T6, 12 / 2017 6:52 Chiều | Đức Tin Jesus

Các môn đệ hỏi Người rằng: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?” (11) Người đáp: “Ông Êlia phải đến để chỉnh đốn mọi sự. (12) Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Êlia đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”. (13) Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gioan Tẩy Giả.


Ngày 10/11/1948, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng công bố bản Tuyên ngôn nhân quyền. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ. Gia nhập Liên Hiệp Quốc có nghĩa là ký tên vào bản Tuyên ngôn này và đương nhiên cam kết bênh vực quyền con người.

Thật ra, chỉ Thiên Chúa là Đấng có thể ban cho con người quyền và phẩm giá được làm người mà thôi. Trong tác phẩm: “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết:

“Thật hiển nhiên là quyền con người đã được Đấng sáng tạo ghi khắc trong trật tự của công cuộc sáng tạo. Như vậy chúng ta không thể nói đến những ban nhượng từ phía các tổ chức của con người. Những tổ chức này không làm gì khác hơn là diễn tả những gì chính Thiên Chúa đã ghi khắc trong trật tự Ngài đã tạo đựng: trong lương tâm hay trong quả tim con người như thánh Phaolô đã giải thích trong thư Rôma. Tin Mừng là sự khẳng quyết trọn vẹn nhất về mọi quyền con người. Không có Tin Mừng, chúng ta rất dễ xa lạ với chân lý về con người. Thật thế, Tin Mừng cho thấy các luật thần linh đang bảo toàn trật tự luân lý của vũ trụ và củng cố nó, nhất là qua cuộc Nhập Thể. Con người là ai mà Con Thiên Chúa mặc lấy bản tính con người. Con người phải là điều cao quý khi Con Thiên Chúa đã phải trả một giá đắt nhất cho phẩm giá của nó. Mỗi năm phụng vụ diễn tả sự thán phục sâu xa của mình khi chiêm ngắm chân lý và mầu nhiệm này trong lễ Giáng Sinh cũng như trong đêm Vọng Phục Sinh: “Ôi tội hồng phúc vì đã mang lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao cả”. Đấng Cứu Chuộc khẳng quyết quyền con người bằng cách tái lập sự toàn vẹn của phẩm giá mà con người đã lãnh nhận khi Thiên Chúa tạo dựng nó theo và giống hình ảnh Thiên Chúa”.

Những lời trên đây giúp chúng ta hiểu được sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu nói đến tiên tri Êlia, tiên tri Gioan Tẩy giả và chính thân phận của Ngài. Êlia là hiện thân của một cuộc tranh đấu không nghỉ ngơi cho công bằng và quyền con người. Ngài đã mở ra một thế hệ các tiên tri luôn lên tiếng tố cáo những bất công và kêu gọi tôn trọng phẩm giá con người, nhất là những người cùng khổ, những người bị áp bức. Chúng ta cũng bắt gặp dung mạo ấy trong vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước là Gioan Tẩy Giả. Lời kêu gọi sám hối của Gioan cũng là một cảnh cáo trước những bất công xã hội và vi phạm nhân quyền, nhất là những người thấp cổ bé miệng trong xã hội. Chúa Giêsu xuất hiện trong truyền thống tiên tri ấy. Ngài là tiên tri của các tiên tri, Ngài không những lên tiếng tố cáo bất công, mà còn đề cao quyền và phẩm giá cao trọng của con người nơi những người bé mọn bị đẩy ra bên lề xã hội. “Con người cũng phải đau khổ như thế”. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá trước hết là một điển hình cho những vi phạm tôn giáo. Nhân danh quyền lợi dân tộc và theo một hình thức tố tụng tùy tiện và độc đoán nhất, người ta đã kết án Ngài phải chết một cách bỉ ổi nhất. Tuy nhiên, cũng qua cái chết ấy. Chúa Giêsu đã thể hiện phẩm giá cao cả của con người.

Chân lý của con người đã được thể hiện trong cái chết của Chúa Giêsu. Cái chết ấy là một lời ngỏ của Thiên Chúa với con người. Con người cao cả đến độ Thiên Chúa đã ban tặng người Con Một của Ngài. Dù muốn hay không, không ai chối cãi được rằng ý niệm về nhân quyền như được đề cao trong bản Tuyên ngôn nhân quyền đã cắm rễ sâu trong mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Kitô giáo. Người ta không thể hiểu và chấp nhận phẩm giá cũng như các quyền con người, nếu không nhìn nhận nền tảng là con người đã được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa và được cứu chuộc bằng chính cái chết của Chúa Giêsu. Amen