn nhìn nhận, hoặc là họ xuyên tạc sự thật, phủ lên một lớp nghĩa khác cho sự thật đó. Họ đã chọn cái thứ hai, cáo buộc Chúa Giêsu trừ quỷ nhờ quyền lực của Satan, dù họ biết rõ rằng mình đang xuyên tạc sự thật. Họ biết quá rõ, biết rằng mình dối trá, nhưng sự thật đó quá khó chấp nhận đối với họ.

Ban đầu, Chúa Giêsu cố tranh luận với họ, chỉ ra rằng thật chẳng có lôgic khi cho rằng Satan lại đi trừ quỷ. Nhưng họ cứ ngoan cố, và thế là Chúa Giêsu đưa ra lời cảnh báo: “Ta nói thật cho các ngươi biết, mọi tội của con người đều sẽ được tha, mọi tội phạm thượng cũng thế, nhưng bất kỳ ai phạm thượng đến Thần Khí thì sẽ không bao giờ được tha, họ sẽ mắc tội vĩnh viễn.” (Mk 3, 28-29 hoặc Mt 12, 31-32) Chính xác thì lời cảnh báo này là gì?

Chúa Giêsu ngụ ý rằng: Hãy cẩn thận việc anh em đang làm bây giờ, việc phủ lớp vỏ dối trá quanh sự thật vì anh em thấy quá khó chịu để chấp nhận sự thật đó. Mối nguy là nếu anh em tiếp tục làm thế, thì cuối cùng anh em tin vào chính lời dối trá của mình. Đấy là điều không thể tha thứ, bởi anh em sẽ không còn muốn được tha thứ, bởi anh em sẽ xem sự thật là dối trá, và dối trá là sự thật. Tội đó không thể tha thứ, không phải bởi Thiên Chúa không muốn tha thứ, nhưng là bởi chúng ta không còn muốn được tha thứ.

Trong từ điển, thì “phạm thượng” là “hành động xúc phạm, hay thể hiện sự khinh miệt, hay là thiếu tôn kính với Thiên Chúa.” Chúng ta không phạm thượng khi nói bậy bạ vào những lúc nản lòng tuyệt vọng, chúng ta cũng không phạm thượng khi nắm tay giơ lên với Chúa trong giận dữ hay khi chúng ta ngoảnh mặt với Chúa vì cay đắng. Chúa có thể chịu được chuyện đó. Điều Chúa không chịu được là sự dối trá, là khi chúng ta nói dối đến mức tin vào lời dối trá của mình, bởi đến tận cùng lời dối trá đó làm biến dạng lương tâm chúng ta đến nỗi không còn phân biệt được sự thật với dối trá.

Thần học dạy chúng ta rằng Thiên Chúa là Một, là Duy Nhất, nghĩa là Thiên Chúa trước sau như một, và như thế bảo đảm rằng mọi thực thể cũng có một sự nhất quán nội tại, nói dễ hiểu thì nghĩa là không thể vừa có vừa không, nghĩa là hai nhân hai luôn bằng bốn, nghĩa là một cái cây luôn là một cái cây dù cho bạn gọi nó là gì đi nữa, nghĩa là trắng không thể là đen. Và như thế, sự thủy chung của Thiên Chúa cho chúng ta vừa có thể tin vào hiện thực vừa có thể tin tưởng vào nhận thức của chúng ta về nó.

Nhưng thời nay, điều đó đang bị công kích khắp nơi. Đấy là mối nguy đạo đức tột cùng. Thiên Chúa là Một, là trước sau như một, và nếu là thế, thì chúng ta đang buông tay Thiên Chúa, buông tay hiện thực, bóp méo lương tâm và phạm thượng đến Thần Khí.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch