CN, 10 / 2017 4:25 Chiều | Đức Tin Jesus

Đâu là ý nghĩa của đời sống ẩn tu ? Phải chăng đó là một cuộc sống được tách khỏi thế gian ? Tại sao lại dành cả cuộc đời mình để cầu nguyện mà không trực tiếp làm việc tông đồ ? Trước tiên, lời cầu nguyện Kitô hữu là gì ? Dưới đây là câu trả lời của một Thầy Dòng Biển Đức cho những thắc mắc của chúng ta.

Thầy đã dành phần lớn cuộc sống của Thầy để cầu nguyện. Vậy, lời cầu nguyện có thể phục vụ gì, thưa Thầy ?

Người đương thời là những người đầu tiên thừa nhận nhu cầu khát khao của họ đối với tôn giáo. Nhưng trong tâm thức họ, tín ngưỡng và nỗ lực không đi đôi với nhau. “Tôi chiêm niệm, bởi vì tôi cảm thấy tốt lành! ” Thái độ này thật là nguy hiểm bởi vì nó có xu hướng làm giảm lời cầu nguyện để có một kinh nghiệm tâm lý đơn giản. Khi Thiên Chúa nói với con người, đó là cái gì khác thường! Hoa quả đầu tiên của lời cầu nguyện là tình người. Các Thánh Giáo Phụ Hy Lạp đã viết những trang trữ tình “thần thánh hóa” về con người. “Con người vẫn là con người. Con người không thể trở thành Thiên Chúa. Con người lần đầu tiên tìm thấy hạnh phúc và tình người nơi bản thân mình”. Vì thế, cầu nguyện là hành vi tâm linh cao điểm nhất của con người. Và lời cầu nguyện của các ẩn sĩ luôn tìm kiếm để hiện tại hóa lời cầu nguyện của Chúa Kitô. Giống như Chúa Kitô lui vào sa mạc, lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Chúa Kitô là mô hình của tất cả các lời cầu nguyện. Chính Người thấu suốt tâm hồn mỗi chúng ta.

Đời sống thiêng liêng liệu có thể lấp đầy những khoảng trống không ?

Cầu nguyện là mối tâm giao tuyệt hảo. Những mối tương quan khác không đưa chúng ta đến việc gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, Đấng Phá n Truyền và là Đấng Cứu Độ. Cầu nguyện là để khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa tình thương. Điều này giả định về phía chúng ta, cần phải lắng nghe và đáp trả lời mời gọi. Thánh Biển Đức khuyên chúng ta sống “dưới cái nhìn trìu mến của Thiên Chúa”. Cần phải luôn luôn xác tín về sự hiện diện của Thiên Chúa Tình Yêu. Cái nhìn này có vẻ là điên rồ đối với con người hiện đại. Nhưng Thiên Chúa không phải là một người chuyên tố cáo. Cái nhìn trìu mến của Người đối với mỗi chúng ta là cái nhìn tràn đầy yêu thương. Niềm xác tín đã thúc đẩy, Thánh Biển Đức thốt lên : “Đó là cái nhìn không bao giờ bị bỏ rơi. Thiên Chúa luôn luôn hiện diện khi chúng ta cầu nguyện”!

Thánh Biển Đức có chỉ ra những công thức để cầu nguyện không, thưa Thầy ?

Thánh nhân đề nghị một lời cầu nguyện ngắn gọn và đơn sơ. Đây chính là điều trái ngược hẳn với người Pharisiêu vì họ quả quyết rằng Thiên Chúa không hiểu những lời lẽ đơn sơ. Những người Pharisiêu nghĩ rằng họ lý luận và dua nịnh để thuyết phục Thiên Chúa sẽ tốt hơn. Thần thánh của họ thì mù quáng và vô danh. Ngược lại, nguyên tắc mà Thánh Biển Đức dạy chúng ta đó là luôn cầu nguyện với tâm tình của người con thảo.

Các Thầy cao tuổi chiến đấu chống lại “tư tưởng tội lỗi” và “sự lo ra chia trí.” Còn Thầy?

Lo ra chia trí trí là một căn bệnh mãn tính. Cần phải cầu nguyện với tất cả những gì chúng ta đang sống. Lo ra chia trí có thể cung cấp một chất liệu mới cho lời cầu nguyện của chúng ta. Bước đầu cuộc sống tu trì của tôi, tôi có trách nhiệm phải hâm nóng lời cầu nguyện mỗi ngày. Trong tu viện như tu viện Dòng Biển Đức Saint Wandrille là trung tâm cốt lõi của đời sống cầu nguyện ! Mặc dù sự sốt sắng ra nguội lạnh, nhưng tôi không muốn bỏ lỡ kỷ luật trong nhà Dòng. Vì vậy, tôi tham dự các giờ kinh, không gì có thể ngăn cản tôi nhớ hâm nóng lời cầu nguyện. Tôi cần phải có thời gian để hiểu sự cần thiết của việc lo ra chia trí cắm rễ trong lời cầu nguyện của tôi. Cầu nguyện không phải là một sự vắng mặt của việc lo ra chia trí, càng không phải là một bản tóm tắt những suy nghĩ tuyệt vời hay những ý tưởng mới mẻ. Cầu nguyện là đặt mình chân thật trước mặt Thiên Chúa. Điều quan trọng là tôi không nên chờ đợi trở thành một vị thánh để bắt đầu cầu nguyện. Trái lại, cầu nguyện sẽ chỉ cho chúng ta thấy những điều chúng ta phải làm.

Cuộc sống của các Thầy thì khổ chế. Tại sao vậy ?

Tôi không cố ý tích lũy sự bí ẩn với những cảm giác khó chịu, điều không thể và sự khắc khổ của đời sống ẩn tu. Trong gần 16 thế kỷ, truyền thống Dòng Biển Đức luôn giữ được như vậy. Điều đó chứng tỏ rằng sự hy sinh tự nguyện luôn có một giá trị rất lớn. Sự hy sinh là điều khác hẳn với những hành vi đạo đức để đạt được một nhãn hiệu mang tên “người Kitô hữu thánh thiện”. Mùa Chay là một cơ hội để thực hành tinh thần khổ chế. Tâm hồn luôn luôn bị cám dỗ bởi các thói hư tật xấu. Vì khổ chế mang đậm ý nghĩa phục vụ con người mới đang ru ngủ con người hiện thực là chúng ta. Khổ chế giúp chúng ta hướng trọn vẹn về Đức Kitô hơn.

Làm thế nào để kéo dài đời sống tu trì?

Ban đầu, chúng tôi luôn luôn có một động lực thúc đẩy. Tuy nhiên, sự sụt giảm tinh thần không lâu ùa tới. Chúng tôi không đi quá bước để không kịp trở lại và cũng không đi quá xa để tự mãn là mình đã đạt được mục đích. Trên tất cả, cần phải có thời gian chịu thử thách. Giải pháp này không dừng lại một chỗ mà luôn luôn tiếp tục. Quả thật, cái nghèo dưới ánh mắt của chúng ta lại trở nên giầu có dưới lăng kính yêu thương của Thiên Chúa. Tôi nhớ đến Thánh Vịnh 40 : “Chúa không muốn nhận của lễ hy sinh cũng không nhận của lễ đền bồi, con liền thưa : Này con xin đến”! Đó là bản tóm tắt kinh nghiệm của Thánh Kinh. Ông Abraham đã rời bỏ xứ sở quê hương mình để đi đến vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa. Trên thực tế, ông Abraham chỉ có chút hy vọng mong manh dựa vào các chỉ dẫn : “Hãy đi và con sẽ thấy “!