T3, 01 / 2018 11:40 Sáng | Đức Tin Jesus

1- Tình yêu đâu có phân biệt tuổi tác, tôn giáo, hay tình trạng cuộc sống. Vì thế chẳng có luật nào cấm con không được yêu người đã có gia đình nhưng nay đang sống độc thân.

2- Tuy nhiên khái niệm “sống độc thân” nơi Giáo Hội Công giáo phải được hiểu là chưa kết hôn bao giờ, hay đã kết hôn nhưng người phối ngẫu nay đã chết. Còn đã kết hôn, nay sống một mình vì li dị thì không được hiểu là độc thân.

3- Người công giáo chưa kết hôn, muốn lấy người ngoại đạo đã ly hôn thì có được làm lễ cưói không? Thưa không, bởi cho dẫu là người ngoại ly hôn thì họ vẫn bị chi phối bởi đặc tính của hôn nhân tự nhiên: một vợ một chồng và bất khả phân ly. Vì hôn nhân là một định chế do Thiên Chúa thiết lập, con ngừoi không có thẩm quyền phá vỡ định chế này. Cho nên, người tín hữu công giáo không được phép kết hôn với người không công giáo đã kết hôn hợp pháp theo dân luật, cho dẫu họ đã ly dị.

Kết hôn với người ngoại đạo đã ly hôn
Kết hôn với người ngoại đạo đã ly hôn

4- Nếu người ngoại hoàn toàn tự ý ưng thuận trở thành người tín hữu công giáo, thì người công giáo được phép kết hôn chiếu theo đặc ân đức tin của thánh Phaolô. Và khi được phép kết hôn, đôi hôn phối được phép cử hành bí tích Hôn Phối trong Thánh lễ, được gọi là lễ cưới, nếu linh mục chánh xứ nhận thấy không có gì bất tiện trong công việc mục vụ nơi giáo xứ mà ngài phục vụ. Giáo Huấn Giáo Hội dạy: “Trong nghi lễ La tinh, bí tích Hôn Phối giữa hai tín hữu công giáo thường được cử hành trong thánh lễ, vì tất cả các bí tích đều liên kết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô. Trong thánh lễ, việc tưởng niệm Giao Ước Mới được thực hiện, trong đó Đức Kitô đã kết hợp Người cách vĩnh viễn với Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh, vì Hội Thánh đó mà Người đã nộp mình. Vì vậy, đôi phối ngẫu phải đóng ấn sự ưng thuận trao tặng chính mình cho nhau bằng lễ dâng cuộc đời họ, khi họ kết hợp sự ưng thuận đó với lễ dâng hiện tại của Đức Kitô vì Hội Thánh Người, được hiện thực trong Hy lễ Thánh Thể, và khi họ rước lễ, để nhờ hiệp thông với chính Mình và Máu Đức Kitô, họ làm nên “một thân thể” trong Đức Kitô”(Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1621).

5- Nếu một người công giáo sống như vợ chồng với một người đã kết hôn hợp pháp và đã ly dị thì không những phạm tội ngoại tình, mà còn tự đặt mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa, được gọi là ở trong tình trạng “rối”, người đó không được xưng tội rước lễ, bao lâu chưa cất khỏi ngăn trở sự hiệp thông.