T2, 05 / 2018 10:49 Sáng | Đức Tin Jesus

Trong một cuộc gặp gỡ với một bạn trẻ, sau khi nói chuyện trên trời dưới đất, bạn trẻ ấy có một lời đề nghị:

– Thưa cha, trong thời đại văn minh công nghiệp, con xin các cha mỗi khi dâng thánh lễ nên gói gọn trong khoảng 35 đến 40 phút là vừa.

Tôi tròn xoe mắt nhìn bạn trẻ ấy. Bạn lại nói tiếp:

– Thời buổi bây giờ mà phải ngồi nhìn và nghe các cha dâng thánh lễ từ 45 phút đến một tiếng là mệt mỏi lắm cha ạ, trong khi ấy còn biết bao công việc đang cần giải quyết nữa.

Tôi liền hỏi lại:

– Ngày Chúa nhật mà bận như vậy sao bạn?

Bạn trẻ trả lời:

– Cha đi tu nên cha không biết, ở ngoài đời chúng con đầu tắt mặt tối cũng chưa hết lo lắng này đến lo lắng khác!

Trước lời phân trần đó, tôi nói thật lòng:

– Ngày thường thì may ra có thể, còn ngày Chúa nhật thì cha cũng đã cố nhiều lần, nhưng không thể nào có thể cố được hơn nữa. Điển hình là trong Mùa Chay vừa qua, trong thánh lễ không đọc kinh Vinh Danh, cha sử dụng công thức sám hối vắn tắt, giảng lễ nói đôi câu, phần kết lễ nhanh gọn, vậy mà cũng phải tới 45 phút, may là phần rước lễ có nhiều thừa tác viên Thánh Thể trợ giúp, còn nếu không thì…

– Con nghĩ là phần giảng lễ thì khỏi cha ạ, vì trên các trang mạng có nhiều bài chia sẻ còn hay, còn đầy đủ hơn là cha nói nữa!

Trước những suy nghĩ, lập luận như vậy, tôi liền chốt lại trước khi đi quá xa:

– Vậy thì chúng ta đi tham dự thánh lễ để làm gì?

Bạn trẻ đó không trả lời, nhưng chỉ nói:

– Con xin góp ý vậy thôi, tùy quý cha…

………

Trong thời đại công nghệ, người ta muốn cái gì cũng phải nhanh gọn, đến ngay ăn cũng có “thức ăn nhanh”, trong việc di chuyển thì cũng tìm xe tốc hành, đi xe giường nằm buổi tối, lên ngủ một giấc, sáng tới nơi làm việc, xong việc, tối lại lên xe về. Chẳng có mất gì mà lại còn được lợi nữa.

Trong đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng, người ta cũng muốn hiện đại hóa cho nhanh chóng, gọn gàng, thuận lợi dễ dàng. Đến với thánh lễ mà ai cũng lại tính toán như vậy, thử hỏi có được ích gì thật sự không? Hay chỉ muốn cho xong, hoặc là tỏ cho người khác biết là ta cũng có đạo, còn việc phát huy tác dụng, đạt kết quả ra sao thì tính sau!