T3, 12 / 2017 9:42 Sáng | Đức Tin Jesus

Giải Đáp và Hướng Dẫn:
Lm. Antôn Pađôva Hà Văn Minh, Gp. Phú Cường
Hỏi 394

Thưa cha! từ nhỏ con đã có ý hướng muốn đi tu và luôn muốn đi tu. Thời gian con đi học đại học con có yêu một bạn (bạn này cũng đang có ý hướng đi tu). Trong thời gian yêu nhau chúng con đã có hành vi trái với luật Chúa và Hội Thánh là phạm phải điều răn thứ 6. Con rất hối hận và mong được Chúa tha thứ. Thời gian qua đi, con vẫn muốn được đi tu và hiến thân mình cho tha nhân nhưng con sợ, con băn khoăn vì luật của các dòng tu là giữ đức khiết tịnh. Con thành tâm ăn năn xin Chúa tha lỗi. Xin cha giải đáp cho con, con còn được Chúa thương và còn có thể được hiến thân nữa hay không? Con cảm ơn cha!

 (Maria Nguyễn Duyên)

Đáp:

Bạn Duyên thân mến,

Tôi thật sự bối rối về câu hỏi của bạn, bơi bạn nói từ nhỏ đã có ý hướng đi tu và luôn muốn đi tu. Thế mà không hiểu sao ý muốn đi tu đó lại không đủ sức mạnh ngăn cản bạn bước vào một cuộc tình với một bạn nam khác, người đó cũng muốn đi tu. Tôi thực sự không hiểu ý muốn đi tu cua hai bạn. Trước tiên tôi muốn hỏi bạn có hiểu đi tu là gì chưa? Đã tìm hiểu đời dâng hiến chưa? Hay ước muốn đi tu chỉ là cảm xúc? Bởi nếu hai bạn đã thực sự đi tìm hiểu ơn gọi dâng hiến, và luôn ước vọng tận hiến cuộc đời cho Chúa, thì có lẽ hai bạn không ở trong tình trạng yêu và tận hiến cho nhau!

Tuy nhiên, như bạn hỏi là nếu lỡ sa ngã với một bạn trai còn có thể đi tu được không? Theo Giáo luật thì bạn vẫn có thể đi tu được. Điều 645 của bộ Giáo luật 1983 qui đinh: “Trước khi được nhận vào tập viện, các ứng sinh cần phải xuất trình giấy chứng nhận đã lãnh bí tích rửa tội và thêm sức, cũng như chứng nhận tình trạng thong dong”. Giáo luật không đòi buộc phải xuất trình giấy chứng nhận còn đồng trinh.

Luật đi tu công giáo
Luật đi tu công giáo

Điều 643 quy định: Việc thâu nhận những người sau đây sẽ vô hiệu:

1. ai chưa tới mười bảy tuổi trọn;

2. người đã lập gia đình, bao lâu giá thú còn hiệu lực;

3. kẻ hiện đang bị ràng buộc với một hội dòng tận hiến hay tu đoàn tông đồ, đừng kể trường hợp dự liệu ở điều 684;

4. kẻ vào dòng vì vũ lực, sợ hãi trầm trọng hay lường gạt; hoặc kẻ nào mà Bề Trên phải nhận cũng với tình trạng tương tự;

5. kẻ giấu diếm việc mình đã gia nhập một hội dòng tận hiến hay một tu đoàn tông đồ.

(2) Luật riêng có thể thiết lập các ngăn trở khác của việc thu nhận, kể cả chi phối sự hữu hiệu, hoặc đặt thêm các điều kiện khác.

Như vậy theo triệt 2 của điều 643, bạn có thể không thể được thu nhận vào một dòng tu nếu dòng tu ấy đặt ra một điều kiện là đòi bạn phải chứng minh mình còn đồng trinh. Hiện tại tôin cũng không biết là có hội dòng nào đặt ra điều kiện ấy không. Lời khấn giữ đức khiết tịnh trong dòng tu không là lời khấn giữ mình đồng trinh. Đức khiết tịnh (castitatis)khác với sự đồng trinh (virginitas).

Tuy nhiên Giáo huấn Giáo Hội nói về đời sống khiết tịnh như sau:  “Mỗi người giữ đức khiết tịnh tùy theo bậc sống của mình: người này trong bậc trinh khiết (virginitas) hay độc thân của đời thánh hiến, một cách thức dễ dàng tận hiến trọn vẹn tâm hồn cho Thiên Chúa; kẻ khác trong bậc gia đình hay độc thân, tùy theo luật luân lý xác định”. Người có gia đình được mời gọi giữ đức khiết tịnh trong đời sống vợ chồng; người độc thân giữ đức khiết tịnh khi sống tiết dục (Sach GLCG số 2349).

Như vậy Giáo lý Công giáo cũng nhắc đến bậc sống trinh khiết của đời sống thánh hiến. Vì vậy, việc quyết định đi tu hay không là tùy thuộc sự quyết đinh cách tự do với lương tâm ngay thẳng của bạn. Cũng có nghĩa là tùy nơi mối tương quan tình yêu mà bạn dành cho Chúa. Tốt nhất bạn nên tìm một cha linh hướng để nhờ ngài hướng dẫn hầu bạn có thể đưa ra được một quyết định đúng đắn.