T2, 03 / 2018 9:09 Chiều | Đức Tin Jesus

Chúng tôi gọi linh mục Vinh Sơn Trần Văn Hòa, chánh xứ Bình Thới (TGP.TPHCM ) với cái tên “người anh Cả” có lẽ cũng chẳng sai, vì trong giới Công giáo, dù không phải người duy nhất nhưng cha là một trong những vị mục tử đầu tiên và hiếm hoi đến nay theo học nghiệp báo chí. Được dịp chuyện trò với “người anh đồng môn”, chúng tôi hiểu thêm nhiều điều, nhận ra kiến thức học tưởng chừng khô khan lại được cha khéo léo đem vào trong công tác mục vụ tại xứ nhà.

Ông cha đi học báo chí
Ông cha đi học báo chí

Nhà thờ Bình Thới đón chúng tôi với tiết trời mát dịu, điều hiếm thấy khi vào mùa này, ở Sài Gòn không nắng gắt cũng mưa dầm. Ngôi thánh đường nằm trong con hẻm nhỏ, bao quanh là những dãy nhà san sát liền kề. Bước vào bên trong, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt là “Bản giao ước” đặt trang trọng ngay lối ra vào nhà xứ. Trên đó có 10 điều, ghi lại những điểm đã được thống nhất giữa người giáo dân với giáo xứ. “Ngày trước, cha ông ta sống trong làng thường có hương ước, gồm những quy định chung về đời sống tập thể, đó chính là mối dây giúp cho xã hội ổn định. Vậy tại sao mình không bắt chước và áp dụng vào trong giáo xứ”, cha Hòa nhớ lại lý do bản “hương ước” được khai sinh. Đặc biệt hơn, trên đó không chỉ nhắc nhở về cách ứng xử bên trong họ đạo, điều thứ 10 còn nhắn nhủ mỗi người về trách nhiệm công dân, vấn đề mà cha Hòa cho biết đã học hỏi từ đường hướng mục vụ của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình. “Cách làm này thiệt hay, thể hiện tinh thần yêu quê hương, cùng góp sức xây dựng lối sống đẹp của bà con Công giáo”, bà Tạ Thị Tâm, một người không Công giáo sống cạnh nhà thờ nhận xét.

Cha Hòa sinh năm 1944, thụ phong linh mục năm 1970. Gần 50 năm trong sứ vụ mục tử, cha đã luân chuyển qua 5 giáo xứ là Bà Chiểu, Bình Lợi, Bến Hải, Hoàng Mai, và từ năm 2005 về coi sóc Bình Thới. Bên cạnh việc đọc thì cha còn thích viết và tới nay đã cho ra đời khoảng 30 cuốn sách lưu hành nội bộ về thiếu nhi, hướng đạo, sách giáo lý và cả những cuốn nói về làm báo.

Bên ly nước mát rượi, vị mục tử kể về nghiệp viết lách của mình đến như một cơ duyên. Từ nhỏ, cha đã rất ham học vì nghĩ sẽ giúp bản thân biết thêm cái mới và cũng để đối nhân xử thế. Đến khi làm linh mục, lại càng phải học nhằm thực hiện tốt công tác mục vụ. Đó là lý do tại sao tới sau ngày chịu chức, cha vẫn theo đuổi niềm đam mê đèn sách. Năm 1990, thời điểm đang học Anh văn tại trường Đại học Tổng hợp TPHCM (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bây giờ), cha nhận bài sai chuyển từ giáo xứ Bình Lợi về coi sóc xứ Bến Hải. Về xứ mới, hai năm đầu, chuyện học hành được cha ngưng lại, dành hết thời giờ cho công tác mục vụ và tổ chức giáo xứ, đến ngày quay lại trường thì kết quả học trước đó bị xóa bỏ vì không được bảo lưu. Sau đó, ngài chọn cho mình cách tự học tiếng Anh tại nhà, còn ở trường chuyển hướng qua học ngành báo chí để làm dày thêm khả năng viết vốn có từ trước. “Ngày còn là chủng sinh và năm đầu đời linh mục, tôi đã cộng tác với nhiều tờ báo. Nhiều khi cầm tờ báo trên tay có bài mình trong đó nhưng lại không vui, bởi lẽ với lượng thông tin được đăng tải, nếu đủ kỹ năng, mình có thể khai triển rộng thêm, đánh động lòng người hơn nữa. Do đó, chọn học làm báo để bù vào những gì còn thiếu”, cha cho hay. Kể từ đó, ban ngày ông cố lo việc nhà xứ, tối lặng lẽ đến trường. Vào lớp học ở tuổi gần 50, cha là thành viên lớn tuổi nhất nên được mọi người tín nhiệm bầu làm lớp trưởng và thường gọi vui bằng biệt danh “bác học” (bác lớn tuổi còn đi học). Sau 4 năm, cha ra trường với khả năng viết lách vững vàng, thể hiện rõ nhất là soạn mỗi bài giảng dễ dàng hơn, lồng ghép vào đó không chỉ giáo lý, tín lý… mà còn những vấn đề đời thường để giáo dân đón nhận.

Cha còn là tuyên úy của phong trào Hướng đạo

Với kiến thức học được, ngài mở lớp truyền đạt kỹ năng báo chí cho nhiều người, giúp họ điều hành, quản lý giáo xứ, xây dựng bản thông tin cách khoa học hơn. Riêng mỗi cá nhân, sau khi kết thúc khóa, có thể tự tin thuyết trình hay viết bài về các hoạt động của đoàn thể mà mình đang tham gia. Song song với đó, cha còn mời người có kinh nghiệm đến truyền đạt kỹ năng sống cho giáo dân với nhiều khóa học như cắm bông, gói bá nh, hay âm nhạc…

Ngày còn ở trường, điều cha học được là muốn giỏi trong bất kỳ ngành nghề nào, phải duy trì thói quen đọc sách. Do đó về sau, quy tắc này được cha áp dụng vào việc mục vụ. “Đọc sách giúp ta hiểu biết thế giới xung quanh, giúp cho tâm hồn thư thái, biết xử trí cách nào là tốt nhất trong mọi hoàn cảnh”, cha chia sẻ. Để khuyến khích mọi người, nhất là giới trẻ trong xứ say mê việc đọc, cha dựng nên tủ sách  với nhiều đầu sách khác nhau. Riêng ngài trung bình mỗi tuần “ngốn” hết một cuốn.

Sau hơn 20 năm ra trường, khi nhìn lại, cha thấy việc học báo chí giúp ích cho bản thân rất nhiều vào công tác phục vụ giáo xứ. Thậm chí bây giờ, hễ có bạn trẻ nào cần tư vấn, ngài sẵn sàng ngồi hàng giờ đồng hồ để trò chuyện, định hướng cùng các em. Cha quan niệm : “Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, cần phải đi ra khỏi giáo xứ, đi ra ngoài đường để hội nhập vào xã hội. Báo chí là một phương tiện có lợi thế, vì học làm báo sẽ học được nhiều điều mới mẻ và đa dạng. Kiến thức sẵn có sẽ là chìa khóa phổ thông để người ta dễ dàng thâm nhập vào đời”.

Tham gia hướng đạo từ năm 1962, khi còn là cậu học sinh lớp 12, hiện ngoài coi xứ, cha còn là tuyên úy phong trào hướng đạo của TGP.TPHCM. Ngài đảm trách nhiều phận vụ khác nhau, song dù ở hoàn cảnh nào cũng đều để lại ấn tượng với nhiều người. “Tuy không làm việc với cha nhiều nhưng chính sự hòa đồng, gắn kết từ cha giúp chúng tôi cảm thấy thật gần gũi. Nhất là khi ngài lớn tuổi, lại lo việc nhà xứ nhưng vẫn là một hướng đạo sinh rong ruổi, lặn lội đó đây, tạo cho mỗi người động lực to lớn để biết hy sinh nhiều hơn cho phong trào”, anh Uông Đỗ Hòa, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Thanh Đa nói.

Cùng với công tác hướng đạo, vị mục tử còn quan tâm cả phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Trước năm 1975, cha đã là thành viên thuộc Ban chấp hành Trung ương viết ra nội quy với những tài liệu về thiếu nhi. Trước đó, vốn đã có kỹ năng hướng đạo nên cha khôn khéo lồng ghép nhiều phương pháp giúp cho các hoạt động thiếu nhi thêm sinh động và đa dạng.

PHÚ THỊNH

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc