T7, 06 / 2018 4:36 Sáng | Đức Tin Jesus

Với linh mục Vinhsơn Bùi Tuấn Hiếu (chánh xứ Ông Chưởng, giáo phận Long Xuyên), song song với xây dựng đức tin, cha luôn bận lòng với chuyện học hành của lớp trẻ.

Nỗi thao thức của ông cha từng học sư phạm

Nỗi thao thức của ông cha từng học sư phạm

Cha Vinhsơn Lê Văn Bằng, quản hạt Chợ Mới nhắn với chúng tôi : “Về miệt này làm gì thì làm, phải ghé nhà thờ Ông Chưởng. Cha Hiếu coi xứ ở đó trẻ tuổi mà nhiệt tình, năng nổ, chịu khó…”. Nghe vậy, mấy anh em mường tượng chắc hẳn xóm đạo cũng sẽ rất nhộn nhịp và ấm áp. Dịp này sẽ được nghe nhiều chuyện hay…

Mái nhà chung

Họ đạo Ông Chưởng cách thành phố Long Xuyên độ 20 cây số về hướng Chợ Mới, cùng tỉnh lộ 946, đi thêm chút nữa là đến trung tâm huyện. Vùng quê, nhà bà con lợp mái tôn thấp lè tè, một số thì lợp lá, ở san sát nhau. Nhà thờ nằm giữa, mang một màu xanh nổi bật, như cái nôi sinh hoạt của cả ấp. Giáo dân nơi đây sống xen lẫn với nhiều tôn giáo khác, mà đông hơn cả là Hòa Hảo. Cứ một gia đình Công giáo có khi ở kế ba, bốn gia đình tôn giáo bạn. Nếp thờ phượng và sinh hoạt khác nhau, vậy mà nghĩa tình đậm đà. Ai gặp khó khăn, có chuyện buồn thì mọi người san sẻ. Còn có học trò nào trong vùng thi đậu đại học thì hẳn đó không phải là niềm vui của riêng gia đình mà cả xóm ăn mừng. Trung thu hay Tết, họ đạo tổ chức vui chơi chung cho con trẻ cả lương lẫn giáo. Những buổi chiều, mấy đứa con nít xúm xít bên sân nhà thờ. Cha mẹ chúng vừa trông chừng con đùa giỡn, lại được dịp trò chuyện. Niềm vui đơn giản sau một ngày làm vườn mệt nhọc đối với các ông có lẽ là lai rai vài ly rượu, huyên thuyên chuyện đời. Trong một góc sân, các bà thủ thỉ chuyện sấp nhỏ học hành, bếp núc…

Linh mục Vinhsơn Bùi Tuấn Hiếu từ khi về nhận họ đạo đã 8 năm. Sinh năm 1971, thời điểm mới đặt chân đến xứ, cha vẫn còn rất trẻ. Ấy thế mà chẳng bao lâu sau, cha cho xây dựng lại thánh đường. Một việc làm đòi hỏi nhiều công sức lẫn kinh phí, với ông cố trẻ hẳn là thử thách. Mở cuốn album dày ra, ông cố chỉ cho chúng tôi hình ngôi nhà thờ cũ. Đúng là nhỏ bé quá so với cơ sở khang trang hiện tại. Lật qua những bức kỷ niệm sinh hoạt giáo xứ, đột nhiên đến hình ông cha xắn quần, tay chân nhem nhuốc cặm cụi bên đống xi măng, cát đángổn ngang. Chúng tôi trố mắt nhìn. Ông cố cười to: “Mình đấy!”. Năm 2015, ngôi nhà thờ hoàn thành trong niềm vui sướng của họ đạo. Rồi cha cho sửa sang lại khu Đất Thánh cho rộng đẹp hơn. Ông Lê Ngọc Em, 59 tuổi, Chủ tịch HĐMVGX, người gắn bó nhiều cùng cha trong mục vụ tâm sự: “Cha sở sống nặng lòng với giáo hữu. Đi thăm viếng, cha để ý hoàn cảnh nghèo, những ai già cả, những ai có con đi học xa không đủ tiền chăm lo, nhà người nào xập xệ…, cha đều nhớ và giúp họ cách này cách khác. Hồi xây nhà thờ, cha cũng xông pha với anh em, chuyện nặng nhẹ gì cũng đòi làm ráo trọi…”. Chương trình bác ái của cha được thực hiện quanh năm, giúp đỡ bà con nói chung chẳng phân biệt cùng hay không cùng tôn giáo. Phòng bếp của nhà xứ vào các mùa lễ Tết biến thành cái kho chứa gạo.

Nhiệt tình trong công trình nhà chung xứ đạo – ảnh: tư liệu giáo xứ

Là cha, và là thầy

Hai năm nay, khi những mối bận tâm về vật chất họ đạo đã được giải quyết, cha Hiếu có nhiều giờ hơn chăm lo cho các cộng đoàn, nhất là lớp trẻ. Cha mở lớp, trực tiếp dạy Anh văn cho thiếu nhi. Mỗi lớp độ chục em theo các độ tuổi, bắt đầu từ tiểu học. Trong năm, ông cố cũng treo phần thưởng để tụi nhỏ có thêm động lực học tập, bao gồm học bổng, tập sách, xe đạp… Nhờ đó mà dần dà thiếu nhi siêng năng học hơn và hăng hái tham gia sinh hoạt. Gần gũi với các em nên cha dễ nắm bắt tâm lý, kịp thời giúp đỡ. Không chỉ là vị chủ chăn, cha Hiếu giống như một người anh thân ái để những bạn học sinh, sinh viên giãi bày tâm sự, khúc mắc trong tình cảm, lối sống. Cha nhớ rõ từng trường hợp trong xứ đạo : năm nay có bao nhiêu em đang chuẩn bị thi tốt nghiệp, bao nhiêu sinh viên của xứ cần được hỗ trợ để gia đình bớt gánh lo…“Ở đây vốn nghèo, cha mẹ làm thuê, làm mướn là chủ yếu. Cứ không học thì không có điều kiện vươn lên được, quanh quẩn trong lối xóm thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái mà mình lo là các em muốn học nhưng không có tiền trang trải”, cha tâm tình.

Giữa biết bao bận rộn, cha Hiếu vẫn đau đáu chuyện học hành của thế hệ trẻ. Bên ly trà ấm trong phòng khách, nói về mục vụ xứ đạo, ký ức trong cha được dịp ùa về. Cha sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khổ tại vùng Cái Sắn. Cả một tuổi thơ được kết dệt bằng những ngày làm đồng, bắt tôm mò tép. Nhà có 8 anh em. 5 tuổi, cậu bé Hiếu đã biết cắt lúa. Miếng cơm nguội là thức quà quen thuộc những buổi sáng đi học. Điều kiện thiếu thốn, phải rất vất vả cha mới có thể lấy bằng cử nhân sư phạm toán. Vì thế hơn ai hết, cha hiểu rõ những nỗi khổ mà các em sinh viên nghèo đang chịu đựng. Vừa là mục tử, vừa có tấm lòng của một người thầy được đào tạo bài bản ở mái trường sư phạm, cha dành nhiều tâm sức cho các bạn với mong muốn cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chăm lo thế hệ mai sau – ảnh: tư liệu giáo xứ

Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1995, cha vào Đại Chủng viện Thánh Quí – Cần Thơ. “Sao cha đi tu, trong khi gia đình nghèo khó như thế?”, chúng tôi hỏi. Ông cố lý giải cách nhẹ nhàng: “Ơn Chúa diệu kỳ, cha chẳng biết! Ngày ấy, cha có đám bạn 6 người trong kênh chơi rất thân, cùng sinh hoạt xứ đạo, cùng chở nhau đi học, khi học xong thì một bạn nữ đi tu; rồi 3 bạn nam cũng rủ nhau tìm hiểu cho biết. Thấm thoát đã làm linh mục hết rồi. Cũng chính vì thế nên khi làm mục vụ, mọi việc cha đều phó thác vào sự quan phòng của Chúa…”.

Thời gian lặng lẽ trôi, chẳng mấy chốc mà đã gần một thập niên gắn bó, điều đọng lại trong lòng tín hữu là sự chân thành, tâm huyết nơi cha. Với giáo dân, cha hòa nhập như chính những người con của vùng đất này…

HÙNG LUÂN

Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc