T4, 12 / 2017 9:19 Chiều | Đức Tin Jesus

Khoảng ba năm nay, mỗi lần sinh hoạt với thiếu nhi hay thăm nom những vùng nghèo, trong hành trang của cha phó giáo xứ Gia Định – linh mục Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt – luôn luôn có sẵn một vài tiết mục ảo thuật. Tới đâu, cha đem tiếng cười gieo ở đấy. Niềm vui ngày càng nhân lên theo từng dấu chân đi.

“Ảo thuật gia” trong chiếc áo chùng thâm

Tôi có dịp biết cha Lê Quốc Kiệt trong một lần tình cờ đến tham dự một sinh hoạt Ngày quốc tế thiếu nhi tổ chức tại Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM. Hôm đó, trong chiếc áo chùng thâm, cha độc diễn một màn ảo thuật với nhiều tiết mục gây được sự thích thú cho các bạn nhỏ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một trong những bửu bối của vị mục tử trẻ.

Cha Kiệt trong một lần gặp gỡ ĐGH Phanxicô

Ảo thuật đến với cha rất tự nhiên. Khi còn ở chủng viện, mỗi thứ năm đi làm công tác xã hội, những tiết mục ảo thuật của các cha và các chủng sinh trong giờ phút giải lao đã nhẹ nhàng nhập tâm, nhưng lúc đó, vì chưa có điều kiện nên cha không tìm hiểu thêm. Năm 2009, cha Kiệt về giúp xứ Gia Định. Trong những chuyến thăm và tặng quà cho người nghèo ở khắp nơi, trông thấy nhiều cảnh khổ, lòng lại trăn trở nghĩ cách để mang thêm niềm vui đến cho họ. Và những trò ảo thuật của đàn anh ngày xưa đã gợi mở một lối đi cho cha.

Để thi thố được ảo thuật cần phải kiên nhẫn và chịu mày mò. Cha Kiệt kể, lúc còn nhỏ cha đã là một cậu bé tinh nghịch, hay phá phách. Bất kể đồ đạc gì trong nhà, hễ là máy móc, khi bị hư người nhà đều “đổ” là do cha làm. Lớn lên, cha theo học chuyên ngành công nghệ cũng là để tiếp tục với sở thích khám phá của mình. Lần đầu tiếp xúc với ảo thuật, cha thật sự hứng thú và nghĩ mình có thể làm được. Cha đọc sách, sau đó lên mạng tìm những video clip biểu diễn, dạy làm ảo thuật để xem. Cách học này không phải là một việc dễ dàng, có rất nhiều điều thắc mắc cũng như thiếu thốn về dụng cụ. Nhưng vì lòng say mê, dần dần cha tự giải thích được những khúc mắc và thực hành được nhiều trò biểu diễn một cách trơn tru. “Trong khi cùng anh em thăm viếng các địa chỉ có người lâm vào những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, tôi cảm nhận được ở họ luôn thiếu vắng niềm vui. Bằng chút sức mọn mà Chúa ban cho, tôi chỉ mong muốn làm sao họ được vui vẻ và thư giãn dù chỉ là mấy tiết mục ảo thuật trong những giây phút ngắn ngủi”, cha Kiệt trải lòng.

Cha luôn mặc áo chùng thâm để diển ảo thuật

Tính đến nay, cha Kiệt đã diễn ảo thuật ở rất nhiều nơi, từ các trường học tình thương, mái ấm, trại phong trong ngoài thành phố đến những vùng dân tộc ở đất cao nguyên xa xôi… Kỷ niệm trong quá trình biểu diễn có không ít. Nhưng với cha, thương nhất, nhớ nhất vẫn là ánh mắt háo hức, say mê của các bé con ngồi xem cha “làm trò”. Đó chính là nguồn động viên to lớn để cha không ngừng luyện “tay nghề” của mình, chăm chút cho những tiết mục càng ngày càng “tròn trịa” hơn để tiếp tục phục vụ. Mỗi khi diễn ở nơi nào, cha thường lên sẵn một danh sách các tiết mục ảo thuật, sau đó thêm vào “kịch bản” những chi tiết, tình huống dẫn dắt hài hước để màn biểu diễn trở nên sống động.

Đến nay, cha Kiệt có hẳn một bộ “đồ nghề” ảo thuật với nhiều dụng cụ phong phú. Để tích cóp được chừng đó, cha đã phải đi lùng nhiều nơi và đôi khi còn được người bán dạy thêm cho nhiều trò ảo thuật mới. Khá n giả mà cha hướng đến trước tiên là thiếu nhi. Đôi khi, trong các buổi diễn còn có nhiều người ngoài Công giáo xem. Trong những lần ảo thuật như thế, trang phục duy nhất cha mặc là chiếc áo chùng thâm. Hiển nhiên đây là một “ấn tượng” đối với nhiều người.

Niềm vui cứ thế nhân lên

Ngày được thụ phong linh mục, cha Kiệt chọn cho mình khẩu hiệu “Thiên Chúa là tình yêu”. Có lẽ lòng mến đó đã soi rọi, hướng dẫn cha đi trên con đường đồng hành cùng với những người nghèo khổ, bất hạnh. Gia Định là nơi cha phục vụ từ khi rời chủng viện đến nay. Ở đây, cha đã từng bước thể hiện những ấp ủ trong đời linh mục.

Từ năm 2010, cha tổ chức cho thiếu nhi ở xứ nuôi heo đất, số tiền tích cóp để giúp người nghèo. Gia Định có cả ngàn em thiếu nhi, mỗi năm nuôi heo đất hai lần, mỗi lần khoảng 700 con, nuôi vào mùa Vọng để đi chuyến bác ái vào dịp Tết, mùa Chay cho dịp hè. Gần năm năm, thiếu nhi với công việc nuôi heo đất của mình đã giúp hơn 1 tỷ đồng cho nhiều nơi. Từ việc san sẻ chút tiền tiêu vặt của mình cho những hoàn cảnh khó khăn hơn, cha muốn dạy trẻ biết yêu thương anh em, quan tâm nhiều hơn nữa đến người nghèo khó. Mỗi lần đập heo, các em được đi cùng anh chị lớn đến tận nơi để trao đi những phần quà. Thiếu nhi từ 6 – 12 tuổi đi thăm trẻ mồ côi, các cụ già; thiếu niên đến những trung tâm HIV, trại phong… Nguyễn Ánh Linh, một em thiếu nhi ở xứ nói: “Mấy lần đi đến với các bạn mồ côi, con thấy các bạn ấy rất tội nghiệp. Nhưng khi có người đến thăm và khi được xem cha ảo thuật thì vui vẻ hẳn ra. Thấy vậy con rất vui vì hiểu được nụ cười của các bạn cũng có một phần nào của mình trong đó”.

Cha Kiệt và cha sở đập heo đất do các em thiếu nhi tiết kiệm

Bằng phương tiện riêng và “chút đỉnh” dành dụm được, cha thường có những chuyến đi đến những chị em lỡ lầm, người già cả neo đơn, trẻ mồ côi,… Quà tặng đôi khi chỉ là vài gói mì, ít cân gạo hay một số nhu yếu phẩm nhưng sự quan tâm của cha đã đủ làm ấm lòng họ. Đến nơi nào có trẻ con, hay thuận tiện, cha đều làm ảo thuật. Nếu gia đình có việc trăn trở, cha hết lòng chia sẻ, cho lời khuyên. Cha như con ong chăm chỉ gom góp niềm vui từ những điều nhỏ nhặt rồi đem tặng lại cho người nghèo. “Cha Kiệt là một người vui vẻ và nhiệt tình. Trong công việc bác ái cha thường không nề hà. Vì vậy đến đâu người ta cũng thương, cũng quý”, anh Giuse Đào Đức Thắng, giáo lý viên thường đi cùng cha trong các chuyến thiện nguyện nhận xét.

Bổn phận của một linh mục là phải chu toàn công việc được giao phó trong giáo xứ. Vì thế, cha phải sắp xếp ưu tiên các công việc. Chút thời gian nghỉ ngơi còn lại, cha chia bớt cho niềm say mê ảo thuật. Chính điều này đã hỗ trợ ngược lại cho cha khi đứng trên tòa giảng vào các giờ lễ. Những gì học được từ ảo thuật, cha đôi lần vận dụng trong khi giảng. Có lần khi nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, ngài đã minh họa cụ thể bằng việc biến hóa trên các trái tim mô hình. Chính nhờ phương cách sinh động đó mà thu hút giáo dân tập trung vào bài giảng và sốt sắng hơn trong thánh lễ. Anh Lê Văn Thanh, một giáo dân chia sẻ: “Thật tình trong suốt thánh lễ làm sao tránh khỏi có lúc lo ra. Nhưng cái cách cha  thể hiện qua bài giảng làm tôi bị cuốn hút và tự nhắc mình phải  cầm lòng cầm trí hơn”.

Gần đây, ngoài ảo thuật, cha Kiệt còn học thêm cách nặn bong bóng thành những hình hài ngộ nghĩnh. Một số lần đến với thiếu nhi, cha thử nghiệm và thành công đã hiện lên trên gương mặt rạng rỡ của con trẻ. Về kế hoạch sắp tới, cha cho hay: “Nhờ có cha sở nâng đỡ, không ngừng tạo điều kiện, tôi mới có nhiều cơ hội đến với người khó khăn. Thời gian tới sẽ đi đến các bệnh viện, đem những chiếc bong bóng mà mình nặn được tặng cho các em. Bệnh viện buồn lắm, mong chút quà này dỗ dành được các em đang chiến đấu với bệnh tật!”.