CN, 03 / 2018 1:02 Chiều | Đức Tin Jesus

Mồ hôi máu Người đổ ra không phải chỉ là máu của người yêu, là nỗi đau ám ảnh của một tình yêu khó nắm bắt, nỗi đau cay đắng của một tình yêu chua chát, hay nỗi đau dày xéo phải quên đi tình cảm lãng mạn để giữ lòng chung thủy. Đức Giêsu đã trải qua những điều này trong vườn Giết-xê-ma-ni, nhưng ở đây còn có ý nghĩa khác hơn thế. Người đã phải đổ mồ hôi máu của người yêu, quyết tâm chịu đựng căng thẳng trong cộng đoàn để chuyển hóa và làm nó mất đi. Trong Vườn Giết-xê-ma-ni, Đức Giêsu đã đổ mồ hôi máu của Con Chiên Thiên Chúa để chuộc tội trần gian.

Đức Giêsu là con Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tội lỗi trần gian. Đó là tâm điểm ý nghĩa của Ki-tô giáo về sự cứu chuộc, đó cũng là biểu tượng tối hậu của đức tin chúng ta. Có nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng luôn luôn trong cùng một nghĩa: “Cuộc thương khó của Đức Giêsu chuộc tội chúng ta.” “Máu Con Chiên Thiên Chúa rửa sạch chúng ta.” “Chúng ta được chữa lành nhờ các lằn roi hằn trên lưng Người.” “Cuộc thương khó của Đức Giêsu đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.” Nhưng, chúng ta được rửa sạch và hòa giải với Thiên Chúa qua máu Đức Giêsu như thế nào?

Kinh Thánh tả lại điều này bằng ẩn dụ và một cách chính xác, chúng ta phải cẩn thận, để không hiểu các ẩn dụ này theo nghĩa đen. Đức Giêsu không chết đi để Thiên Chúa nguôi giận, cơn giận mà loài người không thể làm gì để xoa dịu. Thiên Chúa cũng không cần phải thấy con Ngài chịu đau khủng khiếp và bị làm nhục mới tha tội cho chúng ta. Thiên Chúa không cần xoa dịu; có thể cho là như vậy, mặc dầu, đó là những gì ẩn dụ và biểu tượng về “Con Chiên Thiên Chúa” gợi ý lên.

Đức Giêsu mang lấy tội lỗi, không phải để xoa dịu một cơn gịân nào đó của Thiên Chúa, nhưng để ngấm trong lòng và chuyển hóa tội lỗi chúng ta. Bằng cách nào?

Thời xa xưa có những lễ “hiến tế”, các nghi thức phụng vụ nhắm mục đích đưa căng thẳng ra khỏi cộng đồng. Khi các căng thẳng trong cộng đoàn tăng cao, các cộng đoàn họp nhau lại và một cách tượng trưng, họ khoác các căng thẳng này trên một con dê hay một con chiên, rồi họ đuổi chúng chạy vào rừng hoang để chết. Theo quan niệm đó, “vật tế thần” sẽ đem căng thẳng và tội lỗi ra khỏi cộng đoàn, bằng cách rời cộng đoàn và chết đi.

Đức Giêsu cũng làm như vậy, nhưng khác một cách tận căn. Người lấy tội lỗi và căng thẳng ra khỏi cộng đoàn, không phải bằng cách chết và ra đi, nhưng bằng cách để ngấm trong lòng và chuyển hóa chúng thành một điều khác. Người làm như thế nào?

Một hình ảnh (đáng buồn, có tính máy móc hơn là có hệ thống) có thể hữu ích ở đây: Đức Giêsu lấy đi tội lỗi chúng ta giống như nguyên tắc bình lọc nước. Bình lọc lấy nước dơ vào, giữ nước dơ lại, lọc để nước sạch chảy ra. Chuyển hóa chứ không phải chuyển giao.

Chúng ta thấy điều này nơi Đức Giêsu: Như chiếc bình lọc, Người làm thanh khiết cuộc đời: Người nhận vào căm thù, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại tình yêu; Người nhận vào cay đắng, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại nhân từ; Người nhận vào lăng nhục, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại phúc lành; Người nhận vào xáo trộn, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại trật tự; Người nhận vào sợ hãi, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại tự do; Người nhận vào ghen ghét, giữ nó, chuyển hóa và gởi trả lại yêu thương; Người nhận vào xa-tăng và sát nhân, giữ lại, chuyển hóa và gởi trả lại Thiên Chúa và lòng bao dung. Đức Giêsu lấy đi tội lỗi thế gian cũng một cách giống như bình lọc nước, lấy chất dơ khỏi nước, ngấm vào, giữ lại đồ dơ và chỉ để nước sạch chảy ra.

Thật không dễ để làm. Làm mà không oán giận, có nghĩa là đổ mồ hôi máu, máu của một người yêu thương. Như một người đang yêu, Đức Giêsu đi vào Vườn Giết-xê-ma-ni, và như chúng ta, Người cũng bị lôi kéo về phía cay đắng, sợ hãi, oán giận, và tự vệ. Như chúng ta, Người cũng bị ám ảnh theo chiều hướng này. Nhưng đây là tâm điểm, ở vườn Giết-xê-ma-ni, Người đã chuyển hóa chứ không chuyển giao các cám dỗ này. Đức Giêsu không đơn giản đáp trả theo kiểu để năng lượng tự tuôn chảy qua con người mình. Người làm tinh khiết năng lượng ấy, ngấm các căng thẳng và tội lỗi vào lòng. Người trả bằng máu, sự sống và danh tiếng của mình. Người đã phải đổ mồ hôi máu, nhưng trong vườn Giết-xê-ma-ni, người đích thực là người yêu đánh đổi tất cả để đem lại hòa hợp cho căng thẳng, thứ tha cho tội lỗi, ngấm hết vào mình căng thẳng và tội lỗi, đem chúng ra khỏi cộng đoàn. Mồ hôi máu đổ ra theo cách như vậy thật sự đã rửa sạch tội lỗi con người.

Và, Đức Giêsu làm như vậy không phải để chúng ta khâm phục nhưng để chúng ta noi gương Ngài. Vườn Giết-xê-ma-ni mời gọi mỗi người chúng ta bước vào và lớn mạnh lên. Mời gọi chúng ta đổ mồ hôi máu của người yêu, ngấm giữ vào lòng, làm thanh khiết, chuyển hóa căng thẳng và tội lỗi chứ không đơn giản chuyển chúng đi.

Cha Ronald Rolheiser
J.B. Thái Hòa dịch