T3, 04 / 2018 12:57 Chiều | Đức Tin Jesus

Theo tinh thần lạc quan, vui tươi và khó nghèo của vị sáng lập, các tu sĩ dòng Phanxicô (Anh Em Hèn Mọn) đã miệt mài ra đi và phục vụ bằng những nén bạc được Chúa trao phó.

Phục vụ qua nghệ thuật

Khi nhắc đến thánh Phanxicô Assisi, ngoài hình ảnh khó nghèo, người ta liên tưởng ngay đến chân dung một nghệ sĩ thích đàn ca, sáng tác. Ðặc điểm từ vị thánh sáng lập này đã tạo nên nét độc đáo riêng cho dòng Phanxicô là luôn ủng hộ khi các tu sĩ theo đuổi nghệ thuật. Bởi thế, dòng có nhiều tu sĩ tham gia đủ mọi lĩnh vực, từ hội họa, điêu khắc đến âm nhạc, nhiếp ảnh… Là người vẽ lịch cho nhà dòng đã nhiều năm nay, thầy Giuse Hoàng Trung Quân kể: “Trước khi đi tu, mình đã theo học trường Cao đẳng thiết kế đồ họa. Khi có ơn gọi thì tiếp tục liên thông lên Ðại học. Bài thi tốt nghiệp của mình lúc đó là vẽ minh họa cho những bài đồng dao. Mình cảm thấy nét vẽ trẻ con, thiên về sự vui vẻ, thoải mái này rất gần với phong cách Phanxicô nên bắt đầu diễn đạt lại những đoạn ngắn trong Trường ca về tạo vật của thánh Phanxicô bằng tranh vẽ. Ðược anh em ủng hộ nên mình lấy đó làm minh họa cho bộ lịch qua các năm của dòng luôn”. Những năm sau đó, với nét vẽ đồng dao ngộ nghĩnh này, lịch của dòng càng đa dạng qua nhiều hình ảnh thể hiện tinh thần, nhân đức của thánh Phanxicô.

Dù các tu sĩ Phanxicô luôn thỏa sức với đam mê nghệ thuật, nhưng cuối cùng, những nỗ lực sáng tạo của họ luôn nằm gọn trong hai chữ phục vụ. Ghé vào thăm xưởng điêu khắc của nhà dòng ngụ tại quận Bình Thạnh (TP.HCM), chúng tôi có thể thấy rõ niềm say mê và cống hiến không ngừng cho Giáo hội của người “nghệ sĩ Phanxicô” qua từng tác phẩm đã và đang thành hình. Thầy Trần Quang Vinh, phụ trách xưởng điêu khắc hiện nay cho biết, cơ sở này được thành lập từ năm 2007. Thời điểm đó, thầy Vinh đang theo học tại trường Ðại học Mỹ Thuật TP.HCM. Ngoài việc học, thầy tụ họp vài anh em cùng đạo tại trường thành một nhóm chuyên đi giúp về điêu khắc cho các nhà thờ, cơ sở Công giáo. “Công việc đó duy trì cho đến tận bây giờ. Tôi ưu tiên phục vụ các công trình nhà thờ với câu châm ngôn: Gặp gỡ Thiên Chúa trong nghệ thuật và qua nghệ thuật sẽ giới thiệu Thiên Chúa cho mọi người. Ðó cũng là con đường tu tôi chọn lựa”, thầy Vinh bày tỏ.

Bởi mục đích cùng rốt là phục vụ nên nhà dòng cũng quan tâm đến việc đào tạo ra lớp kế thừa. Hơn 30 năm nay, “Viện Âm nhạc Phan Sinh” chính là minh chứng sống động cho sự cố gắng đào tạo nên nguồn nhân lực giúp sức tại các giáo xứ, giáo phận. Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Thảo chia sẻ: “Chọn âm nhạc như một con đường để đem Tin Mừng đến cho mọi người, dòng muốn đào tạo nên những ca viên, nhạc viên, người đệm đàn… để giúp lại cho các giáo xứ. Chính vì thế, dòng luôn hỗ trợ cho những học viên ở xa đến dự các khóa ngắn hạn có được chỗ nghỉ ngơi, và hơn hết, đội ngũ giáo viên luôn tận tâm hướng dẫn để học viên có thể tiếp thu một cách tốt nhất”.

Cô dâu nghèo khó

Trong một giai thoại về thánh Phanxicô có kể lại rằng, khi ngài từ chối chung vui trong các buổi hội hè, bạn bè của ngài đã trêu chọc và hỏi có phải ngài sắp kết hôn không. Lập tức, thánh Phanxicô, khi đó vẫn còn là một cậu thanh niên đã dứt khoát rằng: “Phải, với một cô dâu đẹp hơn bất cứ người phụ nữ nào mà các cậu từng gặp”. Và ngụ ý của cậu thanh niên lúc ấy, cô dâu này, chính là “sự nghèo khó”.

Gần một thế kỷ dòng Phanxicô có mặt tại Việt Nam, những tu sĩ áo nâu đã luôn giữ nguyên vẹn và thực hành lý tưởng “khó nghèo” mà đấng lập dòng ấp ủ. Ở nơi nào có bóng dáng linh mục, tu sĩ Phanxicô hiện diện, người nghèo như trút được gánh nặng bơ vơ. Bước chân họ in dấu khắp nơi: Trên những vùng núi cao heo hút, anh em đi đến với người dân tộc, viếng thăm và giúp về y tế cho bà con. Hành trang mang theo, ngoài khả năng chuyên môn còn là trái tim ấm áp, sẵn sàng nâng đỡ mọi người. Thầy Benedict Lê Huy Mỹ, người đã gắn bó hơn 20 năm với công việc khám bệnh và phát thuốc cho những người dân tộc ở lân cận xứ Ðồng Dài (giáo phận Nha Trang) tâm niệm: “Khi tiếp xúc, phục vụ cho bệnh nhân nghèo, tôi nhận ra một trong những điều quan trọng của đời sống chính là tìm được sự bình an và mang bình an đó đến cho người khác”.

Có thể thấy, trong tất cả các hoạt động bác ái, đối tượng mà dòng Phanxicô hướng đến không chỉ là người nghèo mà cả những người tâm thần, người khuyết tật, cơ nhỡ, bị bỏ rơi. Như ở Mái ấm Phan Sinh (quận Bình Tân), tu sĩ Phanxicô vẫn ngày ngày nỗ lực vun đắp đời sống của anh em khuyết tật. Không chỉ tận tụy chăm sóc cho sinh hoạt hằng ngày, “áo nâu” còn trăn trở làm sao cho tinh thần họ được tốt hơn. Linh mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Huy, phụ trách mái ấm cho biết: “Từ tháng 10 vừa rồi mình có bày cho anh em làm chuỗi Mân Côi, chủ yếu là cho họ khuây khỏa. Dù thù lao không bao nhiêu nhưng mọi người hưởng ứng lắm vì cảm thấy công việc có ý nghĩa. Sắp tới, mình dự định sẽ cho anh em làm thêm một số đồ thủ công mỹ nghệ phù hợp với khả năng”. Cứ thế, những số phận dường như chạm tới tuyệt vọng đã được đón về nương náu tại cơ sở của nhà dòng và tìm thấy niềm hạnh phúc từ cuộc đời mới. “Tôi bị khuyết tật sau tai nạn đột ngột. Lúc mới vào đây sốc và buồn lắm chứ. Nhưng nhờ các cha, thầy ủi an và sống dưới mái nhà yên bình này nên dần cũng nguôi ngoai ”, anh Phanxicô Maria Nguyễn Văn Chiến, thành viên mái ấm xúc động nói.

Dùng tình thương mà đối đãi, tu sĩ dòng Phanxicô cũng đã mang lại cho các nam bệnh nhân tâm thần sống nơi Trung tâm Ân Phúc một bầu không khí gia đình. Sát cánh bên người bệnh, hằng ngày, các linh mục, tu sĩ tất bật lo từng bữa ăn, giấc ngủ, tự tay tắm rửa cho từng người và hướng dẫn họ vệ sinh phòng ốc rồi trông chừng khi họ tham gia các trò chơi vận động… Tưởng phải có một sự kiên nhẫn rất lớn khiến các tu sĩ của dòng đảm đương và gắn bó với công việc này, nhưng hóa ra, mọi thứ dường như nhẹ tênh qua chia sẻ của linh mục Giuse Ðỗ Ðức Vượng – Giám đốc Trung tâm Ân Phúc: “Có bao nhiêu cái lanh lợi, hoạt bát, anh em mình hưởng hết rồi, tại sao họ lại không? Biết đâu Chúa ban thưởng cho mình nén bạc ấy để mình phục vụ tốt hơn cho họ”.

“Kết hôn” với khó nghèo, tu sĩ dòng Phanxicô đang từng ngày dấn bước ra vùng ngoại biên, đem ánh sáng Tin Mừng đến cho những mảnh đời bất hạnh, khốn cùng.