T4, 11 / 2017 12:31 Sáng | Đức Tin Jesus

Khi tâm hồn bất an là dấu hiệu nói lên rằng con người ta chưa thật sự “siêu thoát”, tôi rất thích danh từ này tuy là từ thường dùng bên nhà Phật, từ tiếng Pháp thì rõ ràng hơn, danh từ “từ bỏ” cũng man mác đúng, nhưng chưa diễn tả được hết cái nghĩa của nó.

Siêu thoát là không gì có thể làm xao động tâm hồn, nó thoát ly hết mọi sự, và trong sách Gương Chúa Giê-su cũng nhắc đến nhiều lần tâm trạng của một tâm hồn thật sự “siêu thoát”.

Các thánh đã chiếm được tâm trạng này, đó là không mừng rỡ khi được khen, không buồn khi bị người ta đối xử tệ bạc, một chỉ tìm niềm vui nơi Thiên Chúa. Thật là một mức tiến thật cao trên con đường tâm linh, dẫn đến sự hoàn thiện.

Nhưng mặt khác, nếu đạt đến sự siêu thoát này, tôi tự hỏi thì còn đâu là thánh giá vác cho Chúa? Có lẽ họ đã trải qua rất nhiều đoạn đường chông gai sỏi đá với thập giá trên vai mới đạt đến mức siêu thoát này; đó là sự bình an đến từ Thiên Chúa. Lời nói của Thầy Chí Thánh vang lên trong tôi: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).

Lạy Chúa Giêsu, đây là chân lý mà Chúa vừa soi sáng cho con, đó là sự “bình an của Chúa,” tâm hồn nào có được sự bình an này thì tất nhiên sẽ đạt đến mức siêu thoát tâm linh; xin Chúa ban cho con bình an của Chúa; nó bắt nguồn từ sự kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện và thinh lặng của tâm hồn yêu mến. Càng trải qua thời gian “lòng gần lòng” với Chúa thì tâm hồn sẽ lần lần chìm đắm trong bình an của Chúa và sự kết hiệp mật thiết với Người.  Thánh Gioan Thánh Giá  miêu tả chi tiết hơn tình trạng kết hiệp biến đổi với Thiên Chúa. Ngài  dùng hình ảnh ngọn lửa để so sánh: giống như lửa cháy và thiêu đốt củi đến độ củi trở thành ngọn lửa.

Lucia Tri Ân